Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quy hoạch lại giáo dục đại học
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh năm 2017 sẽ đẩy mạnh kiểm định chất lượng và quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp nhu cầu nhân lực.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả của ngành giáo dục trong năm qua?
- Năm 2016, ngành đã làm được một số việc như ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia.
Để góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, ngành đã bổ sung và hoàn thiện Thông tư 22 trên cơ sở Thông tư 30.
Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới quy chế đào tạo tiến sĩ hay Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
Đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm sau theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.
Quy chế thi và tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp các địa phương, nhà trường đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.
Năm 2016, chúng ta có 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, đều mang về huy chương vàng và cũng tổ chức thành công kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ về quản lý trong nhà trường. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
- Năm 2016, những vấn đề gì của ngành chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội?
- Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục còn những hạn chế, chưa làm được. Việc xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục đào tạo còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn.
Video đang HOT
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành.
Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt.
Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
- Chất lượng giáo dục đại học bị xem là “có vấn đề”, chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội. Năm 2017, Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học?
- Năm tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp.
Riêng với giáo dục đại học, bộ sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.
Từ đó, chúng ta quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp nhu cầu nhân lực của đất nước.
Bộ trưởng quan niệm, giáo dục phải tạo được môi trường tốt để mọi người học tập suốt đời theo triết lý học để biết, học để làm việc, học để sống với nhau và học để làm người. Đồ họa: Tuấn Dũng.
Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.
Năm 2017, ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.
Theo Zing
'Phát huy mọi nguồn lực để nền giáo dục có tầm'
Đó là chia sẻ của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng GD&ĐT sáng 9/4.
"Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người", ông Nhạ nói.
- Trước hết, xin chúc mừng ông được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng GD&ĐT. Bộ trưởng có thể cho biết cảm xúc của mình lúc này?
- Cảm ơn phóng viên về lời chúc mừng. Cảm xúc của tôi lúc này thật khó diễn tả. Tôi vui mừng và vinh dự được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ một chức vụ quan trọng trong Chính phủ, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì thấy trách nhiệm quá lớn lao.
Đã làm trong ngành nhiều năm, tôi thấu hiểu những khó khăn, gian khổ không hề nhỏ mà các vị Bộ trưởng tiền nhiệm đã phải trải qua. Nay được đặt vào cương vị ấy, tôi ý thức sâu sắc rằng có rất nhiều thử thách đang chờ ở phía trước.
Mặc dù vậy, tôi rất tin tưởng vào thành công vì giáo dục-đào tạo là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Chúng ta có rất nhiều chuyên gia giỏi và đầy nhiệt huyết ở cả trong và ngoài nước. Nếu tranh thủ được trí tuệ và nhiệt tình của họ thì lo gì ngành giáo dục-đào tạo của chúng ta không có "hòn núi cao".
Với tư cách là một Bộ trưởng mới, tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình.
Tân Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
- Bộ trưởng có thể cho biết nhiệm vụ ưu tiên của mình trong thời gian tới?
-Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước của ngành, việc đầu tiên tôi phải bắt tay ngay vào là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.
Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, theo đó chương trình, sách giáo khoa luôn quá tải vì chạy theo những kiến thức cụ thể, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.
Để đạt được mục tiêu ấy, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ, lớp lang theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
- Bộ trưởng sẽ triển khai các nhiệm vụ này ra sao?
-Quyết định sự thành bại của sự nghiệp này là ở nhân tố con người. Do vậy, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này.
Mặc dù còn có muôn vàn khó khăn, nhưng các thầy cô giáo ở tất cả các cấp học sẽ đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp này. Giáo viên cần phải có vị trí xứng đáng với vai trò đó. Học sinh phổ thông cũng như sinh viên các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp phải được coi là đối tượng trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Chất lượng đầu ra của đối tượng này sẽ là thước đo mức độ thành công của sự nghiệp đổi mới.
Công việc bồi dưỡng, tập huấn, thậm chí đào tạo lại đội ngũ giáo viên phải được coi trọng và triển khai một cách bài bản, khoa học. Việc tuyển chọn, đánh giá chất lượng đội ngũ và năng lực học sinh, sinh viên cũng phải dựa trên những thành tựu khoa học mới nhất của giáo dục hiện đại. Đây sẽ là những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới.
Đồng thời với công việc liên quan đến nhân tố con người, việc đổi mới chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và học liệu phù hợp sẽ được coi là khâu quan trọng. Và đổi mới quản lý, quản trị ở các cơ sở giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình và giám sát của xã hội sẽ được triển khai đồng bộ, gắn với chất lượng và hiệu quả.
Một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm.
Đấy là tiềm năng, là nguồn lực thực tế và cũng là nền tảng văn hóa-xã hội bảo đảm cho thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo. Với sự chung tay, góp sức của toàn dân và sự ủng hộ của toàn xã hội thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua.
Nhưng tôi cũng hiểu rằng, để đi tới thành công, người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cục, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại, đồng thời phải có quyết tâm rất cao, bản lĩnh vững vàng với tinh thần bứt phá quyết liệt. Tôi nguyện sẽ dành hết tâm sức của mình cho công việc để đáp lại sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn
Vụ điều giáo viên tiếp khách: Bộ trưởng có đau lòng không? Tại phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng bà thật sự đau lòng sau vụ việc nữ giáo viên ở Hà Tĩnh bị điều đi tiếp khách. Chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo thêm Quốc hội về giáo dục....