Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải đảm bảo chỗ học cho học sinh lớp 1
Nhắc đến câu chuyện hàng nghìn trẻ em có nguy cơ không được vào lớp 1 ở TP.HCM gần đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh dù thế nào cũng phải đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.
Ông Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị về nhiệm vụ năm học với giáo dục tiểu học – ẢNH KIM HIỀN
Sáng nay, 25.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học vừa qua và triển khai nhiệm vụ năm học mới đối với giáo dục tiểu học.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắc đến vấn đề quy mô trường lớp cho cấp tiểu học. Trước tình trình trạng lớp học quá đông ở một số nhà trường ở thành phố lớn, ông Nhạ chia sẻ và cảm ơn giáo viên trực tiếp đứng lớp đã rất vất vả, nỗ lực vượt qua khó khăn khi dạy một lớp học với sĩ số vượt quá quy định.
Ông Nhạ nhắc đến câu chuyện gây xôn xao dư luận ở TP.HCM thời gian gần đây khi hàng nghìn học sinh Q.12 chuẩn bị vào lớp 1 đứng trước nguy cơ không có chỗ học vì không có hộ khẩu thường trú.
“Tôi hoan nghênh lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chỉ đạo và xử lý rất kịp thời khi khẳng định sẽ tiếp nhận tất cả học sinh đúng độ tuổi trên địa bàn vào lớp 1″, ông Nhạ nói.
Video đang HOT
Ông Nhạ cho rằng, với cấp tiểu học, đặc biệt là lớp 1 ở một số thành phố lớn, dân số tăng cơ học do áp lực đô thị hoá tăng nhanh nên việc chuẩn bị về trường lớp chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn mà câu chuyện của TP.HCM vừa qua là ví dụ điển hình.
Theo ông Nhạ, vấn đề trường lớp luôn luôn là vấn đề “ nóng” ở các địa phương. Ở khu vực thành phố lớn, có số lượng dân di cư đông thì cần xây thêm trường lớp; ngược lại ở những vùng nông thôn, dân số giảm thì vấn đề sáp nhập trường lớp thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề nóng. Do vậy, cần phải nghiên cứu, chỉ đạo kỹ, tránh trường hợp dồn ép, sáp nhập một cách cơ học.
Ông Nhạ nhấn mạnh: “Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1″.
Xung quanh vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, việc giải quyết chỗ học cho học sinh Q.12 vừa qua chỉ là giải pháp trước mắt. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì sẽ gây khó khăn chồng chất cho các lớp học tiếp theo trong các năm học tới. Do vậy, cần quyết liệt hơn trong việc xây dựng, bổ sung cơ sở trường lớp trên địa bàn thành phố.
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong thời gian tới là việc tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học.
Các địa phương thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học; khắc phục tình trạng sĩ số học sinh/lớp quá đông, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất để thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của luật Giáo dục 2019.
Thực hiện quy hoạch trường lớp theo nguyên tắc tạo thuận lợi học tập cho học sinh, bảo đảm tỷ lệ phòng học/lớp, tỷ lệ giáo viên/lớp và sĩ số học sinh/lớp đúng theo quy định để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo chất lượng. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước hết tập trung chuẩn bị cho lớp 1 từ năm học 2020 -2021.
Hơn 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày
Báo cáo tại hội nghị, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết trên bình diện toàn quốc, các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hiện nay tỷ lệ này đạt 80,1% (năm học trước đạt 74,8%).
Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng đạt một số kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh toàn ngành thực hiện việc dồn dịch điểm trường với tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của cả nước là 60,1% (năm học trước là 59,7%). Trong năm học 2019-2020, các địa phương đã tích cực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về sĩ số học sinh/lớp cơ bản được thực hiện theo quy định, hiện nay tỷ lệ bình quân học sinh/lớp là 31. Các địa phương chú ý đến các giải pháp phù hợp thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường. Các cơ sở giáo dục thuộc diện dồn dịch điểm lẻ đã chú ý chuẩn bị đủ cơ sở vật chất nhằm bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, ông Tài cũng cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp còn gặp nhiều khó khăn, sĩ số học sinh chưa đảm bảo theo quy định, đặc biệt là ở các vùng thành phố, đô thị tập trung đông dân cư.
Quận 12: Chấp nhận "vượt chuẩn" sĩ số để tạo thêm chỗ học cho học sinh lớp 1
Trưa 21-8, trao đổi với PV Báo SGGP, một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quận 12 cho biết, địa phương này đang tính đến phương án tăng thêm sĩ số học sinh/lớp để giải quyết thêm chỗ học cho người dân trên địa bàn.
Trước đó, do áp lực gia tăng dân số cơ học quá lớn, mặc dù đã giải quyết chỗ học cho hơn 7.400 học sinh lớp 1, chấp nhận duy trì sĩ số vượt chuẩn từ 48-50 học sinh/lớp (Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số chuẩn là 35 học sinh/lớp- PV) nhưng toàn quận vẫn còn hơn 1.700 trẻ thuộc diện tạm trú chưa đủ điều kiện tuyển sinh.
Năm học 2019-2020, điều kiện tuyển sinh vào các trường tiểu học công lập trên địa bàn quận là trẻ có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trước thời điểm xét duyệt hồ sơ tuyển sinh 6 tháng. Năm nay do áp lực gia tăng dân số quá lớn cộng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (với hai yêu cầu cơ bản là tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với tất cả học sinh lớp 1 và duy trì sĩ số 35 học sinh/lớp), kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của quận này đã điều chỉnh quy định thời gian tạm trú lên 1 năm, tức những trẻ có sổ tạm trú từ ngày 31-7-2019 trở về trước.
Tuy nhiên, để giải quyết thêm chỗ học cho người dân, UBND quận đã chỉ đạo các trường tiểu học đồng loạt tăng thêm sĩ số lên 50 học sinh/lớp nhằm nhận bổ sung 716 học sinh. Số chỉ tiêu tăng thêm này sẽ ưu tiên những học sinh có sổ tạm trú sát mốc thời gian sau ngày 31-7-2019, con gia đình chính sách, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, trẻ mồ côi hoặc những trường hợp đã có anh, chị học tiểu học trên địa bàn. Kết quả tuyển sinh bổ sung chậm nhất sẽ được công bố vào ngày 30-8-2020.
Bên cạnh hệ thống trường lớp công lập, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, toàn quận hiện có 6 trường tiểu học ngoài công lập với khoảng 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1. Học phí bình quân của các trường ngoài công lập cao hơn trường công từ 900.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12) tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại sân trường
Năm học 2020-2021, địa phương không có trường tiểu học mới xây dựng đưa vào sử dụng nên áp lực chỗ học tăng cao. Hiện tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày toàn quận đạt 60%.
Trước thực tế khó khăn của địa phương, thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đầu tuần tới, TP sẽ có buổi làm việc với UBND quận 12 để nắm bắt tình hình và cùng địa phương tìm cách tháo gỡ, giúp đảm bảo quyền lợi và cơ hội được đến trường cho tất cả học sinh.
100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày là không thể! Để đảm bảo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, nhiều quận huyện ở TP.HCM đã cắt các lớp bán trú, 2 buổi/ngày của các khối lớp trên dồn phòng cho lớp 1. TP.HCM lập kế hoạch chuẩn bị trường lớp để đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục mới cho học...