Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì về kỳ thi tốt nghiệp và sách giáo khoa mới?
Tiếp xúc đại biểu tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết tinh thần đổi mới của ngành giáo dục là khơi dậy sự sáng tạo của giáo viên và tự chủ của học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi của đại diện các tổ chức thành viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ngày 22.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) tham dự buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh này và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14.
Tại buổi làm việc, đại biểu đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về các vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, chương trình đào tạo mới và việc lựa chọn sách giáo khoa trong thời gian tới…
Nhiều điểm mới kỳ thi tốt nghiệp THPT
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung chương trình học có tính linh hoạt theo hướng tinh giản nhưng vẫn giữ kiến thức cốt lõi. Đối với những lớp cuối cấp như lớp 9, 12, Bộ GD-ĐT đã ban hành đề thi, bài thi tham khảo để các giáo viên và học sinh bám sát ôn tập. Quy chế thi cũng phải thuận lợi cho người học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay lùi lại so với mọi năm và từ ngày 1.7, luật Giáo dục sẽ có hiệu lực nên Bộ GD-ĐT cũng tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ sẽ chuyển sang kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự phân cấp, do địa phương tổ chức nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung.
Ông Võ Xuân An, Chủ nhiệm hội đồng tư vấn dân chủ – pháp luật (UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Video đang HOT
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, thi tốt nghiệp THPT không đơn thuần là để xét tốt nghiệp mà thực chất là đánh giá chất lượng sau 12 năm học, kiểm tra kết quả của nội dung với phương pháp dạy học và phân loại học sinh để các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào đó tuyển sinh… Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa rất lớn, đòi hỏi sự công bằng, khách quan.
“Kỳ thi năm nay có điểm mới là huy động cả thanh tra Nhà nước và thanh tra tỉnh cùng tham gia. Năm nay, Bộ GD-ĐT có kế hoạch dùng phổ điểm thi so sánh với kết quả học bạ để thấy được chất lượng có thực chất hay không. Qua đó, ngành giáo dục sẽ thấy yếu chỗ nào để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
“Cuộc cách mạng” về chương trình giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc đổi mới chương trình học và sách giáo khoa lần này là một “cuộc cách mạng” của ngành giáo dục, sẽ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện.
Trước đây, ngành giáo dục Việt Nam có 5 lần thay sách giáo khoa nhưng chỉ thay ở một cấp học và việc đổi mới chương trình thực ra là việc thay đổi sách giáo khoa. Do vậy, mọi người cứ nghĩ rằng sách giáo khoa rất quan trọng như là pháp lệnh. Việc thay đổi như vậy có hạn chế rất lớn, không đồng bộ và giáo viên phải phụ thuộc vào sách, rất cứng nhắc, không có sự sáng tạo. Do đó, chất lượng giáo dục của Việt Nam có cải thiện nhưng lại bị bó vào khuôn mẫu, giáo điều. Bây giờ tinh thần đổi mới thực chất đó là khơi dậy sự sáng tạo của giáo viên và khơi dậy tự chủ của học sinh.
“Ngày xưa tiếp cận theo hướng tri thức, kiến thức cho nên nhồi nhét càng nhiều càng tốt, học càng nhiều thì thi càng tốt nên sinh ra tình trạng học nhồi nhét và chạy theo chữ nghĩa sách vở. Hệ lụy của nó rất lớn và giáo điều. Chúng ta thay đổi cách tiếp cận, là phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Bây giờ, người học học xong từng cấp độ, không phải biết cái gì mà là biết làm được cái gì. Đây có thể nói là ‘cuộc cách mạng’”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Ông Đỗ Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định, đặt câu hỏi về sách giáo khoa mới – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sau khi có chương trình giáo dục mới và chuẩn đầu ra của từng môn học thì sách giáo khoa chỉ là sự thể hiện của chương trình. Bởi thế, sách giáo khoa không nhất thiết phải có một bộ mà một chương trình có một số sách giáo khoa, giống như cùng một nội dung nhưng có nhiều cách thể hiện. Qua đó sẽ huy động rất nhiều người tham gia vào việc biên soạn sách giao khoa trên cơ sở yêu cầu của chương trình và Bộ GD-ĐT thẩm định tất cả các sách đều công bằng, theo chuẩn kiểm định đã ban hành.
“Có nhiều sách khoa nhưng đều do Bộ GD-ĐT ban hành cả cho nên không có phân biệt đâu là sách ở ngoài hay ở trong. Khi Bộ phê duyệt thì sách đó đều dùng được cả. Đây là lần đầu tiên áp dụng một chương trình có mấy sách giáo khoa”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông Phùng Xuân Nhạ phát biểu – ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Đến nay, Bộ GD-ĐT đã thẩm định, ban hành 5 bộ sách giáo khoa cho các địa phương tự chọn. Thậm chí, trên một địa bàn có thể chọn nhiều sách nhưng không có nghĩa là chương trình học sẽ khác nhau vì đều được thiết kế một chương trình chung, thống nhất trên cả nước. Việc thi là trên chương trình chứ không phải trên sách giáo khoa.
“Một cô giáo giỏi sắp tới đây có thể tham khảo nhiều sách giáo khoa chứ không phải một sách, như vậy sẽ tạo điều kiện sáng tạo cho các giáo viên. Các cô giáo sẽ có cái đổi mới và học sinh cũng vậy”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Không được tựu trường sớm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đang dự thảo và sẽ lấy ý kiến các địa phương để nghiên cứu chương trình nghỉ hè theo kế hoạch năm học là 15.7 và khai giảng năm học mới vào ngày 5.9, nhưng điểm mới là năm nay không được tựu trường sớm để ôn tập. Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, tinh giản chương trình đảm bảo gọn, chất lượng để tăng thời gian cho giáo viên, học sinh nghỉ trước tết, nghỉ hè và tham gia các hoạt động như học kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo…
Bộ GD xây dựng kho học liệu số từ các bài giảng thời Covid-19
Bộ GD-ĐT đang tập hợp các video clip được thực hiện bởi giáo viên trong thời gian qua để tạo thành một kho tài liệu số trực tuyến.
Đó là thông tin do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề "Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19" ngày 18/6.
Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trong giai đoạn dịch Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch năm học và tinh giản nội dung chương trình giảng dạy.
Đặc biệt, ngành giáo dục đặc biệt chú ý đến chuyển đổi kỹ thuật số và phương pháp giảng dạy.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục tại diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề "Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19".
Dạy học trực tuyến được triển khai trên cả nước, giáo viên được khuyến khích chia sẻ tài nguyên trực tuyến. Học sinh thuộc nhóm yếu thế, hoặc không thể truy cập các thiết bị công nghệ số để học tại nhà được quan tâm đặc biệt.
"Giáo viên đã phát triển các bài học, phát trên hơn 28 kênh truyền hình trong cả nước để đảm bảo "tiếp tục việc học" cho tất cả học sinh trong thời gian nghỉ ở nhà. Giáo viên thậm chí còn mang tài liệu học tập trực tiếp đến nhà học sinh", ông Nhạ nói.
Về việc mở lại trường học sau Covid-19, ông Nhạ nhấn mạnh 3 khía cạnh mà Việt Nam đã làm tốt.
Trước hết, đó là việc đảm bảo chất lượng học tập để bù lại thời gian giãn cách xã hội cho tất cả học sinh. Đặc biệt, có phương án để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi quan trọng khác.
Tiếp đến, có giải pháp cho những trường hợp khó khăn, đặc thù. Những học sinh không quay trở lại trường học, hoặc những em quay lại trường nhưng không bắt nhịp được với việc học được chú ý đặc biệt.
"Đối với những trường hợp này, chúng tôi xây dựng kế hoạch riêng với sự tham gia và phối hợp của học sinh và phụ huynh", ông Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin về chuyển đổi số trong giáo dục
Cuối cùng, ông Nhạ cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tập hợp các video clip được thực hiện bởi giáo viên trong thời gian qua để tạo thành một kho tài liệu số trực tuyến. Kho học liệu này cũng sẽ được dịch sang Tiếng Anh để chia sẻ với giáo viên và học sinh các nước.
Diễn đàn chính sách Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á được tổ chức trực tuyến và thu hút 16.000 người theo dõi. Diễn đàn được tổ chức nhằm bàn các giải pháp quản lý hệ thống giáo dục trong thời gian gián đoạn do Covid-19, cũng như giai đoạn tiếp theo.
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chung về kỳ thi THPT 2020, trực tiếp chỉ đạo các khâu thuộc trách nhiệm của bộ Ngày 17-6 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về rà soát...