Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Niềm tin xã hội là nguồn lực của giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định năm 2019, ngành giáo dục tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém, gây bức xúc dư luận, trong đó, phải tạo ra sự chuyển biến, thay đổi ở từng việc cụ thể.
“Tôi mong rằng xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục, vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mở đầu câu chuyện khi trả lời độc quyền Zing.vn về kỳ vọng bức tranh giáo dục có nhiều thay đổi tích cực trong năm 2019.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định ông không né tránh mà luôn thẳng thắn nhìn nhận, cũng như chịu trách nhiệm trước tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để khắc phục.
- Thưa bộ trưởng, năm 2018 có rất nhiều sự kiện lớn liên quan ngành giáo dục. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật của ngành sau một năm nỗ lực, cố gắng của hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên , cũng như của Bộ GD&ĐT?
- 2018 là năm tiếp theo ngành giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những nỗ lực trong một quá trình của ngành đã được ghi nhận tại báo cáo công bố tháng 3/2018 của Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là một trong hai quốc gia thuộc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng; học sinh Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Sau hai lần tham gia Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) vào các năm 2012, 2015, trong đó năm 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ tám thế giới về khoa học, cho thấy giáo dục đại trà của Việt Nam đạt chất lượng tiệm cận nhiều nước phát triển.
Bên cạnh giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục là điểm sáng. Năm 2018, giáo dục Việt Nam đón nhận những tin vui trên các bảng xếp hạng quốc tế: Lần đầu tiên 100% học sinh các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đoạt huy chương, trong đó đã có những em trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới. Những ngày cuối năm 2018, đội tuyển học sinh dự kỳ thi khoa học quốc tế mang về thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Những kết quả này không chỉ là niềm tự hào quốc gia, mà còn khẳng định ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục nỗ lực và đổi thay từng ngày. Đó là những đổi mới trong nội dung, phương pháp giáo dục, dần chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, lấy người học làm trung tâm.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sau một thời gian biên soạn, lấy ý kiến nhân dân, đã được công bố chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2018, sẽ hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Giáo dục đại học cũng có một năm nhiều biến chuyển. Lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới. 23 trường đã thực hiện thành công thí điểm tự chủ đại học, trong đó có 3 trường đại học đang làm Đề án tự chủ ở mức cao hơn.
Đổi mới quản trị đại học đang “cởi trói” cho hàng loạt vấn đề vốn là lực cản của giáo dục đại học. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua cuối tháng 11/2018 đã mở ra trang mới cho phát triển giáo dục đại học, mà có thể ngay từ năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả tích cực.
- Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vụ việc lớn xảy ra trong năm 2018 khiến dư luận, xã hội lo lắng, như chất lượng giáo sư, phó giáo sư, gian lận điểm thi đại học, bạo lực học đường hay sách giáo khoa độc quyền, lãng phí. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về những tồn tại trong ngành giáo dục?
- Tôi cũng như ngành giáo dục không né tránh mà luôn thẳng thắn nhìn nhận, chịu trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để khắc phục.
Việc xét tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo quy định cũ trong nhiều năm. Qua thời gian, những quy định đó không còn phù hợp yêu cầu thực tiễn. Vấn đề đặt ra cho Bộ GD&ĐT là phải tham mưu để bổ sung, thay thế bằng quy định mới phù hợp hơn.
Tháng 8/2018, quy định mới về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ GD&ĐT xây dựng đã được Thủ tướng ban hành. Với những yêu cầu cao hơn, quy định mới sẽ giải được bài toán chất lượng giáo sư, phó giáo sư mà xã hội đặt ra.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bắt đầu từ năm 2015. Việc tổ chức một kỳ thi chung hướng tới giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đồng thời mở rộng cánh cửa vào đại học hơn với học sinh. Qua mỗi năm, kỳ thi được dần hoàn thiện, tuy nhiên, không phải đã hết tồn tại trong các khâu tổ chức, coi thi, chấm thi nên phải tiếp tục hoàn thiện.
Năm 2018, sau khi rà soát, phát hiện những dấu hiệu vi phạm làm sai lệch kết quả thi ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã phối hợp các cơ quan chức năng vào cuộc ngay để xác minh, điều tra, công bố thông tin cho xã hội.
Bộ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong khâu ra đề thi, “lỗ hổng” ở quy trình chấm thi, quy trình bảo mật dẫn đến việc lợi dụng làm sai lệch kết quả. Những hạn chế, “lỗ hổng” này đã và sẽ được khắc phục triệt để trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Video đang HOT
Đầu tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT công bố thông tin về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, kỳ thi căn bản giữ ổn định như năm 2018, đảm bảo nhẹ nhàng, đề thi bám sát chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp để các trường đại học, cao đẳng có thể tham khảo kết quả làm điều kiện xét tuyển.
Bộ GD&ĐT có điều chỉnh theo hướng tăng cường giải pháp kỹ thuật, bảo mật ở tất cả khâu của quá trình thi, đặc biệt là chấm thi; sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tiêu cực.
Năm qua cũng xuất hiện những sự việc liên quan bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo. Tất cả trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí ra khỏi ngành; về mặt pháp luật cũng có những trường hợp khởi tố.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là bảo vệ giáo viên có đạo đức, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất đạo đức. Ngành giáo dục sẽ không chấp nhận bất cứ cách hành xử phi giáo dục, phi đạo đức nào của nhà giáo.
Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này cần phân tích, nắm bắt những nguyên nhân gốc rễ, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, áp lực của giáo viên.
Về việc này, Bộ GD&ĐT đang làm thông qua các cuộc tọa đàm, trao đổi với chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo; các cuộc đối thoại trực tiếp với giáo viên tại địa phương, cơ sở giáo dục. Từ đó, bộ có những điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách liên quan đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Những đổi mới trong tuyển sinh, đào tạo sư phạm, trong đó chú trọng đào tạo phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống, lòng yêu nghề được thực hiện thời gian qua cũng cho thấy quyết tâm của ngành trong việc giải quyết vấn đề “từ gốc”. Hàng loạt chuẩn mới về giáo viên, hiệu trưởng với yêu cầu cao hơn được ban hành trong năm 2018 sẽ là cơ sở để đánh giá sát thực hơn chất lượng đội ngũ.
Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025″ được ban hành tháng 10/2018, triển khai từ năm 2019, sẽ tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên.
Về sách giáo khoa độc quyền, lãng phí, đây cũng là những tồn tại đã được ngành giáo dục thẳng thắn nhìn nhận trong năm qua và có giải pháp để khắc phục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, trong đó bộ khuyến khích và cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa, sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền. Bộ GD&ĐT cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để sử dụng sách giáo khoa tránh lãng phí.
- Nhiều chuyên gia khẳng định một số vụ việc nổi cộm trong năm nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin của xã hội với ngành giáo dục. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?
- Đúng là ngành giáo dục có một năm với nhiều sự việc làm “ nóng” dư luận, ảnh hưởng niềm tin của xã hội. Nhưng nếu nhìn nhận giáo dục hoàn toàn với gam màu xám sẽ không công bằng với hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hàng triệu học sinh, sinh viên đang nỗ lực dạy và học tốt.
Giáo dục được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành. Nhưng giáo dục cũng cần thêm cả sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội.
Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới dựa trên những nghiên cứu căn cơ, có học tập kinh nghiệm nước ngoài và cân nhắc các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng thành quả của đổi mới căn bản hôm nay sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước phát triển mạnh trong tương lai.
Yêu cầu đặt ra của xã hội với giáo dục là phải ổn định, bằng chứng là nhiều người không hài lòng khi nhắc đến cụm từ “đổi mới giáo dục”. Nhưng trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong “thế cân bằng động”.
Những gì đã tốt, chúng ta giữ ổn định. Những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới. Nếu vẫn giữ sự “ổn định” của những điều chưa hợp lý, đó là sự thụt lùi, bởi xã hội tiến lên từng ngày.
Tôi nói như vậy để mong rằng xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục, vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực.
- 2019 hứa hẹn là năm người dân mong đợi giáo dục có nhiều đổi mới, tích cực. Ngành sẽ tập trung những chương trình/vấn đề lớn nào trong năm nay?
- Năm 2019, ngành giáo dục tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, trong đó, phải tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong từng việc cụ thể.
2019 là năm bản lề, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới – điểm nhấn quan trọng nhất trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Vì vậy, ngành giáo dục sẽ tập trung cao độ cho việc thực hiện nhiệm vụ này.
Trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu mới; đảm bảo đủ trường lớp, trang thiết bị tối thiểu để dạy học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học; thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Năm 2019, tôi cũng muốn dành sự quan tâm, ưu tiên cho việc giảm áp lực cho giáo viên, tạo động lực cho họ yên tâm công tác. Áp lực với giáo viên hiện nay đến từ hồ sơ, sổ sách nặng nề; từ các cuộc thi, hội thi, hoạt động thi đua mang tính hình thức; từ chế độ chính sách về thu nhập, đãi ngộ; từ sự thiếu đồng cảm, chia sẻ của phụ huynh, của cán bộ quản lý, của xã hội…
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT chỉ đạo cắt giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, đã rà soát cắt giảm các cuộc thi, hội thi nhưng qua thực tế cho thấy thế là chưa đủ. Tới đây, bộ sẽ rà soát, cắt giảm nhiều hơn nữa, trả lại cho giáo viên thời gian làm chuyên môn. Hoạt động thi đua trong mỗi nhà trường phải thực sự thiết thực và hiệu quả.
Tôi cũng nhiều lần nói về thu nhập của giáo viên, cũng như sự tôn trọng xứng đáng dành cho họ, những việc này vẫn cần tiếp tục phải cải thiện trong thời gian tới bằng sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và của toàn xã hội.
Đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, dành sự quan tâm cho giáo viên, tạo động lực cho họ chính là chúng ta đặt nền móng cho thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Quan trọng là phải tạo ra được khát vọng, niềm tin cống hiến cho đội ngũ giáo viên. Khát vọng ấy phải hòa vào khát vọng xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung một số nhiệm vụ quan trọng khác như đẩy mạnh tự chủ đại học để năm 2019 giáo dục đại học sẽ có bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.
Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh sinh viên để hình thành lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện.
Sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ giáo dục miền núi để tạo điều kiện cho các vùng khó khăn được hưởng những chính sách giáo dục ngày càng tốt hơn.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Quyên Quyên thực hiện
Ảnh: Quỳnh Trang
Đồ hoạ: Hà My
Theo Zing
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không yêu cầu tỉ lệ học sinh lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, sắp tới Bộ sẽ rà soát toàn bộ hoạt động của giáo viên, cái gì không phù hợp thì cắt giảm, kiên quyết không đưa tỉ lệ học sinh lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên.
Trong bối cảnh nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra vừa qua một phần do áp lực dạy học của giáo viên, ngày 14/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm "Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp".
Không vin vào áp lực để đi ngược chuẩn mực nhà giáo
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe ý kiến của các đại biểu liên quan đến áp lực giáo viên. Ông cho hay, ngành giáo dục có nhiều việc phải làm và có kết quả. Tuy nhiên, nhiều việc yếu kém cần nhìn nhận, xây dựng để giải quyết vấn đề.
"Ai cũng biết giáo dục phải ổn định nhưng theo Nghị quyết 29- NQ/TW-2013, thay đổi thế nào để không sốc và tạo động lực giáo viên? Khi thực sự xem đổi mới là nhiệm vụ của mình, giáo viên sẽ tìm thấy cơ hội và thành công", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, gần đây, dư luận bàn luận nhiều về áp lực giáo viên, ông cũng rất trăn trở về việc này. Phần lớn thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề nhưng trước tiên họ phải có công việc, thu nhập ổn định. Đó là một nhu cầu lớn.
Bộ trưởng đánh giá vị thế của thầy cô trong nghề rất cao quý nhưng cũng chính vì thế đôi khi lại tạo ra áp lực và cần sự chủ động trong cách tìm ra nguyên nhân, giải pháp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại tọa đàm.
Áp lực của giáo viên rất rộng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, đến môi trường xã hội, gia đình và học sinh. Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh hiện nay chỉ có 1-2 con, rất đầu tư, chăm sóc, thậm chí có những người chiều con quá.
"Giáo viên chịu áp lực nhưng không phải vì thế mà vin vào áp lực để đi ngược chuẩn đạo đức. Cũng không phải vì trường hợp cá biệt mà khái quát lên khiến thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho thầy cô yên tâm, còn làm sai ở đâu sẽ sửa. Nếu không sửa, giáo viên sẽ được đưa ra khỏi ngành. Thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ", ông Nhạ phát biểu.
Sẽ cắt giảm nhiều hoạt động để giáo viên đỡ áp lực
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, trường sư phạm phải đào tạo giáo sinh phù hợp, có tri thức, kiên nhẫn, yêu nghề. Phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng dạy người, rèn luyện giáo sinh phải được chú trọng, phát huy phẩm chất nhà giáo. Khi ra trường, họ sẽ trở thành giáo viên tự ứng xử được các vấn đề, chủ động giảm áp lực cho chính mình.
"Tôi quan tâm đến một số vấn đề, trước hết chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có phù hợp không. Trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo bồi dưỡng, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy, các em có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực", bộ trưởng khẳng định.
Nhìn nhận về một số câu chuyện không hay trong giáo dục vừa xảy ra gần đây, nguyên nhân một phần do áp lực thi đua, Bộ trưởng cho rằng, nhiều thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống, sẽ chủ động hơn, ít áp lực hơn.
Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ.
Ngược lại những thầy cô chưa được trang bị, không phù hợp với nghề. Thậm chí có những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên mà rèn luyện phẩm chất, kỹ năng là một quá trình.
Những yếu tố trong nhà trường để hình thành nên một cô thầy trong tương lai ảnh hưởng rất lớn đến năng lực xử lý tình huống và giảm áp lực cho giáo viên.
Do đó, ông bày tỏ, muốn nghe kỹ về khía cạnh này, trước khi nghe những khía cạnh khác như áp lực từ phụ huynh, một số học sinh không nghe lời thầy cô, môi trường xã hội nhiều tiêu cực, truyền thông...
Để các thầy cô có một môi trường yên tâm trong giảng dạy và tiếp tục phấn đấu đóng góp cho ngành, tới đây, ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động bổi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường.
Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất. Việc cắt giảm này không phải cắt một cách cơ học mà những gì không phù hợp thì bỏ.
"Trước đó, Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi nhưng tới đây, cả việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt, đặc biệt kiên quyết không đưa tiêu chí 100% học sinh phải lên lớp để "áp" thi đua cho giáo viên, như thế là không đúng với tinh thần giáo dục.
Điều này, yêu cầu các Sở GD&ĐT phải triển khai mạnh hơn nữa", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi thư chúc mừng nhân dịp 20/11 Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục. Xin trân trọng giới thiệu bức thư. Kính gửi: Các cô giáo, thầy giáo, cán bộ và nhân viên ngành Giáo dục! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam...