Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghi vấn về tỷ lệ mù chữ là có cơ sở
“Đúng là số lượng thống kê của chúng tôi về tỷ lệ mù chữ là như vậy. Ba năm gần đây theo khảo sát thì tỷ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có cơ sở và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận khi được đại biểu chất vấn về con số tỷ lệ mù chữ có chính xác như thống kê.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: P.V)
Sáng nay 13.8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề giáo dục miền núi trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trả lời chất vấn của đại biểu về giáo dục miền núi, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thời gian qua chúng ta đã ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp, bố trí giáo viên, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học. Ví dụ, cấp tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; giáo viên dạy tích hợp các môn được hỗ trợ tiền;…
Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, theo Bộ trưởng rất khó khăn. Cơ sở vật chất trang thiết bị đến nay nhiều địa phương chưa được 50% kiên cố, còn nhiều thiết bị hỏng.Trẻ xa trường lớp nên có hiện tượng bỏ học.
Bộ đã hướng dẫn việc dồn các điểm trường lẻ thành trường chính đồng thời khuyến khích các trường dân tộc nội trú, trong đó không chỉ khuyến khích các học sinh dân tộc thiểu số mà cả học sinh các dân tộc khác sống chung để cùng hòa nhập, giúp đỡ nhau.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ. Bộ trưởng khẳng định cả nước đã xóa mù trên 90%, nhưng thực tế nhiều vùng tỷ lệ này không thể đạt, như báo cáo mới nhất theo tổng cục Thống kê, tỷ lệ mù chữ có nơi lên tới 21%.
“Đúng là số lượng thống kê của chúng tôi về tỷ lệ mù chữ là như vậy. Ba năm gần đây theo khảo sát thì tỷ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có cơ sở và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn” – Bộ trưởng Nhạ thừa nhận.
Video đang HOT
Còn với chính sách cử tuyển, trong một khoảng thời gian như từ 2007 về trước, được thực hiện với tỷ lệ rất cao. Cũng từ chính sách này chúng ta chọn được nhiều nhân lực tốt. Nhưng gần đây chính sách này cho thấy hiệu quả hạn chế vì người cử đi học cũng chưa trúng, việc cử đi học cũng không phù hợp với thực tế yêu cầu công việc nên đi học về lại không có việc. Cử tuyển cũng khiến một số học sinh học giỏi thực sự, không thuộc diện cử tuyển về lại không có cơ hội.
Bổ sung thêm phần trả lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng vẫn nên duy trì chính sách cử tuyển. Chính bản thân ông cũng là một người được hưởng lợi từ chính sách này.
“Theo chúng tôi tổng hợp, hiện vẫn còn có 3 dân tộc là Rơ Măm, B’râu, Mảng là chưa có người học đại học. Ngoài ra còn có rất nhiều dân tộc có tỷ lệ tốt nghiệp đại học dưới 1%. Do vậy, chính sách cử tuyển để mang tới hiệu quả cần đúng đối tương, ưu tiên đối với các dân tộc có tỷ lệ dưới 1%. Cư tuyển có địa chỉ, nhưng không châm chước quá về trình độ. Vì nếu đầu vào thấp, không học được, ra trường cũng sẽ không làm được việc”- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Theo Dân Việt
Ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách hỗ trợ đối với 4 nhóm đối tượng giáo viên mầm non.
Theo quy định tại Nghị định số 6/2018/NĐ-CP, trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ) đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau đây thì được Nhà nước hỗ trợ ăn trưa:
Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Về phương thức chi hỗ trợ:
Nghị định quy định, việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm.
Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa của nhà trường, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức chi hỗ trợ ăn trưa sau:
Phương thức 1- Cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em (khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn cho trẻ em).
Phương thức 2- Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em theo quy định.
Nghị định nêu rõ, trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chưa nhận được kinh phí hỗ trợ ăn trưa theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
Trường hợp trẻ em chuyển trường, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm trả lại hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em. Cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ em chuyển đến có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định chuyển kinh phí hoặc cấp bổ sung kinh phí để cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ em chuyển đến thực hiện chi trả hỗ trợ ăn trưa theo quy định.
Trường hợp trẻ em thôi học, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm thông báo phòng giáo dục và đào tạo báo cáo UBND cấp huyện dừng thực hiện chi trả chính sách.
Theo Nghị định số 6/2018/NĐ-CP, có 3 đối tượng trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa. (Ảnh: minh họa)
Đối với giáo viên, có 04 đối tượng giáo viên mầm non được hưởng chính sách theo quy định của Nghị định.
Cụ thể, các giáo viên mầm non (gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở công lập, nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức trong các cơ sở công lập. Thời gian và bậc lương hưởng khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động được nối tiếp để xếp lương và thực hiện chính sách khi được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc.
Giáo viên mầm non (gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chính sách cho giáo viên mầm non (Ảnh: Minh họa)
Giáo viên mầm non (gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số theo quy định. Tiền mua tài liệu học tập được chi trả theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm.
Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018.
Theo Dân Trí
TPHCM: Sau rà soát, không phát hiện sai phạm thi THPT quốc gia 2018 Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo việc rà soát công tác tổ chức, thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Kết quả rà soát không phát hiện sai phạm liên quan đến kỳ thi. Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay tại thành phố đã được thực hiện với tinh thần...