Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không để sĩ số lớp học đông khi sáp nhập trường
Tại buổi khảo sát tình hình sáp nhập, dồn dịch trường, điểm trường tại một số cơ sở giáo dục tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dồn dịch hay sáp nhập phải kiên định đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm, sáp nhập phải tốt lên chứ không phải để “gọn trường, chật lớp”.
Tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến khảo sát tại Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, đây là trường nằm sát biên giới Việt – Lào và là 1 trong 3 trường trên địa bàn huyện thực hiện sáp nhập thành trường liên cấp Tiểu học và THCS.
Báo cáo với Bộ trưởng, thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi tiến hành sáp nhập, trường có 34 biên chế, trong đó cấp Tiểu học có 17 biên chế, cấp THCS có 17 biên chế. Sau khi sáp nhập, trường đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy và giảm được 6 biên chế.
Sau khi sáp nhập, quy mô của trường được mở rộng, việc tổ chức các hoạt động linh hoạt hơn, giảm bớt được các đầu mối chồng chéo. Đặc biệt, số lượng giáo viên được đảm bảo theo cơ cấu môn học, kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm tập trung hơn. Tuy nhiên, việc sáp nhập thời gian đầu cũng còn những khó khăn, nhất là trong bố trí, sắp xếp hoạt động của học sinh, giáo viên và cho công tác quản lý.
Kiến nghị với Bộ trưởng, thầy Dũng chia sẻ, cấp Tiểu học trước khi sáp nhập là trường phổ thông dân tộc bán trú nên cán bộ quản lý, giáo viên được hưởng chính sách hỗ trợ, sau khi sáp nhập không còn là trường phổ thông dân tộc bán trú nữa nên giáo viên không còn được hưởng chính sách dù việc chăm sóc, quản lý vẫn thực hiện như trước, vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT chỉnh sửa quy định hiện hành để giáo viên được thụ hưởng chính sách này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm một lớp học của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung trong việc sáp nhập, dồn dịch các trường, điểm trường, từng bước thu gọn đầu mối, thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dồn dịch hay sáp nhập phải kiên định đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm, sáp nhập phải tốt lên chứ không phải để “gọn trường, chật lớp”.
Bộ trưởng yêu cầu, ngành giáo dục địa phương cần có phương án để giãn học sinh trong trường hợp sáp nhập dẫn tới sĩ số học sinh đông, đồng thời có phương án đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh sau khi sáp nhập. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cho rằng, sáp nhập, dồn dịch trường, điểm trường là một việc khó, liên quan đến nhân sự, vì vậy, theo Bộ trưởng cần làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để mỗi người thoải mái với sự phân công, điều động, sắp xếp mới, tránh để có những “tâm tư” trong đội ngũ. Ngoài ra, quá trình sáp nhập giữa các cấp học cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của học sinh, đặc biệt là học sinh trong diện bán trú.
Bộ trưởng giao các vụ, cục chức năng của Bộ rà soát các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền của Bộ để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quá trình sáp nhập, dồn dịch trường lớp đang diễn ra nhanh tại các địa phương.
Bộ trường Phùng Xuân Nhạ trao đổi một số vấn đề ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên quan tâm khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên vùng cao
Tại buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của giáo dục Điện Biên là chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giải đáp những băn khoăn về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo một số trường sư phạm trọng điểm xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với 4 nhóm đối tượng cụ thể: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng; đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó; giảng viên các trường sư phạm và đội ngũ giáo viên.
Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý phải đi trước một bước về nhận thức và hành động đổi mới, có như vậy mới thuận lợi cho những bước tiếp theo. Quan trọng của đội ngũ này phải là đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, nếu lừng khừng, còn nhiều băn khoăn sẽ rất khó khăn. Đội ngũ hiệu trưởng cũng rất quan trọng, vì vậy, việc bồi dưỡng rất cần được chú trọng.
Video đang HOT
Để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức bồi dưỡng hiện nay, các chuyên đề sẽ được xây dựng với các yêu cầu cụ thể, đáp ứng việc nâng cao chất lượng cho từng nhóm đối tượng, tránh chung chung. Quá trình bồi dưỡng sẽ bắt đầu từ đội ngũ cốt cán được lựa chọn từ các địa phương, sau đó nhân rộng ra đại trà.
Bộ trưởng cũng đề cập đến hình thức bồi dưỡng, trong đó trực tuyến được ưu tiên trước. Theo Bộ trưởng, hình thức này sẽ phát huy tác dụng với những tỉnh miền núi điều kiện đi lại còn khó khăn như Điện Biên. Ngoài ra, quá trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý lần này sẽ chú trọng tới vấn đề tương tác, chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá chất lượng theo các chuẩn.
Chia sẻ khó khăn, vất vả với giáo viên vùng cao, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, nhằm làm giảm áp lực, tạo động lực cho đội ngũ, nhất là những giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng lưu ý, một mặt ngành giáo dục Điện Biên cần tăng cường điều kiện thuận lợi cho thầy cô, mặt khác cần kiểm soát, lắng nghe tâm tư của giáo viên để không xảy ra những vi phạm đạo đức nhà giáo.
Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Điện Biên có lộ trình để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trước hết cho bậc tiểu học, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, từng bước giảm dần trường tạm, lớp tạm, giãn sĩ số học sinh/lớp.
Đối với việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương, Bộ trưởng mong rằng, Điện Biên sẽ là điểm sáng trong quá trình xây dựng chương trình này. Bởi Điện Biên là địa danh lịch sử, có rất nhiều tư liệu quý, không chỉ cho Điện Biên mà còn cho cả nước.
Minh Thu
Theo Dân trí
6 biện pháp giảm tải cấp học phổ thông trong chương trình phổ thông mới
Thực tế, thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước nhưng việc học đang quá tải vì nhiều nguyên nhân: nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết, một số kiến thức không thiết thực, học sinh còn học để thi... Ở chương trình phổ thông mới, đã áp dụng 6 biện pháp giảm tải chương trình.
Hệ thống môn học của chương trình mới:
Trong bài viết trước, Dân trí đã giới thiệu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cấp tiểu học có những điểm khác biệt chương trình hiện hành ra sao.
Ở cấp THCS, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Ở THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Cụ thể cấp Tiểu học:
-Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
-Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Cấp THCS:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn)
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Cấp THPT:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
-Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
Giảm cao nhất 315 giờ ở cấp THPT
Ở cấp THCS, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THCS giảm 53,5 giờ.
Đối với bậc THPT, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THPT giảm mạnh, từ 262 giờ đến 315 giờ.
Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và công nghệ, Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 6.349 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 1.126 giờ.
Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.
Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
Về phương pháp giáo dục, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.
6 biện pháp giảm tải trong chương trình mới
Từ nhiều năm trước khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng "quá tải" trong GDPT. Từ hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh tiểu học đến chương trình thiên về lí thuyết, thời gian học tập lấn át giờ vui chơi và lịch kiểm tra, thi cử quá dày đều được phụ huynh học sinh và báo chí nêu lên như những điển hình về sức ép học hành đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở. Bộ GD&ĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, SGK phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.
Theo Bộ GD&ĐT, thực tế thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước.
Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước. Ví dụ, ngay những tuần đầu học lớp 1, học sinh Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc 1 cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi năm học sinh bang California, Hoa Kì phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ v.v...
Việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải do: Nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực. (Ảnh: Minh họa).
Việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải do:
Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không thiết thực.
Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.
Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.
Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều.
Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.
Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Ở Chương trình GDPT mới, áp dụng 6 biện pháp giảm tải sau:
Giảm số môn học và hoạt động giáo dục; Giảm số tiết học; Giảm kiến thức kinh viện; Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn; Thực hiện phương pháp dạy học mới; Đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Quảng Trị: Nhiều bất cập nảy sinh sau quá trình sắp xếp, sáp nhập trường học Vào năm học 2018-2019, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập trường học, tỉnh Quảng Trị đã giảm được 75 trường. Tuy nhiên, sau quá trình sáp nhập đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập về công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy học, cũng như các chế độ chính sách. Thực hiện chủ trương đổi...