Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa sớm giảm áp lực, sửa thi giáo viên dạy giỏi
Ngày 16.1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm, tặng quà tết giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo tại Bắc Giang và hứa sẽ sớm giảm áp lực cho đội ngũ này.
Ông Phùng Xuân Nhạ đến thăm và lắng nghe tâm tư của giáo viên về việc giảm áp lực không đáng có – ẢNH M.T
“Điều ước” của giáo viên: giảm áp lực và… giảm áp lực
Tới thăm cô giáo Vũ Thị Anh, giáo viên Trường Mầm non Vô Tranh 1, xã Vô Tranh – một trong những xã khó khăn của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã được chứng kiến và chia sẻ với cuộc sống muôn vàn khó khăn của gia đình cô giáo trẻ. Cô giáo Vũ Thị Anh là trụ cột gia đình, đồng lương ít ỏi của một giáo viên mầm non được cô tằn tiện để nuôi mẹ già, chị gái, người chồng không có việc làm và 2 con nhỏ.
Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng trong cuộc trò chuyện với người đứng đầu ngành Giáo dục, cô giáo Vũ Thị Anh không nhắc tới hoàn cảnh gia đình, mà gửi tới Bộ trưởng 3 “điều ước” về nghề nhà giáo. Cả 3 điều ước của cô đều liên quan đến việc làm sao giảm áp lực không đáng có cho nhà giáo.
Cô mong chế độ chính sách với giáo viên mầm non sẽ tốt hơn để thu nhập, đời sống của cô và các giáo viên khác được cải thiện; việc nâng hạng cho giáo viên mầm non được thực hiện phù hợp hơn; cô mong giáo viên mầm non sẽ được giảm bớt các sổ sách hành chính để chuyên tâm cho công việc chăm sóc trẻ. Hiện nay, hầu hết giáo viên mầm non phải làm quá giờ quy định nên cô Anh cũng mong Bộ trưởng sẽ quan tâm để giảm áp lực về giờ giấc làm việc của giáo viên.
Ông Nhạ còn tới thăm gia đình vợ chồng thầy giáo Nguyễn Xuân Đưa (Trường THCS Vô Tranh, huyện Lục Nam) và cô giáo Nguyễn Thị Nhài (Trường Mầm non số 2 Nghĩa Phương, huyện Lục Nam).
Thầy Nguyễn Xuân Đưa là giáo viên dạy giỏi và câu chuyện đầu năm với người đứng đầu ngành Giáo dục lại là những chia sẻ của thầy về một vấn đề đang được nhắc đến nhiều trong những ngày qua của ngành Giáo dục, là có nên bỏ thi giáo viên giỏi.
Thầy Đưa cho rằng cần phải thay đổi cách tổ chức thi, đánh giá sao cho thiết thực và hiệu quả, đảm bảo phù hợp hơn cho cả giáo viên và học sinh, như hiện nay rất áp lực.
Video đang HOT
Cô giáo Vũ Thị Anh và thầy giáo Nguyễn Xuân Đưa là 2 trong số 33 nhà giáo và 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Giang được nhận quà tết của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, và công đoàn Giáo dục Việt Nam trong dịp này.
Ông Nhạ ghi nhận những đề xuất của giáo viên. Riêng về mong muốn giảm áp lực mà các thầy cô giáo đề đạt, ông Nhạ khẳng định việc giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách là việc trong thẩm quyền của Bộ và và sẽ làm ngay trong thời gian tới, để tạo động lực, giảm áp lực cho giáo viên.
Đối với cuộc thi giáo viên dạy giỏi, người đứng đầu ngành GD-ĐT hứa sẽ có chỉ đạo tích cực trong thời gian tới để có những thay đổi căn bản trong cách thức tổ chức thi giáo viên giỏi, cũng như cách đánh giá giáo viên.
Quan trọng là tâm thế sẵn sàng đổi mới
Tại Bắc Giang, ông Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh. Tâm thế đổi mới là điều được người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ này.
Năm 2018 cũng là năm quan trọng của ngành Giáo dục, sau gần 6 năm khởi động, biên soạn và lấy ý kiến nhân dân, chương trình giáo dục phổ thông mới đã chính thức ban hành. Theo Bộ trưởng, hiện nay xã hội đang trông đợi vào quá trình triển khai thực hiện chương trình này.
Do vậy, ông Nhạ nhấn mạnh đến tâm thế đổi mới của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và mong rằng, Bắc Giang sẽ đi đầu trong việc quán triệt tâm thế này để mỗi giáo viên, mỗi cán bộ quản lý thực sự thay đổi, trở thành một phần tích cực của đổi mới.
Ông Nhạ cũng đề nghị, Bắc Giang sẽ là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ “giảm áp lực cho giáo viên” bằng việc cắt giảm mạnh các hồ sơ, sổ sách không cần thiết; mạnh dạn bỏ bớt các tiêu chí thi đua gây áp lực cho giáo viên; xem xét, điều chỉnh, cắt giảm các hội thi, cuộc thi không thiết thực cho giáo viên…
“Phải làm sao để các thầy cô được vinh danh thấy xứng đáng, cơ sở giáo dục thấy tự hào. Nếu bản thân chúng ta còn thấy vất vả thì xã hội sẽ không đồng tình”, ông Nhạ nói.
Theo thanhnien
Học sinh yếu không được vào lớp ở Hải Phòng: Bộ GD&ĐT lập tổ công tác rà soát
Trước việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa chỉ đạo tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, làm căn cứ sửa đổi thông tư 21/2010/TT-BGDĐT.
Dư luận đang xôn xao về tin nhắn của một giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng, gửi cho các phụ huynh với nội dung: " Thứ 4 (9/11) đến thứ 6 (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!"
Việc một số học sinh phải ở nhà, do không được lựa chọn để tham dự lớp học thi giáo viên giỏi cấp thành phố khiến nhiều người bất bình.
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT đã thông tin đến báo chí về sự việc.
Thông tin một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay.
Theo đó, thông tin một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay địa bàn này để kịp thời chấn chỉnh, làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Được biết, thời gian qua, để giảm áp lực của đội ngũ giáo viên từ quy định hồ sơ, sổ sách tới một số hội thi, cuộc thi giáo viên giỏi thiếu thiết thực và hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và tình hình thực tế tại các địa phương.
Việc rà soát này, nhằm làm căn cứ để chỉnh sửa, bổ sung các quy định đã cũ, không còn phù hợp.
Hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.
Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư 21 sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành.
Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất để có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019, bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đó, trong chuyến công tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên.
Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu.
Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".
Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Kỳ thi nào cũng có vi phạm" Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội (QH) chiều 26/10, giải trình một loạt vấn đề "nóng", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, "cá nhân tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực". Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TN "Giáo dục và đào tạo...