Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình đại học trực tuyến
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá Đại học trực tuyến FUNiX là mô hình học sáng tạo, mới mẻ nhưng vẫn cần lưu ý nhiều yếu tố.
Tham gia tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ IV” tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2016), tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Hiệu trưởng Đại học FUNiX đã giới thiệu 10 nguyên tắc hoạt động của trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng.
Theo TS Nguyễn Thành Nam, xuất phát từ thế giới Internet ngày càng bùng nổ, Đại học trực tuyến FUNiX được thành lập để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nền tri thức vô giá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. FUNiX hoạt động theo 10 nguyên tắc cốt lõi như tiết kiệm thời gian, sử dụng bài giảng của giáo sư nổi tiếng thế giới, cải thiện kỹ năng tiếng Anh, học đến đâu cấp chứng chỉ tới đó, học trên tinh thần tự nguyện, giải đáp nhanh chóng, đánh giá học viên theo phương pháp mới, xây dựng cộng đồng và tiết kiệm học phí…
TS Nguyễn Thành Nam cũng đánh giá phương pháp học online đem lại nhiều lợi ích cho học viên. Ngoài tăng cường khả năng học tiếng Anh, sinh viên được chủ động học, tiếp cận với những kiến thức mới nhất thế giới. Tại FUNiX, sinh viên được đặt câu hỏi cho giảng viên (mentor). Chỉ trong chưa đầy 8 tháng, trường đã nhận được hơn 10.000 câu hỏi. Giống như mô hình của Uber, chỉ cần điện thoại có cài chương trình là thầy giáo có thể trả lời cho sinh viên. Một buổi tối, các giảng viên có thể trả lời tới 100 câu hỏi.
Bên cạnh đó, FUNiX còn hướng tới xây dựng một cộng đồng công nghệ. Tại đây, bên cạnh tri thức, mọi người còn học được cách ứng xử, giúp nhau giải quyết những bài toán thực tế và chuẩn bị cho quan hệ đồng nghiệp sau này.
Mô hình đại học trực tuyến được các diễn giả tại tọa đàm đánh giá cao, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng cho rằng đây là mô hình sáng tạo và mang tính đột phá tại Việt Nam dù việc đào tạo trực tuyến đã phát triển mạnh ở nhiều nước phát triển. Mô hình này có thể giúp phổ biến kiến thức và phát triển nhân lực công nghệ thông tin ở bất cứ đâu, không phân biệt vùng miền và trình độ cũng như phương pháp đào tạo. Bộ cũng khuyến khích các trường đào tạo công nghệ thông tin áp dụng mô hình đào tạo này. Tới đây, Bộ cũng xây dựng chương trình đào tạo lại giáo viên theo phương thức online.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình học online của FUNiX. Ảnh: Thanh Tùng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm, trường vẫn phải lưu ý nhiều yếu tố. Trước hết, để có bài học tốt, vấn đề không chỉ thông tin truyền qua mà phải có cơ sở lý thuyết, có sự tương tác giữa thầy và trò trong quá trình giảng dạy. Việc kiểm tra đánh giá cần thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quản lý và đánh giá đúng chất lượng.
Đồng quan điểm, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá mô hình này mới và tân thời. Khác với phương pháp giáo dục truyền thống chỉ dạy những gì sẵn có, mọi người có thể học những gì chưa biết qua Internet. Khái niệm trường đại học sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ số.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Tùng.
Cũng trong buổi tọa đàm, các khách mời cũng thống nhất coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam. Tiếng Anh và công nghệ thông tin vẫn là 2 chân kiềng chính hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục cũng phải gắn liền với tiếng Anh, nếu tách ra, hiệu quả sẽ giảm, thậm chí không đạt được mục tiêu. Như vậy, chỉ cần có công nghệ thông tin, tiếng Anh và bộ não, con người có thể làm được tất cả.
Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) là một trong những sự kiện lớn của ngành công nghệ thông tin, được Vinasa tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Năm nay, chương trình có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, UBND các địa phương và 14 đại sứ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Với chủ đề “Cách mạng số – Cơ hội và thách thức”, diễn đàn đã trao đổi, thảo luận theo bốn tọa đàm gồm: Cách mạng số và Quốc gia khởi nghiệp, Cách mạng số và Phát triển hạ tầng công nghệ thông, Phát triển nhân lực trong cách mạng công nghiệp thứ tư và IoT, Smart City. Diễn đàn cung cấp cái nhìn khách quan về thời đại cách mạng số, những cơ hội và thách thức còn tồn tại.
Theo VNE
Bộ GD&ĐT trả lời về dạy tiếng Nga, Trung Quốc từ lớp 3
Tối 22/9, Bộ GD&ĐT có văn bản giải đáp thắc mắc của dư luận liên quan dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông.
Mới đây, thông tin từ hội nghị trực tuyến về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT tổ chức cho biết lộ trình: Đưa tiếng Nga, tiếng Trung Quốc giảng dạy hệ 10 năm từ năm 2017.
Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng thời đại hội nhập cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp nên dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông là lạc hậu.
Ý kiến khác chia sẻ học sinh hiện phải học quá nhiều ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT nên chú tâm nâng cao trình độ tiếng Anh.
Về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất, Bộ GD&ĐT cho biết ngoại ngữ thứ nhất là bắt buộc.
Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ nhất.
Năm 2011, Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai, tùy nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.
Ngoại ngữ thứ hai là tự chọn. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã trình Bộ trưởng GD&ĐT kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có hoạt động xây dựng môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật.
Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, THCS, THPT đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.
Tóm lại, Bộ GD&ĐT khẳng định hiện tại, 3 thứ tiếng là ngoại ngữ một gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Theo lộ trình, sắp tới, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga được thêm vào nhóm một theo quyết định được ban hành năm 2006.
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngoại ngữ nào là thứ nhất tùy thuộc điều kiện, nhu cầu của địa phương chứ Bộ không quy định cứng.
Học sinh tại Hà Nội học tiếng Anh của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, đại diện Ban đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết tiếng Nga, tiếng Trung Quốc đã và đang được dạy và học như ngoại ngữ thứ nhất nhiều năm nay ở cấp THCS và THPT theo chương trình 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12).
Ví dụ, tiếng Trung Quốc được dạy ở các tỉnh thành: Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM.
Ngoại ngữ thứ hai là tự chọn, trong đó tiếng Hàn và tiếng Đức đã được cấp phép.
Ban đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 khẳng định không có chuyện vì dạy tiếng Trung Quốc hay tiếng Nga, giáo viên và học sinh sẽ "chối bỏ" hay sẽ có những "phản ứng gây khó khăn".
Ban đề án cho biết thông tin tiếng Trung Quốc và tiếng Nga sẽ trở thành ngoại ngữ thứ nhất theo chương trình 10 năm từ năm học 2017 là kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, chưa được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt.
Nếu được phê duyệt, Ban đề án sẽ phối hợp các trường đại học, chuyên gia xây dựng chương trình từ năm học 2017-2018. Thời gian và quy mô triển khai sẽ dựa trên cơ sở điều kiện dạy học của địa phương, trường học, nhu cầu và nguyện vọng của người học. Nếu triển khai, quy mô ban đầu cũng sẽ nhỏ từ 2 tới 5 lớp mỗi ngoại ngữ.
Lý giải về băn khoăn Đề án đưa nhiều ngoại ngữ vào trường học, trong khi tiếng Anh được cho là dạy chưa tốt, đại diện Ban đề án phân tích: Chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh nói riêng hay ngoại ngữ nói chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc dạy một ngoại ngữ này ít ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của việc dạy ngoại ngữ khác.
Theo Zing
'Nên dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc từ năm 2017' Theo thầy Nguyễn Quốc Hùng, tiếng Nga và tiêng Trung Quốc có vi tri tương đối vững chắc, đặc biệt trong dịch thuật, nên cần phát triển. Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn...