Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch theo hướng quốc tế
Đáp lại những góp ý về thực trạng nhân lực ngành Du lịch còn yếu và thiếu từ các trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ các giải pháp nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực của ngành “công nghiệp không khói” này.
Phát biểu tại Diễn đàn Nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ những định hướng, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch ở góc độ của ngành Giáo dục.
GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ những giải pháp nâng chất lượng nhân lực ngành du lịch ở góc độ của ngành giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực du lịch. Trong đó, Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị linh hoạt về mã ngành, phối hợp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái đào tạo. Bộ đã ban hành Quyết định 4949 mang tính đột phá, tạo điều kiện chuyển nhiều sinh viên ngành Sư phạm, ngành khác sang ngành Du lịch. Bộ cũng có đề án tạo phương thức đào tạo gắn liền thực tiễn. Thời gian đào tạo trong doanh nghiệp ít nhất 30%. Theo ông Nhạ, với chính sách này, nhiều sinh viên không phải đào tạo từ đầu, được công nhận các kỹ năng.
Trước tình trạng cầu rất nhiều, cung thì hạn chế, ông Nhạ nêu thêm giải pháp. “Ở đây, tác động về cơ chế chính sách của ngành giáo dục đào tạo, chúng tôi thấy có nhiều cái cần tháo gỡ, ví dụ, linh hoạt lĩnh vực đào tạo, tăng đào tạo thực tiễn; gắn đào tạo ở các khách sạn nhà hàng, môi trường du lịch, mã ngành công nhận chuyển đổi giữa sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH nằm trong khung trình độ quốc gia, tạo nhiều linh hoạt cho người học, thậm chí nhiều em chỉ học sơ cấp, trung cấp du lịch sau đó chuyển sang CĐ, ĐH một cách thuận lợi, chứ không quy định cứng như trước đây. Đó là hướng mà chúng tôi sẽ làm”, ông Nhạ chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ GD-ĐT cũng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành khác rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch theo hướng chuẩn hóa. Bởi vì thực tế chúng ta không chuẩn hóa được chất lượng, trường và chương trình thì đầu ra mỗi người học một chuẩn, sẽ rất khó cho chính người học lẫn doanh nghiệp. Việc rà soát sắp xếp lại theo hướng phân bổ theo cấp quốc gia, gắn với các vùng có phát triển du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học và thực hành ngay tại chỗ. Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các Bộ ngành khác để khuyến khích xã hội hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp để tạo ra một chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo và sử dụng, để hỗ trợ nhau, và khâu này phải nằm trong một quy trình chứ không phải chỉ hợp tác thông thường giữa ĐH và doanh nghiệp.
Hàng trăm lãnh đạo trường ĐH, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước tham dự diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM
Cần tạo ra được nguồn học bổng khuyến khích học sinh giỏi vào ngành Du lịch, đặc biệt chú trọng ngoại ngữ và những kỹ năng để giao tiếp quốc tế. Du lịch là ngành có tính chất đa lĩnh vực nên ngoài chuyên môn ra, các kiến thức tổng hợp thông qua học tập suốt đời rất nhiều. Chúng tôi đẩy mạnh phương thức giáo dục thường xuyên thông qua hình thức trực tuyến.
“Với trách nhiệm của mình, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cùng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặc biệt các trường ĐH, doanh nghiệp để cùng thiết kế, định hướng chương trình và cùng phối hợp đào tạo để tạo động lực cho người học, cho nhiều người tham gia vào. Đồng thời, chú trọng chất lượng đào tạo, chất lượng bồi dưỡng phù hợp với thiết kế tiến đến kiểm định để chuẩn hóa theo hướng quốc tế chương trình đào tạo, tránh tình trạng đa dạng và không công nhận lẫn nhau”, lãnh đạo ngành giáo dục nói.
Video đang HOT
Gần 50% lao động trong lĩnh vực Du lịch yếu ngoại ngữ
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nêu lên hàng loạt thách thức và cơ hội của ngành du lịch
Cũng tại diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nêu lên hàng loạt thách thức và cơ hội của ngành Du lịch. Đặc biệt, ngay tại TPHCM hiện cũng đang “khát” nhân lực lành nghề và chất lượng cao.
Dẫn chứng ở trình độ ngoại ngữ, ông Vũ nói: “Mỗi năm, TPHCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hằng năm, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong ba năm trở lại đây. Tính đến 2018, thành phố có 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ, bao gồm 3.146 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 2.272 hướng dẫn viên du lịch (HDV DL) nội địa. Tuy nhiên về chất lượng hướng dẫn viên có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt trong đó một số ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga còn rất hạn chế”.
Còn ở góc độ đào tạo, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đặt câu hỏi: Thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao? Trước đây người học cử nhân được coi là chất lượng cao nhưng trong xu thế quốc tế hóa hiện nay, cần xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là cử nhân trở lên và đáp ứng chuẩn quốc tế – bằng cấp được liên thông và chấp nhận quốc tế.
GS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen nêu các kiến nghị giúp các trường đào tạo tốt hơn
Để có được nguồn nhân lực cao, các trường cần phải thay đổi từ phương pháp, chương trình đào tạo, tăng thời lượng thực hành thực tế, kết nối doanh nghiệp trong đào tạo.
Bà Quỳ kiến nghị chương trình đào tạo của các trường phải chú trọng kiến thức liên ngành cho sinh viên. Ngoại ngữ là một trong những yếu tố tiên quyết: chuẩn đầu ra ngoại ngữ nên là chuẩn quốc tế (chuẩn của ĐH Hoa Sen là 5.5 IELTS).
Bên cạnh đó cần giáo dục ý thức phát triển bền vững cho sinh viên. Cần quan tâm sâu sát vấn đề thực hành, thực tập của sinh viên. Kết cấu chương trình thực hành và lý thuyết là 50-50 và đưa sinh viên thực hành tại các doanh nghiệp về du lịch.
Lê Phương
Theo Dân trí
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải chọn người có trách nhiệm với xã hội tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019
Đề cập đến từng khâu của kỳ thi THPT quốc gia 2019 như chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phải chọn đúng người tham gia vào các khâu này, "Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội".
Chiều 10/4, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2019 đã họp phiên đầu tiên. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo
Hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh
Theo Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019, Ban Chỉ đạo gồm 37 thành viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là Trưởng ban. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 32 thành viên.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại phiên họp cho thấy, công tác chuẩn bị thi và tuyển sinh năm 2019 đã được tiến hành tích cực trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh những năm trước đó, nhất là năm 2018.
Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi, tuyển sinh đã được ban hành đầy đủ trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành nên có tính thực tế, khả thi và đồng thuận xã hội cao, đam bảo làm căn cứ pháp lý để chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019.
Cụ thể một số công việc đã được triển khai thời gian qua: Hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm; đồng thời tổ chức tập huấn các phần mềm này; chuẩn bị ra đề thi; tổ chức đăng lý dự thi THPT quốc gia, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đáp ứng tiến độ và yêu cầu tổ chức thi; dự thảo phương án điều động các trường đại học, cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi...
"Đây là nhiệm vụ chính trị"
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức cho tất cả các thành phần, đối tượng tham gia vào kỳ thi, từ các thành viên Ban chỉ đạo trung ương, địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng chuyển tải toàn bộ tài liệu, thông tin đến từng trường THPT, có văn bản yêu cầu giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, phụ huynh tham khảo đầy đủ các thông tin, tài liệu này, tránh việc thông tin về kỳ thi, tuyển sinh không đến được với những người cần biết.
Riêng với những người tham gia tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng chỉ đạo cần xây dựng một cẩm nang ngắn, trong đó làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng người; từng bước, từng khâu để thực hiện vai trò, trách nhiệm.
Bộ trưởng đề cập đến từng khâu của kỳ thi như chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi với chỉ đạo chung là phải chọn đúng người tham gia vào các khâu này; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng người. "Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội" - Bộ trưởng nêu rõ.
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác thanh tra, Bộ trưởng chỉ đạo, đội ngũ làm công tác thanh tra phải được lọc lựa kỹ, có chuyên môn, nghiệp vụ sâu, tinh thần trách nhiệm cao; các đoàn thanh tra phải có cơ cấu gọn nhẹ; công tác thanh tra đảm bảo thực chất. "Tất cả các khâu của kỳ thi phải thể hiện rõ vai trò của hoạt động thanh tra, giám sát. Có vấn đề gì đội ngũ này phải chịu trách nhiệm".
Đối với công tác tuyển sinh, Bộ trưởng nêu rõ, phải thể hiện được rõ vai trò của hướng nghiệp trong công tác tuyển sinh, tránh việc vì được đăng ký nhiều nguyện vọng mà học sinh mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia tuyển sinh tăng cường hướng dẫn cho học sinh để các em chọn lựa đúng ngành, trường phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu của thị trường lao động.
Bộ GD&ĐT không đứng ra áp điểm sàn
Trước đề xuất của Trường Đại học Y Hà Nội về việc cần có điểm sàn cho nhóm ngành sức khỏe, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề mà các trường trong nhóm ngành sức khỏe phải tự cân nhắc, bàn bạc và báo cáo Ban Chỉ đạo. "Bộ không đứng ra áp điểm sàn, các trường tự chấp nhận điểm sàn và phải chịu trách nhiệm về chất lượng" - Bộ trưởng nói.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi; thành lập Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia năm 2019; nhanh chóng hoàn thiện phần mềm thi, tuyển sinh; hoàn thiện phương án điều động các trường đại học, cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác thi, tuyển sinh; tăng cường truyền thông về thi và tuyển sinh...
Minh Thu
Theo Dân trí
Cậu bé 8 tuổi gác giấc mơ học tiếng Anh vì nhà quá xa Vào 2 ngày cuối tuần, Nguyễn Thành Đạt học sinh lớp 2 Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh) được chị Lê Thị Năm (giáo viên Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn, mẹ Đạt) chở đi từ nhà ở xã vùng cao Đồng Sơn hơn 100km để học tiếng Anh với ước mơ đến học tại nước Anh...