Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học sẽ được ban hành trước năm học mới
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học mới đây. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố “ phong trào”.
Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng thầy và trò Quảng Ninh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
“Trống” trong đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên trong các trường sư phạm
Tại cuộc họp, các thành viên nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Trước hết đó là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội. Trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.
Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.
Video đang HOT
Chỉ ra những tác động từ áp lực cuộc sống dẫn tới việc nhiều bậc phụ huynh phó thác con cái họ cho nhà trường làm cho mối quan hệ nhà trường – gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em, nhóm nghiên cứu cho rằng, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình – nhà trường sẽ là mấu chốt để mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Nghiên cứu từ thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò “dạy người” còn “khiêm tốn”, ở một số nơi bị xem nhẹ.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là vấn đề mà chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu và giải quyết. Hiện nay, một số trường phổ thông đã xây dựng được các quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng về cơ bản còn chung chung, đa số học sinh chưa quan tâm, giáo viên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đưa ra một khung quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học chi tiết để học sinh, giáo viên, phụ huynh có thể thực hiện, kèm theo đó là chế tài thưởng – phạt cụ thể và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”
Phát biểu định hướng tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại một số sự việc xảy ra gần đây thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường và cho rằng, dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên, rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với học sinh tỉnh Lào Cai
Đề cập tới hàng loạt các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới văn hóa ứng xử trong trường học, Bộ trưởng cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường dạy “người” thời gian qua đã được làm rất tốt nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phươnh hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được ban hành kịp thời, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình triển khai tại cơ sở nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.
Bộ trưởng yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các qui định, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…
“Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát và đánh giá mới được” – Bộ trưởng yêu cầu.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu và ban soạn thảo xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường phổ thông bám sát, khai thác những kết quả nghiên cứu này để có cơ sở thực tiễn cho quá trình xây dựng.
“Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới” – Bộ trưởng khẳng định.
Bá Hải
Theo giaoducthoidai.vn
Vực dậy ngành sư phạm: Quyết tâm của Bộ trưởng có thành hiện thực?
"Người vào học ngành sư phạm phải là những thí sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm tổ chức gần đây.
Giáo viên vùng cao điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: giaoduc.net.vn
Trước thực trạng đầu vào các trường sư phạm thấp đến mức thê thảm, những học sinh có 9 điểm/3 môn thi cũng được tuyển và sự xuống cấp trong chất lượng đào tạo sư phạm, ý kiến của Bộ trưởng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Các giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và đề cao yêu cầu chất lượng; Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương khảo sát; có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm để tuyển được những người khá, giỏi.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về các giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra. Việc thống kê nhu cầu giáo viên theo từng giai đoạn không có gì là khó. Tuy nhiên, hiện nay, có một số lượng lớn GV đã ra trường nhiều năm đang thất nghiệp. Đây là con số mà địa phương khó nắm bắt và rất dễ làm cho kế hoạch đào tạo theo địa chỉ bị phá sản.
Bên cạnh đó, hiện hầu hết các môn, các cấp học đều thừa GV, chỉ thiếu một số lượng ít ỏi GV mầm non, GV vùng sâu vùng xa. Nếu đào tạo theo "đặt hàng", khi số lượng quá ít và không đồng đều giữa các môn, cấp học, liệu các trường sư phạm có đáp ứng được?
Mặt khác, trong khi chờ đợi chỉ tiêu, các trường sư phạm sẽ tồn tại như thế nào? Yêu cầu của trường sư phạm là phải đủ cơ cấu giảng viên, bộ môn, cấp học. Nếu tồn tại lay lắt thì chính các trường sư phạm sẽ "xuống cấp" đầu tiên về chất lượng.
Và, cho dù việc đào tạo theo địa chỉ sẽ thành công, các sinh viên sư phạm ra trường sẽ có việc làm, thì cũng không bảo đảm thu hút được những sinh viên giỏi nhất.
Bởi, mức lương của giáo viên, sau hàng chục năm đi làm, hiện cũng chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng, quá thấp so với nhu cầu cuộc sống. Môi trường làm việc cũng có nhiều áp lực, nhất là với cấp mầm non, tiểu học. Hầu hết GV đều định hướng cho con không theo nghề mình.
Cái khó nữa là ngân sách khó khăn, khả năng chi cho giáo dục đã tới hạn, không thể cấp thêm.
Ý tưởng chấn hưng, vực dậy ngành sư phạm là đúng đắn. Tuy nhiên, quyết tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp quá nhiều thử thách, chông gai. Trước khi nêu ra giải pháp, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần triển khai thật tốt công tác thống kê, khảo sát thực trạng, từ nhu cầu, quy hoạch GV, đến số sinh viên còn "tồn đọng", cơ chế, chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo, hiện trạng cơ sở vật chất, đội ngũ của các trường sư phạm...
Theo Laodong.vn
Tái cấu trúc để nâng cao chất lượng các trường sư phạm Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 30 trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo sư phạm và trường cán bộ quản lý...