Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 200.000 cử nhân thất nghiệp, tỷ lệ không quá lớn
Nói về lao động có trình độ đại học không có việc làm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nếu tính số lượng trong độ tuổi lao động (15-60) có tới khoảng 200.000 lao động có trình độ đại học không có việc làm nhưng nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ không quá lớn…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Chất lượng đào tạo chưa cao nên lao động thất nghiệp!
Báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 90 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước và 05 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế.
Bên cạnh đó, có 112 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, gồm 08 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 104 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Văn hoá chất lượng đang được hình thành, lan toả trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; chưa thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.
Một số trường đại học sau thời gian hoạt động chưa đảm bảo đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đề án thành lập trường dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, khó tuyển sinh, không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng.
Giải thích về hạn chế trên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc một phần vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thu nhập trung bình thấp nên các nguồn lực và điều kiện dành cho giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu để cạnh tranh về chất lượng so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn.
Về lao động có trình độ đại học không có việc làm, theo Bộ trưởng Nhạ nếu tính số lượng trong độ tuổi lao động (15-60) có tới khoảng 200.000 lao động có trình độ đại học không có việc làm nhưng nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ không quá lớn (năm 2017 tỷ lệ này khoảng từ gần 3% đến 4,5%), chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động.
“Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cơ chế chính sách chưa tạo động lực khởi nghiệp, lập nghiệp; Có sự chênh lệch đáng kể giữa điều kiện sống giữa các vùng miền nên tạo ra thừa thiếu cục bộ, nhiều nơi vẫn thiếu nhưng không thu hút được lao động trình độ cao.
Video đang HOT
Cử nhân thất nghiệp, nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành
Do chính sách giáo dục còn nhiều bất cập
Theo báo cáo, Bộ trưởng Nhạ đã nhận phần trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành là do cơ chế chính sách về giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập, phạm vi tự chủ đại học còn hẹp; Quản lý đào tạo chưa theo chuẩn quốc tế nên hạn chế trong liên thông, liên kết, trao đổi sinh viên giữa Việt Nam với nước ngoài.
Cơ sở giáo dục đại học chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế, nhân sự, tài chính, tài sản… Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao; thu nhập của giảng viên đại học thấp, chưa thu hút được nhiều người giỏi và chưa tạo động lực làm việc.
Bên cạnh đó, tài chính eo hẹp, chi phí thấp, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nghèo nàn, chưa tạo môi trường làm việc cho các nhà khoa học giỏi; Chính sách khuyến khích và thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để tạo cơ chế thúc đẩy sự bình đẳng thực sự giữa các trường thuộc khối công lập và ngoài công lập.
Việc thành lập trường, mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh… chủ yếu dựa trên năng lực của cơ sở đào tạo, chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động…
Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ đang hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển GDĐH. Trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; trình Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập…
Tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học, các trường tự xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đại học; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…
Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển tư duy sáng tạo của học viên; quản lý chất lượng tổng thể bao gồm quản lý các điều kiện đầu vào, quản lý quá trình đào tạo và quản lý chất lượng đầu ra phù hợp với khung trình độ quốc gia; triển khai các giải pháp nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Công bố các điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, các sản phẩm khoa học công nghệ của trường.
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng lại hệ thống chế tài xử phạt nặng hơn đối với vi phạm chất lượng giáo dục đại học và xử lý nghiêm đối với vi phạm; công bố công khai kết quả kiểm định, kết quả thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
"Không có nước nào trên thế giới lại có nhiều ngành nghề như ở Việt Nam"
"Nhiều trường ĐH mở ngành mới để đón đầu 4.0 nhưng thực ra là đang "chẻ" ngành để thu hút thí sinh. Không có nơi nào trên thế giới có hệ thống ngành nghề nhiều như ở nước ta với 366 ngành nghề đào tạo hệ ĐH, 400 ngành cao đẳng và 800 ngành trung cấp, nhưng ngược lại thất nghiệp cũng đang dẫn đầu".
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM nêu lên những băn khoăn tại hội thảo khoa học "Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức mới đây.
Ngành nghề nào phát triển trong thời đại 4.0
Ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận: "Cuộc cách mạng này chúng ta đã nói rất nhiều nhưng cần thực tế nhìn nhận những ngành nghề nào sẽ phát triển trong giai đoạn này và chuyển đổi nên thực hiện ra sao. Tôi thấy hiện nhiều trường ĐH, nhất là trường dân lập mở ngành mới để đón đầu 4.0 nhưng thực ra là đang "chẻ" ngành để thu hút thí sinh. Trên thế giới chưa có nước nào số lượng ngành nghề nhiều như ở Việt Nam với trên hơn 360 ngành nghề bậc ĐH, 400 ngành đào tạo bậc CĐ, 800 ngành trung cấp... nhưng ngược lại tỷ lệ thất nghiệp cũng đang dẫn đầu".
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM góp ý kiến cho vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0
Theo ông Tuấn, để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.
Vị chuyên gia dự báo nhân lực này cũng nhận định, các nhóm ngành sẽ phát triển mạnh trong cuộc cách mạng này gồm: công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, quản trị dịch vụ tài chính... Nhưng điểm đáng lưu ý là các nhóm ngành này không chỉ phát triển theo cách truyền thống bấy lâu mà theo hướng mới đòi hỏi kiến thức rộng và sâu hơn.
Không chỉ xu hướng ngành nghề, theo ông Trần Anh Tuấn, trường ĐH còn cần trang bị cho người học những kỹ năng để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. "Ở thời đại của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, quan trọng nhất là kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh đó là tính kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm với nghề nghiệp cao. Người lao động còn phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt một ngoại ngữ. Quan trọng hơn là hiểu biết cụ thể về thông tin, nắm bắt được nhu cầu xã hội để tính toán các bước đi phù hợp trong nghề nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo nhóm tác giả Phạm Đình Long và Dương Tiến Hà My của trường ĐH Mở TPHCM, cơ cấu ngành nghề đào tạo cần điều chỉnh phù hợp với thực tiễn nhu cầu lao động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bởi nếu cơ cấu ngành đào tạo xa rời thực tiễn có thể dẫn đến tình trạng nhà tuyển dụng không tuyển được nguồn lao động phù hợp trong khi sinh viên không tìm được việc hoặc phải làm trái nghề.
Hội thảo khoa học "Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Nhóm tác giả này cho rằng các trường ĐH cần nắm bắt được xu thế này để thay đổi và thiết kế lại số lượng ngành học, chương trình thích hợp. "Tuy nhiên, khó khăn mà các trường ĐH phải đối mặt là những hạn chế trong công tác dự báo các công việc nào ở Việt Nam sắp tới bị thay thế và tỷ lệ thay thế là bao nhiêu. Chính điều này khiến các quyết định chính sách của trường về ngành đào tạo, chương trình học và hình thức đào tạo trở nên khó khăn hơn", nhóm tác giả lo ngại.
Vẫn thiếu nhiều nhân lực
Dù công nghệ thông tin được đánh giá có vai trò then chốt trong phát triển 4.0 nhưng thực tế nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu ở nước ta. Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM cho rằng thành phố hiện đang có khoảng 30.000 người lao động trong lĩnh vực này. Từ nay đến năm 2020, thành phố vẫn cần tới 1 triệu nhân sự, thời gian dù chỉ còn 3 năm nhưng vẫn đang thiếu tới trên một nửa lực lượng. Để chuẩn bị lực lượng, Hội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp trực tiếp đến từng trường ĐH, CĐ để giới thiệu thông tin về nhu cầu này.
Các chuyên gia đã cùng trao đổi và nêu ra những ý kiến, đề xuất sáng tạo, thực tiễn để làm rõ hơn những tác động toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở vị trí người sử dụng lao động, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, đặt vấn đề: "Các trường ĐH cần làm sao để những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hoặc sinh viên đã tốt nghiệp quay về trường để bổ sung kiến thức đều có thể nhận biết được về 4.0, tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nước ngoài đến để trao đổi với người lao động về vấn đề này như hiện nay".
Trong bài phát biểu về "Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý y tế", TS Nguyễn Văn Dư đã đề cập đến tình trạng vượt tuyến trong lĩnh vực y tế, người dân không có nhiều sự tin tưởng từ các cơ sở y tế địa phương, làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh và tình trạng y tế cơ sở kém phát triển. Vì thế, ông cho rằng chúng ta cần ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo cùng những phát triển nghiên cứu khoa học trong công tác kết nối các tuyến y tế và giúp an sinh xã hội ngày một cải tiến hơn.
Bên cạnh cơ hội, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt chính là vấn đề của chính sách và Luật nhà nước về hành lang pháp lý khi không rõ quyền và trách nhiệm của đội ngũ cơ sở y tế, vì không làm việc trực tiếp với bệnh nhân. Sau các bài tham luận, các khách mời đã cùng trao đổi và nêu ra những ý kiến, đề xuất sáng tạo, thực tiễn để làm rõ hơn những tác động toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Lê Phương
Theo Dân trí
Đừng làm Quốc hội tốn thời gian chuyện học phí thành 'giá' Việc tính bao nhiêu là đúng, bao nhiêu là đủ khi ấn định học phí không phải trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, do đó bộ đừng làm thay quản lý của các trường và làm tốn thời gian của quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: Quochoi.vn Giữa cơn "bão" trạm thu phí BOT thành...