Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận giáo viên tiểu học chịu nhiều áp lực
(GDVN) – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, sĩ số quá đông 45 – 50 học sinh/lớp, ở thành phố thậm chí 60 học sinh/lớp đã gây khó khăn cho giáo viên đánh giá học sinh.
Đại biểu Quốc hội chất vấn chuyện chặt cây xanh Hà Nội và lấp sông Đồng NaiMóc cống cũng cần chuyên nghiệp, thế hệ “ba con 9″ bao giờ trở lại?Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Không để có cú sốc thi tốt nghiệp THPT”
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu quốc hội hôm 12/6, ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan tới những bất cập trong việc triển khai Thông tư 30.
Mỗi nơi đánh giá một kiểu
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) đặt vấn đề: Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 của Bộ giáo dục và đào tạo. Năm học vừa qua, bên cạnh mặt tích cực còn những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Nhất là việc khen thưởng cuối năm ở các trường. Tình trạng một số giáo viên đánh giá khắt khe, học sinh chỉ được giấy khen xuất sắc nếu có giải thưởng ở cấp thành phố, quận huyện, nhà trường. Nhưng cũng có trường rất rẻ. Em nào cũng khen, kể cả viết chưa đẹp.
Đặc biệt trong năm nay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp của cha mẹ học sinh có con học tiểu học không biết khen thưởng các cháu như thế nào, vì không có xếp học lực học sinh loại giỏi.
Video đang HOT
Đại biểu Quốc hội phản ánh, đánh giá học sinh tiểu học mỗi nơi một kiểu. ảnh minh họa: Tấn Thạnh/Người lao động.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc chúng ta chuyển từ việc đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, kết hợp với đánh giá bằng điểm tại kỳ thi kiểm tra học kỳ và thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển.
“Quá trình này nhằm để thay đổi động lực học của các cháu, từ chỗ học vì điểm số sang chỗ học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất của con người trong quá trình phát triển.
Quá trình này đã được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế, với sự hỗ trợ của World Bank và nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia quốc tế trong quá trình, đã triển khai thí nghiệm, thực nghiệm trong 3 năm tại trên 1.000 trường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đồng loạt, bắt đầu từ năm học vừa rồi có xuất hiện một số trục trặc nhỏ. Ví dụ, vấn đề khen thưởng, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ khen rộng rãi quá, có ý kiến gia đình không biết điểm số nên không biết kết quả học tập của các cháu. Đó là những trục trặc bước đầu làm chưa quen, chúng tôi sẽ có chấn chỉnh”, ông Luận thông tin.
Cũng theo ông Luận, thay đổi này còn tạo ra ba điểm tích cực: Một là giảm được dạy thêm, học thêm. Hai là nắn chỉnh, cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu. Ba là tránh việc phân loại các cháu, các cháu học yếu hơn các bạn có cảm giác tự ti, dẫn đến chán học và bỏ học, các cháu được điểm giỏi thì chủ quan, nếu duy trì trong quá trình lớn lên sẽ dẫn đến tự mãn, mất động lực.
Thầy cô giáo chưa quen, sĩ số quá lớn làm sao đánh giá đúng?
Dù đã nghe được phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tuy nhiên, Đại biểu Nông Thị Bích Liên (đoàn Hà Giang) và Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) đều chưa thấy thỏa mãn và đặt ra vấn đề: Nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở lên nặng nề và vất vả hơn trước. Vậy, có thể dẫn tới đánh giá còn hình thức không?
Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, triển khai Thông tư 30, công việc của giáo viên có nặng lên, có ba lý do:
Thứ nhất, lớp học khá đông, phổ biến sĩ số là 45 – 50 cháu, ở thành phố lên đến 60 cháu. Cho nên quan tâm đến từng cháu một thì khối lượng công việc tăng lên. Đó là lý do thứ nhất.
Thứ hai, mới triển khai nên cô giáo, thầy giáo cũng còn bỡ ngỡ chưa quen cho nên vất vả.
Thứ ba, một số quy định cũ chúng tôi đã có quyết định hủy bỏ đi, nhưng chưa được triển khai nghiêm túc ở dưới cơ sở. Một số thói quen cũ chưa thay đổi kịp.
Giáo viên tiểu học vất vả hơn rất nhiều khi triển khai Thông tư 30. ảnh minh họa, infonet.
Ông Luận nêu dẫn chứng: “Về quyển sổ giáo viên để ghi nhớ những điều cần phải lưu ý đối với từng học sinh, cần phải trao đổi với phụ huynh của từng cháu, cần phải lưu ý để mình có những hoạt động phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều năm vừa qua quyển sổ của cô giáo đã trở thành một chứng cứ để hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá xem cô giáo có làm tốt không? Phòng giáo dục kiểm tra xem trường làm có tốt không? Như vậy cô giáo ngày nào cũng ghi, ghi rất đầy đủ, việc này bị lệch lạc của quá trình cũ chúng ta chấn chỉnh.
Chúng tôi đang tiếp tục có những chấn chỉnh để giảm những công việc hành chính, không cần thiết của giáo viên để các thầy, các cô tập trung vào công việc chính hướng dẫn, tư vấn, cố vấn giảng dạy cho các cháu. Cộng với đó là sự thuần thục thì công việc của các thầy, các cô sẽ nhẹ đi.
Báo chí cũng đã nói đến việc các cô sáng kiến làm mặt cười, mặt mếu, những vấn đề này chúng ta chấn chỉnh để đi đến thực chất và biến quyển sổ giáo viên thành quyển sổ nhật ký của cô giáo ghi nhớ, không biến nó thành hình thức để đối phó với hiệu trưởng, đối phó với phòng, đối phó với bộ”.
Theo GDVN