Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Việt Nam có thể thành cường quốc an ninh mạng’
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đảm bảo an toàn an ninh mạng đồng nghĩa với giúp đất nước thịnh vượng hơn.
Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin ngày 29/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn khi có khoảng một triệu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực ICT. Trong đó, nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng thuộc loại tốt trên thế giới.
“Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng Việt Nam có thể bứt phá trong lĩnh vực an ninh mạng.
Nhắc đến thống kê trung bình mỗi giây có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo, Bộ trưởng cho rằng trên không gian mạng, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau. “Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của chúng ta. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng nói.
Video đang HOT
Theo ông, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi cách nghĩ, trong đó ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện chỉ ở mức dưới 5%. Việt Nam cũng phải thay đổi cách làm. Trước đây, khi đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình. Còn hiện nay, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ứng dụng CNTT không chỉ cần phát triển song song với an ninh mạng, mà còn phải gộp làm một. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không có lựa chọn nào khác là thúc đẩy CNTT, và không thể phát triển CNTT mà không đảm bảo an ninh thông tin để bảo vệ quyền lợi của người dùng.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, cũng nhận định trong lĩnh vực mới như an toàn thông tin an ninh mạng, ước mơ Việt Nam vươn tầm thế giới hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu có sự tham gia của đông đảo cộng đồng, được đầu tư mạnh mẽ từ các tổ chức, doanh nghiệp, có sự thúc đẩy của hệ thống chính trị, cũng như tích cực hợp tác quốc tế.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương Hệ thống Chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Hệ thống sẽ giảm sát, phân tích và chia sẻ thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn cho Chính phủ điện tử.
“Trước đây, khi xảy ra sự cố, chúng ta cố giữ kín, càng ít người biết càng tốt. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng không ai an toàn một mình trong không gian mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn. Nếu không chia sẻ, sau chúng ta sẽ là một ai đấy bị tấn công tương tự. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công không, mà là cách phản ứng thế nào sau khi bị tấn công”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.
Theo vnexpress
Nhà mạng không được cấp phép các dịch vụ mới nếu còn sim rác
Trả lời đại biểu Quốc hội sáng 15/8 về vấn đề quản lý an ninh mạng, sim rác và mạng xã hội; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng nếu vẫn còn tồn tại sim rác.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn trong buổi sáng 15/8 tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) nêu ý kiến: Vấn đề quản lý an ninh mạng, một số đối tượng tận dụng không gian mạng để chống phá chế độ, kích động người dân biểu tình, đưa thông tin sai lệch, lừa đảo qua mạng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những giải pháp như thế nào và hiệu quả ra sao? Cùng với đó là việc quản lý sim rác và khi nào Việt Nam có mạng xã hội uy tín thay thế trang mạng xã hội khác?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để giám sát sự tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng.
Trong một ngày, Trung tâm có khả năng xử lý khoảng 100 triệu tin nhắn và phân loại đánh giá tỉ lệ tiêu cực và tích cực. Nhờ đó mà thông tin tiêu cực đã giảm từ trên 30% xuống dưới 10%. Một trong những câu chuyện nan giải hiện nay là đấu tranh với mạng xã hội nước ngoài trong khi họ chưa có văn phòng tại đây và chưa đóng thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, khi Việt Nam đưa ra yêu cầu thì Facebook chỉ thực hiện được 30% thì bây giờ đã tăng lên khoảng 70 -75%, Youtube trước đây là 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple gần như không thực hiện thì hiện nay thực hiện 60% yêu cầu của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu.
Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cơ bản cắt bỏ những sim không đủ thông tin nhưng vẫn còn lượng sim lớn nằm trên các kênh bán hàng. Từ nay đến tháng 9/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xử lý sim rác bằng cách các nhà mạng sẽ mua lại các sim này.
"Giải pháp mới nữa là giao trách nhiệm cho các Tổng giám đốc các Công ty viễn thông, trong đó có quy định nếu còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng thì các nhà mạng không được cấp phép các dịch vụ mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Nếu Việt Nam chưa có mạng xã hội của mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, chúng ta đọc, thậm chí cả những gì chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài. Bây giờ thông tin họ thu thập được chỉ để quảng cáo nhưng sau này có thể nguy hiểm đến an ninh", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Đến nay, mạng xã hội Việt Nam đã có 65 triệu thuê bao, thời gian qua tăng trưởng 30%, các mạng xã hội nước ngoài tổng hợp là 90 triệu thuê bao. Nếu với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2020-2021, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 50-50 người dùng mạng xã hội trong nước và nước ngoài.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Không ai an toàn một mình trong thế giới mạng" Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bảo đảm an toàn thông tin mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai thịnh vượng của đất nước. "Đảm bảo cho Việt Nam an toàn trong không gian mạng và cách mạng số là sứ mệnh của mọi cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng CNTT Việt Nam. Đặc biệt, hệ sinh thái...