Bộ trưởng GD&ĐT: Sẽ đưa môn Công nghệ thông tin vào chương trình học bắt buộc
Bộ GD&ĐT sẽ đưa môn Công nghệ thông tin vào chương trình học bắt buộc từ cấp 3 để tạo nên một thế hệ “ công dân toàn cầu”.
Đưa Công nghệ thông tin thành môn học bắt buộc
Bộ GD&ĐT sẽ kiên trì với chủ trương tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, không chỉ trong mùa dịch này mà còn phát triển trong thời gian tiếp đó.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “ Bộ GD&ĐT sẽ đưa môn CNTT vào chương trình học bắt buộc từ cấp 3, cùng với môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để từ đó tạo nên một thế hệ “công dân toàn cầu” có kiến thức kỹ năng về CNTT, chuyển đổi số và trình độ tiếng Anh để hội nhập tốt với thế giới“.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Người đứng đầu ngành Giáo dục ghi nhận những nỗ lực các cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, nếu chỉ riêng ngành Giáo dục thì dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng… Do vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, các cơ sở giáo dục còn phải kể tới vai trò của các tập đoàn, công ty công nghệ trong việc bước đầu tạo ra một nền tảng cơ bản cho chuyển đổi số ngành Giáo dục.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nói chung, đặc biệt liên quan đến ứng dụng công nghệ trong dạy học qua internet, trên truyền hình; để chủ trương, các hoạt động hỗ trợ hợp tác giữa hai Bộ thực sự thiết thực, hiệu quả, tạo đột phá trong chất lượng giáo dục.
Chuyển đối số ngành Giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
Theo Bộ trưởng, nếu đội ngũ giáo viên, học sinh được đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số và thực hành tốt về công nghệ sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành giáo dục.
Để thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Giáo dục, Bộ trưởng đề cập đến 4 nhóm việc cần tập trung chỉ đạo. Trước hết là phải thống nhất nhận thức của đội ngũ giáo viên, học sinh và những người có liên quan để cùng quyết tâm thực hiện.
Thứ 2 là có được nền tảng CNTT đồng bộ, từ máy chủ, đường truyền, băng thông, cũng như các ứng dụng để vận hành hệ thống, bài giảng, công nghệ quản lý, kế hoạch, chương trình, nội dung…
Thứ 3 là cơ chế chính sách. Bên cạnh cơ chế chính sách chung của quốc gia, ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến nội dung này. Đầu tiên là chính sách đối với giáo viên. Trong chuẩn giáo viên vừa được ban hành, có một tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó là các quy định, thông tư đã được ban hành với bậc đại học về dạy và học từ xa.
Riêng đối với bậc phổ thông, đặc biệt cấp học thấp, phương thức truyền thống là tương tác để phát triển phẩm chất, năng lực là rất quan trọng. Dạy học qua internet, trên truyền hình là một trong những phương thức bổ trợ, để tạo nên môi trường sinh thái cho việc dạy học, tạo ra một nền tảng để học tập suốt đời cho những công dân trong tương lai.
Ngoài ra, cũng phải có chính sách để huy động lực lượng xã hội. Đối với dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình, một mặt nhà nước đầu tư, mặt khác phải huy động từ nguồn lực xã hội. Nếu thiếu chính sách tạo động lực này, chủ trương chuyển đổi số trong ngành Giáo dục không thể thành công.
Video: Dạy học trực tuyến đối phó dịch corona
Thứ 4 là những người trong ngành phải am hiểu về kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong dạy và học, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra những hướng dẫn cho giáo viên một cách bài bản để việc áp dụng công nghệ đạt hiệu quả.
“ 4 nhóm yếu tố này mà tốt thì chủ trương số hóa và ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục sẽ tốt. Từ đó tạo nên thành công trong việc chuyển đổi số ngành Giáo dục. Đây là tiền đề quan trọng để chuyển đổi số thành công trong nhiều lĩnh vực khác“, Bộ trưởng khẳng định.
HÀ CƯỜNG
FPT ba lần được vinh danh tại lễ trao giải quốc tế APICTA 2019
FPT là công ty Việt Nam duy nhất nhận đến ba bằng khen tại lễ công bố và trao Giải thưởng CNTT châu Á - Thái Bình Dương (APICTA 2019), với các sản phẩm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.
Thành tích tại APICTA 2019 là minh chứng cho những quả ngọt của FPT trên hành trình xây dựng thế hệ công dân toàn cầu, góp phần cung cấp nguồn lực chất lượng cao phát triển nền kinh tế - xã hội số của quốc gia.
Từ sứ mệnh kiến tạo năng lực toàn cầu cho thế hệ trẻ
Trong nhiều năm qua, một trong những sứ mệnh kiên định và nhất quán của FPT là đưa công nghệ đến gần hơn với hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam, giúp các em không chỉ có thêm niềm ham thích học tập mà còn sớm tiếp cận, làm quen với các công nghệ mới. Chương trình đào tạo hiện đại được áp dụng trong toàn bộ hệ thống giáo dục FPT với mục tiêu kích thích tư duy sáng tạo, trang bị cho các em năng lực khám phá và làm chủ công nghệ ngay từ cấp tiểu học.
Từ lớp 1, học sinh FPT đã sớm quen với nhữngkiến thức cơ bản về IoT, Robotics... qua phương pháp giáo dục STEM. Nội dung đào tạo được thiết kế trên cơ sở bám sát khung chương trình của Bộ GD&ĐT, kết hợp với các bộ tài liệu chất lượng của nước ngoài đã được thiết kế lại cho phù hợp với học sinh Việt Nam, cùng với đó là sự đầu tư về trang thiết bị hỗ trợ học tập và thử nghiệm, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho sự sáng tạo của học sinh.
Những nỗ lực tìm tòi, khám phá, nghiên cứu khoa học công nghệ đã giúp học sinh FPT gặt hái những quả ngọt đầu tiên
Nhờ đó, các em học sinh tiểu học FPT đã có thể tạo ra những cánh tay robot, robot côn trùng, mô hình Hệ mặt trời. Học sinh THCS cũng chế tạo được hàng chục mẫu robot trong bộ môn Robotics, thử nghiệm thành công dự án Khu vườn thông minh với hệ thống chiếu sáng, tưới nước tự động; hệ thống đo nhiệt độ - độ ẩm thông minh có cảnh báo trên smartphone. Khối THPT thì thành lập và phát triển CLB Robotics và Khoa học CNTT (CLB FRITS) với nhiều hoạt động thường xuyên, bổ ích.
Từ những hạt mầm bé nhỏ gieo niềm đam mê khám phá và nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo phù hợp cùng sự tận tụy của đội ngũ giáo viên đã góp phần khích lệ các em tạo ra những kết quả đầu tiên, như Huy chương đồng về thiết kế Robot, đứng thứ 12/161 nước tham gia tại "FIRST Global Challenge 2018", Giải thưởng Grand Prize Winners trong cuộc thi Google Code-in năm 2018, Giải thưởng Tài năng Công nghệ nhí Minecraft Hackathon 2019. Hay mới đây nhất, chính là loạt giải thưởng quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương - APICTA 2019.
Đến ba giải "Oscar" ngành CNTT cho sản phẩm giáo dục của FPT
Giai thuơng APICTA lần thứ 19 vừa diễn ra tai TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 11 vừa qua. Được ví như "giải Oscar" của ngành công nghệ thông tin và viễn thông khu vực, giải thưởng APICTA nhằm tôn vinh sự đóng góp của các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT xuất sắc của các nền kinh tế trong khu vực đối với sự phát triển của xã hội.
Ứng dụng cứu hộ Hurry-up SOS đã vượt qua hàng trăm đề cử để nhận bằng khen từ Hội đồng giám khảo APICTA 2019.
Năm nay, APICTA 2019 có sự tham gia của 324 đề cử thuộc 5 lĩnh vực chính. Việt Nam xuất sắc giành được 1 cúp (winner) và 8 bằng khen (merits), trong đó FPT được trao ba bằng khen, đều là các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục: Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu;Dự án trò chơi trí tuệ F Journey của Học sinh trường tiểu học & THCS FPT và Ứng dụng cứu hộ khẩn cấp Hurry-up SOS của học sinh THPT FPT.
Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu được FPT ra mắt tháng 8/2019 với mục tiêu giúp trẻ em Việt Nam học tập hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), trang bị cho học sinh nền tảng kiến thức vững chắc để sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Lấy triết lý cá nhân hóa học tập (adaptive learning) làm nền tảng, Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT là sản phẩm trợ lý học tập, giúp học sinh, phụ huynh tự động phát hiện điểm mạnh, điểm yếu, qua đó lên kế hoạch học tập phù hợp. Nhờ đó, học sinh có thể tiết kiệm 30-50% thời gian học tập, giáo viên giảm 90-99% thời gian ra đề thi, nhà trường cũng dễ dàng quản lý chất lượng dạy và học, phụ huynh có thể theo dõi lộ trình học tập của các con.
Đại diện FPT (thứ 4 từ trái sang) nhận bằng khen cho sản phẩm hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu.
Bên cạnh đó, 2 ứng dụng do học sinh FPT phát triển là F Journey và Hurry-up SOS được Hội đồng giám khảo gồm 75 thành viên đến từ 16 nước thành viên APICTA đánh giá cao trong nhóm sản phẩm do học sinh phát triển. Hai sản phẩm đều thể hiện tiềm năng của trí tuệ Việt khi cân bằng được cả yếu tố công nghệ và tính thực tế.
Trò chơi trí tuệ F Journey đưa người chơi vào cuộc hành trình trong lâu đài và rừng rậm với thử thách là chính những kiến thức toán lý hóa sinh trong chương trình học THCS, giúp các bạn ôn tập những gì được học trên lớp một cách sáng tạo và hứng thú.
Hurry-up SOS là ứng dụng hỗ trợ khẩn cấp giúp người dùng nhận sự trợ giúp nhanh chóng từ các "anh hùng" - những người đăng ký ứng dụng - khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Nói đơn giản, sản phẩm giống như một "Grab cứu hộ", tạo thành một mạng lưới kết nối để sẵn sàng hỗ trợ người bị nạn xung quanh mình.
Những bằng khen tại lễ trao giải danh giá APICTA 2019 đã một lần nữa khẳng định sự công nhận ở tầm quốc tế, cũng là nguồn khích lệ cho những nỗ lực không ngừng của FPT để đóng góp vào sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Phương Dung
Theo ictnews
Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến với giáo dục nghề nghiệp Ngày 25-3, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức họp về công tác tuyển sinh, đào tạo trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dạy qua Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning (Ảnh: Báo Dân sinh). Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào...