Bộ trưởng GD&ĐT: ‘Phát triển đội ngũ nhà giáo là việc sống còn’
Sáng 19/11, tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết cả nước hiện có trên 1,6 triệu nhà giáo, đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh, hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục.
Gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Thời gian qua, ngành giáo dục và các nhà giáo đã có sự đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Sau hơn 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, mức phổ cập đã đạt 99,9%, cấp tiểu học 63/63 tỉnh thành đều đạt chất lượng phổ cập mức độ 2, trong đó 26 địa phương đạt mức độ 3.
63/63 tỉnh thành đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 1, một số địa phương đạt mức độ 2 và 3. Hơn 60% trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia.
Theo Bảng xếp hạng các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất năm 2021, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới ( US News). Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 10 hệ thống giáo dục có sự đổi mới mạnh mẽ hàng đầu của thế giới.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục nhận định nghề giáo vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Phần lớn giáo viên vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới học sinh vùng biên giới và hải đảo, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh Bộ GD&ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Trong chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, phát triển đội ngũ nhà giáo là phần quan trọng trong chiến lược.
Video đang HOT
Phát buổi tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Thủ tướng mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức – luyện tài, tâm huyết, yêu nghề – yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình 5 độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí, làn gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo cần đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình “Trường học An toàn – Thân thiện – Bình đẳng”, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò và giữa thầy với phụ huynh học sinh. Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh
“Các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân – thiện – mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, năng lực sáng tạo của học sinh phù hợp với sự phát triển của đất nước và tiến bộ xã hội trong thời kỳ đổi mới”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Sứ mệnh của nhà giáo là kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người
Ngày 20/11/1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày vinh danh nghề dạy học, trở thành Ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và của toàn dân quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về nghề giáo, với sứ mệnh vinh quang nhưng cũng đầy thách thức.
Thưa Bộ trưởng, có lẽ hiếm đất nước nào như Việt Nam khi dịp 20/11 không chỉ là Ngày hội của một ngành nghề, mà còn là niềm vui, sự tôn vinh của toàn xã hội. Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam?
Ngày 20/11 nói là một ngày nhưng cũng có thể nói đó là một tinh thần - một tinh thần của quốc gia, dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, coi trọng tri thức. Khi tôn vinh sự học thì vai trò của người thầy được đặt ra ở một vị trí rất đặt biệt. Không phải đến khi có ngày 20/11 mới là dịp để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.
Trước đây, khi chưa có ngày này, truyền thống đó cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau, tinh thần đó đã luôn là một dòng chảy lớn. Bốn mươi năm trở lại đây, khi có Ngày Nhà giáo Việt Nam, thì thời khắc ấy, ngày ấy hội tụ, thể hiện tập trung cho một tinh thần đó. Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa, một nét tinh thần, một nét đẹp trong quan hệ, ứng xử của người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ là thái độ đối với nhà giáo.
Nhân dịp đặc biệt này, Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ về vai trò của nghề giáo, nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?
Ngành Giáo dục hiện có hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh rất nhiều đóng góp to lớn, ý nghĩa của các thầy cô giáo với sự nghiệp giáo dục nói riêng và với sự phát triển đất nước, cũng tồn tại những việc chưa tốt ở nơi này nơi kia. Tuy nhiên, đó là những trường hợp cá biệt, thiểu số và không thể lấy đó để khái quát tình hình hay đánh giá phiếm diện về nghề giáo.
Đất nước ta đang đặt ra những mục tiêu phát triển trở thành một nước công nghiệp có thu nhập khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đó là mục tiêu rất lớn của quốc gia và để đạt được mục tiêu đó, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược. Trong bối cảnh ấy, ngành Giáo dục đứng trước những trọng trách, yêu cầu, thách thức và cơ hội rất lớn, bởi để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo đóng vai trò cốt yếu.
Từ hệ thống phổ thông đến hệ thống đại học đều đặt ra các nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong các giải pháp cần triển khai, thực hiện, giải pháp có vai trò trụ cột, mang tính chất đột phá, đó là phát triển đội ngũ các nhà giáo, dựa vào lực lượng nhà giáo, phát huy trách nhiệm của lực lượng nhà giáo, lấy việc đổi mới phương pháp, tư duy của đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chưa bao giờ, lực lượng nhà giáo được đặt trước trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như hiện nay và cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.
Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia,yếu tố quyết định thành công hay không, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định.
Vì vậy, sự quan tâm đối với đội ngũ nhà giáo không chỉ là chính sách xã hội, thể hiện một truyền thống văn hóa, mà còn thể hiện quan điểm phát triển và sự tính toán mang tính thực tế nhất cho phát triển đất nước. Cùng với đó, nghề giáo cần sự tôn trọng, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ và luôn được đặt vào đúng vị trí trang nghiêm như vốn có.
Một giờ học của cô và trò ở điểm trường Mầm non Hoa Ban, bản Đin Chí, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Với sứ mệnh và những thách thức lớn như Bộ trưởng vừa chia sẻ, vậy trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm giảm áp lực cho giáo viên?
Để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường. Môi trường làm việc thuận lợi cũng là một yếu tố quan trọng để thầy cô giáo phát huy tốt năng lực, sở trường và thực hiện tốt trách nhiệm của nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát các chế độ chính sách quy định về quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, sẽ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ theo quy định. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật này, quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáo để có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo.
Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh. Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ, giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp gì tới các thầy cô giáo trên cả nước?
Ngành Giáo dục và Đào tạo đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề mà thực hiện trong bối cảnh toàn xã hội ở giai đoạn chuyển đổi. Có những thách thức, éo le đối với đội ngũ giáo viên trong quá trình chuyển đổi của toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, nhà giáo cần phải bám chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp, đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Cần lấy đó làm chỗ dựa, làm sự động viên tinh thần.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi tới các thầy cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp, mong các thầy cô sẽ có ngày kỷ niệm thật vui và ý nghĩa. Tôi cũng muốn gửi gắm tới các thầy cô, nghề nghiệp của chúng ta dù đầy thách thức, gian lao nhưng chúng ta có chỗ dựa, có niềm tin về những điều tốt đẹp đang làm, nên khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Cuộc sống luôn luôn biến động, luôn thay đổi từng ngày, luôn thách thức nhưng chúng ta có một cái bất biến để lấy đó làm chỗ dựa, đó là chúng ta kiến tạo con người, tạo dựng nên những thế hệ học trò, những con người lương thiện, sáng tạo, trách nhiệm. Đó là những giá trị để chúng ta vượt qua được mọi thử thách và tìm được niềm vui bất tận trong công việc của mình.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Đại học Huế khen thưởng các Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2017 - 2022 Ngày 17/11, Đại học Huế đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và khen thưởng các Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2017-2022. Mở đầu bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, PGS.TS. Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế đã dành những tình cảm chân thành để...