Bộ trưởng GD&ĐT nói VNEN làm thay đổi cả thầy và trò
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Mô hình trường học mới – VNEN (dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ) và công nghệ Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại làm thay đổi thầy trò.
Bộ trưởng Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên điều trần về hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho giáo dục vào ngày 28/12.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết mô hình VNEN đang gây ra những dư luận không tốt, giáo viên và học sinh cho rằng đây là chương trình cắt xén, chắp vá dựa trên sách giáo khoa hiện hành, chất lượng không đảm bảo, nhưng lại buộc sở GD&ĐT các địa phương phải chạy theo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Dự án dạy học của VNEN khá lỏng lẻo, tạo ra tình trạng học sinh chỉ ngồi nói chuyện, không học, cho nên không nắm được bài. Trong khi đó, khi dự án sắp kết thúc thì một số cơ sở mới bất ngờ nhận được thiết bị dạy học. Tại sao có tình trạng như vậy?” – bà Thúy chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định dự án VNEN không chỉ làm thay đổi cách học, nhận thức của học sinh, mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức và kỹ năng của đội ngũ thầy cô giáo.
“Phải làm cho các cháu biến quá trình đi học từ thụ động sang chủ động, tạo kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, tiếp thu, trao đổi, phản biện, sau này mới có khả năng hợp tác và nghe người khác. Trong VNEN có việc các cháu trao đổi, đọc đúng câu, đúng chính tả, không ngọng, có thể trao đổi để có nhận thức đúng, tự tìm hiểu, tự khám phá, cho nên trong lớp học có chuyện ồn ào, trao đổi là bình thường” – ông Luận nói.
Bộ trưởng cũng cho biết không chỉ các trường thuộc dự án VNEN, mà tất cả các trường khác bộ cũng yêu cầu làm theo hướng này.
“Đây là điểm mới với VN cho đến thời điểm này, nhưng là chuyện thế giới làm 50 năm trước và phổ biến trên thế giới” – ông cho hay.
Về công nghệ Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại, ông Phạm Vũ Luận cho biết đã được triển khai 30 năm nay. “GS Hồ Ngọc Đại tặng tôi công trình đó. Đây là công trình có tác dụng tốt, đặc biệt tác dụng với các vùng dân tộc ít người. Trước đây, nhiều học sinh đi học về lại mù chữ, nhưng khi dùng chương trình của GS Hồ Ngọc Đại thì giải quyết triệt để vấn đề ấy. Công nghệ này kết hợp tốt với VNEN, vì khi áp dụng VNEN thì ở lớp 2 các cháu phải biết đọc tròn vành rõ chữ rồi, phải dùng công nghệ này thì các cháu mới không tái mù” – ông Luận khẳng định.
Video đang HOT
Về việc trang thiết bị lắp đặt khi dự án sắp kết thúc, bộ trưởng cho biết đây là một số thiết bị có tính chất khen thưởng cho các trường thực hiện tốt dự án.
Đánh giá chung về kết quả sử dụng ODA trong giáo dục, đào tạo, GS.TS Đào Trọng Thi – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – nói: “Mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng vốn ODA của cả nước (khoảng 3,5%, tương đương 2,1 tỷ USD trong 10 năm 2004-2014) nhưng các dự án ODA trong giáo dục, đào tạo đã phát huy hiệu quả. Không chỉ giúp tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu áp dụng các mô hình giáo dục, đào tạo tiên tiến trên thế giới”.
Theo Lê Kiên/Báo Tuổi trẻ
Ba câu hỏi thu hút nhân tài của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ
Chiều 12/12, trao đổi với đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ tại Hà Nội, trong đó nhiều người là du học sinh đã về nước, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân nêu trăn trở về thu hút nhân tài.
Đầu tiên, Bộ trưởng Quân đặt vấn đề vì sao người Việt có trí tuệ không thua kém các nước khác, nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng?
Tiếp đó, ông trăn trở vì sao những người giỏi, đặc biệt là trí thức trẻ, lại không tham gia nhiều hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi nhà nước rất cần nhân tài?
Điều cuối cùng, Bộ trưởng Quân muốn biết nguyên nhân chỉ có số ít người về nước sau khi du học, nhiều người giỏi ở lại nước ngoài lại không muốn về?
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Nguyễn Tân.
Lãnh đạo Bộ KH&CN nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển cần người tài. Một phần không nhỏ trong số đó là những trí thức đang học tập ở nước ngoài.
Ông nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Thời đại ngày nay cạnh tranh về khoa học công nghệ. Nước nào có trình độ khoa học công nghệ cao hơn thì có sức cạnh tranh cao hơn và sẽ chiến thắng trong cuộc đua về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng".
Bộ trưởng kỳ vọng, với sự có mặt của các trí thức trẻ, cuộc họp sẽ đóng góp nhiều ý tưởng cho cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chỉ hô hào khẩu hiệu, duy ý chí, kết quả sẽ không thu được như mong muốn.
Giải đáp câu hỏi của người đứng đầu Bộ KH&CN về việc du học sinh không về nước, tiến sĩ Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Đại học Nguyễn Tất Thành, thẳng thắn cho rằng, ở Việt Nam còn quá ít sân chơi khoa học cho các trí thức trẻ.
Đại hội Tài năng trẻ lần thứ hai năm 2015 do T.Ư Đoàn tổ chức, diễn ra trong 3 ngày (từ 11-13/12) tại Hà Nội, với sự tham dự của 364 đại biểu.
Với chủ đề "Tài năng trẻ Việt Nam chung tay dựng xây đất nước", Đại hội lần này tôn vinh những người trẻ xuất sắc, có cống hiến to lớn cho xã hội trên nhiều lĩnh vực.
"Nên thành lập Viện Khoa học và Công nghệ cho cán bộ trẻ, khuyến khích những người có tuổi đời dưới 35", tiến sĩ Giang đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Vũ Thị Ngân, giảng viên Đại học Quy Nhơn kiến nghị thêm, nên cho các tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài thêm một thời gian thực hành để nâng cao bản lĩnh nghiên cứu.
"Nếu tốt nghiệp rồi về nước ngay, họ lại rơi vào môi trường thiếu điều kiện, trong khi phải xây dựng một nhóm nghiên cứu. Điều này là quá khó với các du học sinh vừa tốt nghiệp".
Nữ tiến sĩ trẻ cũng góp ý về một số bất cập trong thủ tục, cơ chế ảnh hưởng đến du học sinh. Cô từng gặp bất tiện khi phải nộp bản cứng hồ sơ đăng ký đề tài khoa học từ Bình Định ra Hà Nội. Trước đó, khi còn làm việc ở nước ngoài, các đơn vị khoa học chỉ yêu cầu gửi bản online.
Tiến sĩ Vũ Thị Ngân. Ảnh: Ngọc Tân.
Về vấn đề du học sinh muốn ở nước ngoài để nghiên cứu khoa học cơ bản, tiến sĩ Dương Trọng Hải, giảng viên ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, bản thân ông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau hơn 4 năm nghiên cứu khoa học cơ bản ở nước ngoài, có nhiều bài báo khoa học, ông muốn về nước nhưng nhận ra điều kiện kinh tế ở Việt Nam không phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hải vẫn quyết định trở về và chuyển hướng từ nghiên cứu cơ bản sang lĩnh vực kết hợp ứng dụng. "Chúng ta có thể tận dụng rất nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản của các nước phát triển. Việt Nam đang trên xu thế hội nhập, nhu cầu về khoa học ứng dụng quan trọng hơn để đổi mới công nghệ và tạo ra thành phẩm", ông Hải nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo, Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ, các trí thức học tập ở nước ngoài cũng rất muốn về nước cống hiến. Tuy nhiên, có 2 vấn đề khiến họ băn khoăn là nhà nước thực hiện chính sách chậm và chưa có cơ chế lưu thông nguồn lực khoa học.
"Giữa những nhà quản lý chính sách và các nhà khoa học vẫn còn nhiều khoảng cách. Chính sách hỗ trợ các nhà khoa học thường bị trì hoãn, tạo ra độ trễ so với thực tiễn", tiến sĩ Tạo nêu thực tế.
Từng có thời gian học tập tại Nhật Bản, tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo cho biết, quốc gia này có chính sách ngoại giao khoa học rất thành công. Họ thành lập ủy ban liên kết với các nước để chia sẻ, lưu thông nguồn lực khoa học. Nếu điều này thực hiện được ở Việt Nam, các trí thức du học về nước sẽ không phải lo môi trường học thuật không đủ đáp ứng năng lực của họ.
Cuối buổi thảo luận, Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng tổng kết những ý kiến của các trí thức trẻ, trong đó thống nhất những vấn đề lớn:
Cần xây dựng chính sách ngoại giao khoa học để tận dụng sự chia sẻ tài liệu, kiến thức, sản phẩm khoa học trong khu vực và quốc tế.
Sẽ thay đổi cách thức cử trí thức đi đào tạo ở nước ngoài, chỉ tập trung đào tạo những lĩnh vực mà đất nước đang cần thiết.
Đẩy mạnh việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để người làm nghiên cứu khoa học yên tâm cống hiến.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc quan trọng nhất là cải thiện cơ chế, chính sách. "Nếu cơ chế chính sách không tốt, chúng ta có thể tăng lương gấp 100 lần cũng chưa chắc tạo ra hiệu quả", ông Tùng nói.
Theo Zing
Quốc hội yêu cầu giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII thông qua chiều nay. Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm minh cán bộ tiêu cực, vi phạm pháp luậtQuốc hội đồng ý bỏ tử hình với 7 tội danh Nghị quyết nói rõ, thực hiện đổi...