Bộ trưởng GD&ĐT: Nhiều trường đại học chất lượng kém
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng số lượng trường đại học ở Việt Nam không lớn nhưng nhiều trường chất lượng kém. Các trường cần tự chủ để tăng sức cạnh tranh.
Ngày 30/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học (ĐH) giai đoạn 2008-2015.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đề án này được đưa ra và triển khai trong bối cảnh nước ta còn hạn chế nên không thể dàn trải cho tất cả các ngành, trường mà ưu tiên cho những ngành, chuyên ngành cần thiết cho nền kinh tế đất nước. Đây cũng là những ngành có nền tảng, đã được đầu tư theo hướng vươn cao.
‘Bỏ tiền ra, phải tính hiệu quả’
Tại hội nghị, bộ trưởng yêu cầu các ban, đơn vị đánh giá chương trình một cách khách quan, thẳng thắn nhằm rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Theo ông, mục tiêu đào tạo và tính bền vững của cơ sở đào tạo là hai vấn đề cần được tập trung đánh giá.
Tư lệnh ngành giáo dục cũng nhấn mạnh vấn đề tài chính. Ông thông tin Nhà nước đã cấp lượng tiền không nhỏ, khoảng 54% tổng kinh phí của chương trình.
Bộ trưởng cho rằng có nhiều cách để tiết kiệm chi phí từ ngân sách như thu hút người tài, chuyên gia nước ngoài thay vì bỏ tiền nhà nước để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Ông nêu quan điểm chương trình quốc tế theo hướng tiên tiến phải giảng dạy bằng tiếng Anh và phải thu hút được sinh viên nước ngoài.
“Chúng ta phải tính hết, bỏ tiền ra là phải tính đến hiệu quả. Những câu hỏi này phải được làm rõ và có sức thuyết phục, chúng ta mới có cơ sở để xây dựng giai đoạn hai. Nếu không rõ, tôi cũng không dám trình giai đoạn hai”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Trong thời gian tới, nước ta sẽ tái cơ cấu mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Vai trò của đại học trở nên to lớn. Người đứng đầu ngành giáo dục nhận áp lực bởi nghịch lý giữa yêu cầu rất cao với điều kiện cung ứng còn chưa đủ.
Hiện tại, cả nước có 271 trường đại học, học viện nhưng mặt bằng chất lượng chưa đảm bảo.
Video đang HOT
Bộ trưởng khẳng định số lượng sinh viên ở nước ta không lớn, điểm yếu của giáo dục đại học là trường không nhiều nhưng tỷ lệ trường có chất lượng kém lại lớn, hữu sinh vô dưỡng.
Ông thông tin chỉ vài trường tư thục có ngành đào tạo tốt, phần lớn đang khó khăn về tuyển sinh. Trong số gần 200 trường ĐH công lập, 28 trường ĐH địa phương, đa phần được nâng cấp từ CĐ nên khó trông cậy được chất lượng.
“Tên hoành tráng lắm, có vị còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng vô cùng khó khăn. Thậm chí, Thủ tướng đã nói rồi, cũng khó ra hồn”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải tự chủ đại học, chuyển sang dịch vụ, các trường phải chấp nhận áp lực cạnh tranh.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở đại học công lập và ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng, thay đổi theo hướng cấp phát theo đặt hàng, nghĩa là ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Song, quá trình đó phải đảm bảo tính bình đẳng, tránh trường hợp trường tư thục có ngành tốt nhưng không được hỗ trợ, lại bao cấp những ngành, trường công lập không cần thiết.
Những ngành khoa học cơ bản cũng cần được chú trọng đầu tư nhưng phải thay đổi phương thức. Bộ trưởng nêu quan điểm ngành này cần chất lượng hơn số lượng.
'Thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng có thể đỗ đại học'
Một số chuyên gia giáo dục nhận định nếu Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, những thí sinh chỉ đạt 9 điểm cũng có thể đỗ đại học.
Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, trong đó đề cập bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đại học từ năm 2017. Nhiều người lo ngại việc "mở cửa" tuyển sinh sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo đại học.
Chưa siết đầu ra đã mở toang cửa vào
Nhiều chuyên gia nhận định bỏ ngưỡng đầu vào trong năm tuyển sinh 2017 là quá gấp và chưa hợp lý.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho rằng quy định này sẽ không ảnh hưởng các trường tốp trên nhưng lại tạo cơ hội để các trường kém chất lượng hạ điểm chuẩn, tuyển sinh ồ ạt.
Nếu Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, những thí sinh đạt 8 - 9 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển cũng có thể đỗ đại học, chỉ cần các em đủ điểm tốt nghiệp THPT.
PGS Văn Như Cương cho rằng bỏ điểm sàn vào năm 2017 là vội vàng. Ảnh: Quyên Quyên.
Với thực trạng kiểm định giáo dục yếu kém, chưa siết chặt đầu ra như hiện nay, việc tuyển sinh ồ ạt chắc chắn ảnh hưởng chất lượng đào tạo đại học.
Một chuyên gia cho biết các yếu tố quyết định chất lượng đào tạo là nội dung, phương pháp, quá trình và sự sàng lọc của đào tạo. Ở nước ngoài, nhiều trường đại học cho phép học sinh ghi danh sau khi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ khoảng 50% sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp.
Tại Việt Nam, hầu như sinh viên vào được trường đều tốt nghiệp vì khâu kiểm định chất lượng giáo dục đại học không hiệu quả. Từ thực tế đó, chuyên gia này đề xuất chỉ cho phép những trường đã qua kiểm định chất lượng trong vòng 5 năm trở lại đây bỏ điểm sàn.
PGS Văn Như Cương cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần thắt chặt đầu ra trước khi mở đầu vào. Theo ông, các trường nâng cao chất lượng giảng dạy, kiểm định chất lượng tốt, số người học và tốt nghiệp đại học sẽ tự giảm.
Trong bối cảnh các trường công lập hay tư thục đều cần sinh viên để đảm bảo kinh phí hoạt động và nhiều phụ huynh, học sinh nặng tâm lý "sính" bằng cấp, việc mở đầu vào khi chưa siết đầu ra sẽ nảy sinh nhiều bất cập, nhất là khi việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp phổ thông còn quá dễ.
Theo GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT hiện nay là vấn đề cần cân nhắc trước khi quyết định bỏ sàn tuyển sinh đại học.
Trước đây, điểm sàn là ngưỡng mà mỗi thí sinh phải đạt được mới có thể vào đại học và nó thường cao hơn mức tốt nghiệp THPT. Nếu bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điểm sàn cũng chính là mức quy định tốt nghiệp trung học. Vấn đề đặt ra là học sinh tốt nghiệp THPT đã đủ khả năng học đại học chưa?
"Chưa có gì đảm bảo vì tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông của nước ta còn quá cao, có năm lên đến 98%. Như vậy, gần như tất cả học sinh chỉ cần học xong chương trình phổ thông đã có thể tốt nghiệp và vào đại học. Điều này không phù hợp thực tiễn vì năng lực của nhiều em quá yếu", ông Thi nhận định.
Trước đó, một số chuyên gia cho rằng việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng quá lớn do các trường phải tự giữ uy tín. Thí sinh đạt điểm quá thấp cũng không học đại học kém chất lượng vì lo ra trường thất nghiệp.
PGS Văn Như Cương nêu quan điểm bỏ điểm sàn sẽ "cứu vớt" những trường chất lượng thấp, giúp họ thu hút sinh viên nhưng lại gây bất công khi nhiều em điểm cao vẫn trượt, số khác điểm thấp hơn so với mức sàn các năm trước vẫn có thể vào đại học.
Ông cho rằng nếu muốn bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT phải có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc thi tốt nghiệp phổ thông đến nâng cao chất lượng đào tạo đại học, tăng cường kiểm định chất lượng, siết đầu ra.
Ngược xu hướng thế giới, ảnh hưởng việc phân luồng
Ngoài mối lo về chất lượng giáo dục đại học khi Bộ GD&ĐT dự kiến "thả cửa" tuyển sinh, việc bỏ điểm sàn cũng ảnh hưởng chính sách phân luồng.
Điểm sàn đại học từ năm 2005 đến 2016. Đồ họa: Ngọc Châu.
GS Đào Trọng Thi nhận định học sinh sẽ dồn vào cánh cửa đại học mở quá rộng, các trường cao đẳng, trung cấp rất khó tuyển sinh và có thể sẽ "chết". Điều này trái với chủ trương phân luồng học sinh sau trung học.
Ông cho biết thêm việc phân luồng học sinh THCS và THPT vẫn là điểm yếu của giáo dục nước ta. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu bỏ điểm sàn do tâm lý chung cố vào đại học của phụ huynh và học sinh.
Nhiều chuyên gia nhận định mở đầu vào, siết đầu ra là xu thế chung và được áp dụng tại các nền giáo dục tiên tiến. Trường đại học ở Việt Nam lại đi ngược xu hướng trên: Mở đầu vào, chẳng bó chặt đầu ra. Hơn nữa, theo ông Thi, vấn đề không chỉ nằm ở việc "thả cửa" tuyển sinh.
Các trường đại học nước ngoài kiểm soát chất lượng đầu vào bằng những phương pháp khác mà không cần phụ thuộc điểm sàn như việc thắt chặt điều kiện tốt nghiệp THPT và một số yếu tố kinh tế, tự nhiên để phân luồng học sinh.
Trên thực tế, học sinh một số nước không quá chú trọng vào đại học. Con em những gia đình không có điều kiện sẽ đi làm kiếm sống vì chi phí học đại học rất cao.
Trong tương lai, thế hệ trẻ nước ta có thể sẽ không cố mọi cách để vào đại học nhưng hiện nay lượng thanh niên không thi đại học mà rẽ sang hướng khác như học nghề, đi làm còn ít, chưa đảm bảo tỷ lệ cần thiết cho cơ cấu nguồn lao động cung cấp cho thị trường.
Theo GS Đào Trọng Thi, thị trường không yêu cầu toàn bộ người lao động đạt trình độ đại học. Mọi nền kinh tế đều cần nguồn lao động đại học, cao đẳng, trung cấp và lao động phổ thông. Nếu người trẻ đều học đại học, kinh tế không thể phát triển.
Trong bối cảnh chưa thực hiện tốt các biện pháp phân luồng khác, Việt Nam nên chấp nhận ưu tiên những em có khả năng học tốt hơn học lên trình độ cao. Bộ GD&ĐT không thể mở cửa để tất cả học sinh, thậm chí những em chỉ đạt 9 điểm vào đại học.
"Việc bỏ điểm sàn còn vội vàng. Tôi không đánh giá đúng sai nhưng cảm thấy không an tâm vì khả năng sai nhiều hơn đúng. Bộ nên cân nhắc kỹ để tránh rủi ro, hậu quả lớn", GS Thi nói.
Tâm lý 'sính' bằng cấp khiến học sinh 9 điểm vẫn muốn vào đại học
Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn đồng nghĩa việc trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho học sinh và tin tưởng các em sẽ cân nhắc kỹ, không theo học những trường lấy điểm quá thấp.
Song tình trạng cố mọi cách để vào đại học vẫn phổ biến ở nước ta. PGS Văn Như Cương nhận định tâm lý chung là vào đại học cho oai, các phụ huynh ganh đua nhau việc con mình học đại học hay cao đẳng, trung cấp. Quan điểm này phải được thay đổi tận gốc rễ trước khi quyết định bỏ điểm sàn.
GS Đào Trọng Thi cho biết thêm Việt Nam khác với nước ngoài. Ông cho rằng điều này có thể xuất phát từ truyền thống hiếu học và tâm lý bố mẹ hy sinh tất cả cho con học hành tử tế. Nhiều gia đình chấp nhận bán đất đai, đồ đạc để con học đại học. Việc mở cửa đầu vào sẽ càng khuyến khích tâm lý này.
Theo Zing
Lo chuẩn tiên tiến nửa vời Nhiều yêu cầu về chuẩn đầu ra của học sinh theo học mô hình tiên tiến được đề ra nhưng các yêu cầu đi kèm chưa có. Năm học 2016-2017, TP.HCM có 26 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, gồm cả bậc mầm non, tiểu học và THCS. Cho đến nay, nhiều quận, huyện đã thực...