Bộ trưởng GD&ĐT: ‘Hạn chế tối thiểu tác động của dịch lên giáo dục’
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2022 là chống dịch Covid-19, hạn chế đến mức tối thiểu tác động của dịch bệnh lên giáo dục, đào tạo.
Thông tin này được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD&ĐT, diễn ra sáng 14/1.
Tại hội nghị, lãnh đạo ngành giáo dục đã nhìn nhận lại một năm qua của ngành dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Năm 2021, việc dạy học nhiều nơi bị gián đoạn do dịch, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài. Ảnh: T.M.
Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường
Do dịch, năm 2021, kế hoạch năm học đứt đoạn. Chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.
Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Theo thống kê, tính đến ngày 9/1, cả nước có 9 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; 19 địa phương tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch Covid-19.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến để hoàn thiện khối lượng chương trình, bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch học tập năm học 2021-2022.
Bên cạnh đó, các trường tham gia xây dựng, phát triển hệ thống trực tuyến đại chúng mở, khóa học trực tuyến dùng chung nhằm tạo ra nền tảng để kết nối, chia sẻ học liệu, thúc đẩy tổ chức dạy học online trong các cơ sở đào tạo.
Các cơ sở giáo dục đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trở thành điểm cách ly tập trung, sẵn sàng đón tiếp người trong diện cách ly hoặc làm địa điểm tiêm phòng.
Nhiều đại học đã tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, lên đường chi viện các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, năm qua, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Video đang HOT
Đến ngày 30/11/2021, riêng ngành giáo dục đã huy động được gần 147 tỷ đồng, hơn 30.600 máy tính bảng, 31.300 điện thoại thông minh và gần 99.500 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Tính đến ngày 31/12/2021, bộ đã phân bổ 87.756 máy tính cho 20 tỉnh, thành phố.
Bộ cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục mầm non linh hoạt, đảm bảo an toàn cho trẻ em, đồng thời xây dựng tài liệu, học liệu trực tuyến, video nhằm hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình.
Bộ đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6; thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 và biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, thực hiện điều chỉnh quy trình thẩm định sách giáo khoa nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa trong thời gian tới.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới, đạt được kết quả tốt. Các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao.
Năm 2021, 37 lượt học sinh dự thi và đều đoạt giải. Trong đó, Chủ tịch nước đã trao 6 Huân chương Lao động hạng nhì, 11 Huân chương Lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 6 bằng khen cho các học sinh có thành tích xuất sắc.
Bộ GD&ĐT cũng đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo nghiêm túc, an toàn.
Tuy nhiên, bộ thừa nhận năm 2021, công tác xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa bám sát điều kiện và khả năng thực hiện.
Các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Việc học online đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2, gặp khó khăn.
Việc thực hiện tự chủ đại học còn chưa thống nhất và đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ lớn của ngành năm 2022. Ảnh: Moet.
Nhiệm vụ lớn năm 2022
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắc lại những khó khăn mà ngành phải đối mặt trong năm 2021 do dịch Covid-19, đồng thời chỉ ra những việc đã làm được, điều còn “đáng tiếc” của năm qua.
Theo bộ trưởng, mặc dù còn một số việc, nội dung chậm, muộn, nhìn tổng thể, ngành giáo dục đã đương đầu với thách thức, bền bỉ ứng phó với dịch bệnh và đã làm được nhiều việc. Đặc biệt trong khó khăn, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đã hành động vì nghề và học sinh.
Từ những việc đã làm được và những việc chưa làm được của năm qua, bộ trưởng cho rằng bài học kinh nghiệm rút ra là phải đặc biệt lưu ý tới thực tiễn, bám sát thực tiễn.
Thời gian qua, nhiều việc đã được chỉ đạo và thực hiện sát với thực tiễn rồi nhưng cần phải tăng cường hơn nữa. Ngoài ra, ngành cần gia tăng tính hành động trong công việc. Bộ trưởng lưu ý tới việc tăng cường phân cấp và tính kế hoạch để chủ động trong năm 2022.
Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của năm 2022, tư lệnh ngành giáo dục cho hay trước hết, toàn ngành tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, ngành sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành.
Trước thực tế khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, bộ trưởng đề nghị các đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập, tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên.
Trong năm 2022, ngành giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045 và triển khai nhanh các công việc liên quan đến chiến lược này.
Đồng thời, ngành tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý những văn bản khắc phục hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.
Đối với giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, 2023 được xác định 2 năm trọng yếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, ngành cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai.
Ngoài ra, kỳ thi THPT và triển khai tự chủ đại học cũng được bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều thách thức, cần phải có các giải pháp, hành động ráo riết hơn.
Một số nhiệm vụ trọng tâm khác như tăng cường chuyển đổi số, công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế, tăng cường các thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục và đào tạo… cũng được ông Nguyễn Kim Sơn lưu ý thực hiện trong năm 2022.
"Xã hội hóa" tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, tin học không phải thu thêm tiền PH
Mỗi địa phương đều phải có trách nhiệm trong việc phát triển, đầu tư cho giáo dục, không nên coi xã hội hóa là việc làm tự phát của các trường.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu hướng giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, cụ thể là bên cạnh chỉ tiêu cho phép, địa phương có thể triển khai đa dạng các giải pháp như xã hội hóa môn Ngoại ngữ, Tin học thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng Elearning, mô hình dạy học trực tuyến.
Trước gợi ý của Bộ trưởng, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân cũng tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập đòi hỏi những nhà quản lý phải cân nhắc để có chính sách phù hợp hơn, và triển khai nhất quán đối với các cấp từ mầm non tới trung học phổ thông.
Xã hội hóa phải dựa vào những nguồn lực đa dạng của xã hội
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: "Bộ trưởng đã gợi ý tức là giải pháp trên có căn cứ để thực hiện. Nhưng khi triển khai xã hội hóa hai môn Tin học và Ngoại ngữ phải dựa trên tình hình cụ thể của từng tỉnh. Bộ cho phép thực hiện nhưng các tỉnh có đủ điều kiện để xã hội hóa hay không? Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, sát sao chỉ đạo của lãnh đạo các cấp địa phương để có những quyết sách và cách triển khai phù hợp với đặc thù mỗi nơi".
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, trong trường hợp thiếu giáo viên Tin học và Ngoại ngữ, trường có thể mời những giáo viên bên ngoài về giảng dạy. Tuy nhiên, nhà trường phải được trao quyền tự chủ về quản lý nhân sự. Bên cạnh đó, kế hoạch này cần nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh, đặc biệt phải có sự chỉ đạo, giám sát từ lãnh đạo địa phương.
Sau khi đã thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường có căn cứ thực hiện xã hội hóa.
Ngoài ra, việc thuê giáo viên ngoài vào trường giảng dạy phải đảm bảo các yếu tố pháp lý trong hợp đồng lao động, thực hiện công khai, minh bạch. Các trường được phép tuyển giáo viên tạm thời khoảng 6 tháng hoặc một năm nhưng nếu giáo viên đó muốn gắn bó, công tác lâu dài tại trường thì cán bộ quản lý phải tiếp tục gia hạn hợp đồng. Để làm được việc này, nhà trường phải thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo địa phương bằng những văn bản cụ thể, tránh tình trạng tự phát, nơi làm, nơi không.
Bên cạnh đó, các trường phải có trách nhiệm kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ, phẩm chất, năng lực của giáo viên thông qua quá trình tuyển dụng. Về phía giáo viên cũng cần tỉnh thức, tham khảo luật Lao động, chế độ lương, thưởng trước khi ký hợp đồng. Bản thân mỗi giáo viên đều phải có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình theo pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, xã hội hóa giáo dục rất cần thiết, tuy nhiên không nên hiểu khái niệm này là thu thêm tiền của phụ huynh học sinh. Xã hội hóa phải dựa vào những nguồn lực đa dạng của xã hội, đặc biệt, mỗi địa phương đều phải có trách nhiệm trong việc phát triển, đầu tư cho giáo dục. Không nên coi xã hội hóa là việc làm tự phát của các trường.
"Theo tôi, xã hội hóa giáo dục không chỉ giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học hiện nay ở các tỉnh mà cần hiểu rộng, phân tích sâu khái niệm này hơn nữa. Xã hội hóa là các trường phổ thông được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục. Mỗi trường học phải là một mô hình giáo dục "tự chủ - dân chủ - nhân văn".
Ngoài ra, xã hội hóa giáo dục cũng là kế hoạch chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề này cần được quan tâm, thực hiện từ cấp giáo dục mầm non cho đến trung học phổ thông, thay vì từ trước đây chúng ta chỉ chú trọng đầu tư cho các trường nghề, trường cao đẳng tại địa phương.
Ở các cấp học, nội dung giáo dục cần tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Nhà trường nên lựa chọn chủ đề thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức những hoạt động học tập, hoạt động giáo dục trải nghiệm.
Các hoạt động giáo dục của mỗi trường phải tích cực gắn với tình hình kinh tế, lao động, sản xuất, văn hoá địa phương để đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển của địa phương. Ví dụ những tỉnh phát triển mạnh về du lịch thì học sinh phải được đầu tư học ngoại ngữ", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, học sinh trường trung học cơ sở, trung học phổ thông phải đi đầu trong việc vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong phát triển các ngành, nghề của địa phương. Học sinh cấp trung học phổ thông hoàn toàn có thể gắn việc học những bộ môn khoa học ở trường với các dự án khởi nghiệp cho gia đình, làng xóm. Từ đó, các thầy cô sẽ tiếp tục định hướng và bồi dưỡng các em để những dự án đi vào thực tế.
3 giải pháp quan trọng để giải bài toán thừa thiếu giáo viên
Ngoài xã hội hóa đối với các môn như Ngoại ngữ, Tin học, để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, thầy Lâm chỉ ra 3 giải pháp quan trọng cần lưu ý, cụ thể:
Thứ nhất, tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đào tạo trong trường sư phạm và bồi dưỡng giáo viên trong quá trình giảng dạy tại các trường phổ thông. Để công tác dạy học đạt kết quả cao, bản thân người thầy phải luôn tự giác trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ gắn với đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Thứ hai, về tuyển dụng giáo viên, cần loại bỏ ngay những giáo viên có trình độ dưới mức chuẩn, vì những người này có thể làm nguy hại tới tương lai của học sinh. Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức, không tuyển dụng những người người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng.
Thứ ba, cần hiểu lao động của nhà giáo để tôn vinh và đãi ngộ cho đúng. Hiện nay, tiền lương của giáo viên còn rất thấp, vẫn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức các thầy cô tâm huyết bỏ ra. Chính vì vậy, nhà nước và cụ thể chính quyền mỗi địa phương nên có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.
Hiện nay, Quảng Ninh là một trong số các tỉnh đi đầu cả nước về phát triển mạng lưới giáo dục, đào tạo, đầu tư mọi nguồn lực để thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, thực hiện đúng những đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Theo đó, các địa phương có thể tham khảo, học tập, phát huy mô hình giáo dục chủ động, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh và tăng cường đầu tư hơn nữa cho nền giáo dục tỉnh mình. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư tài chính phải trúng, đúng mục tiêu và trọng tâm để ngành giáo dục và đào tạo có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh mẽ cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.
'...Phải thắt lưng buộc bụng để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm' Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, chi cho giáo dục một đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng. Vì thế, nếu phải "thắt lưng buộc bụng" để chi thêm cho giáo dục cũng là việc nên làm. Ngày 16/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD-ĐT...