Bộ trưởng GD-ĐT: “Bỏ chấm điểm, học sinh bớt tự ti”
“Giáo viên, học sinh và gia đình chỉ quan tâm tới điểm số, không chú ý lời nhận xét để hướng dẫn giúp đỡ học sinh. Đây cũng là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Đăng đàn trong buổi chiều 12.6, trước khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có báo cáo về các hoạt động đổi mới giáo dục, trong đó được nhắc nhiều nhất là việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học theo Thông tư 30.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng Luận nói: Việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ chú trọng đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh, chưa chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh, chưa chú ý đến việc giúp đỡ kịp thời học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn trong học tập, để các em từng bước vượt qua khó khăn, đạt được kết quả học tập tốt hơn, có hứng thú học tập hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Nhiều học sinh, nhất là học sinh gặp khó khăn trong học tập, chịu áp lực về điểm số, sẽ ngày càng tự ti, mặc cảm và dẫn đến chán học hoặc bỏ học. Đối với những học sinh khá, giỏi, việc đánh giá thường xuyên bằng điểm số hằng ngày cũng chỉ có tác động bên ngoài, có thể gây cạnh tranh không lành mạnh, chủ quan trong học tập, không tạo động cơ bên trong của việc học.
Thông tư 30 ra đời được coi là “cây gậy thần” giải quyết các vấn đề nổi cộm của học sinh tiểu học. Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực.
Bộ trưởng Luận cho biết: Cách đánh giá mới đã góp phần thay đổi căn bản cách dạy và học trong trường tiểu học, góp phần tích cực giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học. Học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn, biết tự giác, tự phục vụ, tự quản, tự tin, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và có phương pháp tự học.
Về phía phụ huynh, Bộ trưởng đánh giá đa số cha mẹ học sinh không còn bị áp lực về điểm số, đồng tình, ủng hộ việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Qua những lời nhận xét của giáo viên, cha mẹ học sinh biết được cụ thể tình hình học tập của con mình, từ đó có những biện pháp hỗ trợ thêm cho học sinh khi ở nhà. Ngành giáo dục nói chung bước đầu khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực trạng học sinh, không có học sinh giỏi tràn lan.
Về chương trình đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Luận chỉ ra 2 nhược điểm: Giáo viên dạy lớp có sĩ số đông (ở thành phố và vùng thuận lợi), giáo viên chuyên biệt phải dạy nhiều lớp sẽ vất vả trong việc đánh giá học sinh; công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh. Do vậy, nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở nên nặng nề, vất vả hơn trước.
Bộ trưởng Luận cho biết sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện Thông tư 30.
Cùng với đổi mới ở bậc tiểu học, Bộ trưởng Luận cũng báo cáo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới thi cử.
Hiện một số luận điểm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có sự “vênh” với thực tế khi số lượng học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học rất lớn, học bạ “đẹp” ở cấp tiểu học ngày càng nhiều và nhiều phụ huynh cho rằng nạn dạy thêm, học thêm vẫn không giảm.
Theo Danviet