Bộ trưởng đừng nhận trách nhiệm chung chung!
Trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội tại nghị trường ngày 31.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ một lần nữa lại xin nhận trách nhiệm.
Ảnh: Ngọc Thắng
Trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội tại nghị trường ngày 31.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã không dùng hết 7 phút mà Quốc hội cho để báo cáo, giải trình về các vấn đề đại biểu quan tâm, chủ yếu là gian lận thi cử và những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục.
“Xin nhận trách nhiệm và thiếu sót một số việc”
Báo cáo về vụ gian lận thi cử, Bộ trưởng Nhạ cho hay việc đổi mới thi kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là một trong 9 nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề là ĐH, CĐ và tốt nghiệp rất nặng nề. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã thực hiện lộ trình đổi mới thi cử, tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ (kỳ thi 2 trong 1 – PV), từ đó giảm áp lực thi cử và từng bước khắc phục tình trạng không minh bạch, tiến tới một kỳ thi trung thực.
“Tuy nhiên, trong năm 2018 xảy ra gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khâu coi thi gây bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Nhạ thừa nhận.
Về nguyên nhân của gian lận thi cử, Bộ trưởng Nhạ nói: “Về phía Bộ GD-ĐT, cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, là phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc”. “Một số việc” – theo ông Nhạ là phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi; việc quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương (nhất là khâu chấm thi); việc thanh tra, kiểm tra vẫn chưa thực sự sâu sát trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương.
Ông Nhạ cho rằng ban chỉ đạo thi và hội đồng thi ở địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đặc biệt là chọn cán bộ tham gia kỳ thi, dẫn đến có đối tượng chủ động thông đồng và kết nối để thực hiện hành vi gian lận.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau), tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngày 31.5 – ẢNH: NGỌC THẮNG
“Có nhiều việc chưa làm bao giờ nên lúng túng, sai sót”
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết sau khi gian lận được phát hiện, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra, xác minh, bước đầu đã có được kết quả.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của công việc nên đến nay Bộ Công an vẫn tiếp tục quá trình điều tra. Các địa phương tiếp tục xử lý theo trách nhiệm của mình. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân hoặc học sinh có dấu hiệu vi phạm được cơ quan điều tra xác minh”, ông Nhạ nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục những lỗ hổng trong quy trình thi cử cho kỳ thi năm 2019.
Nhắc tới vấn đề bạo lực học đường và đạo đức nhà giáo mà nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, bản thân ông cũng rất bức xúc về các vụ việc xảy ra và Bộ GD-ĐT đang tích cực chỉ đạo, giải quyết.
Theo ông Nhạ, việc thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như ĐB nêu, gây bức xúc dư luận.
“Chúng tôi đã nhận thức được, và kiên quyết nỗ lực khắc phục dần. Sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo cần có thời gian, có những đổi mới chưa thể có kết quả ngay. Lần này đổi mới căn bản và toàn diện, do vậy, có nhiều việc chưa làm bao giờ nên lúng túng, sai sót không tránh khỏi”, ông Nhạ kết thúc phần giải trình của mình.
“Bộ trưởng cần có thái độ dứt khoát hơn”
Giơ biển tranh luận với phần giải trình của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Thái Trường Giang, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Cà Mau, cho rằng báo cáo của Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận việc thi 2 trong 1 đã đạt được một số kết quả, song thực tế không thể hiện hoàn toàn như thế và đề nghị Bộ trưởng Nhạ xem xét, đánh giá tác động thi 2 chung, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH có quyền tổ chức tuyển sinh. Nhắc lại phát biểu trong phiên thảo luận trước đó (ngày 30.5) về bệnh thành tích trong giáo dục, ĐB tỉnh Cà Mau cho rằng phần giải trình của ông Nhạ đã không đề cập đến vấn đề này.
“Để làm rõ hơn cho cử tri, bệnh thành tích đó theo Bộ trưởng có trầm trọng không? Và tôi cũng cần Bộ trưởng có thái độ dứt khoát hơn để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, không chỉ nhận trách nhiệm chung chung như Bộ trưởng đã trình bày”, ĐB bày tỏ.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Thái Bình, cho rằng từ khi tổ chức kỳ thi 2 trong 1 thì bất cập, hệ lụy luôn xảy ra và ngày càng trầm trọng. “Việc tích hợp 2 kỳ thi có 2 mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ còn xảy ra những hệ lụy khó lường”. Bà Thu Dung đề nghị tách 2 kỳ thi này, xét tốt nghiệp nên giao cho các địa phương chỉ xét mà không cần thi.
Đang củng cố chứng cứ thông tin bỏ 1 tỉ đồng để nâng điểm
Chiều 31.5, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, trả lời câu hỏi về thông tin cho biết ở Sơn La có hiện tượng bỏ mấy trăm triệu đến 1 tỉ đồng cho mỗi suất chạy điểm, trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho hay cơ quan điều tra cũng đã có một số thông tin nói về việc đưa nhận, tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can hiện nay trong vụ án. Tuy nhiên, theo ông Quang, đến lúc này, cơ quan điều tra đang thu thập, đấu tranh để có thêm tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh theo đúng quy định của pháp luật. “Hiện nay, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật để kết luận có việc đưa hoặc nhận tiền hay không. Chúng tôi đang khẩn trương đấu tranh làm rõ để củng cố chứng cứ và khi có kết luận chúng tôi sẽ công bố thông tin công khai đến các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Quang nói.
Chí Hiếu
Ý KIẾN
Phải có giải pháp gọi lại số thí sinh đã mất cơ hội vì gian lận
Trong bài phát biểu của Bộ trưởng chưa đề cập tới giải pháp để bảo đảm quyền lợi của các cháu đã bị tuột mất cơ hội. Chính vì vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để gọi và công nhận bù lại số các cháu đã bị mất cơ hội do sự gian lận vừa rồi.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, nguyên Phó chánh án Tòa án Quân sự T.Ư)
Bộ xử lý gian lận thi cử còn chậm
Vấn đề tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tôi đồng tình phải lên án những cá nhân đã dùng vật chất và tinh thần để mua chuộc những người đang thi hành công vụ. Chính họ là nguyên nhân gây ra những tiêu cực này góp phần làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Bộ GD-ĐT đã xử lý việc này chưa kịp thời, còn chậm, làm mất cơ hội của một số em đáng lẽ đã được vào ĐH năm 2018.
ĐB Lê Tuấn Tứ (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa)
Bố mẹ thương con không đúng cách là tự hại con
Tôi rất chia sẻ với ý kiến của các ĐB khi cho rằng gian lận điểm thi là hành vi ăn cướp cơ hội của người khác. Mà thực ra có những người đau khổ thế này này: con mình đủ điểm rồi, thừa đỗ, nhưng không hiểu vì lý do nào đó lại đi xin điểm. Thế là con lại phải về. Đủ điểm học vẫn phải về. Bố mẹ thương con không đúng cách là tự hại con mình. Nhiều cháu nó rất tự trọng, nó không muốn việc này đâu, nhưng tại bố mẹ đấy.
ĐB Nguyễn Đắc Quỳnh (Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La)
Lê Hiệp – Vũ Hân (ghi)
Theo Thanh niên
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Càng ngày tôi càng "ngấm" là phải có niềm tin'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ qua các công việc khác nhau, được chia sẻ và gần gũi các đồng nghiệp thì càng ngày ông càng "ngấm" là phải có niềm tin.
Có niềm tin và tạo được niềm tin cho các học trò là điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại chương trình Gala "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 28/5.
Được chứng kiến trực tiếp những chia sẻ về câu chuyện của các thầy cô đầy cố gắng và dũng cảm để "đi được tới những lớp học hạnh phúc", Bộ trưởng Nhạ chia sẻ:
"Gần gũi, yêu thương, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, chân thành, thay đổi và hạnh phúc - nghe có vẻ không xa lạ nhưng đạt được một cách thực lòng, chân thành thì không phải điều dễ dàng.
Mọi thứ đều có thể thay đổi, điều quan trọng là suy nghĩ của mình là thay đổi để tốt hơn. Để hạnh phúc thì tại sao không thay đổi? Và ai cũng có thể thay đổi được. Nhưng quan trọng hơn là được những người xung quanh, đặc biệt là các thầy cô tin tưởng và có sự khích lệ, truyền cảm hứng thì sự thành công sẽ đến nhanh hơn".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với các giáo viên về sự thay đổi trong cách tiếp cận lớp học. Ảnh:Thanh Hùng.
Bộ trưởng chia sẻ qua các công việc khác nhau, được chia sẻ và gần gũi các đồng nghiệp càng ngày ông càng "ngấm" là phải có niềm tin.
"Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu như mất niềm tin thì không vượt qua được. Thậm chí là mất nhiều thứ, mất tất cả. Trong nghề giáo dục, nói không thì cũng đã khó rồi, vì nghề của chúng ta là nghề giảng bài. Nhưng ứng xử và hành xử bằng cái tâm của mình, mà thường nhiều người nói là đã vào nghề giáo phải có tâm huyết, năng khiếu".
Bộ trưởng Nhạ cho rằng kỷ luật là cần thiết, nhưng nếu thầy cô nào cũng phấn khích trong việc kỷ luật là thất bại.
Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận trên thực tế, rất nhiều thầy cô cũng muốn vươn lên, có sự tâm huyết với nghề và muốn thay đổi.
"Tôi nhớ một câu nói rằng thay vì nguyền rủa bóng đêm thì hãy thắp lên một que diêm. Từng bước từng phần khích lệ để rồi tạo nên không chỉ một giáo viên, một lớp hay một trường học hạnh phúc mà dần dần rộng hơn trong môi trường giáo dục và toàn xã hội".
Theo ông Nhạ, chính các cán bộ quản lý giáo dục cũng phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi rất mạnh. Bởi đây là đội ngũ xây dựng chính sách về giáo dục và trực tiếp quản lý. Khi thay đổi tạo môi trường tốt cho các nhà trường thì các thầy cô sẽ cảm thấy hạnh phúc.
"Thậm chí tiến tới tại sao lại không nghĩ tới phụ huynh cũng phải cùng thay đổi. Rộng ra tôi mong muốn xã hội cùng thay đổi. Bởi tại sao chúng ta không nghĩ về một xã hội tốt đẹp hơn, nhiều sự yêu thương từ đó mới có sự bao dung. Nếu không có sự bao dung thì toàn phán xét, nhìn theo chiều hướng tiêu cực. Trong thực tế thì không ai hoàn thiện và phải luôn luôn thay đổi và chính sự thay đổi mới khơi dậy được bản sắc, sự khác biệt và sẽ là động lực", ông Nhạ nói.
Với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận trách nhiệm của bản thân cũng như các cán bộ quản lý giáo dục là phải rất cụ thể, tạo môi trường thực sự để khơi dậy tâm huyết của các thầy cô chứ không phải chỉ bằng những chính sách hay phong trào. "Khi các thầy cô thay đổi thì học sinh hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc thì có lớp học hạnh phúc và điều đó cứ thế được nhân rộng ra. Ngành giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc", Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới được biên soạn ra sao? Bộ trưởng Nhạ đề xuất giải pháp sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK theo hướng thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký. Báo cáo Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra tại phiên chất vấn trực tiếp...