‘Bộ trưởng có dám hứa sẽ thành công khi xóa biên chế?’
Viết tâm thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, anh Lê Huy Nguyên lo lắng trường học sẽ biến thành doanh nghiệp khi xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục.
Việc Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Sau nhiều ý kiến tranh luận, mới đây, tài khoản Facebook Nguyen Le đăng bức tâm thư gửi bộ trưởng GD&ĐT trên mạng xã hội.
Tác giả của bức thư là ông Lê Huy Nguyên, ở xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Chiều 29/5, ông Nguyên cho Zing.vn biết ông không làm việc trong ngành giáo dục nhưng gia đình có 4 đời làm nghề giáo. Bức tâm thư này cũng là nỗi lòng của người thân, bạn bè của ông.
Ông Nguyên mong muốn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đọc được bức thư để thấu hiểu hơn những người trong nghề.
Sau khi thư được chia sẻ trên mạng xã hội, tác giả thông tin ông đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo giáo viên nhiều tỉnh thành khi nói lên tâm tư và nỗi lo lắng của họ.
Chỉ sau vài giờ được đăng tải trên diễn đàn “Chúng tôi là giáo viên”, tâm thư đã nhận được hơn hơn 13.000 lượt like, gần 10.000 lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận ủng hộ.
Bức thư vừa được viết bày tỏ sự hoài nghi về vấn đề xóa biên chế đối với giáo viên. Ảnh: Chụp màn hình
“Buổi tổng kết năm học 2016-2017 vui vẻ hân hoan, xong cũng chất chứa những lo âu lờ mờ về một vấn đề mà bộ trưởng đã phát biểu tại Bình Định vừa qua, cùng thông tin của báo chí, ý kiến bên lề của học giả và những người có uy tín trong và ngoài ngành giáo dục”, trích thư ngỏ gửi bộ trưởngGD&ĐT của anh Lê Huy Nguyên.
Từ đó, tác giả dẫn lại một số vấn đề:
Video đang HOT
1 – Xóa bỏ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục thay bằng hình thức hợp đồng.
2 – Nếu hai năm liên tiếp giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị cắt hợp đồng công việc (thải hồi).
3 – Có ý kiến nói rằng nhà trường rồi sẽ như một doanh nghiệp làm kinh tế – hiệu trưởng như chủ doanh nghiệp.
4 – Sẽ áp dụng thí điểm trước ở những trường có đủ điều kiện sau đó mới triển khai theo lộ trình rộng rãi.
Nhiều ý kiền bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến trong tâm thư. Ảnh: Chụp màn hình
Người viết thư “mạo muội hỏi bộ trưởng một số vấn đề sau”:
1 – Tại sao các ngành khác như y tế, quân đội, công an… lại không đề cập xóa bỏ viên chức thay bằng hợp đồng như ngành giáo dục?
2 – Bộ trưởng có dám cam kết: Cắt hợp đồng lao động nếu hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo viên là sẽ đảm bảo chính xác, công minh, không oan sai do trù dập… của chủ doanh nghiệp (hiệu trưởng) đối với người làm công (giáo viên) không?
3 – Giáo dục là ngành đặc thù, đặc biệt quan trọng, được quan tâm chăm sóc, chú trọng đặc biệt. Vậy tại sao bây giờ lại biến thành doanh nghiệp để hạch toán như kinh doanh của các ngành nghề kinh tế khác?
Không nên ngụy biện vì cơ chế thị trường mọi ngành nghề phải cạnh tranh bình đẳng. Giáo viên bị hụt hẫng, lo âu vì việc làm bấp bênh và mặc cảm với danh phận vì bấy lâu nay được xã hội và mọi người đề cao tôn trọng.
Nghề dạy học là cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bỗng một ngày, giáo viên bị cắt hợp đồng dạy học, thử hỏi những ảnh hưởng tiêu cực của việc này gây ra sẽ nguy hại và gây nên bất ổn cho xã hội tai hại biết nhường nào?
Bất công sẽ sinh ra từ cách làm này ở ngay trong nội bộ nhà trường và nội bộ ngành giáo dục. Cụ thể, hiệu trưởng cũng là thầy giáo, giáo viên đứng lớp cũng là thầy giáo, mà người biên chế (ông chủ), người hợp đồng (làm thuê), là bất công và vô lý.
Giáo viên vất vả, lương bổng thấp lại chịu áp lực trên đe dưới búa, kể cả áp lực với phụ huynh học sinh kiện cáo, học trò cá biệt. Cuộc sống khó khăn, đi lại cách trở, nhất là các thầy cô đang công tác ở vùng sâu, xa, dân tộc, hải đảo…
Nhiều thầy cô phát biểu: không sợ nghèo khổ, không sợ vất vả và thiệt thòi, chỉ sợ không công bằng!
Thưa bộ trưởng! Bộ trưởng có nghe thấu lời tâm huyết của những người lính binh nhì với tư lệnh ngành không?
4 – Nếu để quyền lực nằm trong tay hiệu trưởng, xếp trên chỉ đạo mà không có kiểm soát, giám sát tốt, hậu quả khôn lường sẽ xảy ra.
Thực tế hiện nay, nhiều ban bệ trong nhà trường, phòng, sở, bộ, các cấp giám sát thanh tra đột xuất và định kỳ thường xuyên liên tục mà vẫn xảy ra tham nhũng, bớt xén lạm thu, chi sai quy định. Xin hỏi bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này và xử lý, khắc phục như thế nào?
5 – Tôi và mọi người xem, đọc báo thấy cách làm của đề án mới này là áp dụng thí điểm ở những trường đủ điều kiện, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm. Xin thưa bộ trưởng, nếu thí điểm, tôi tin sẽ thành công, thậm chí còn thành công to lớn rồi tham quan, hội thảo viết đề tài khoa học…
Như bao lần đổi mới trước đây như VNEN, Đề án Ngoại ngữ 2020… cũng thí điểm rất thành công, đem áp dụng vài năm thì không hiệu quả. Vậy lần này, bộ trưởng có dám hứa là đổi mới sẽ thành công? Nếu thất bại xử lý thế nào?
Theo Zing
Ông Phùng Xuân Nhạ: Xóa biên chế mới tạo được đột phá trong giáo dục
"Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích về việc thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên.
Liên quan đến chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua việc tự chủ chỉ được bàn đến nhiều ở giáo dục đại học, chưa đề cập ở giáo dục phổ thông. Đây là băn khoăn của ngành. Vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ Giáo dục đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Nhạ thông tin, giáo dục phổ thông chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính, mà là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Từ trước đến nay, các trường đã được phân quyền nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt. Đồng thời, khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường là tổ chức bộ máy và nhân sự. Thực tế các trường mới có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao, nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây khó khăn cho các trường.
Ông Nhạ cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
"Mọi thay đổi của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng", Bộ trưởng Giáo dục nói và khẳng định lâu nay xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống khó khăn.
"Đó là sự thật và cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức đã được quy định chung", Bộ trưởng trăn trở.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không thể làm ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác, coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm.
Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu giáo viên nên Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra. Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành giáo dục.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hữu quan và các địa phương để cụ thể hóa chủ trương này trong thời gian tới. Ban đầu sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục", Bộ trưởng Nhạ nói.
Theo Hoàng Thùy (VNE)
Bỏ biên chế giáo viên: Thầy cô miền núi, hải đảo hết mặn mà "gánh" chữ Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ thí điểm xóa bỏ chế độ công chức, viên chức ngành giáo dục để tuyển dụng theo cơ chế..."có ra, có vào". Thông tin từ chính lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục đã gây ra nhiều lo âu và tranh cãi. Bỏ biên chế có lộ trình Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ,...