Bộ trưởng Bộ VHTTDL nghiêng về phương án bảo tồn hang Sơn Đoòng
Sáng nay (12.11), bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Tuấn Anh cho biết quan điểm cá nhân về việc xây dựng cáp treo vào di tích hang Sơn Đoòng (Quảng Bình): Ông nghiêng về phương án bảo tồn và phát huy di tích.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh
Cụ thể, trả lời báo giới, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, chiều mai (13.11), ông sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về vấn đề cáp treo vào hang Sơn Đoòng. Ông cũng cho biết tới thời điểm này Bộ vẫn chưa nhận được văn bản của tỉnh Quảng Bình báo cáo các phương án xây dựng cáp treo tại đây.
Về quan điểm của Bộ VHTTDL với dự án này, Bộ trưởng cho biết dù là làm gì cũng phải trên tinh thần tuân theo Luật Di sản và phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
“Thời gian qua, nhiều ý kiến chuyên gia đều cảnh báo về dự án này. Với chức năng của mình, Bộ phải tập hợp lại, sau đó cùng với UBND tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm phân tích, đánh giá cái gì hại, cái gì lợi và chọn phương án tối ưu để xử lý. Tuy chưa chốt phương án cuối cùng, nhưng tôi nghiêng về phương án bảo tồn và phát huy nó”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
Giải thích sâu thêm, Bộ trưởng cho biết: Quan điểm chung là không được can thiệp thô bạo vào di sản, phải có quy trình tính toán các yếu tố, việc bảo tồn là trên hết và tìm cách phát huy nó. Trên thế giới có nhiều di sản văn hóa tương tự. Ngay như ở Việt Nam có di tích Yên Tử đang chuẩn bị lập hồ sơ trình UNESCO thì cũng tương tự như thế, muốn làm gì phải cân nhắc.
Lấy ví dụ về cáp treo đã xây dựng tại khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đó là khu vực rất giàu tiềm năng du lịch, đồng thời rất đa dạng về sinh học. Lúc bấy giờ cũng phải tính toán và cuối cùng có một công ty xin phép làm. Chúng tôi đã đưa ra một quy trình rất nghiêm ngặt để họ phải tuân theo. Trước đây, Bà Nà – Núi Chúa đã xây dựng một con đường đi lên, nhưng gặp 2 vấn đề: Thứ nhất là phải chặt cây, thứ hai là đường lên trắc trở, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Lúc ấy chỉ có phương án làm cáp treo thì khách mới lên đỉnh núi và tham quan các nơi được. Khi làm cáp treo thì yêu cầu đặt ra là phải bảo vệ cảnh quan môi trường. Thực tế, người dân vẫn tiếp cận được đỉnh Bà Nà, vui chơi giải trí, thưởng ngoạn cảnh vật mà môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận với di tích hang Sơn Đoòng thì có nhiều cái khác biệt so với Bà Nà nên cần phải tính toán kỹ lưỡng. “Có xây hay không xây cáp treo thì cũng phải xem phương án cụ thể chứ bây giờ chưa biết gì cả. Nhưng quan điểm của tôi là di sản phải đến được với dân chứ di sản không thể nằm trên giấy được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Dân Việt
Cáp treo xuyên hang Sơn Đoòng: Hãy giữ cho nhân loại!
"Việc bảo tồn các di sản chính là sự gìn giữ những giá trị đó cho nhân loại, cho những thế hệ mai sau vẫn được biết đến".
PGS.TS Nguyễn Hiệu, Khoa địa lý - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN khẳng định.
Phải khảo sát mang tính đồng bộ
PV: - Là một trong những người đã nhiều năm nghiên cứu và đưa đoàn thám hiểm của Hiệp hội nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh vào khám phá hang Sơn Đoòng (SĐ), ông có quan điểm ra sao trước quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình khi cho một tập đoàn kinh tế vào khảo sát và đưa ra phương án xây dựng tuyến cáp treo xuyên hang? Theo ông để tiến hành khảo sát thực hiện thì cần bao nhiêu thời gian và có gì khó khăn hay không?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Để khảo sát có dự án này, tập đoàn đó cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học thuộc những lĩnh vực chuyên môn quan trọng về khoa học Trái Đất, về hang động, Sinh thái, Môi trường...
Video đang HOT
Nội dung khảo sát thực thi dự án này không thể chỉ là cho xây dựng hệ thống cáp treo, mà phải là một khảo sát mang tính đồng bộ cả về điều kiện thực thi cũng như đánh giá những tác động của toàn tuyến du lịch tới khu di sản nói chung, tới hang SĐ nói riêng.
Bên cạnh những điều kiện về kết cấu địa chất, đặc điểm tân kiến tạo, đặc trưng địa mạo, chế độ thủy văn, khí hậu, đặc biệt những vấn đề về tai biến thiên nhiên như lũ lụt, đổ lở...phải được nghiên cứu, quan trắc chi tiết.
Những phân tích đánh giá, dự báo về số lượng khách và sức chịu tải về môi trường, tài nguyên cũng như là hệ thống dịch vụ của khu du lịch PN-KB cũng phải được nghiên cứu một cách đồng bộ và phải được đặt trong bối cảnh của một khu di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị tự nhiên độc đáo phải mất hàng triệu năm để kiến tạo.
Cáp treo Sơn Đoòng: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường!
Và để thực hiện được điều này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện ít nhất trong vòng hai năm dưới dạng một dự án nghiên cứu khoa học/ dự án tiền khả thi và phải được sự phản biện rộng rãi. .
PV: - Thế nhưng, theo lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình thì nói rằng việc cho xây dựng tuyến cáp treo vào hang Sơn Đoòng để phát triển du lịch theo trào lưu, đại trà là không đúng. Ông nghĩ sao?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Quan điểm của tôi, du lịch hang động, theo đúng nghĩa là phải khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị tự nhiên và khoa học độc đáo, được trải nghiệm, được mạo hiểm và đắm mình trong không gian u tịch của nơi ẩn sâu trong lòng đất, còn dự án này tôi thấy họ chỉ có ý định tiếp cận bên ngoài hang Sơn Đoòng, sau đó thiết kế một số vị trí để cho du khách nhìn ngắm, chứ không phải để khám phá hay du lịch hang động theo đúng nghĩa.
Trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện, đã có hang rất nổi tiếng đó là hang Deer ở Vườn quốc gia Gulung Mulu (Malaysia) là hang có kích thước lớn nhất thế giới, nằm ở độ cao 146m với chiều dài nhánh chính của hang xấp xỉ 1000m, rộng trung bình 174m và cao khoảng 122m.
Nhưng với chiều dài nhánh chính lên tới 6.781m, độ rộng trung bình 50-80m (nơi rộng nhất tới 163m), độ cao trung bình 80-100m (nơi cao nhất đạt 195m), đủ sức chứa 1 toà nhà 60 tầng (mỗi tầng trên 3m), hang Sơn Đoòng đã chính thức trở thành hang lớn nhất thế giới hiện nay.
Ở Mulu, du lịch hang động được phát triển du lịch từ những năm 80 của thế kỉ trước, đến nay họ có rất nhiều dự án cho việc thám hiểm hang động, trong đó có cả khám phá hang Deer, nhưng tuyệt nhiên không có hình thức cáp treo, du lịch của họ đều trải nghiệm bằng cách đi các tour lộ trình bên dưới mặt đất, thâm nhập đến hệ thống hang để khám phá.
Nếu muốn tránh việc đi những lộ trình khó khăn thì du khách có thể đi bằng trực thăng. Ở cách khá xa cửa hang Deer họ xây dựng bãi đỗ cho máy bay trực thăng.
Một phần trong hang bị sập đổ mạnh với các vách hang dựng đứng nhiều khe nứt - là nơi tiềm ẩn tai biến sập đổ nguy hiểm (Ảnh Howard Limbert)
Gần đây, Quảng Bình có tổ chức tour du lịch thử nghiệm "Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới", do Công ty Oxalis chủ trì, với giá cho một du khách nước ngoài là 3000 USD/tour. Sau 8 tháng thử nghiệm, đã đón tiếp, phục vụ thành công 32 tour với tổng số 243 lượt khách tham quan đến từ 34 nước.
Mặc dù chưa khai thác chính thức, thời gian thử nghiệm ngắn nhưng tour du lịch đã đưa lại hiệu quả kinh tế đáng kể với doanh thu bán tour đạt trên 15 tỷ đồng.
Đây là mô hình tổ chức mà ở các khu du lịch hang động khác trên thế giới đều thực hiện. Tuy nhiên, việc bỏ ra một số tiền lớn như vậy thì để tới được hang SĐ sẽ chỉ là mơ ước của nhiều người. Với dự án của Sun Group, họ hướng tới việc bình dân hóa hay có thể xem như là đại trà tour du lịch này. Lợi ích mang lại trước mắt là chắc chắn du khách sẽ nườm nượp đổ về PN-KB để được tới Sơn Đoòng.
Đi cùng với đó là các hệ thống dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, y tế, phát triển theo. Tuy nhiên, cách thức dùng cáp treo như vậy sẽ không thể mang lại những giá trị đích thực của loại hình du lịch độc đáo này và chắc chắn sẽ mang lại nhiều những hệ lụy tới môi trường tự nhiên, xã hội của khu di sản và lân cận.
Xây trực tiếp tuyến cáp treo là vô cùng nguy hiểm
PV: - Phải chăng vì thế mà lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, đồng ý cho xây dựng cáp treo, là phương án phát triển và bảo vệ phù hợp nhất cho Sơn Đoòng. Với giải pháp này, Quảng Bình vừa khai thác được du lịch của hang động Sơn Đoòng lại vừa kết hợp tour tham quan du lịch sinh thái ở các khu rừng quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng. Ông đánh giá thế nào với nhận định này?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Nếu dự án du lịch này được triển khai, chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho du lịch PN-KB như đã đề cập đến ở trên. Nhưng riêng đối với hang SĐ, làm sao để bảo tồn được nó nếu như tiến hành xây hệ thống cáp treo như vậy.
Hang Sơn Đoòng được hình thành trong khối núi Kẻ Bàng, trong đó phân bố các hệ tầng đá vôi có tuổi từ kỷ Devon (360-416 triệu năm) đến Carbon-Permi (251-360 triệu năm) có nguồn gốc từ trầm tích lắng đọng trong đại dương vào thời kì Paleozoi.
Với đặc tính giòn, dễ dập vỡ của đá vôi, lại trải qua lịch sử phát triển địa chất lâu dài dọc theo các đới đứt gãy địa chất, nên kết cấu của hang sẽ rất nhạy cảm với các chấn rung gây ra bởi các hoạt động công trình. Việc xây dựng trực tiếp các tuyến cáp treo lên hang là vô cùng nguy hiểm cho chính các công trình này và của trần và vách hang
Mặt khác, làm như vậy thực sự rất mất mỹ quan, sự xuất hiện của các công trình nhân sinh này sẽ làm mất đi cảnh quan tự nhiên hoang sơ của khu di sản thiên nhiên nói chung, của SĐ nói riêng.
Lượng du khách đông không kiểm soát được, nườm nượp các hệ thống cáp treo vào ra, vào ra liên tục như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc, sự ổn định và môi trường, các hệ sinh thái của hang.
Chưa kể lộ trình thứ 2, trong phương án của tập đoàn là làm từ hố sụt thứ 2 đi xuống lòng hang. Trong du lịch hang động, tôi đã đi rất nhiều nơi, họ làm bao giờ cũng làm hành lang độc lập trong hang, để du khách thưởng ngoạn, ngắm chứ không sờ vào xung quanh.
Ảnh chụp hố sập 2 trong Hang Sơn Đoòng (Ảnh Nguyễn Hiệu)
Bởi nếu không kiểm soát tốt, có thể xuất hiện hiện tượng một số du khách thiếu ý thức sẽ gây ra những tác động trực tiếp tới thảm thực vật ở hố sụt, hay nền hang, nhũ đá...
Việc bảo tồn các di sản chính là sự gìn giữ những giá trị đó cho nhân loại, cho những thế hệ mai sau vẫn được biết đến. Nếu không đặt tiêu chí này lên hàng đầu, thì những giá trị tự nhiên này có thể sẽ bị những lợi ích về mặt kinh tế trước mắt triệt phá. Đối với các vùng di sản như PN-KB, có càng ít sự can thiệp của con người, của các công trình dân sinh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu..
PV:- Hiện nay, việc để cho các nhà đầu tư lớn vào trong các khu di sản khai thác, phát triển kinh tế du lịch, xuất hiện nhiều mối lo ngại về lợi ích nhóm, ông có đồng tình với ý kiến này hay không? Vì sao ạ?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Điều này cũng rất dễ xảy ra nếu như không quản lý tốt. Việc khai thác các di sản phải đạt được mục tiêu vừa mang lại lợi ích kinh tế xã hội, vừa góp phần gìn giữ và bảo tồn chúng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Người dân địa phương phải được hưởng lợi từ các dự án này bởi có công ăn việc làm tốt, có phúc lợi xã hội tốt hơn, có môi trường sống tốt hơn. Địa phương có được nguồn thu để tăng vốn kinh phí đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội...
Cáp treo Sơn Đoòng:Chuyên gia Anh phản đối du lịch đại trà!
Bên cạnh công tác quản lý tốt, nếu những người dân địa phương có một cuộc sống tốt nhờ chính vào Di sản mà họ đang sở hữu, thì ý thức trân trọng và giữ gìn di sản sẽ tự nhiên được hình thành. Trong dự án du lịch thử nghiệm khám phá hang SĐ do công ty Oxalis đảm nhiệm đã thu được 15 tỷ đồng từ bán vé tour và có 40 người dân địa phương tham gia vào dự án.
Đây là một kết quả rất tốt, tuy nhiên người ta vẫn muốn biết thu nhập của 40 người tham gia đó là bao nhiêu sau một năm làm việc, có bao nhiêu phần trăm từ nguồn thu 15 tỷ đồng đó sẽ được đầu tư cho phát triển KTXH của địa phương.
Cho đến nay, đã sau gần 25 năm PN-KB được giới thiệu ra thế giới, sau hơn 10 được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, nhưng những lợi ích được tạo ra từ sự sở hữu một khu di sản nôi tiếng như PN-KB cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương là không đáng kể, việc tổ chức khai thác và quản lý phát triển một cách đồng bộ chậm hơn nhiều so với các nơi trên TG cùng sở hữu những di sản lớn như vậy.
Khai thác phải đi kèm với bảo tồn
PV:- Bài toán đặt ra ở đây chính là lợi ích kinh tế, làm ăn thương mại và giá trị của di sản, theo ông trong trường hợp này phải có phương án như thế nào để cân bằng cả hai điều này? Chúng ta có xử lý được không?
PGS.TS Nguyễn Hiệu: - Theo tôi thì phải thực hiện khai thác đi kèm với bảo tồn, về giải pháp có thể trực tiếp và gián tiếp, càng hạn chế các tác động của các công trình dân sinh vào di sản được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Hang Sơn Đoòng nổi tiếng thế giới và hấp dẫn du khách bởi kích thước rộng lớn nhất thế giới và sở hữu những giá trị độc đáo về địa chất, cổ sinh, địa mạo và sinh vật, đồng thời lại nằm trong khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Việc khai thác bài bản và hiệu quả kinh tế cao mang lại từ tour du lịch thử nghiệm khám phá hang Sơn Đoòng sẽ là cơ sở quan trọng cho sự phát triển tour du lịch này nói riêng, của loại hình du lịch mạo hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung trong tương lai.
Tuy nhiên, để khai thác một cách lâu bền kết hợp với bảo tồn các giá trị của hang Sơn Đoòng, cần phải tiến hành các nghiên cứu, đánh giá chuyên đề sâu nhằm làm rõ những đặc điểm, giá trị độc đáo và xây dựng thành hồ sơ hay sách chỉ dẫn cho hang.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống quan trắc biến đổi điều kiện kiện tự nhiên, môi trường trong hang và thiết lập một hành lang quản lý tổng hợp theo hệ thống lưu vực các sông suối chảy qua hang Sơn Đoòng nói riêng, qua khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.
Có thể xây dựng các mô hình giả lập kèm theo hệ thống phim và ảnh chụp để có thể giới thiệu được nhiều hơn về SĐ tới những du khách không có được điều kiện về sức khỏe, tài chính để đến được hang.
Chú trọng việc tuyên truyền, tạo việc làm và quyền lợi xứng đáng cho người dân địa phương, đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch và tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về cứu hộ và y tế, là những nhiệm vụ được ưu tiên nhằm khai thác bền vững và bảo tồn hang Sơn Đoòng.
- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!
Theo Báo Đất Việt
Sơn Đoòng có thể 'đắp chiếu' nếu không có du khách Di sản thiên Sơn Đoòng có thể sẽ rơi vào lãng quên, giống như vàng hay kim cương nằm ở đáy biển nếu không có du khách - Phó tổng cục trưởng Du lịch nêu quan điểm. Thừa nhận lo lắng của dư luận trước việc UBND Quảng Bình có ý định xây cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó...