Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: “Thiên tai khốc liệt, chúng ta vẫn vượt khó đi lên”
“Nếu như năm 2016, tổng thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng, thì riêng năm 2017 con số này là 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai…Nhưng chúng ta vượt khó để đi lên, đạt được những kết quả với những mốc lịch sử rất đáng trân trọng” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Năm 2017 vừa qua, được coi là năm của những kỷ lục thiên tai, với 16 cơn bão hình thành trên Biển Đông, xuất hiện nhiều trận mưa, lũ lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho đất nước ta. Đây là một năm với thách thức rất lớn với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, năm 2017 lại là năm mà ngành nông nghiệp đạt được rất nhiều thành tựu với những mốc lịch sử rất đáng trân trọng.
Nhân dịp này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Xuất khẩu nông sản vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra
- Trong năm 2017 có nhiều bão xuất hiện, hình thành trên Biển Đông (16 cơn bão và 4 ATNĐ), trong đó có 5 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 4 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Đây là năm rất khó khăn với ngành nông nghiệp, vậy Bộ trưởng đánh giá chúng ta đã vượt qua những thách thức này như nào?
- Đúng là năm 2017 vừa qua là năm đầy thử thách, đặc biệt là về thiên tai – một năm có 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp nhiệt đới, các loại hình dị thường của thời tiết: mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra triền miên, nhất là vùng miền núi phía Bắc và tất cả các vùng miền khác, cho thấy một năm thiên tai hà khắc chưa từng thấy.
Nếu như năm 2016, tổng thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng, thì riêng năm 2017 con số này là 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai, đồng thời với đó là khó khăn về mặt thị trường. Tuy nhiên, vượt lên tất cả đó là cả hệ thống chính trị và các Bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố, các thành phần kinh tế, bà con nông dân đã vào cuộc, chúng ta đã vượt khó để đi lên với một kết quả tổng quan tốc độ tăng trưởng vào khoảng 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra.
Thứ hai, trong mục tiêu xuất khẩu, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, năm 2017 chúng ta đã đạt con số 36,37 tỷ USD. Một năm vượt tới hơn 4 tỷ USD cho mặt hàng xuất khẩu nông sản, cho thấy một kết quả tổng hợp rất đáng trân trọng. Cùng với đó, chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới chúng ta đã đạt 2.884 xã, bằng 32,3%, vượt kế hoạch giao là 31%. Tóm lại, năm 2017 có thể nói đúng là một năm chúng ta vượt khó để đi lên, đạt được những kết quả với những mốc lịch sử rất đáng trân trọng.
- Rõ ràng năm 2017 là năm thiên tai khốc liệt, nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả rất ấn tượng như Bộ trưởng nói ở trên. Vậy cơ sở nào để chúng ta đạt được điều này, thưa Bộ trưởng?
Video đang HOT
- Lĩnh vực xuất khẩu nông sản chúng ta đã đạt được thành tựu lớn trong một thời gian không dài, một là số liệu tổng thể chúng ta đã đạt con số 36,37 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn.
Thứ hai, một con số rất đáng ghi nhận nữa là thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp đã đạt con số 8,55 tỷ USD, vượt hơn năm 2016 hơn 1 tỷ USD, với 1 ngành nông nghiệp như vậy thì đây là những thành tựu rất là lớn. Trong đó, có nhiều mốc kỷ lục mới, thí dụ ngành hàng thủy sản lần đầu tiên chúng ta vượt 8 tỷ USD, ngành gỗ lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, ngành rau quả đạt 3,45 tỷ USD, vượt lúa gạo. Đây là những mốc rất lớn, quan trọng, đánh giá vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta theo 2 nguyên tắc:
Một là phải xác định theo nguyên tắc thị trường, mà thị trường ở đây kể cả là thị trường trong nước, quan trọng hơn là thị trường thế giới với sức mua lớn.
Thứ hai, nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn những đối tượng phù hợp, có dư địa từng vùng, từng miền để tập trung vào. Chúng ta đang hướng vào rau quả, thủy sản, lâm nghiệp và những mặt hàng khác là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh để từ đó, chúng ta tập trung các biện pháp cụ thể trong tái cơ cấu, từ xây dựng vùng nguyên liệu, từ xử lý nút thắt hiện nay yếu nhất là công tác chế biến cho đến công tác tổ chức, phát triển thị trường.
Mỗi tỉnh phải tập trung vào ngành hàng chủ lực của tỉnh mình
- Một năm với thiên tai khốc liệt như vậy, nhưng chúng ta đã vượt lên và đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng – đây là những tiền đề cho nông nghiệp tiếp tục phát triển các năm tiếp theo. Vậy Bộ trưởng cho biết, định hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tới sẽ như thế nào?
- Chúng ta phải tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Như tôi vừa nói, tái cơ cấu nông nghiệp nguyên tắc chung là phải tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp tập trung chuỗi giá trị phản ánh đúng xu hướng lợi thế trên cơ sở nguyên tắc thị trường, trên cơ sở thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Đó là những nguyên tắc trụ cột, từ nguyên tắc trụ cột này thì với ngành hàng quốc gia mang tính chất lợi thế chúng ta phải tập trung sâu vào nhất là những khâu gì yếu của ngành hàng nào thì phải tập trung vào.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm một cơ sở xuất khẩu chuối tại tỉnh Hưng Yên.
Thứ hai, vì sao mũi ngành hàng chủ lực cấp tỉnh phải khuyến khích mạnh? Một quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn như thế mà chỉ tập trung vào một số mặt hàng không được, mà rõ ràng chúng ta trải dài trên 15 vĩ độ, 63 tỉnh thành khu vực nào cũng có dư địa, lợi thế riêng về những nhóm mặt hàng nông sản có lợi thế riêng thì các tỉnh cũng cần tập trung vào. Thí dụ như Bắc Giang, Lâm Đồng vừa qua, Đồng Tháp hay tỉnh xa xôi như Hà Giang cũng tìm ra lợi thế của mình để đi vào khai thác. Gần đây nhất là bài học kinh nghiệm của Sơn La, một tỉnh rất điển hình chuyển rất nhanh từ cây ngô giá trị kém sang cây ăn quả, thành lập nhà máy chế biến, chuỗi xuất khẩu ở đấy rất tốt.
Thứ ba, phải chú ý đến sản phẩm nông nghiệp của vùng miền, mỗi làng một sản phẩm, bởi vì chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn kết chung với tái cơ cấu kinh tế, cụ thể ở đây là giữa nông nghiệp với du lịch, dịch vụ, chúng ta phải khai thác tốt mảng này.
Những năm gần đây chúng ta mỗi năm có gần 3.000 hợp tác xã (HTX) kiểu mới được thành lập, nhưng con số này còn thấp, tới đây theo mục tiêu phấn đấu của nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ cố gắng từ nay đến năm 2020 chúng ta phải làm sao có khoảng 15.000 HTX kiểu mới. Chỉ có nông dân tổ chức vào các HTX kiểu mới, chỉ có nông dân từ trang trại chuyển lên thành doanh nghiệp nhỏ, từ doanh nghiệp nhỏ lên doanh nghiệp lớn liên kết với nhau, tao thành phương thức tổ chức, sản xuất mới thích ứng với nền sản xuất tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị thì chúng ta mới thành công được.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyễn Dương (thực hiện)
Theo Dantri
Tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm, DN phải là "đầu tàu"
Tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tạo điều kiện quy hoạch vùng nguyên liệu là các đề xuất của chuyên gia về việc triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp 2018.
Hai điểm nghẽn của ngành nông nghiệp
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả - cho rằng, 2 điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất cao, chất lượng nông sản còn kém. Do đó, phải tạo kinh tế hợp tác đủ mạnh mới giảm được chi phí sản xuất. Hợp tác xã hoạt động đúng bản chất và mang lại lợi ích của thành viên thì sẽ nâng cao chất lượng nông sản và tiếp cận được nông nghiệp 4.0.
Chế biến dứa phục vụ xuất khẩu. Ảnh: I.T
Coi khó khăn của DN là khó khăn của ngànhBộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một trong những việc quan trọng của tái cơ cấu là phải hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này, DN là hạt nhân quan trọng, liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân. Vì vậy, những chính sách phối hợp với DN được coi là nhiệm vụ trọng tâm.Tập trung cải cách hành chính để DN yên tâm đầu tư, coi khó khăn của DN là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và địa phương để tháo gỡ.
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, năm 2018, những thách thức về biến đổi khí hậu, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe đòi hỏi ngành phải nỗ lực thay đổi tư duy, tạo đột phá trong sản xuất.
Theo đó, nông nghiệp không chỉ tập trung sản xuất toàn diện mà cần chuyển sang phát triển những sản phẩm có lợi thế, với vai trò dẫn dắt của DN.
"Trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, nhưng trong giai đoạn tới, DN phải dẫn dắt nền nông nghiệp. Cần định hình rõ trong bối cảnh hiện nay phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các tiến bộ của thế giới, sản xuất không thể manh mún và phân tán. Vì vậy, phải tạo môi trường thuận lợi để DN có thể dẫn dắt được nông nghiệp" - ông Hùng nhấn mạnh.
Xây dựng nhiều nhà máy chế biến rau quả
Theo các chuyên gia, mục tiêu năm 2018 ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng từ 2,8 - 3%, kim ngạch xuất khẩu từ 37 - 38 tỷ USD... có thể đạt được nếu thực hiện quyết liệt việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển nhóm sản phẩm lợi thế, qua đó hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
Ông Đinh Cao Khuê - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đề xuất, việc đầu tư vào nông nghiệp phải theo liên kết vùng, với DN không chỉ dừng lại ở một nhà máy mấy trăm tỷ đồng và phải hình thành ở nhiều địa phương để tạo liên kết về vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến không chỉ phát triển một sản phẩm mà tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương, tuy nhiên các địa phương cần tạo điều kiện cho DN về quỹ đất để đầu tư.
Ông Khuê cho biết, trong năm 2018, công ty sẽ khởi công nhà máy chế biến rau quả lớn tại Gia Lai. "Chúng ta phải thay đổi cách quy hoạch theo hướng quy hoạch liên vùng. Theo đó, chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến rau quả ở Gia Lai không có nghĩa là chỉ phục vụ nguồn nguyên liệu ở đây, mà còn cho cả vùng Tây Nguyên".
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 ngành tiếp tục tập trung cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển DN, kinh tế hợp tác.
Về cơ cấu lại ngành, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố và nhóm đặc sản làng, xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả...
Theo Danviet
An toàn thực phẩm để nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nông nghiệp muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung giải quyết an toàn thực phẩm (ATTP),...