Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Cân nhắc sử dụng lại thang điểm 10
Phát biểu tại buổi Tọa đàm góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 diễn ra tại TPHCM ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Có lẽ bộ sẽ tiếp thu và sử dụng lại thang điểm 10 để khỏi có những băn khoăn, lo lắng từ thầy cô, học sinh và phụ huynh về vấn đề này”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều đồng tình với chủ trương đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2015 tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị về chủ trương và kỹ thuật cho dự thảo quy chế.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT lắng nghe các ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT và lãnh đạo các trường ĐH,CĐ
Thí sinh tự do thi ở đâu?
Phát biểu đầu tiên tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, đến tận chiều qua ĐHQG TPHCM vẫn còn họp bàn về quy chế thi năm nay. Theo ông Nghĩa, năm nay cái khó của các trường ĐH phụ trách cụm thi là “gánh1 lúc 2 vai”, nếu các năm trước kỳ thi tuyển sinh gần như mỗi trường đều tổ chức thi thì năm nay chỉ còn vài chục cụm nên việc “nhập vai’ của nhiều trường còn chưa quen. Dịp này, ông Nghĩa đã góp ý những vấn đề liên quan đến chính sách và kỹ thuật.
PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho quy chế
“Về mặt kỹ thuật, tại điều 8 có những điểm cho rõ trong đó việc dồn phòng thi, đánh số báo danh thế nào, làm sao cho việc đánh số báo danh, dồn phòng thi (đối với các môn tự chọn) để giúp thí sinh và các trường thuận tiện hơn trong khâu tổ chức. Ngoài ra, thí sinh tự do đăng ký và dự thi tại đâu? Tại nơi có KT3 hay hộ khẩu thường trú, thí sinh vẫn chưa rõ nên Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn rõ ràng hơn”, TS Nguyễn Đức Nghĩa góp ý.
Còn liên quan đến chính sách, TS Nghĩa cho rằng, theo dự thảo, thí sinh đăng ký và dự thi tối thiểu 4 môn trong đó ngoài ba môn bắt buộc,cần phải nói rõ môn tự chọn các em có thể đăng ký để xét tốt nghiệp ngay từ đầu chứ không phải đăng ký thi nhiều môn tự chọn khi có kết quả lấy môn cao nhất xét tốt nghiệp. Cần phải nói rõ vấn đề này để thí sinh không nhầm lẫn.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Thanh – Phó hiệu trưởng trường ĐH An Ninh cho rằng cần xem lại điều 8 và 9 trong dự thảo quy chế. Trong quy chế chưa quy định rõ, trường phổ thông in giấy báo thi vào thời điểm nào, trường ĐH lập số báo danh.. như vậy thì không đồng nhất. Thống nhất thời điểm phát phiếu báo thi và nội dung gì trên đó, làm sao để thí sinh biết rõ mình thi ở đâu, thời điểm nào, phòng thi nào…
Ông Thanh cũng băn khoăn vì những quy định về chấm kiểm tra, chấm thẩm định, kết quả cuối cùng có sử dụng kết quả này không, trong dự thảo quy chế chưa nêu . Bên cạnh đó, giá trị của chấm phúc tra, thẩm định được sử dụng như thế nào.
Nhiều đề xuất giữ lại thang điểm 10
Video đang HOT
TS Nguyễn Đức Nghĩa, cho rằng: “thang điểm 20 nếu dùng cần phải xem xét vì về bản chất không khác nhau, chúng ta cần tính xem có thật sự cần thiết thay đổi hay không, còn không thì nên giữ nguyên thang điểm 10″.
Ông Trần Đức Huyên – Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) tán thành nên giữ thang điểm 10
Kiến nghị này nhận được sự đồng thuận của đa phần đại diện các Sở GD-ĐT. Bà Trương Thị Kim Huệ – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai đề xuất nên duy trì thang điểm 10 vì học sinh ở THPT đang áp dụng thang điểm này. Ngoài ra, về thời gian hạn chót thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi, theo dự thảo là trước 11/4, đề nghị giãn ra hạn chót đến hết tháng 4″.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, thang điểm 10 sẽ tạo đồng thuận nhiều hơn. Tương tự, ông Trần Đức Huyên – Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) tán thành nên giữ thang điểm 10, khi cộng thêm với điểm trung bình lớp 12 sẽ hợp lý hơn.
Trong khi đó, TS Trần Đình Lý – Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông Lâm TPHCM cho hay, dự thảo có những thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, với những gì ổn định, tốt của “3 chung” trước đây thì không nên thay đổi và để hướng đến mục tiêu cuối cùng là vì quyền lợi của học sinh. Nếu chấm thang 20 thì giáo viên sẽ mệt hơn, chi phí nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT đều băn khoăn cấu trúc đề thi sẽ ra như thế nào, ông Trần Thanh Liêm – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn cấu trúc đề thi từng môn. Bộ nên công bố sớm để các trường, các sở chủ động sớm trong ôn tập để học sinh có lợi.
Ông Giang cũng cho rằng, thời gian thi đổi sang tháng 7 lúc đó các giáo viên nghỉ hè. Điều này khiến các trường lo lắng vì ai quản lý học sinh trong thời gian đó. Bộ nên có văn bản mang tính chỉ đạo giúp Sở GD-ĐT “gỡ” vấn đề”. Đồng thời, GDTX bỏ điểm khuyến khích tin học và ngoại ngữ, nếu bỏ thì nên bỏ từ năm sau vì năm nay các em đã cố gắng phấn đấu học tập trong năm.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng thắc mắc, ở môn Địa lý thí sinh có được phép đưa atlat vào phòng thi vì hiện tại giáo viên vẫn dạy kiểu có Atlat…
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, bộ tiếp thu đầy đủ các thông tin của các đại biểu và cân nhắc hoàn thiện phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận kết luận sau buổi tọa đàm
Bộ trưởng Luận cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia nằm trong 2 lộ trình đổi mới thi và kiểm tra, nhằm thay đổi cách dạy cách học, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Theo nguyên tắc lấy lợi ích lâu dài của học sinh làm mục tiêu chính. Quy chế thi sẽ được giữ ổn định cho đến khi lớp học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thi tốt nghiệp THPT. Nếu có thay đối thì chỉ là các bổ sung chút ít. Về thang điểm, bản chất không thay đổi, chấm rồi sẽ quy đổi… và giáo viên chấm thi đúng là sẽ mệt hơn. Có lẽ bộ sẽ tiếp thu và sử dụng lại thang điểm 10 để khỏi có những băn khoăn, lo lắng từ thầy cô, học sinh và phụ huynh về vấn đề này. Đối với thí sinh tự do, thí sinh đăng ký dự thi ở đâu cũng được, miễn là thuận lợi cho các em, không bắt buộc theo nơi cư trú. Thí sinh đang học THPT đăng ký thi theo trường. Về cấu trúc đề thi bao gồm nhiều câu, trong đó có câu dễ và câu khó để xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Mô hình đề thi sẽ giống như các năm trước Về atlat địa lý, bộ sẽ cân nhắc cho thí sinh mang atlat vào phòng thi. Tất cả các trường đều có quyền xét đợt 1, trường nào thiếu sẽ xét các đợt tiếp theo. Trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu vài phần trăm có thể chấp nhận được. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý. Các trường ĐH xếp phòng và chuyển dữ liệu cho các sở GD-ĐT in giấy báo dự thi Thời gian công bố quy chế thi chính thức trong 10 ngày đầu của tháng 2/2015 Cụm thi tỉnh và liên tỉnh: Chọn phương án tố chức thi như đã nêu trong quyết định 3538. Mỗi cụm thi liên tỉnh phải bao gồm ít nhất 2 tỉnh. Duy trì cụm thi địa phương để giúp thí sinh khó khăn và chỉ muốn xét tốt nghiệp THPT. Cụm thi này cũng do các trường ĐH chủ trì.
Lê Phương
Theo Dantri
Bộ trưởng giáo dục: 'Chúng tôi đang giảm tải cho học sinh'
Trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết ngành giáo dục đang điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý của học sinh.
- Bộ GD&ĐT đã nhiều lần quyết định giảm tải nội dung dạy học nhưng đến nay học sinh, phụ huynh vẫn than thở chương trình học nặng, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Trong 3 lần cải cách giáo dục (năm 1950, 1957, 1982) và lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 vừa qua, tư tưởng chỉ đạo và việc thiết kế chương trình giáo dục phổ thông vẫn được giữ theo nguyên tắc: Chú trọng truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều cho học sinh, chưa coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Các môn học của phổ thông được xây dựng theo các lĩnh vực khoa học riêng rẽ, ví dụ như Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa.... Nội dung sách giáo khoa các môn học của từng cấp đều thiết kế theo vòng tròn đồng tâm.
Do kiến thức của nhân loại phát triển rất mạnh, nên với cách thiết kế đó khối lượng kiến thức cần đưa vào nhà trường ngày càng lớn, dồn ép lần lượt vào các bậc học cao (tiến sĩ, đại học, cao đẳng) và dồn dần xuống phổ thông.
Cách thiết kế như vậy tất yếu dẫn đến kiến thức dạy và học trong nhà trường mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống. Không ít kiến thức học rất khó, mất rất nhiều thời gian và công sức học tập trong trường phổ thông nhưng ít được sử dụng tới trong cuộc sống.
Cách thiết kế nội dung theo vòng tròn đồng tâm cũng tạo nên sự trùng lặp, trong đó có nhiều sự trùng lặp biết mà không thể tránh được. Ở một phía khác, với những học sinh giỏi và có dấu hiệu của tài năng, chương trình học hiện nay cũng không phù hợp, vừa nặng do phải học quá nhiều nội dung khác nhau, vừa nhẹ đối với phần thuộc sở trường và năng khiếu của cá nhân học sinh.
Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nhận thức được việc này, Bộ Giáo dục đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với các khóa học sinh hiện tại để giảm tải cho các em.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thanh Thanh.
- Các giải pháp đó là gì, thưa bộ trưởng?
- Đó là chủ động rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Bộ giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với học sinh, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các trường chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn với những nội dung kiến thức được đề cập đến ở hai hay nhiều môn học theo hướng: chỉ dạy kiến thức đó trong một môn học và bổ sung thêm những kiến thức liên quan đến các môn còn lại. Hoặc tách những kiến thức có liên quan ra khỏi các môn học, xây dựng thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng.
Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy học. Để làm được việc này, Bộ đã xây dựng diễn đàn trực tuyến "Trường học kết nối" để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường, thực hiện tập huấn và hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy và học. Đồng thời tạo môi trường học tập tích cực, chủ động và sáng tạo cho học sinh trong cả nước.
Từng nhà trường áp dụng các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tiên tiến, yêu cầu học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống, ví dụ như: phương pháp "Bàn tay nặn bột", mô hình trường học mới VNEN, phương pháp dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục...
Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng chuyển từ chú trọng kiểm tra kết quả ghi nhớ kiến thức cuối kỳ, cuối năm sang kết hợp kết quả đánh giá quá trình học, năng lực vận dụng kiến thức; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, tinh thần hứng thú học tập của các em trong quá trình học tập, rèn luyện trong và ngoài nhà trường.
Với các giải pháp này, chương trình giáo dục phổ thông đã được điều chỉnh theo hướng tinh giản, tránh được việc học sinh phải học lại cùng một nội dung kiến thức, gây quá tải; tạo điều kiện cho các trường được chủ động, linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục, các phương pháp dạy học tiên tiến, nhờ đó học sinh hứng thú học tập hơn, giảm tải được việc dạy và học xét cả về nội dung kiến thức, tâm lý học sinh.
- Đề án đổi mới mới giáo dục gần đây chỉ nhấn mạnh việc chuyển nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng hình thành phẩm chất và kỹ năng người học mà chưa thấy nhắc đến việc giảm tải chương trình, nguyên nhân là gì, thưa Bộ trưởng?
- Trong phạm vi chương trình và sách giáo khoa mới cũng có sự thay đổi lớn và căn bản theo nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; Tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích các kiến thức đưa vào nhà trường không phải phụ thuộc vào tầm quan trọng của các môn khoa học, mà là những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức...) của học sinh, gần gũi với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người học.
Với chương trình tích hợp này, đến hết trung học cơ sở học sinh đã có đủ kiến thức, phẩm chất và kỹ năng cần thiết để học nghề (phân luồng), sau đó là lập nghiệp. Ở cấp trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12), chương trình học và sách giáo khoa sẽ được thiết kế theo hướng phân hóa cao. Học sinh sẽ căn cứ năng lực học tập của mình, lựa chọn các môn học khác nhau thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn hoặc khoa học tự nhiên.
Cách thiết kế như vậy sẽ không tạo sức ép dồn kiến thức các lĩnh vực khoa học vào nhà trường. Cùng với những đổi mới trong phương pháp dạy và học theo hướng chú trọng phát triển phẩm chất và kỹ năng cho người học, cách thiết kế này sẽ tạo ra khả năng thực tế khắc phục hiện tượng quá tải và dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay.
- Đề án đổi mới này học tập kinh nghiệm của những nước nào thưa Bộ trưởng?
- Quá trình xây dựng đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông lần này, chúng tôi đã tổ chức tổng kết kinh nghiệm xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam từ trước đến nay ở cả hai miền đất nước, đặc biệt là qua ba cuộc cải cách giáo dục và lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, đồng thời tham khảo khoảng 40 bộ chương trình, sách giáo khoa của các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới và trong khu vực, trong đó có những nước có nhiều nét tương đồng với văn hóa và lịch sử của Việt Nam.
Cũng phải nói thêm rằng, chúng tôi không chỉ học tập kinh nghiệm đổi mới chương trình và sách giáo khoa các nước đã làm, mà còn quan tâm nghiên cứu xu hướng phát triển giáo dục các nước trong tương lai.
Theo VNE
Đầu năm 2015, Bộ GD sẽ công bố quy chế kỳ thi chung Những quy định cụ thể về lịch thi, đối tượng ưu tiên xét tuyển, khu vực được chọn môn khác thay thế Ngoại ngữ sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong quy chế tuyển sinh. Chiều 9/9, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, kể từ 2015, cả nước sẽ chỉ còn một kỳ...