Bỏ trống việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm
Nhiều trường đại học không công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm mặc dù đây là một trong các tiêu chí mà Bộ GD- ĐT yêu cầu phải công khai.
Rất nhiều trường đại học không chú tâm đến việc khảo sát và công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mỗi trường một kiểu
Theo Quy chế thực hiện 3 công khai mà Bộ triển khai từ năm 2009, các trường ĐH, CĐ phải công bố trước xã hội về tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau khi ra trường một năm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường chưa công bố được tỷ lệ này, có trường công bố không đầy đủ hoặc mang tính chất chiếu lệ.
Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ công bố trên trang web số lượng và xếp loại tốt nghiệp của 2.354 SV bậc ĐH khóa 2005 – 2010. Trong bảng kê này, trường bỏ trống toàn bộ mục tỷ lệ SV có việc làm. Trong khi đó, ở bậc sau ĐH trường công bố tỷ lệ này ở tất cả các ngành là 100%. Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cũng chỉ đưa ra được tỷ lệ SV ngành quản trị kinh doanh có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm của khóa 2008 – 2013 bậc ĐH là 52% và CĐ là 51%. Các ngành còn lại trường cũng bỏ trống. Nhiều trường khác cũng thực hiện như vậy. Thậm chí thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, thừa nhận trường chưa có số liệu thống kê này.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đăng tải tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm tất cả các ngành, các bậc đào tạo đều đạt 100%! Trường ĐH Quốc tế TP.HCM chỉ công khai tỷ lệ chung cho tất cả các ngành ở mức từ 96 – 100%, bỏ trống ở từng ngành cụ thể. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cập nhật thông tin này mới nhất lên trang web vào thời điểm năm… 2010. Theo đó, với 1.940 SV ĐH tốt nghiệp, chỉ ngành cơ khí tỷ lệ có việc làm 98%, điện – điện tử 90,3% và kỹ thuật xây dựng 94,1%, các ngành còn lại SV đều có việc làm 100%. Theo kết quả khảo sát việc làm năm 2012 của 2.533 SV tốt nghiệp năm 2011 của Trường ĐH Văn Lang, tỷ lệ chung là 91,6%, không có ngành nào 100%.
Ngược lại, Trường ĐH Hoa Sen công bố rất chi tiết tỷ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp từ năm 2010 đến 2013. Ngoài ra trường còn công bố cụ thể số SV trả lời khảo sát và có nhu cầu tìm việc làm. Quan sát bảng thống kê này, có thể thấy rõ những biến chuyển khi tìm việc làm của SV nhóm ngành kinh tế. Cụ thể, tỷ lệ SV ở nhóm ngành này tìm được việc làm năm 2012 thấp hơn hẳn so với các ngành khác cũng như với khóa tốt nghiệp trước đó. Chẳng hạn SV ngành kế toán bậc ĐH tìm được việc làm chỉ đạt 62,86%, tài chính ngân hàng 73,76%, quản trị nhân lực 71,88%, quản trị kinh doanh 75% …
Gặp khó khăn khi khảo sát hay không quan tâm đến cạnh tranh ?
Giải thích về việc không công bố tỷ lệ này theo yêu cầu của Bộ, phần lớn lãnh đạo các trường đều cho rằng khó thực hiện.
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lý giải: “Trường cũng chủ động tiến hành phát phiếu khảo sát việc làm của SV ngay khi tốt nghiệp và yêu cầu SV trả lời 2 tháng sau đó nhưng chỉ khoảng 60 – 65% SV hồi đáp”. Ông Lâm cũng cho biết thêm, với SV ngành sư phạm, mỗi năm trường đều yêu cầu các sở GD-ĐT thống kê và gửi báo cáo về trường số lượng SV được phân công việc nhưng có sở trả lời, sở không.
Video đang HOT
Cũng với lý do này, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Trừ các ngành sư phạm đào tạo theo đơn đặt hàng của TP.HCM, các ngành còn lại trường gặp nhiều khó khăn khi khảo sát việc làm của SV tốt nghiệp”. Theo ông Hạp, SV sau khi tốt nghiệp rất ít phản hồi thông tin về trường và nếu có thì độ tin cậy cũng không cao. “Do vậy, đến thời điểm này các ngành ngoài sư phạm, trường chưa thực sự có đầy đủ thông tin để công bố một cách đáng tin cậy và có trách nhiệm với xã hội”, ông Hạp nói.
Còn ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đưa ra lý do không công khai tỷ lệ này theo từng ngành (mà chỉ nói chung chung) là vì để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp hơn với nhu cầu doanh nghiệp mặc dù trường thực hiện khảo sát việc làm của SV liên tục cả chục năm nay.
Tuy nhiên, với nhiều trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập có ý thức cạnh tranh, đây là một trong những tiêu chí cần thiết để khẳng định vị trí, uy tín của mình nên họ thực hiện khá nghiêm túc và không quản ngại khó khăn.
Chẳng hạn Trường ĐH Văn Lang yêu cầu SV khi tốt nghiệp điền thông tin liên lạc đầy đủ. Từ cơ sở này, một năm sau, trường mới tiến hành khảo sát việc làm SV thông qua thư điện tử, điện thoại và địa chỉ. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, khẳng định: “Kết quả khảo sát khá tin cậy. Bằng chứng là sau mỗi lần khảo sát trường có tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên lại theo mẫu thì đều cho kết quả đúng”.
Trường ĐH Hoa Sen chọn cách khảo sát tỷ lệ việc làm của SV ngay thời điểm tốt nghiệp. Khi đến làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp, SV phải hoàn thành bảng khảo sát theo mẫu của trường, mỗi năm thực hiện 2 đợt. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Tuyển sinh và truyền thông, cho rằng khảo sát và công bố tỷ lệ SV có việc làm là hết sức quan trọng. “Điều này giúp trường nhìn nhận xem chương trình đào tạo đã được thiết kế phù hợp với nhu cầu xã hội hay chưa. Đặc biệt, giúp SV thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học”, ông Bình phân tích.
3 công khai
- Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế. Trong đó gồm chất lượng đào tạo đối với các bậc hệ chính quy; các điều kiện mà SV được thụ hưởng khi vào học, tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm.
– Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục gồm cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên.
- Tài chính.
Yêu cầu bắt buộc
Mặc dù các bảng xếp hạng trường ĐH trên thế giới không có tiêu chí tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường nhưng đối với nhiều tổ chức giáo dục ở các nước thì đây là một trong những yêu cầu bắt buộc. Thậm chí, với những trường ĐH lớn, số liệu này không những công bố hằng năm mà qua 9 hoặc 6 tháng. Ở các nước, thông tin này công khai bằng nhiều cách khác nhau.
Trung Quốc: Mỗi năm, Bộ Giáo dục công bố bảng xếp hạng ĐH dựa trên tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm.
Úc: Năm 2012, chính phủ cho ra mắt website với vốn đầu tư 1,5 triệu AUD nhằm cung cấp thông tin và triển vọng việc làm của SV ở các ĐH, trong đó có tỷ lệ SV tốt nghiệp tìm được việc làm.
Mỹ: Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA) yêu cầu các trường luật công bố thống kê về số lượng SV tìm được việc làm sau 9 tháng tốt nghiệp gồm loại hình công việc, tên công ty, mức lương…
Anh: Tháng 7.2013, Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH Anh công bố số liệu về tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm của các ĐH.
Sẽ nhắc nhở các trường thực hiện nghiêm túc
Việc xây dựng chuẩn đầu ra và công khai thông tin đến người học của các trường TCCN cũng hết sức qua loa. Rất nhiều trường không công khai chuẩn đầu ra trên trang web, trường nào có thì thực hiện na ná nhau, mang tính đối phó. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, thừa nhận: “Đến thời điểm này vẫn có không ít trường chưa xây dựng chuẩn đầu ra. Các trường đã công bố thì đa số đưa ra những gạch đầu dòng chung chung, mang tính hình thức, chưa xây dựng được những chi tiết cụ thể”. Ngày 8.9, trao đổi với Thanh Niên về việc các trường không thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra, trong đó có tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Trường nào không làm hoặc làm không đầy đủ, Bộ sẽ chấn chỉnh bằng cách có hình thức nhắc nhở nhất định để các trường thực hiện đầy đủ và nghiêm túc”. Ông Ga thông tin ngày 11.9 tới, Bộ sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 – 2012. Trong đó các trường ĐH-CĐ phải báo cáo cụ thể về vấn đề 3 công khai. Bộ sẽ tổng hợp ý kiến rút kinh nghiệm về những điều chưa làm được, nếu thiếu sẽ yêu cầu các trường phải làm thêm vì chuẩn đầu ra và 3 công khai là việc hết sức quan trọng trong công tác đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo TNO
Lật mặt "cò" việc làm công nhân
Quanh khu công nghiệp xuất hiện nhiều "cò" với những chiêu lừa tiền trắng trợn người tìm việc.
"Cò" tự giới thiệu là có mối quan hệ thân thiết với phòng nhân sự của các công ty. Nếu muốn có việc ngay và lương cao, phải chi một khoản tiền, "cò" sẽ lo cho từ A đến Z...
Muốn làm công nhân, chi 2,5 triệu đồng
Trước cổng khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), nhiều công ty vẫn dán thông báo tuyển công nhân. Thế nhưng, số người "vác" hồ sơ đến xin việc rồi về không cũng không ít. Chị Trần Thanh Thương (20 tuổi, quê Nghệ An), cho biết: "Tôi dự tuyển vào vị trí công nhân lắp ráp điện tử, nhưng họ đòi tốt nghiệp PTTH, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo nghề về điện, điện tử viễn thông. Có công ty còn đòi hỏi kinh nghiệm 1 năm. Những thứ ấy chúng tôi không có".
"Cò" đang gọi điện cho người thân trong KCN liên hệ xin việc
Chị Lê Thanh (28 tuổi, quê Phú Thọ) lại bị loại vì có... bằng đại học. Theo chị Thanh, có bằng đại học phải xin việc vào vị trí nhân viên, không được xin vị trí công nhân. Nhưng hiện tại, công ty chưa cần tuyển nhân viên.
Trong khi chúng tôi đang mải câu chuyện, một người trong nhóm xe ôm ngồi quán nước hô lớn: "Đi xin việc à các chàng trai, cô gái. Muốn xin được việc nhanh vào đây anh chỉ cách". Tay xe ôm tên Giáp chừng hơn tuổi 30, quê ở Nghệ An nói: "Giờ các công ty đang làm ăn khó khăn, ít việc nên tìm việc khó lắm. Anh có bà chị làm trưởng phòng nhân sự ở một công ty trong khu công nghiệp, quen biết rộng. Muốn xin việc được nhanh và lương cao phải bỏ ra một khoản "chè thuốc" anh nhận làm người nhà rồi hỏi bà chị cho".
Tay "cò" cho biết, công nhân ở công ty Canon, nếu làm ca lương tháng gần 4 triệu đồng, làm kíp (12h/ngày) hơn 5 triệu đồng. Muốn có việc nhanh phải mất khoản "ngoại giao" 2,5 triệu đồng. "Từ hôm qua đến giờ anh giúp cho chục người vào làm rồi, các em quyết định nhanh kẻo hết chỗ".
Tôi nhẩm tính, chưa biết có xin được việc hay không, lương lậu thực hư thế nào mà đã mất đứt 2,5 triệu đồng. Đối với những người chưa có việc làm, số tiền đó không hề nhỏ. Lấy lý do không mang đủ tiền, tôi hẹn "cò" khi khác. Tay xe ôm gật đầu và trao đổi với chúng tôi số điện thoại để khi có tiền thì gọi ngay cho anh ta.
Những quảng cáo kiểu này xuất hiện nhan nhản quanh KCN Thăng Long
Chiêu bẩn của "cò"
Nguyễn Thị Nguyệt, 21 tuổi, quê Lạng Sơn sắp xếp lại chút đồ đạc ít ỏi cho vào vali, mặt buồn rười rượi. Nguyệt đến khu công nghiệp này được gần 10 ngày, nhưng việc chưa xin được mà tiền mất sạch cho bọn "cò" lừa đảo.
Nguyệt kể, cả tuần qua loay hoay chưa tìm được việc thì có người đi xe máy đến bắt chuyện, hứa xin việc cho. "Cò" này tên Hưng, bảo Nguyệt đóng tiền cọc trước 2 triệu, khi xin được việc trả nốt 500 nghìn đồng nữa. Nghe bùi tai, Nguyệt đưa trước "hồ sơ" cho "cò". Qua hai ngày, Nguyệt quay lại gặp thì được trả lời công ty đang sắp xếp, phải đợi. Gặp lần thứ hai, "cò" Hưng nổi khùng cãi bay rằng chưa từng gặp Nguyệt. Bị lừa trắng trợn, nhưng Nguyệt ngậm ngùi ra về vì sợ.
Trở lại quán nước cổng khu công nghiệp, qua 1 ngày, chúng tôi theo dõi thấy có thêm 4 người trở thành nạn nhân của "cò Hưng". Sau khi nhận tiền của 4 người thì số điện thoại của "cò" này không liên lạc được nữa.
Quay lại gặp cò "Giáp", chúng tôi thỏa thuận bớt giá từ 2,5 triệu đồng xuống còn 1 triệu. Tay "cò" lấy điện thoại gọi. Chúng tôi thấy có vẻ đúng là Giáp nói chuyện với một người làm phòng nhân sự trong khu công nghiệp. Sau đó, Giáp cho biết, đã có nơi nhận chúng tôi, nhưng phải mang đủ 1 triệu rưỡi sẽ dẫn đi gặp người tuyển dụng. Chúng tôi xin phép về nhà vay tiền, Giáp cho số điện thoại để khi có đủ tiền gọi. Số điện thoại lần này khác số Giáp cho lần trước.
Lý giải nguyên nhân về việc phải tìm đến "cò", các nạn nhân cho rằng do thủ tục xin đi làm công nhân còn nhiêu khê, rườm rà. Đôi khi có những đòi hỏi thái quá như: bằng cấp, kinh nghiệm, giấy tờ thủ tục... khiến lao động khó tìm được việc trong khi doanh nghiệp vẫn cần người. Bên cạnh đó, theo tố cáo của một số nạn nhân, một bộ phận tuyển dụng viên cố ý làm khó người xin việc, tạo điều kiện cho "cò" kiếm chác.
Nhiều người sau khi mất tiền cho cò cũng tự mình xin được việc. "Vào làm việc rồi mới thấy công ty đang thiếu người trầm trọng, vậy mà khi tôi mới đến nghe "cò" thêu dệt đủ mọi khó khăn, do tin theo nên bị lừa", chị Thu Ngân, công nhân nhân nhà máy Nicsay chia sẻ.
Giấy khám sức khỏe đóng dấu sẵn
Chỉ cần bỏ ra 60 nghìn đồng sẽ được tờ giấy khám sức khỏe có sẵn dấu đỏ
Quanh khu công nghiệp Thăng Long, tờ rơi, quảng cáo rao bán giấy khám sức khỏe nhan nhản trên tường. Một "cò" bán trà đá tên Thảo tầm tuổi 35 quê ở Vĩnh Phúc thấy chúng tôi chăm chú đọc bản quảng cáo trên tường liền ra bắt chuyện: "Các em có giấy khám sức khỏe chưa? Lúc nào cần hỏi chị nhé, chị có chỗ làm nhanh lắm".
Chúng tôi bảo cần gấp. "Cò Thảo" ra giá: "Giấy khám sức khỏe xin việc công nhân giá 60 nghìn đồng, có ngay". Nói rồi chị ta chạy vào trong lều lấy ra một giấy khám sức khỏe có dấu đỏ của bệnh viện Đa Khoa huyện Mê Linh, "khách hàng" chỉ việc tự điền vào.
Thảo cho biết, một ngày chị ta bán được tầm 15 giấy khám sức khỏe như vậy, mỗi giấy lãi 20 nghìn đồng. Chúng tôi ngỏ ý sẽ mua thêm vài trăm tờ để "lo" cho loạt công nhân mới tuyển vào, Thảo hứa, nếu mua nhiều sẽ bớt cho 10 nghìn/tờ.
Trao đổi với PV về việc "cò" lộng hành, tình trạng dán hoặc vẽ quảng cáo bán giấy khám sức khỏe đầy tường gần cổng khu công nghiệp, ông Phan Văn Biên, Chủ tịch xã Kim Chung cho biết: Xã Kim Chung là một trong 10 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Do vậy, mọi thông tin về an ninh xã hội xã chưa thể trả lời, mời PV lên hỏi Thành phố.
Theo những nạn nhân từng bị lừa, người lao động khi tới khu công nghiệp tốt nhất nên tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và yêu cầu của doanh nghiệp, luôn đề cao cảnh giác, không tin vào những người không quen biết.
Theo 24h
Lật mặt "cò" việc làm lừa tiền người lao động Với những lời ngon ngọt, hứa hẹn tìm được vị trí làm việc tốt, lương cao..., các "cò" việc làm hoạt động ở Khu công nghiệp Pou Yuen, quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh) đã và đang lừa rất nhiều người lao động. Hàng chục lao động nam chờ trước công ty để xin việc. Ảnh: L.Tuyết Vào vai một người đi xin...