Bố trí nhân viên tư vấn tâm lý trong trường phổ thông
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Theo đó, Thủ tướng chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý và chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương và bảo đảm không làm tăng biên chế.
Ảnh minh hoạ.
Tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá hiện có phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh của học sinh, sinh viên. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chương trình liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hoá trong gia đình, trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu; nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình văn hoá trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Chỉ đạo tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương, cộng đồng dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá lành mạnh của học sinh, sinh viên.
Bộ Công an đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, đặc biệt là khu vực xung quanh trường học; phối hợp với ngành Giáo dục trong phòng, chống, xử lý tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh, sinh viên.
Hội khuyến học Việt Nam tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Khắc Linh
Theo phapluatplus
Tham vấn học đường - đừng để hữu danh vô thực
Sau khi có Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường và Thông tư 31/2017/TT-BGD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, từ năm 2018 đến nay, tất cả các trường phổ thông ở Hà Nội đều đã thành lập phòng tham vấn học đường
Đây là chủ trương đúng đắn nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tối đa những tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên cho đến nay, việc duy trì hoạt động của phòng tham vấn vẫn còn nhiều bất cập.
Bài 1: Khi thầy cô là người tư vấn
Video đang HOT
Những "phòng tham vấn trắng"
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, ông Kiều Cao Trinh - Phó trưởng phòng Công tác chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm đầu năm 2019, Hà Nội có 1.857 phòng tham vấn ở các trường phổ thông.
Tổ tư vấn được lập ra gồm đại diện lãnh đạo nhà trường, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã mở lớp, xây dựng chuyên đề bồi dưỡng công tác tư vấn học đường cho thành viên tổ tư vấn tâm lý.
Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giáo dục thủ đô nhằm đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ tâm lý đang trở nên bức thiết của học sinh, hướng tới xây dựng môi trường học tập thân thiện và lành mạnh cho các em học sinh, từng bước đẩy lùi bạo lực học đường.
Lễ ra mắt phòng tham vấn học đường tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội).
Tuy nhiên, thực tế cho đến thời điểm này, khi các phòng tham vấn được thành lập đồng loạt ở các trường thì hoạt động lại chưa có hiệu quả. Phổ biến là tình trạng "phòng tham vấn trắng" khi không có học sinh tự nguyện đến tham vấn, phòng tham vấn đóng cửa hoặc được sử dụng cho các hoạt động khác của nhà trường. Điện thoại và email của tổ tư vấn hầu như không nhận được cuộc gọi hay thư yêu cầu tư vấn của học sinh. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Tìm hiểu tình hình hoạt động của các phòng tham vấn tại các trường phổ thông ở Hà Nội mới thấy hoạt động tham vấn tâm lý còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là tổ tư vấn tâm lý không có người chuyên trách, chủ yếu là các thầy cô kiêm nhiệm.
Khi vừa phải đảm trách công tác giảng dạy, vừa tham gia hoạt động ở phòng tham vấn, các thầy cô chưa có điều kiện chuyên tâm vào việc tư vấn tâm lý cho học sinh, cũng không đủ thời gian để lắng nghe thấu đáo câu chuyện của các em.
Những đợt tập huấn ngắn hạn về tư vấn tâm lý chưa thể giúp các thầy cô trở thành những chuyên gia tâm lý thực thụ, do đó khó có thể nhận diện những vấn đề tâm lý mà học sinh gặp phải, lại càng khó để trong việc tư vấn, trị liệu.
M là một nam học sinh lớp 9, có bạn gái tên H học cùng lớp. M. và H. quý mến nhau, vẫn thường trao đổi bài vở, giúp nhau học tập. Mẹ của M. biết chuyện và nhờ cậy cô giáo chủ nhiệm tác động để các em "thôi không yêu nhau nữa".
Chuyên gia tâm lý tham vấn cho nhóm học sinh bị giảm chú ý tại Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).
Cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng là thành viên của phòng tham vấn nhà trường đã phân tích, khuyên can hai em nên tập trung học hành, không được để chuyện tình cảm ảnh hưởng đến học tập. M rối bời không biết phải làm sao, còn H. nước mắt ngắn dài. Từ khi bố mẹ, cô giáo biết và bạn bè biết chuyện thì hai em khủng hoảng thực sự, không dám gặp nhau, học hành sa sút hẳn.
Đây chỉ là một ví dụ cụ thể trong rất nhiều câu chuyện về việc tổ tư vấn học đường vào cuộc nhưng hiệu quả lại ở chiều ngược lại. Điều này nói lên rằng, khi các em không được lắng nghe, chia sẻ và cảm thông, chưa được tham vấn theo đúng đặc điểm tâm sinh lý của độ tuổi học sinh mới lớn thì những lời khuyên răn chỉ làm các em thêm ấm ức và hoang mang.
Khi người tư vấn là những thầy cô giáo, thì các em lại ngại nói ra những băn khoăn, buồn phiền, bức xúc của mình. Bởi có thể những nỗi niềm đó lại liên quan đến chính các thầy cô. Và trong nhiều trường hợp câu chuyện của các em khi chia sẻ với các thầy cô đã không được giữ kín.
Thầy cô này biết, thầy cô khác biết, rồi các bạn cũng biết, câu chuyện cá nhân, hoàn cảnh gia đình trở thành đề tài bàn luận, soi xét khiến các em mất niềm tin và không còn dám chia chia sẻ cảm xúc của bản thân... Dần dần, các em xa lánh phòng tham vấn, thậm chí nhiều phụ huynh còn cấm con em mình không được đến phòng tham vấn.
Không chỉ thầy cô, mà chính các em học sinh cũng chưa hiểu đúng về hoạt động tham vấn. Nhiều em vẫn nghĩ rằng phòng tham vấn là nơi để chữa trị cho những trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thế nên một bạn nào đó đi vào phòng tham vấn tức là có những bất ổn, là điều bất bình thường, sẽ bị các bạn khác dò xét, bình phẩm và tỏ thái độ kì thị.
Chính vì vậy, nhiều em muốn được tham vấn tâm lý nhưng sợ các bạn biết nên không dám đến phòng tham vấn, ngấm ngầm chịu đựng khiến tình trạng trở nên trầm trọng.
Ở không ít trường học, phòng tham vấn là nơi tổ tư vấn gọi học sinh lên tường trình sự việc, viết bản kiểm điểm, phê bình, xử phạt mỗi khi học sinh vi phạm nội quy của nhà trường. Nếu việc gặp tổ tư vấn không xuất phát từ nhu cầu của học sinh, mà do phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm hoặc giám thị dẫn lên thì các em thường có xu hướng bất hợp tác và không tuân theo.
Chuyên gia tâm lý trong cuộc chia sẻ vướng mắc cho một học sinh.
Tình trạng phòng tham vấn ở các trường học thời gian qua "vắng như chùa Bà Đanh" không có nghĩa là các em học sinh không gặp vấn đề về tâm lý học đường. Nhưng vì các em không tự tin, không cảm thấy an toàn, không được tham vấn tâm lý hiệu quả nên dù đang cần tư vấn các em vẫn xa rời phòng tham vấn. Thay vào đó, các em tự giải quyết vấn đề một mình. Hệ quả tất yếu là những vụ bạo lực học đường, học sinh bị trầm cảm, học hành sa sút... hàng ngày hàng giờ vẫn đang xảy ra.
Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô cũng thấy rõ thực trạng học sinh không mặn mà với phòng tham vấn, nhưng chỉ với trách nhiệm nghề nghiệp và lòng yêu trẻ thì chưa đủ để thực hiện hiệu quả công tác tham vấn cho học sinh.
Chuyên gia tâm lý vào cuộc
Theo ông Kiều Cao Trinh, mặc dù mô hình phòng tham vấn có chuyên gia tâm lý đã từng được Hà Nội thí điểm thực hiện ở 20 trường phổ thông từ năm 2014 với sự tài trợ của Tổ chức Plan và được đánh giá cao, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có điều kiện để triển khai trên diện rộng.
Hiện tại, một số trường học trên địa bàn thủ đô đang nỗ lực xây dựng phòng tham vấn có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý.
Tại trường Marie Curie, trong hơn một năm qua, các chuyên gia tâm lý thuộc phòng tham vấn đã tư vấn, hỗ trợ hiệu quả cho em học sinh. Đội ngũ tư vấn không phải là cán bộ, giáo viên của nhà trường mà là những người được đào tạo chuyên ngành tâm lý và làm công việc tư vấn một cách chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc giao lưu với các em học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) trong buổi ra mắt phòng tham vấn học đường.
Được sự tài trợ của tỉnh Gyeong Gi-Do (Hàn Quốc) thông qua Dự án Speak Out và Tổ chức Good Neighbors International in Vietnam (GNI) tại Việt Nam, hiện tại Trường THCS Ban Mai (quận Hà Đông) và Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) cũng đã lập được phòng tham vấn do các chuyên gia đảm trách. Phòng tham vấn đều được thiết kế hoàn toàn khác biệt, được bài trí đẹp và ấn tượng, luôn có các chuyên gia tâm lý đến từ các cơ quan, tổ chức uy tín để giúp đỡ các em.
Trong buổi lễ ra mắt phòng tham vấn học đường tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, ông Park Dong Chul - Trưởng đại diện Tổ chức GNI tại Việt Nam kỳ vọng phòng tham vấn và đội ngũ chuyên gia sẽ giúp các em học sinh có động lực và dũng khí nói lên câu chuyện của mình, được trị liệu tâm lý, khắc phục những khó khăn trong hiện tại. Chỉ như vậy thì trường học mới trở thành môi trường an toàn để các em có thể nuôi dưỡng ước mơ và hy vọng.
Điều đáng ghi nhận là ở những ngôi trường này, có rất nhiều học sinh chủ động tìm đến để chia sẻ những tâm tư, đưa ra những thắc mắc của các em với các chuyên gia. Từ những đứa trẻ chai lỳ, sống thu mình, có những hành vi mất kiểm soát, sau một thời gian được trị liệu, các em đã hòa đồng với lớp học và vui vẻ hơn. Trước những thay đổi tích cực của con cái khi được các chuyên gia tâm lý can thiệp, hỗ trợ, nhiều phụ huynh đã nhìn nhận nghiêm túc hơn về sức khỏe tinh thần của con em mình.
Là người trực tiếp tư vấn cho học sinh tại các phòng vấn, Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Thắm - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng việc nhận diện và đánh giá tâm lý của một học sinh phải dựa trên một loạt các thao tác khoa học như quan sát lâm sàng, sử dụng các bộ test chuyên sâu, trò chuyện, lắng nghe các em nói để tìm ra vấn đề mà các em đang gặp phải. Từ đó hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị tâm lý phù hợp cho từng học sinh.
Đối với những trường hợp học sinh bị trầm cảm, sang chấn tâm lý nặng, bị tăng động giảm tập trung, chậm phát triển hay rối loạn phổ tự kỷ thì việc hội chẩn phải được cả nhóm tư vấn tiến hành kĩ càng.
Trong nhiều trường hợp, phác đồ điều trị phải kết hợp giữa tư vấn tâm lý và các biện pháp y tế, giữa chuyên gia tư vấn và thầy cô, bố mẹ học sinh để đạt được hiệu quả. Để thay đổi tâm lý của học sinh theo hướng tích cực không thể nóng vội và đốt cháy giai đoạn. Vì vậy, sự kiên trì, tận tâm trong trị liệu của các chuyên gia tâm lý là yếu tố quan trọng giúp các em tiến bộ.
Cô Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ chia sẻ rằng, trước đây phòng tham vấn lập ra nhưng cả cô và trò đều lúng túng trong khâu thực hiện. Vì vậy, việc có một phòng tham vấn tâm lý học đường của trường đúng chuẩn, có chuyên gia tâm lý vào cuộc đã giải tỏa được những băn khoăn, trăn trở của tập thể giáo viên trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Những thành công bước đầu của mô hình "phòng tham vấn có chuyên gia tâm lý" tại một số ít trường học đặt ra vấn đề cần phải thay đổi nhân sự và cách thức hoạt động của phòng tham vấn trong nhà trường hiện nay. Bởi có rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đang loay hoay với mô hình phòng tham vấn.
Và cần nhìn nhận rằng, việc xây dựng phòng tham vấn học đường hoạt động hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà cần có sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Huyền Châm
Theo CAND
Kế hoạch phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục Các đơn vị được phân công các nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động về công tác phòng, chống bạo lực học đường(BLHĐ). Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch số 588/KH-BGDĐT về phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên năm...