Bộ thua, dân thua, ai thắng?
(GDVN) – Người Việt chắc đa số đều biết chuyện “Tái ông mất ngựa”, mất chưa phải là đã mất, được chưa chắc là đã được. Mất cái nọ, được cái kia, sự đời cứ thế xoay vần.
Phải công nhận rằng “rác thải công chức” là câu nói ấn tượng của ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng về “Tái cấu trúc hệ thống nguồn nhân lực công chức”.
Có rất nhiều cái “tái” được đề cập trong thời gian qua: tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc thể chế kinh tế,…
Tái cấu trúc của ông Dinh là nói về nguồn nhân lực, chẳng mất công tìm cũng thấy vô số ví dụ về cách thức “tái cấu trúc nhân lực” hiện nay.
Năm 1991 N.T.D nguyên là cán bộ hải quan An Giang, bị kỷ luật, bị đuổi việc, không hiểu bằng cách nào người này được “tái cấu trúc” về Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2015 thì bị bắt, khám xét tại nhà, công an tìm thấy nhiều chục phong bì trị với số tiền gần 1 tỷ.
Bị đuổi chưa chắc đã mất việc, mất việc ở tỉnh lẻ thì ta về tỉnh to, ở tỉnh to kiếm vài ngày bằng mấy năm cày cuốc ở tỉnh nhỏ. (Tranh biếm họa: laodong.com.vn)
Chuyện “tái cấu trúc” này cũng có thể tìm được ở Hà Nội, một vị phó sở bị kỷ luật chuyển công tác, hai năm sau “tái hồi” về cơ quan cũ, được “tái bổ nhiệm” làm ngay chánh sở.
Thế mới biết bị kỷ luật, thậm chí bị đuổi chưa chắc đã mất việc, mất việc ở tỉnh lẻ thì ta về tỉnh to, ở tỉnh to kiếm vài ngày bằng mấy năm cày cuốc ở tỉnh nhỏ.
Trên đây là câu chuyện ở hai thành phố “không phát hiện tham nhũng” theo kết luận của chính quyền sở tại.
Ở nước ngoài, bên đất nước của anh Ivan (dân mình xưa gọi mấy anh bạn Liên Xô thế cho gọn) không phải Putin nhận chiếc đòn gánh mà Boris Yeltsin chuyển cho hoàn toàn miễn phí, dư luận phương Tây cho rằng Putin đã phải hứa với Boris Yeltsin là sẽ không động đến gia đình và chiến hữu của ông ta, thực tế cho đến nay có lẽ đúng là như vậy.
Người Việt chắc đa số đều biết chuyện “Tái ông mất ngựa”, mất chưa phải là đã mất, được chưa chắc là đã được. Mất cái nọ, được cái kia, sự đời “ông mất cân giò, bà thò chai rượu” vốn cứ thế xoay vần.
Video đang HOT
Nhân chuyện “tái cấu trúc nguồn nhân lực”, có lẽ mấy ông “gặp nhau cuối mùa” sẽ có nhiều thứ để “đạo”, để “diễn”, còn những người mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ được phen chữa bệnh miễn phí, ấy là chuyện hai ông Vinh lên báo làm cho dư luận phải gật, phải lắc sái cả cổ.
Gật nhiều, lắc nhiều đâm ra đốt sống trở nên trơn tru, thế là hết thoái hóa cổ, còn ai bị thoái hóa cột sống cũng nên chăm chỉ đọc báo, cúi xuống, đứng lên, cúi xuống, bò ngang thế nào cũng khỏi đau cột sống.
Nhân tiện xin nhắc các bạn chiêu Bonhicabo (bổ nhiệm cán bộ) đã được đề cập trong bài giới thiệu về môn phái Vocobo trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chuyện hai ông Vinh là thế này, ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư tâm sự, rằng chắc chắn là ông sẽ hưu, hưu rồi ông nhất định sẽ làm ruộng chứ không hiệp hội, hiệp đoàn gì sất.
Tiếc cho ông nhưng lại vui cùng ông, gật đầu sái cổ đồng cảm với ông vì con người ta, biết dừng đúng lúc là biết “tham – sân – si”, ăn được mấy, mặc được mấy mà … cố.
Có điều làm ruộng mà không có ruộng thì khó lắm, muốn xin ruộng ở nông thôn phải có hộ khẩu, không biết ông đã nghĩ đến điểm này chưa, làm dân “cày đường nhựa” bây giờ khó lắm?
Còn chuyện ông Vinh thứ hai là luật sư Lê Đình Vinh, mấy tháng trước, cánh báo chí vội vã đưa tin rằng luật sư Lê Đình Vinh trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, họ cứ đinh ninh rằng đã “trúng” thì phải “tuyển” mà không biết rằng “trúng tuyển là việc của dân, bô nhi (bổ nhiệm) là việc quan mần, mắc chi?”.
Luật sư Vinh chờ mấy tháng không được bổ nhiệm, ngày 15/1/2016 Bộ Tư pháp có thông cáo báo chí cho biết:
“Đã quyết định tạm dừng việc bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh cho đến khi Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng của Ban Cán sự Đảng Chính phủ (do Bộ Nội vụ soạn) được ban hành sẽ xem xét tiếp”.
Đang viết chợt nhớ đến lời bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh”.
Tự nhiên chẳng ai bảo mà lẩm nhẩm trong đầu “Thế là bộ ấy chịu thua quy trình, ô hay bồ la tứ pháp, sao bồ lại thua”.
Bộ chịu thua ở đây là Bộ Tư pháp, còn thua ai và vì sao thua thì hãy nghe lời tâm sự của Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Trao đổi cùng phóng viên Dân trí Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: [1]
Thứ nhất: Đề án thi tuyển lãnh đạo cấp vụ do Bộ Tư pháp xây dựng và sau đó xin ý kiến Chính phủ thực hiện là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ hai: Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp ban hành đã được 10 năm. Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng Luật, Nghị định của Chính phủ. Luật và Nghị định của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, còn Đề án (do Bộ Nội vụ đang soạn thảo) chưa được ban hành nên chắc chắn không có hiệu lực thi hành.
Thứ ba: Là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhưng ông Hà Hùng Cường cũng “không biết khi nào thì Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng của Ban Cán sự Đảng Chính phủ (đang được Bộ Nội vụ xây dựng) sẽ được ban hành”.
Nói cách khác đề án “không phụ thuộc vào Bộ Tư pháp”, và Bộ trưởng cũng “không biết bao giờ có (đề án)”.
Thứ tư: Việc bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội (đối với luật sư Lê Đình Vinh) đã vượt ngoài tầm tay của Bộ Tư pháp, chính vì thế Bộ Tư pháp không giải quyết được.
Nghị quyết 49 mà Bộ trưởng Cường nhắc đến là nghị quyết số 49-NQ/TW, khoản 1.3 mục Phương hướng ghi:
“Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh“.
Như vậy 10 năm trước Trung ương đã chỉ rõ “tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”, sau 10 năm Bộ Tư pháp mới tổ chức thi tuyển là sớm hay muộn, là đúng tinh thần Nghị quyết 49 hay không đúng?
Một Đề án (do Bộ Tư pháp soạn thảo) được Bộ trưởng khẳng định là “hoàn toàn đúng đắn”, được công khai minh bạch, được tổ chức thực hiện nhưng lại bị gác lại.
Vậy nếu giả dụ Bộ trưởng Hà Hùng Cường không được “tái bổ nhiệm” thì phải chăng ông sẽ theo cách của Bộ trưởng Văn hóa- Thể thao- Du lịch là “truyền đạt cho Bộ trưởng kế nhiệm”?
Bộ “không giải quyết được” chuyện bổ nhiệm công chức cấp vụ do Bộ quản lý, Bộ không thực hiện được điều mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã quy định tức là Bộ thua, vấn đề không chỉ là Bộ Tư pháp thua mà – như lời ông Hà Hùng Cường – cả Nghị quyết, Nghị định, những văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực cũng phải chờ cái Đề án chưa biết bao giờ mới ra đời?
Nói Nghị quyết, Nghị định, Bộ Tư pháp thua “đề án chưa ra đời” có phần hơi khiên cưỡng, thực ra phải nói là tất cả đều thua Quy trình, Quy trình bảo đúng là đúng, Quy trình bảo sai là sai.
Chuyện này đã được đề cập nhiều đến mức trở nên nhàm chán nhưng dẫu sao cũng phải nhắc lại: “Vô vàn câu chuyện sai lè lè, đến trẻ con cũng biết. Nhưng khi kiểm tra kết quả thường là “đúng quy trình”. Thế là trót lọt! Chẳng có gì xảy ra”. [2]
Bộ Tư pháp đã “trót dại” cầm đèn chạy trước ô tô, đã tự ý làm “trước quy trình” nên bây giờ phải dừng bổ nhiệm luật sư Vinh, còn việc bổ nhiệm ông Vụ trưởng của Bộ thay thế mới là “đúng quy trình”, thế nên nói Quy trình còn cao hơn cả Nghị quyết, Luật và Nghị định… chắc không phải là quá đáng.
Điều này người viết đã từng đề cập trong bài “Nhân Dân không phải là số đông, Nhân Dân là tất cả”. [3]
Trong chuyện này có lẽ người thiệt thòi không chỉ là hai công dân, ông Vinh luật và ông Vụ trưởng Lê Tiến Châu, bởi ông Châu đang được Bộ Tư pháp làm quy trình bổ nhiệm Thứ trưởng, thế mà Bộ Tư pháp phải đưa ông Châu về làm Hiệu trưởng Đại học Luật.
Có lẽ luật sư Vinh nên chờ cho đến khi “Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn…” được ban hành, có thể hơi lâu lâu một tí bởi đích thân Bộ trưởng Hà Hùng Cường còn phải nói:
“Kết luận của Bộ Chính trị nói quý 3/2016 ban hành đề án đó để quý 4/2016 thí điểm nhưng đến hôm nay đã có đâu. Tôi cũng không biết bao giờ có”. [1]
Có luật sư lên báo khuyên ông Lê Đình Vinh kiện Bộ Tư pháp, là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về, chắc ông Vinh luật sư chẳng dại gì mà đi kiện, bởi nghe nói có ông luật sư bị đánh chảy máu đầu đã tự nguyện rút đơn kiện rồi.
Ở đời một sự nhịn là chín sự lành, tết đến phải có cái gì để ông viết kịch bản “gặp nhau cuối mùa” có cái để mà viết, ông đạo diễn có cái mà “đạo”, mấy chú diễn viên hề chèo có cái mà diễn, còn bên tivi có cái để mua vui cho bà con. Mình chịu thiệt một chút mà ba bề bốn bên vui vẻ, đấy gọi mới gọi là họ hàng nhà tôm.
Nói đến họ hàng nhà tôm, xin được giải thích kẻo bà con hiểu nhầm. Trong phép ẩm thực ngày xửa ngày xưa, các bậc văn nho dạy rằng ăn tôm phải ăn cái đầu trước, lại không được bỏ hai cái mắt tôm.
Chuyện bổ béo thì không biết nhưng vì con tôm hai mắt mọc cao trên đầu giúp tôm nhìn được trước, sau, trên, dưới nhờ thế có thể bơi tiến, bơi lùi.
Ăn đầu ôm kèm theo hai mắt là để răn mình làm việc gì cũng phải nhìn trước nhìn sau, biết trên biết dưới, bẻ cái đầu tôm vứt toạch xuống bàn, ăn mỗi cái mình người xưa gọi là phàm phu tục tử.
Ý nghĩa “nhân văn cao cả” của tôm là như thế chứ đừng nghĩ đến tôm là nghĩ ngay đến câu thành ngữ “tôm lộn … lên đầu” hay phát minh vĩ đại của vị tiến sĩ nọ về “ngân sách tôm hùm” phải không các bạn?
Theo GDVN