Bỏ thi tuyển vào lớp 6: Lo ngại các biến tướng
Trong khi Hà Nội và các địa phương khác vẫn tuyệt đối tuân thủ việc tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển mà không có thêm bất cứ phần kiểm tra kiến thức, năng lực nào khác, thì Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM tổ chức “khảo sát” còn khốc liệt hơn thi tuyển…
Thí sinh tham dự kỳ khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) trong ngày 20.6 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mặc dù đến nay công việc xét tuyển của các trường vẫn diễn ra như kế hoạch nhưng vẫn lo ngại về những biến tướng có thể xuất hiện sau này.
Chỉ lấy học sinh đạt toàn điểm… 10
Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã kết thúc nhận hồ sơ tuyển sinh từ ngày 17.6. Nguồn tin của Thanh Niên cho biết dự kiến điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 6 trường này năm nay sẽ là 142 điểm, có tới 220 hồ sơ đạt mức điểm này trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 200. Tuy nhiên, nếu tăng điểm chuẩn thì lại thiếu so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tính điểm xét tuyển như sau: Điểm tối đa 5 năm học tiểu học là 140 điểm. Trong đó, 3 năm học từ lớp 1 đến lớp 3 mỗi năm điểm tối đa là 20 (toán, tiếng Việt); năm lớp 4 và 5 điểm tối đa mỗi năm là 40 vì có thêm 2 môn: khoa học và lịch sử – địa lý. Nghĩa là để đạt 140 điểm thì học sinh (HS) phải đạt điểm 10 tất cả các môn học có chấm điểm trong suốt 5 năm học tiểu học.
Không có khó khăn gì ngoài thói quen và tâm lý
Video đang HOT
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 13.6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Cho đến nay vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 ở tất cả các địa phương có trường chuyên, lớp chọn cũ biến tướng, về cơ bản đã giải quyết xong. Không có khó khăn gì về mặt kỹ thuật ngoài thói quen và một vài điều về mặt tâm lý”.
Ngoài ra, điểm cộng thêm tối đa là 10 dành cho HS đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất các kỳ thi dành cho HS tiểu học cấp quốc gia… Dự kiến ngày 24.6, trường này sẽ công bố kết quả xét tuyển.
Còn Trường THCS Cầu Giấy, theo bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng, sau đợt 1 tuyển thẳng, có 106 HS được nhận vào nhờ đoạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp quận ở các môn toán, tiếng Anh, tin học, văn – thể – mỹ… Đợt xét tuyển, trường nhận được 600 hồ sơ, hầu hết có điểm học bạ rất cao. Dựa vào kết quả học tập, rèn luyện trên học bạ và thành tích HS đạt được, trường tuyển thêm 140 em nữa.
Những HS này, theo bà Kim Anh, đều đạt điểm học bạ tuyệt đối (5 năm học đạt điểm 10 các môn). Bà Kim Anh khẳng định không gặp phải khó khăn gì trong quá trình xét tuyển HS bởi số học bạ có mức điểm giống nhau không vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh vì năm nay là năm đầu tiên trường chỉ xét tuyển trong phạm vi Q.Cầu Giấy thay vì toàn thành phố như các năm trước đây. “Hơn nữa dù nhiều HS đạt điểm tuyệt đối nhưng vẫn có cái riêng của tuyệt đối vì các em được cộng điểm do có thành tích khác thể hiện trong hồ sơ, học bạ của mỗi HS”, bà Kim Anh cho hay.
Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội từng đau đầu khi xét học bạ vì có gần 1.000 hồ sơ (trong tổng số 3.000) đạt điểm tuyệt đối cả 5 năm tiểu học (toàn điểm 10), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600. Phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường, cho biết sẽ không bốc thăm chọn HS mà… gọi nhập học hết HS đạt điểm tuyệt đối vì chắc chắn sẽ có những HS nộp hồ sơ một lúc nhiều trường khác nhau. Hy vọng sau khi trừ đi số HS ảo, số nhập học sẽ sát với chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường chuyên, lớp chọn THCS là “làm chui”
Mặc dù hiệu trưởng một số trường tỏ ra lạc quan với phương thức xét tuyển mới nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại. Từ năm sau, khi phụ huynh đã biết “bài” xét tuyển thì có thể sẽ phát sinh làn sóng ngầm “ làm đẹp” học bạ và các trường đua nhau dồn tâm lực vào các kỳ thi như giải toán, tiếng Anh… trên mạng. Không ai dám chắc khi đó những cuộc thi này có đảm bảo được tính trung thực, khách quan như trước không. Điều này sẽ dẫn tới một hệ quả nguy hiểm không kém tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan để Bộ GD-ĐT phải ngăn chặn bằng cách xóa bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 6.
Đông đảo phụ huynh chờ con làm xong bài khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM)
Một số chuyên gia cho rằng cái gốc của vấn đề vẫn là để cho tất cả các trường THCS tuyển sinh một cách bình thường và điều này không phải không làm được. Đơn cử như ở Đà Nẵng, sau “lệnh” cấm thi quyết liệt của Bộ, lãnh đạo thành phố đã quyết định chuyển Trường chuyên Nguyễn Khuyến thành một trường tuyển sinh bình thường trong địa bàn.
Trao đổi với Thanh Niên, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng nếu nhiều HS giỏi quá thì sẽ khó cho các trường dựa trên kết quả ấy để chọn lựa HS. “Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tư duy cũ. Tại sao chúng ta phải nói rằng phải tuyển HS giỏi mà không tuyển những HS chưa giỏi hay yếu kém vào trường?”, ông Thi nhấn mạnh. Chủ trương của chúng ta là ở cấp THCS không có trường chuyên. Còn tất cả những lớp chọn, lớp điểm… đều là biến tướng trường chuyên ở THCS. “Tôi phải nói đấy là làm chui, không có chủ trương nào hết”, ông Thi khẳng định.
Ông Thi còn cho rằng phải phân biệt giữa trường chất lượng cao và trường chuyên. Trường chuyên là đầu tư cho HS giỏi và đào tạo nhân tài, còn trường chất lượng cao là tạo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt để HS học tập tốt hơn với điều kiện tiên quyết là gia đình phải tự nguyện chi trả phần chi phí tăng thêm do đầu tư chất lượng cao. Khi đã thu học phí cao, trường phải đầu tư vào điều kiện, chất lượng dạy học thì mới xứng đáng với chi phí mà phụ huynh đã trả chứ không phải chọn được HS giỏi thì mới có được chất lượng giáo dục cao. Như vậy là không đúng với tinh thần của trường chất lượng cao.
Ông thi cũng nhấn mạnh: “Còn về nguyên tắc, nhà nước phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu học cơ bản, đại trà cho tất cả các tầng lớp nhân dân”.
“Khảo sát” khốc liệt hơn thi tuyển
Sau khi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) tổ chức xét tuyển vào lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực tiếng Anh vào ngày 20.6, khá nhiều người làm việc lâu năm trong ngành giáo dục, giáo viên các trường phổ thông cho rằng phương án này không thể làm giảm áp lực thi cử và chống tình trạng luyện thi. “Bản chất đây là một kỳ thi bởi “tất cả thí sinh cùng làm một đề bài khảo sát, chấm cùng thang điểm và sau đó xét điểm từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu”, nguyên hiệu trưởng một trường THCS có tiếng tại Q.1 nói.
Một giáo viên tại Q.1 khẳng định đây là hình thức thi, chỉ thay từ “thi” thành “khảo sát” mà thôi. Đồng thời giáo viên này còn nhận định hình thức khảo sát có phần “khốc liệt” hơn việc thi 3 môn như trước đây. Bởi các năm trước, nếu đề thi có 5 câu, trong đó 1 câu thuộc kiến thức cơ bản còn lại là kiến thức nâng cao.
Còn năm nay, các câu hỏi đề cập đến các mảng kiến thức toán, khoa học, tiếng Việt, lịch sử… và được phủ bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Thí sinh vừa tìm câu trả lời, giải bài toán và phải trình bày bằng tiếng Anh. Trong khi đó có những câu hỏi không phải là dễ đối với HS nếu không được ôn đúng.
Từ các câu hỏi trong bài khảo sát, ông Hoàng Trọng Hảo, Tạp chí Toán tuổi thơ, nhận định: “Một số câu hỏi về kiến thức toán logic như dãy số về sai phân tương đối khó đối với đa phần thí sinh. Muốn làm được thì phải ôn luyện kiến thức nâng cao”.
Vì vậy, nhiều giáo viên cho biết từ nội dung bài khảo sát lần này, HS muốn làm được vẫn phải đi ôn luyện kiến thức. Thậm chí còn phải ôn nhiều lĩnh vực khác.
Một phụ huynh của Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1) dự thi tại Trường THCS Đồng Khởi (Q.1) cũng nói: “Đây thực chất là thi tuyển. Con tôi vẫn đi học luyện thi với một cô giáo dạy tiếng Anh trong trường. Có khác là trước đây ôn thi 3 môn thì nay còn 1 môn và giáo viên đưa ra các tình huống, các câu hỏi tương tự như câu hỏi mẫu mà sở từng công bố”.
Theo TNO