Bỏ thi 3 chung, trường không dám thi riêng
Dự thảo bỏ thi đại học 3 chung của Bộ đang gây nên nhiều tranh luận. Một số câu hỏi đặt ra là “ai dám mạo hiểm thi riêng”?
Một số trường dân lập cho rằng, khó cho bản thân họ khi thi riêng thêm điều kiện: “Không được dùng kết quả ba chung”. Đó là ý kiến của ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long (Hà Nội), một trong số các trường ngoài công lập (NCL) đã vững vàng trong sóng gió tuyển sinh nhiều năm qua.
Theo ông Phú, các trường tuyển khó không phải do thi tuyển sinh mà do có lắm trường quá, không còn nguồn tuyển; hạ điểm thí sinh cũng không vào. “Thi riêng vất vả, tốn kém lại không được tuyển chung trong toàn hệ thống, tôi dự báo, các trường chả dại gì mà thi riêng”, ông Phú nói.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT nhận xét: Cửa đã mở, nhưng đến giờ này chưa có con chim nào dám “sổ lồng” thì cần xem lại phương án.
Ông Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (HHNCL) đặt vấn đề: Bộ cho tự chủ tuyển sinh nhưng ra quá nhiều điều kiện.
Thí sinh dự thi Đh năm 2013. Ảnh: Hồ Thu
Video đang HOT
Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nay là Chủ tịch HHNCL thì đặt câu hỏi: Bộ ra phương án thi của năm 2014 nhưng chưa nói gì về phương án thi năm 2017, sau khi bỏ thi ba chung, nhưng tôi chắc chắn chả trường nào dám thi riêng.
Ông Quân phân tích, thi riêng không được dùng kết quả chung, không được tuyển liên thông bằng kết quả của trường khác. Thử hỏi, ngay cả một trường có chất lượng như ĐH Bách khoa là một ví dụ, nếu trường ĐH khác, kể cả công lập và NCL không được tuyển thí sinh trượt trường này và ngược lại, thí sinh nào dám thi vào Bách khoa vì nếu đã trượt trường này.
Nếu Bộ quy định thời gian trùng nhau sẽ có nhiều ràng buộc, thí sinh không dám thi riêng và nếu vậy, trường ĐH có dám tuyển sinh riêng?
Không nên làm kỳ thi riêng là ý kiến của ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Theo ông, nếu thi ba chung mà người học không vào các trường nên xem xét thương hiệu, cơ sở vật chất, đội ngũ và uy tín của mình.
“Nếu năm nay thi riêng thử nghiệm, sẽ có trường chỉ có vài ba chục sinh viên đến nộp đơn, kết quả không thể tốt hơn được”, ông Hóa khẳng định.
Theo Tiền Phong
Thi riêng, mất cơ hội xét tuyển chung
Lúc tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng ở các trường năng khiếu, thí sinh không thể lường được tình huống sẽ gặp khó khăn khi tham gia xét tuyển chung.
Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đăng Nguyên
Trường thi "3 chung" không nhận
Thí sinh T.T, thi vào ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: "Em thi được 16 điểm, không đủ điểm trúng tuyển NV1, sau đó trường có cấp giấy báo điểm để em đăng ký xét tuyển bổ sung. Em nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nhưng trường thông báo em không được xét tuyển". T. là một trong nhiều trường hợp thí sinh dự thi vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM không thể xét tuyển vào trường thi theo "3 chung".
Theo tiến sĩ Trương Phi Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, những ngày vừa qua trường gần như quá tải vì phụ huynh và thí sinh thắc mắc về chuyện không được xét tuyển bổ sung sang trường khác. "Có em chỉ thi vào một ngành học của trường và có điểm rất cao. Năm nay, trường thi tuyển từ ngày 11 - 14.7, có 975 thí sinh thi nhưng chỉ có 165 chỉ tiêu. Trong đó, ngành thiết kế đồ họa nhiều nhất với 89 chỉ tiêu. Với số lượng như vậy, điểm chuẩn của ngành này đã lên đến 28, nhiều thí sinh điểm cao cũng không trúng tuyển", ông Đức thông tin thêm.
Theo ông Đức, khi được quyết định cho phép tuyển sinh riêng, chính nhà trường cũng không biết thí sinh không trúng tuyển NV1 không được xét tuyển bổ sung sang trường khác. Do đó, trường vẫn gửi phiếu báo điểm cho thí sinh để xét tuyển sang trường khác. Đến khi thí sinh phản ánh các trường không nhận hồ sơ xét tuyển, trường còn nghĩ rằng các trường ngoài công lập có cách tuyển sinh khác. Lãnh đạo các trường ĐH: Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Hoa Sen, Văn Lang cũng cho biết ban đầu không nghĩ đến tình huống này.
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay nếu tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) thì xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi tuyển sinh chung của Bộ. Các trường có tuyển sinh riêng ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn ngữ văn. Riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.
Như vậy, theo quy định, thí sinh khối C muốn vào các trường xét tuyển riêng phải thi ở một trường khác có khối thi tương ứng, sau đó dùng kết quả để xét tuyển. Không có vấn đề gì với những thí sinh này nhưng lại khó khăn đối với các thí sinh thi ngành năng khiếu. Do những thí sinh này không thi môn văn theo đề chung nên không thể xét tuyển vào các trường thi theo "3 chung" có cùng khối thi. Tình huống này cả Bộ lẫn các trường cũng không đề cập đến cho thí sinh khi họ quyết định tham gia thi tuyển.
Ít cơ hội xét tuyển
Còn nếu tính trong nội bộ 10 trường tổ chức thi riêng, cơ hội xét tuyển cho thí sinh cũng không nhiều.
Chẳng hạn, ở khối mỹ thuật phía bắc, thí sinh không trúng tuyển vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư. Năm nay, trường này xét tuyển bổ sung ngành quản lý văn hóa (khối H, N) chỉ với 150 chỉ tiêu nhưng nhận hồ sơ trên toàn quốc. Vì thế, thí sinh không trúng tuyển nhưng đủ điều kiện xét tuyển của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt với thí sinh từ các trường khác để vào Trường ĐH Sư phạm T.Ư.
Ở phía nam, theo tình hình năm nay, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM chỉ có thể xét tuyển bổ sung vào Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Trong khi đó, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai lại không thể xét tuyển ở bất kỳ trường nào khác. Những năm trước, thí sinh của trường này có thể nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào bậc CĐ của các trường như ĐH: Công nghệ Sài Gòn, Kỹ thuật công nghệ, Quốc tế Hồng Bàng...
Thừa nhận thi riêng có nhiều điểm lợi như tạo cơ hội cho thí sinh thi được nhiều trường hơn (do thời gian tuyển sinh các trường khác nhau), trường có nguồn tuyển nhiều hơn và đánh giá thí sinh cả quá trình phổ thông... nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn tình trạng thí sinh mất cơ hội xét tuyển vào các trường có cùng khối thi nhưng thi theo "3 chung". Trước tình hình này, lãnh đạo nhiều trường cũng cho rằng, lẽ ra Bộ nên chỉ ra điều này khi cho phép các trường tuyển sinh riêng để trường và thí sinh không phải bỡ ngỡ.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: "Bộ cho 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay theo đề án của các trường và thời gian thi tuyển do các trường này chủ động. Vì vậy, thí sinh vẫn có thể tham dự kỳ thi "3 chung" của các trường khác để nộp hồ sơ xét tuyển chứ không được sử dụng kết quả thi từ 10 trường này"!
Theo TNO