“Bó tay” với người nghiện nhiễm HIV?
Công tác theo dõi, quản lý, giáo dục người nghiện ma túy, người nghiện sau cai tại cộng đồng, được quy định cụ thể trong nhiều văn bản của Trung ương và thành phố, nhưng việc triển khai lâu nay vẫn nặng tính hình thức.
Lực lượng công an không thể “quản” được đối tượng nghiện ma túy tổng hợp
Con số trên 90% người tái nghiện sau cai cho thấy những hạn chế của việc thực hiện chủ trương này ở cấp cơ sở.
“Bó tay” với người nghiện ma túy tổng hợp
Theo quy định hiện hành, người bị coi là nghiện ma túy nếu: Bản thân họ thừa nhận đã sử dụng trái phép chất ma túy; bị bắt quả tang khi đang sử dụng trái phép chất ma túy; người nghi nghiện khi xét nghiệm nước tiểu hoặc máu, có kết quả dương tính với chất ma túy. Phát hiện người nghiện ở địa bàn, CSKV sẽ phải lập hồ sơ quản lý, giáo dục họ tại phường, xã theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 163/CP). Định kỳ hàng tháng, CSKV sẽ phối hợp với người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, giáo dục người nghiện (thường là cán bộ tổ dân phố), cán bộ y tế mời người nghiện đến trụ sở cơ quan công an để giáo dục, răn đe đồng thời thử nước tiểu đột xuất. Những người phản ứng dương tính với ma túy nhiều lần, cho thấy cách giáo dục tại cộng đồng, cai nghiện tại gia đình không hiệu quả, cơ quan phường sẽ lập hồ sơ, đề xuất cơ quan cấp trên ra quyết định đưa họ đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cai nghiện của thành phố.
Quy trình là vậy, tuy nhiên thực tế triển khai lực lượng công an cơ sở còn gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, việc “mời” các “con nghiện” đến trụ sở cơ quan công an để giáo dục, răn đe, cảm hóa và xét nghiệm nước tiểu định kỳ là chuyện khó thực hiện. Sợ phải đi cai nghiện bắt buộc nên “con nghiện” không ngừng nghĩ ra các thủ thuật để chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, từ việc uống thuốc tránh thai làm sai lệch kết quả xét nghiệm, bỏ trốn khỏi nơi cư trú… Thứ nữa, việc áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục người nghiện theo Nghị định 163/CP hiện chỉ phù hợp với số đối tượng nghiện ma túy dạng truyền thống như: thuốc phiện, heroin… Đối với số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp, lực lượng công an vẫn chưa tìm ra cách để phát hiện. Một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội thẳng thắn: Người nghiện ma túy tổng hợp không có những biểu hiện rõ ràng như nghiện heroin. Dù thiếu “thuốc”, lên cơn cũng không có biểu hiện nên ngay người thân cũng khó phát hiện chứ nói gì đến lực lượng công an. Hơn nữa, số đối tượng nghiện ma túy tổng hợp thường “chơi” thuốc, mua bán “hàng” ở những địa điểm kín đáo như: quán bar, karaoke, vũ trường… khiến việc phát hiện, giám sát số đối tượng này rất khó khăn. Trong trường hợp biết chắc một đối tượng nghiện ma túy tổng hợp, lực lượng công an cũng không biết lấy đâu ra que thử để kiểm tra mẫu nước tiểu của đối tượng, bởi các que thử ma túy thông dụng hiện nay không “quét” được ma túy tổng hợp.
Thiếu chế tài xử lý “con nghiện” nhiễm HIV
Cuối tháng 5-2011, Báo ANTĐ khởi đăng loạt bài điều tra, phản ánh thực trạng các bệnh nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV giai đoạn cuối đang điều trị tại bệnh viện 09 (khu vực Cầu Bươu, huyện Thanh Trì), ngang nhiên mua bán trái phép chất ma túy trước cổng bệnh viện mà không bị xử lý.
Trao đổi với PV ANTĐ về vấn đề này, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Hà Nội có không ít đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV giai đoạn cuối ngang nhiên mua bán ma túy, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, thách thức các cơ quan chức năng, song chế tài xử lý số đối tượng này đang bộc lộ nhiều bất cập. Bộ luật Hình sự quy định: “Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”…
Ai cũng biết, đối tượng nhiễm HIV bán ma túy đều mắc bệnh ở giai đoạn cuối, sức khỏe yếu. Khi bị bắt, không có ma túy sử dụng, thể trạng các đối tượng sẽ suy yếu nhanh. Đến lúc này, cơ quan công an sẽ phải đưa các đối tượng đi chữa trị tại các bệnh viện (thường là bệnh viện 09 ở Thanh Trì), nặng hơn sẽ trả về gia đình. Thoát vòng lao lý, trở về địa phương, số đối tượng này lại tiếp tục hoạt động phạm tội…, và dĩ nhiên không đơn vị nào muốn bắt tiếp để rồi lại thả! Không thể bắt giam, việc chuyển số đối tượng nghiện, nhiễm HIV vào trung tâm cai nghiện bắt buộc cũng không dễ, bởi chẳng trung tâm nào muốn tiếp nhận bệnh nhân vừa nghiện, vừa nhiễm HIV vào chữa trị cắt cơn…
Theo ANTD