Bố sẽ dắt con đến trường khai giảng, nhưng sẽ đứng ngoài cổng, bởi bố muốn đó thực sự là ngày hội của các con
Rồi năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa, các con trưởng thành, tôi vẫn mong các con sẽ nhớ những ngày khai giảng như chúng ta đã nhớ.
Cứ mỗi mùa tựu trường, lòng tôi lại vang lên những câu chữ của Thanh Tịnh “Tôi Đi Học” đầy xao xuyến. “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Tôi nhớ đến cồn cào hình ảnh chính mình của những mùa tựu trường xa lắc. Tôi nhớ đến nôn nao hình ảnh cậu cả con tôi, cô con gái thứ hai của tôi lần lượt những mùa khai giảng đầu tiên tôi dắt cùng đi. Và kể cả mới đây thôi, cô con gái út của tôi bước vào lớp 1. Vẫn vẹn nguyên như thể lần đầu tiên vậy!
Có lẽ, có lẽ là thế thật! Rằng ngày khai giảng luôn là khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời này. Nơi mà cha mẹ cũng quên đi cả những nhọc nhằn, toan lo để hướng mắt nhìn theo bóng con mình vào lớp. Nơi mà dù trước đó chúng ta có phẫn nộ hay bức xúc biết bao trước những vấn nạn học đường, bất cập giáo dục thì bỗng nhiên mềm lòng đi trước những cờ hoa và khuôn mặt hân hoan của lũ trẻ. Ngày khai giảng ở xóm nghèo hay nơi đô thành nhộn nhịp, ở trường làng hay trường tư thục cao cấp thì vẫn cứ trong veo như thế!
Hay tại tôi sến súa? Khi thấy trong những đôi mắt trong veo của các con là sự háo hức xen lẫn rụt rè, âu lo đấy mà sao vẫn ngập tràn hiếu kỳ. Khi thấy các cô giáo dù đã trải qua đến hàng chục lễ khai giảng hay mới chập chững vào nghề, ai nấy đều hân hoan như thể ngày Tết vậy. Khi thấy các phụ huynh cũng phấn khích chụp ảnh con, hoan hỉ đăng Facebook.
Ngày khai giảng đẹp thế, yêu thế mà, xin đừng giết đi ngày khai giảng.
Xin đừng giảm bớt sự háo hức của các con bằng lịch tập trung sớm, bằng những chương trình học xuyên hè. Hãy để các con, như ngày xưa chúng ta, tập trung trước ngày khai giảng chỉ đôi ba hôm đặng chuẩn bị đón ngày khai giảng. Để nỗi nhớ bạn bè sau 3 tháng hè được vỡ oà ra với nhau ngày tựu trường. Để lại được hít căng lồng ngực mùi nắng sân trường, mùi bảng đen, vở mới. Để đừng bắt đầu năm học mới bằng cách bắt học trò vắt chân lên cổ chạy chương trình học ngày một nặng nề. Để đừng khiến cha mẹ học sinh toát mồ hôi lo đóng góp đầu năm với những khoản tiền dài lê thê.
Xin hãy cho các con nhận được đầy đủ cảm xúc tích cực, truyền cảm hứng và lan toả hân hoan. Xin đừng biến những ngày đầu gặp nhau thành nỗi khiếp sợ hay sự chán nản phải đi học. Tôi mong việc giữ lửa nghề từ thầy cô xin bắt đầu bằng sự háo hức ngày khai giảng trong chính các thầy cô vậy.
Và một lễ khai giảng, xin được bắt đầu bằng những điều mới mẻ, cảm hứng chứ đừng là khoe thành tích của trường, những diễn văn không dành cho học trò nghe. Nếu có khoe xin hãy khoe những điều tuyệt vời đang đón đợi các con trong năm học mới.
Khai giảng này, tôi vẫn dắt con, theo cùng con đến trường. Nhưng tôi chọn đứng ngoài cổng chứ không vào sân trường. Bởi tôi muốn ngày khai giảng thực sự sẽ thuộc về con. Tôi nghĩ các phụ huynh cũng vậy, nên đứng bên ngoài sân trường để những diễn văn khai giảng không còn chỗ khoe thành tích. Hãy để khai giảng thành ngày hội của các con.
Video đang HOT
Rồi năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa, các con trưởng thành. Tôi vẫn mong các con sẽ nhớ những ngày khai giảng như chúng ta đã nhớ. Chứ không phải nhớ đến ngày khai giảng như một màn tra tấn thể lực của các con. Một ngôi trường tốt vốn không phải chỉ từ chất lượng dạy và học mà còn là sự yêu thích từ chính các con. Để câu khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” trở thành sự thật.
Cuối cùng, thưa cùng các bậc cha mẹ phụ huynh!
Xin đừng nói mãi đến việc các vị vất vả ra sao để các con có tiền ăn học. Điều đó không khiến các con sẽ nỗ lực học hơn để không phụ công cha mẹ. Thậm chí nó còn khiến các con cảm thấy việc học trở thành gánh nặng của cha mẹ. Cũng xin đừng làm mất hứng khởi đi trong lòng con bằng sự thờ ơ của mình. Chừng nào chúng ta không trân trọng những niềm vui của các con, chừng đó, con bạn sẽ không còn biết niềm vui.
Một mùa khai giảng nữa đã bắt đầu, xin hãy tặng nhau một lễ khai giảng thật xuyến xao khi nhớ về!
(Tâm sự của một ông bố trong ngày tựu trường của các con)
Theo Helino
"Tập tục" khai giảng độc đáo tại một số quốc gia trên thế giới
Hãy cùng khám phá những tập tục truyền thống thú vị trong ngày khai giảng, bắt đầu năm học mới tại một số quốc gia trên thế giới.
Đức
Tại nhiều nơi trên khắp nước Đức, trẻ em vào lớp một sẽ được phát rất nhiều túi giấy hình chiếc nón đựng kẹo, đồ chơi và đồ dùng học tập trong ngày khai giảng. Đôi khi những chiếc túi giấy này có kích cỡ bằng người các bạn nhỏ.
Bạn đừng nhầm tưởng rằng đây là một cách để cổ vũ các em nhỏ nhân ngày đầu tiên đi học nhé! Theo truyền thống, tập tục này đánh dấu "địa vị" của em nhỏ đã có một bước thay đổi.
Indonesia
Các nhà trường tại Indonesia tận dụng ngày khai giảng để giúp các em học sinh làm quen với môi trường mới và bạn cùng lớp qua việc chia các em thành những nhóm nhỏ và cùng tham gia các hoạt động tập thể.
Nhật Bản
Giống như tại Đức, ngày đầu tiên đi học đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời mỗi người Nhật Bản. Ngày này có ý nghĩa như "một khởi đầu mới" hay "sự tái sinh" vậy.
Ngày bắt đầu năm học mới tại Nhật Bản là ngày 1/4 hàng năm. Để chào mừng các công dân tí hon có một địa vị xã hội mới, phần lớn học sinh Nhật Bản bắt đầu quãng thời gian dưới mái trường với việc nhân được món quà là một chiếc cặp có tên randoseru.
Chiếc cặp này đựng sách, giấy origami và hộp bút chì đặc biệt có tên fudebako. Theo truyền thống, các bé gái sẽ mang cặp màu đỏ còn màu đen dành cho các bé trai. Ngày nay, các em học sinh có thể tha hồ lựa chọn những chiếc cặp randoseru với đủ các thiết kế và màu sắc.
Lý do những chiếc cặp này xuất hiện là để trẻ em Nhật Bản học cách giữ gìn vật dụng của mình. Những chiếc cặp randoseru được thiết kế rất bền và có thể dùng được tới 6 năm tại bậc tiểu học.
Trong ngày khai giảng, các em học sinh Nhật Bản cũng thường mang bữa ăn trưa nhà làm tới trường (thường gồm cơm, súp rong biển và trứng cút) như một cách để mang may mắn đến.
Rất nhiều bậc phụ huynh cũng sắm sửa bàn học mới và cầu cho sự nghiệp học hành của con cái được "hanh thông" bằng cách thiết kế riêng cho các em một góc học tập tại nhà.
Nga
Tại Nga, ngày bắt đầu năm học mới có hẳn tên riêng là "Ngày tri thức" diễn ra vào ngày 1/9 và là sự kiện của toàn cộng đồng.
Các em học sinh cùng cha mẹ tập trung bên ngoài trường học, cùng nhau chụp ảnh lưu niệm. Các em cũng sẽ tặng hoa cho giáo viên và thường được nhận lại những quả bóng bay. Những dải ruy-băng trắng được trang trí ở khắp nơi và cột lên tóc những bé gái.
Các trường học tại Nga còn có nghi thức "tiếng chuông đầu tiên" khá thú vị. Một em nhỏ năm nhất được một học sinh nam lớn trên cõng trên vai đi tới từng hàng học sinh và rung tiếng chuông báo hiệu năm học mới bắt đầu.
Brazil
Năm học mới tại Brazil bắt đầu vào tháng 2 hàng năm. Các bậc phụ huynh Brazil thường mua sách vở và đồ dùng học tập cho con cái hàng tháng trước khi năm học mới bắt đầu.
Nguyên nhân là vì giá văn phòng phẩm cho học sinh thường được "thổi" lên rất cao vào thời điểm năm học mới, có thể gấp 5 lần giá thông thường.
Hà Lan
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bậc phụ huynh Hà Lan chở con cái tới trường vào ngày khai giảng trên những chiếc xe bakfietsen. Những chiếc xe đạp này được thiết kế với một chiếc ghế ngồi cỡ lớn ở đằng trước.
Người dân Hà Lan ưa chuộng kiểu xe này vì chúng thân thiện với môi trường và không đòi hỏi chỗ để xe.
Ấn Độ
Trẻ em tại Ấn Độ cũng thường nhận được những món quà vào ngày praveshanotshavan, nghĩa là Ngày Nhập học. Vì ngày khai giảng năm học mới tại Ấn Độ thường trùng với thời điểm bắt đầu mùa mưa, nên trong các món quà thường có 1 chiếc ô.
Mỹ
Nhiều học sinh tại Mỹ mặc đồng phục mới trong ngày khai giảng và chụp ảnh lưu niệm, Đôi khi các em còn cầm theo những tấm bảng có ghi lớp mình đang học nữa.
Năm học mới tại xứ cờ hoa thường bắt đầu vào khoảng tháng 8, 9 trong năm. Ngày khai giảng và bế giảng cụ thể được quy định bởi chính quyền mỗi bang.
Với các em học sinh mẫu giáo, đây sẽ là cơ hội cho các em lần đầu được đi trên những chiếc xe buýt trường học màu vàng, phương tiện sẽ chở các em tới trường tới tận hết những năm trung học.
Ý
Các em nhỏ người Ý thường mặc những chiếc áo choàng trùm lên quần áo bình thường tại trường tiểu học. Tại trường mẫu giáo, các em nam thường mặc áo choàng màu xanh và trắng trong khi các bạn nữ mặc áo choàng màu hồng và đỏ. Khi các em vào lớp 1, áo choàng sẽ được đổi sang màu xanh đậm.
Minh Hương
(Tổng hợp)
Theo Dân trí
Nghệ An: Trường khó khăn bậc nhất cả nước chạy đua thời gian để kịp khai giảng Sau lũ, Trường Tiểu học Mường Típ 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ngổn ngang khó khăn. Với sự giúp đỡ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 - Quân khu 4, các thầy cô giáo trường vùng biên này đã chạy đua với thời gian để kịp ngày khai giảng năm học mới. Chạy đua thời gian để kịp khai giảng Tính...