Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại: Băn khoăn khi triển khai chương trình mới
Bộ sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt, Toán vừa bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng 1.
Trước đó, bộ sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với hơn 900.000 học sinh theo học.
Vì thế, việc bộ sách không vượt qua vòng thẩm định lần này để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021 có thể dẫn đến một số khó khăn trong việc dạy và học cho các trường đang áp dụng.
SGK Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục.
Bộ sách bị đánh giá “không đạt”
Cùng với sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục, có 5 bộ SGK đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký thẩm định trong đợt đầu tiên. Tuy nhiên, Bộ SGK Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1″, một số vấn đề kỹ thuật, trình bày. Ví dụ, GS Hồ Ngọc Đại đưa các câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vào các chân trang để học sinh học và ghi nhớ tiếng Việt qua thành ngữ, tục ngữ đều bị các thành viên hội đồng đề nghị bỏ vì không phù hợp với học sinh lớp 1.
Ở sách Toán 1 – Công nghệ giáo dục, cũng bị hội đồng thẩm định cho rằng, có nhiều nội dung “không nằm trong yêu cầu của chương trình”, “vượt yêu cầu của chương trình”.
Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ có ba mức xếp loại “đạt”, “đạt nhưng cần sửa chữa” và “không đạt”. SGK Công nghệ giáo dục bị xếp “không đạt” trong đợt thẩm định này. Mặc dù vậy, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK nhận xét, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại được biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng.
Về thông tin bộ sách công phu bị loại bỏ, GS Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học.
Chia sẻ về công việc thẩm định SGK trong đợt đầu tiên, ông Thái Văn Tài – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho hay: Trách nhiệm của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK rất lớn. Tuy vậy, việc thẩm định không hẳn tạo nên áp lực nặng nề đối với các thành viên. Nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các SGK được gửi đến thẩm định, mà đánh giá các SGK này theo những tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: đạt, đạt cần sửa chữa hay không đạt.
Như vậy, sự khác biệt giữa các SGK được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với SGK hay không. Còn việc chọn sách/bộ sách nào sử dụng trong các nhà trường là do các địa phương cân nhắc, dựa trên điều kiện thực tiễn, việc đánh giá mức độ phù hợp với đối tượng học sinh ở mỗi vùng miền nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất.
“Không bất ngờ”
Trao đổi với báo chí ngày 12/9 xung quanh việc bộ SGK lớp 1 – Công nghệ giáo dục do ông làm chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm “không đạt” ngay vòng đầu, GS Hồ Ngọc Đại cho hay, ông biết điều này sẽ xảy ra và không lấy làm bất ngờ.
Trước băn khoăn, liệu bộ SGK của ông sẽ “sống” tiếp ra sao nếu bị loại từ vòng thẩm định? GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa để nộp lại, bởi công trình ấy ông đã làm cả một đời người. “Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay…” – GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định, sản phẩm của ông đưa ra khác với hiện hành về nguyên lý sư phạm về bộ SGK, bởi ông căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Theo ông, một chương trình có hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ em mỗi ngày, mỗi giờ học đều mang lại lợi ích, cái mới, niềm vui cho trẻ em. Học tiếng Việt là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Điều ông băn khoăn nhất hiện nay là cần tôn trọng hơn 900 nghìn học sinh đang học SGK Công nghệ giáo dục.
Như đã nói ở trên, đây cũng đang là băn khoăn của nhiều người, bởi nếu SGK Công nghệ giáo dục nếu không được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới có thể sẽ gây xáo trộn lớn ở những địa phương đã triển khai thành công trong các năm qua.
Ngày 12/9, GS Hồ Ngọc Đại đã có cuộc ra mắt và trao đổi về cuốn “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Cuốn sách khổ 11×18cm, chưa đầy 200 trang được GS Hồ Ngọc Đại coi là “di ngôn” của ông về SGK đổi mới giáo dục mà ông chắt lọc từ cả đời nghiên cứu và thực nghiệm theo một phương pháp tiếp cận hiện đại với học sinh tiểu học.
Minh Quang
Theo daidoanket
SGK Công nghệ Giáo dục bị loại: GS Hồ Ngọc Đại không bất ngờ
Bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được dạy cả ở vùng sâu vùng xa, nhưng lại bị hội đồng thẩm định SGK đánh giá không đạt, vì quá khó.
Thông tin về bộ sách giáo (SGK) khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu tiên đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Những bộ sách được đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" có thể mang về sửa chữa, bổ sung và đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để thẩm định lại.
Bộ SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên gồm các môn Tiếng Việt, Toán. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá, bộ SGK lớp 1- Công nghệ giáo dục được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng. Nội dung, hình thức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung sách cũng được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.
GS Hồ Ngọc Đại cho biết sẽ không sửa bất cứ nội dung nào trong sách dù bị đánh giá là không đạt.
Tuy nhiên, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1".
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với báo chí sáng nay (12/9), GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học.
GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định sẽ không chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào trong sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục. "Sản phẩm của tôi khác với khác với nguyên lí sư phạm về bộ SGK. Sản phẩm của tôi căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Một chương trình hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ mỗi ngày. Học tiếng Việt với tôi là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy", GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.
"Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh.
Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được.
Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi đã về hưu và không phụ thuộc vào lương bổng hay làm vì lương bổng. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này", GS Hồ Ngọc Đại nói thêm.
GS cũng cho rằng, những giáo viên dạy theo công nghệ giáo dục đều rất hạnh phúc. Các thầy cô thích vì học sinh học đến đâu, chắc đến đấy. Hơn nữa, khi trẻ học và hiểu, bản thân chúng cũng thấy thích thú, như vậy đi học mới thực sự là hạnh phúc.
Nói về tâm trạng khi công trình nghiên cứu cả đời bị đánh đổ, GS Đại cười lớn nói bản thân ông cảm thấy thanh thản, vì đó là bộ sách của Nhà nước, ông ăn lương Nhà nước 50 năm để làm, chứ không phải của riêng mình.
"Việc này giờ không phải là việc của tôi nữa. Quyển sách ấy thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ động bảo tôi là cuốn sách tốt quá, nên nhân rộng ra. Nhưng tôi thấy anh ấy lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi nói luôn: "Tôi cho không đấy". Tôi ăn lương nhà nước 50 năm để tôi làm ra bộ sách ấy, cho nên nó là tài sản nhà nước đầu tư chứ không phải tài sản của tôi. Do vậy, việc này giờ tôi không xử lý được nữa", ông nói.
Song, vị Giáo sư cũng đặt cây hỏi, 15 người trong hội đồng thẩm định hơn, hay hơn 930.000 học sinh đang theo học bộ sách này trong suốt hơn 40 năm qua hơn? Giữa bộ sách đang thuê người viết vội được thông qua hay bộ sách ông nghiên cứu cả đời hơn?
"Thẩm định SGK là việc nghiêm túc, không phải chỉ là cuộc họp biểu quyết thông qua của 15 người".
Khi được hỏi, làm thế nào để bộ sách Công nghệ Giáo dục có thể "sống" được trong khi Bộ GD-ĐT không thẩm định. GS Đại nói rằng: "Không tình huống nào không có lối thoát, vì chân lý sẽ còn tồn tại".
Được biết, hiện sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục 1 được triển khai dạy học ở nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng hơn 930.000 học sinh theo học. Sách này xuất phát từ đề tài khoa học cấp Nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương, trong đó có cả các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ./.
Theo VOV
'Sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy một mớ kiến thức không cần thiết' Thông tin từ Hội đồng thẩm định cho hay nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại có 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ. Trả lời báo chí chiều 12/9, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt và Toán đã nêu rõ lý do sách giáo khoa (SGK) Công nghệ Giáo dục...