Bỏ phiếu tín nhiệm, trò trí trá dưới mái trường của Ban giám hiệu
Chuyện bỏ phiếu kín chỉ là hình thức vì dù kín đến đâu chỉ vài tiếng sau là Ban Giám hiệu đã nắm trong tay danh sách ai gạch bỏ mình.
Bỏ phiếu tín nhiệm trong nhà trường (Ảnh minh họa: laodong.vn).
LTS: những cách thức lừa dối, bịp bợm đồng nghiệp trong việc bỏ phiếu tín nhiệm của Ban giám hiệu ở một số trường hiện nay, cô giáo Thuận Phương đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo quy định của ngành giáo dục, ban giám hiệu các trường học cứ hết một nhiệm kì công tác 5 năm sẽ được nhà trường bỏ phiếu tín nhiệm lại.
Chuyện Ban Giám hiệu có được cấp trên ra quyết định bổ nhiệm lại hay không còn phụ thuộc vào số phiếu tín nhiệm họ đạt được cao hay thấp trong lần bỏ phiếu đó.
Tưởng như quyền hạn đang được trao vào tay cho từng cán bộ, giáo viên và công nhân viên nhà trường nhưng trong thực tế, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.
Chuyện bỏ phiếu kín chỉ là hình thức vì dù kín đến đâu chỉ vài tiếng sau là Ban Giám hiệu đã nắm trong tay danh sách ai gạch bỏ mình.
Để biết chắc những người không ủng hộ mình, Ban Giám hiệu mỗi trường lại có một bí quyết riêng để nhận biết. Thế rồi, có biết bao chuyện buồn cũng từ đó mà ra.
Những thủ thuật để nhận biết
Chẳng biết trong việc bỏ phiếu kín có quy định về hình thức, cách trình bày lá phiếu hay không nhưng ở mỗi trường Ban Giám hiệu thường làm mỗi khác.
Có trường họ phát phiếu và ghi tên người sẽ được bổ nhiệm lại nhưng không ghi sẵn từ đồng ý hoặc không đồng ý mà yêu cầu giáo viên khi bỏ phiếu phải tự ghi vào. Cũng có trường chỉ phát giấy trắng để giáo viên tự ghi. Ai cũng hiểu đây là cách để Ban Giám hiệu xác định được chữ viết của ai.
Có trường ghi sẵn tên, có luôn hai dòng đồng ý và không đồng ý, giáo viên chỉ việc dùng bút đánh dấu chéo vào một trong hai ô ấy. Cách này sẽ khó phát hiện ra ai không đồng ý.
Video đang HOT
Nhiều giáo viên nghĩ đây là cách an toàn vì không ai có thể phát hiện ra người đã gạch bỏ mình.
Thế nhưng chỉ sau đó không lâu, mọi thông tin về người đã gạch vào ô không đồng ý cũng bị lộ tẩy.
Phải lâu lắm nhiều thấy cô mới giải đáp được thắc mắc trong lòng “ sao mà họ tài thế không biết”.
Sau này mới nghe một số người kể lại rằng, Ban Giám hiệu một số trường họ lại có cách kiểm soát lá phiếu riêng.
Chẳng hạn, có những tờ phiếu đã được đánh kí hiệu riêng nhưng khó ai có thể biết được. Người phát phiếu (một trong những người thân tín) sẽ giao phiếu cho từng giáo viên theo thứ tự từng tổ riêng biệt (vì họp hội đồng giáo viên cũng buộc ngồi theo tổ chuyên môn).
Khi tiến hành thu lại, họ cũng tự đi thu từng nhóm người một theo từng tổ. Cầm sấp phiếu trên tay, họ sẽ biết được tập phiếu ấy thuộc tổ chuyên môn nào và việc xác định ra lá phiếu của ai cũng chẳng có gì khó.
Lẽ ra khi bỏ phiếu tín nhiệm, những lá phiếu phải được giáo viên bỏ ngay vào thùng phiếu tại đó và nhà trường phải tiến hành niêm phong tại chỗ, sau đó sẽ gửi thẳng về phòng Giáo dục.
Thế nhưng, hầu như các trường đều không thực hiện niêm phong mà Ban Giám hiệu lại đem phiếu về phòng riêng để tiến hành truy tìm, sau đó mới mang đi nộp.
Ra tay “thanh trừng”
Người nằm trong “danh sách đen” của Ban Giám hiệu, coi như đã tự chấm dứt những ngày tháng yên ổn, vui tươi của chính mình.
Bởi, họ vừa phải hứng chịu những trận “đòn thù” của sếp vì “dám cả gan chống trời”, lại vừa phải căng đầu nghĩ cách đối phó để tự bảo vệ mình.
Trong giáo dục, để bắt lỗi một ai đó thì có vô vàn cách. Nào là phân công cho dạy ở lớp có nhiều học sinh yếu, phân thời khóa biểu theo kiểu “hành xác” (dạy tiết 1 nghỉ tiết 2, dạy tiết 3 nghỉ tiết 4 và dạy tiết 5) và ngày nào cũng phải đi vài chục cây số đến trường đôi khi chỉ dạy một tiết rồi về.
Hay việc xếp loại thi đua, phê vào hồ sơ công chức, dự giờ đánh giá tiết dạy, điều tốt lướt qua, những thiếu sót lại mang ra mổ xẻ.
Chuyện đâu chỉ có thế, cuối năm tên của giáo viên này sẽ nằm trong danh sách chuyển trường. Đã có rất nhiều người đang dạy ở ngôi trường gần nhà bỗng bị điều đi cách đó vài chục cây số.
Ngày hai buổi đến trường, theo của một số người “ tiền lương không đủ tiền xăng và tiền công sửa xe”.
Vì lẽ đó, nhiều người đã nói với nhau “đấu tranh được gì để mang thiệt vào thân? Họ có làm hiệu trưởng hay không cũng chẳng liên quan gì đến mình. An phận dạy dỗ để được yên thân”.
“Đối đầu với sếp chỉ mang thiệt vào thân” câu nói như được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn.
Thế rồi cứ mỗi lần bỏ phiếu tín nhiệm, người này nhắc nhở người kia, khá nhiều giáo viên lại “nhắm mắt” ghi vào ô đồng ý cho xong, ý chí đấu tranh cũng bị thui chột từ đấy.
Và cứ thế khi cầm trên tay bất kể lá phiếu nào liên quan đến Ban Giám hiệu.
Dù rất muốn cũng chẳng ai có đủ can đảm để gạch bỏ.
Điều này đã chứng minh bằng việc hàng năm ngành giáo dục đều phải bỏ phiếu tín nhiệm lại cho một số Ban Giám hiệu trong địa phương nhưng rất hiếm người không đủ số phiếu tín nhiệm.
Mặc dù trong số đó, vẫn còn những Ban Giám hiệu đang vướng nhiều sai phạm trong công tác quản lý và thu chi.
Bỏ phiếu tín nhiệm Ban Giám hiệu ở các cơ sở hiện nay chỉ là hình thức. Điều này hầu như ai cũng biết nhưng hàng năm vẫn được thực hiện cho đúng quy trình.
Chúng tôi nghĩ, đã đến lúc cần dẹp bỏ cách làm hình thức này.
Trong khi ngành giáo dục chưa thể tổ chức thi tuyển Ban Giám hiệu để chọn người xứng đáng lãnh đạo nhà trường thì việc bỏ phiếu tín nhiệm lại hàng năm cần phải được giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý cấp trên.
Muốn có được kết quả trung thực, lại bảo vệ được giáo viên thì nhất định không thể giao việc này cho chính Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức bỏ phiếu cho chính mình như hiện nay.
Theo Giaoduc.net
Điện Biên: Học sinh co ro trong giá lạnh
Lâu nay, trẻ em miền núi luôn có một uớc mơ để học con chữ, ước mơ được đến trường trong sự no ấm, đầy đủ. Tại huyện miền núi Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), các em học sinh phải vượt qua những con đường rừng nhiều cây số để biến điều đó thành sự thật. Vượt qua được trở ngại về địa lý nhưng nơi đây các em còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.
ảnh minh họa
Nậm Pồ là huyện mới thành lập của tỉnh Điện Biên, có 8/15 xã là xã biên giới, phía Đông giáp huyện Mường Chà, phía Tây giáp huyện Mường Nhé và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Nam giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Bắc giáp huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Huyện Nậm Pồ có diện tích tự nhiên 1.498 km; dân số gần 44.000 nhân khẩu thuộc 10 dân tộc với trên 95% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học và Trung học Cơ sở Nậm Tín (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) trong những ngày mùa đông lạnh giá, ở đây hầu hết các em học sinh là người dân tộc thiểu số. Hai ngôi trường với 500 học sinh, các em đều phải vượt qua nhiều khó khăn để đến đây học tập. Trong cái thời tiết giá lạnh nhưng các em học sinh vẫn chưa có đủ chăn ấm để đắp, điều kiện vật chất nhà trường còn còn thiếu thốn. Hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Tín, thầy Nguyễn Văn Kiên với chúng tôi nhiều khó khăn về điều kiện giảng dạy và học tập nơi đây của các em học sinh. Hiểu được sự vất vả khi đến trường của học sinh, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây dựng được một số phòng học, lán cho học sinh ở trọ tại trường để các em có thể yên tâm học tập.
Những hình ảnh thương tâm của các em học sinh tại trường Nậm Tín, Nậm Pồ
Nơi đây do địa hình miền núi, đường đi lối lại toàn là đường rừng, trường học nằm cách xa nhà nên các em học sinh đều phải vượt quãng đường rất xa để đến được trường. Do vậy nhà trường bố trí cho các em học sinh ở nội trú tại trường để tránh các em đi lại vất vả. Mặc dù được sự quan tâm, giúp đỡ nhưng so với số lượng học sinh rất lớn mà số lượng phòng ở chỉ đáp ứng được số lượng rất ít so với nhu cầu của các em học sinh. Chính vì thế, nhà trường chỉ ưu tiên được những em ở xa, còn nhiều em học sinh hằng ngày vẫn phải băng rừng, vượt núi đến trường trong thời tiết lạnh giá.
Một ngôi trường khác ở huyện Nậm Pồ là Trường tiểu học Phìn Hồ có khoảng 400 em học sinh. Nơi đây các em học sinh cũng gặp nhiều khó khăn không kém so với Nậm Tín. Các nhà hảo tâm đã nhiều đợt quyên góp ủng hộ nhà trường đã xây dựng được một số phòng, lán cho học sinh ở trọ tại điểm chính của trường và các điểm bản. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa bố trí nơi ăn ở đầy đủ cho các em khi cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi cho biết: "Mùa đông năm nay, dự báo sẽ kéo dài và rất lạnh mong rằng các em sẽ có đủ chăn ấm để đắp, đảm bảo sức khỏe học hành".
Các em phải ngủ trong giá rét
Tại các vùng núi trong đó có Nậm Pồ, mùa đông giá rét thực sự là nỗi khổ không chỉ của người dân mà còn là của các em học sinh. Khi nhiệt độ ở đây rất lạnh, các bạn học sinh không có đủ chăn ấm để đắp, nếu có thì cũng chỉ là những chiếc chăn mỏng đắp để cho đỡ lạnh. Cơ sở vật chất thiếu thốn không đảm bảo sức khỏe, nhiều em học sinh còn ít tuổi, có thể rất dễ bị ốm đau, bệnh tật.
Việc học tập của các em học sinh là vô cùng quan trọng nhưng đối với các trường vùng cao thì khó khăn tăng thêm gấp bội. Nơi đây, thầy cô đều băn khoăn làm sao để các em được vui vẻ cắp sách tới trường hăng say học tập. Mùa đông lạnh giá thực sự khiến các em gặp nhiều khó khăn trong ăn ở, học tập. Những người hiệu trưởng như thầy Kiên, thầy Khoa mong mỏi hơn những tấm lòng hảo tâm để có thể lo cho các em một cách đầy đủ nhất.
Mọi đóng góp quý bạn đọc xin gửi trực tiếp về Trường Tiểu học Phìn Hồ (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Tin (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ). Hoặc Báo Nhà báo và Công luận, Lô E2 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo Congluan.vn
Học giỏi nhờ khát vọng thoát nghèo Khi chiều đã xế bóng cũng là lúc Nguyễn Thị Thu Phương tạm dừng công việc sau một ngày lao động vất vả trở về nhà. Nhà Phương nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc thôn Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín (Hà Nội). Nguyễn Thị Thu Phương. Ngày học phổ thông, sáng đến trường, chiều Phương lại ra đồng phụ...