Bộ Nội vụ lên tiếng về việc tinh giản 100.000 biên chế
Ông Nguyễn Xuân Bình, nói trong tinh giản biên chế đợt này là phải đúng đối tượng và phải đảm bảo được đúng thực chất, đúng ý nghĩa của đổi mới công tác đánh giá cán bộ.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Xuân Bình.
Xin ông cho biết những thông tin cơ bản về dự thảo nghị định tinh giản biên chế Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương?
Nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo nghị định về việc tinh giản biên chế với các nội dung như đối tượng tinh giản, số lượng tinh giản, thời gian, cơ quan tổ chức thực hiện, giám sát…
Dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở những quan điểm của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và khảo sát, đánh giá thực tiễn.
Hiện dự thảo đang trong giai đoạn nhận những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện rồi trình Chính phủ. Việc dư luận đặc biệt quan tâm đóng góp những ý kiến tâm huyết cho dự thảo nghị định sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nghị định. Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn, hoàn thiện nghị định trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Cơ sở nào để Bộ Nội vụ đưa ra con số tinh giản là 100.000 biên chế? Theo ông, ban hành Nghị định sẽ tạo được sức bật đáng kể trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước?
Video đang HOT
Tôi nghĩ, không nên hiểu một cách máy móc phải tinh giản một con số cụ thể bao nhiêu.
Đừng nặng nề về số lượng tinh giản 100.000 biên chế hay một con số nào khác, quan trọng là tinh giản đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, thực sự khách quan. Qua đó, tạo cơ sở để xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ dân ngày một tốt hơn.
Để tinh giản đúng đối tượng cần thực hiện tốt được vấn đề mấu chốt đó là xác định vị trí việc làm. Chỉ khi nào xác định được vị trí việc làm, đánh giá được một cách thỏa đáng việc thực hiện nhiệm vụ của công chức thì khi đó chúng ta mới có cơ sở để tính tới việc tinh giản biên chế đúng người, đúng việc.
Chúng tôi kỳ vọng khi nghị định được ban hành, việc tinh giản biên chế sẽ có khung pháp luật, cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn, trên cơ sở đúc kết những vấn đề lý luận thực tiễn để đưa ra những giải pháp có hiệu lực, nhằm tinh giản biên chế theo đúng yêu cầu đặt ra.
Nhưng vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về tính công bằng, khách quan, hiệu quả của việc tinh giản lần này, như ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, rằng người phương Đông thường “duy tình hơn duy lý”…
Với tư cách là người phát ngôn của Bộ Nội vụ, tôi chia sẻ những ý kiến bày tỏ sự quan tâm tới quá trình thực hiện những quy định này khi được ban hành. Việc thực hiện tinh giản biên chế đương nhiên là khó khăn.
Vì vậy, chúng tôi đã tổng hợp những khó khăn của công việc này để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng nghị định. Hiện, nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến mang tính giải pháp giúp cơ quan soạn thảo đưa ra những giải pháp thỏa đáng để có thể triển khai tổ chức thực hiện tốt sau khi nghị định được Chính phủ thông qua.
Nghị định mới chỉ bàn tới việc giảm biên chế mà không hề bàn tới siết đầu vào của công chức, như vậy, liệu có mang lại được kết quả khả thi không, thưa ông?
Nghị định này là một văn bản tiếp nối Nghị định 132 trước đây để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tinh giản biên chế. Do vậy có đối tượng, phạm vi điều chỉnh riêng của nó. Những vấn đề khác có liên quan đến đầu vào của công chức nằm trong một giải pháp tổng thể cho việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức chứ nó không nằm ở khâu tinh giản.
Những vấn đề tuyển dụng, sử dụng cán bộ không được nhắc tới trong nghị định không có nghĩa vấn đề này không được lưu tâm, mà sẽ được điều chỉnh ở những nghị định, đề án khác. Hay nói một cách khác, giải quyết những vấn đề liên quan đến cán bộ, công chức không chỉ giải quyết bằng một nghị định mà bằng hệ thống tổng thể các văn bản quy pháp pháp luật về vấn đề này.
Thưa ông, cơ quan nào sẽ giám sát việc tinh giản biên chế để đảm bảo công việc này được thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất? Theo kế hoạch, thời điểm thông qua nghị định này là khi nào?
Theo quy định thì mỗi một nghị định khi được ban hành, đều có quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức thi hành, cơ quan nào có trách nhiệm giám sát những quy định đó. Với nghị định này cũng vậy.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, để một nghị định quan trọng như nghị định này, một nghị định điều chỉnh những vấn đề liên quan đến công chức đi vào cuộc sống, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cần có sự giám sát của các cơ quan có trách nhiệm và của cả người dân để việc thực hiện nghiêm túc, khách quan.
Hiện Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, trong vòng 60 ngày, sau đó Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp lại trình các cấp có thẩm quyền.
Theo Xahoi
Nghịch lý phải chi 8.000 tỷ đồng cho 100.000 cán bộ "về vườn"
Tinh giản biên chế với 100.000 người đồng nghĩa với việc Nhà nước phải mất 8.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả từ việc thiếu chặt chẽ khi tuyển cán bộ...
GS.TS Nguyễn Lân Dũng.
Bộ Nội vụ dự kiến trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, 20% còn lại là giải quyết thôi việc. Dự kiến kinh phí bình quân 1 người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, 1 người thôi việc là 90 triệu đồng. Như vậy, trong 6 năm, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giảm biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên sẽ hết khoảng 8.000 tỷ đồng.
Cũng theo dự thảo tờ trình, đối tượng tinh giản biên chế nói trên sẽ kèm theo điều kiện từ 55 - 58 tuổi đối với nam, 50 - 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Những đối tượng tinh giản biên chế khi chuyển sang bộ phận khác không hưởng lương từ ngân sách sẽ được lĩnh 3 tháng tiền lương hiện hưởng, được trợ cấp tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm. Còn những người thôi việc, ngoài được 3 tháng tiền lương thì được thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm.
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để bộ máy làm việc được tốt và đỡ tốn tiền của dân, của Nhà nước, cần phải cương quyết vấn đề rà soát và tinh giản những cán bộ không đáp ứng được tiêu chuẩn của công việc đảm nhiệm.
"Theo tôi, chúng ta cần bố trí những người có chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng vị trí, chứ không thể tuyển ồ ạt, anh học chuyên môn gì, sẽ được bố trí với đúng chuyên ngành, chuyên ngành của anh đã được đào tạo. Như vậy công việc sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như người học chuyên ngành luật thì phải được bố trí làm công việc liên quan đến tư pháp...", bà Khá nói.
Cũng theo bà Khá, đối với những người không được bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo, làm việc không hiệu quả, trình độ không đạt tiêu chuẩn, gần với tuổi nghỉ hưu nên khuyến khích họ nghỉ hưu sớm. Đối với những cán bộ làm việc không tốt, người dân phản ánh thường có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân thì phải cương quyết buộc thôi việc. Có như vậy thì việc tinh giản biên chế sẽ thực sự hiệu quả mà công việc của công chức sẽ tốt hơn.
Cùng trao đổi với PV, GS Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng việc cán bộ hiện nay rất hạn chế về tin học. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Nhà nước đã bỏ ra hơn 165 tỷ đồng để biên soạn tài liệu, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ xã, phường và theo đề án của bộ Nội vụ trước đây thì mỗi năm sẽ có khoảng 100. 000 cán bộ xã phường được cử đi học tập, bồi dưỡng. Rõ ràng chúng ta phải xem lại số tiền này đã được sử dụng ra sao? Số cán bộ, công chức xã đã được qua đào tạo thực tế là bao nhiêu? Nội dung đào tạo có thiết thực hay không. Theo quy định thì biên chế cán bộ, công chức cấp xã phường là 23 - 25 người. Nhân lên cho khoảng 11.000 xã phường hiện sẽ có con số là khoảng trên 253.000 người.
"Con số cán bộ hiện nay là quá lớn, vì vậy cần có sự rà soát, kiểm tra toàn diện để xử lý những cán bộ "sáng vác ô đi, tối vác ô về", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Theo Xahoi
"Không đặt mục tiêu giảm 100.000 công chức" Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tinh giản biên chế lần này không đặt ra con số duy ý chí để rồi lại không làm được. Ông cũng tin sẽ khó có trù dập, bè phái. Trước những xôn xao của dư luận về dự thảo nghị định tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến...