Bộ Nội vụ kiểm tra việc bổ nhiệm “vét” 35 cán bộ của ông Huỳnh Phong Tranh
Trước những truy vấn của báo giới liên quan đến công tác tổ chức cán bộ ở Thanh tra Chính phủ gây ra nhiều lùm xùm, đơn thư tố cáo suốt thời gian qua, ông Hoàng Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) cho biết, Bộ Nội vụ đã lập đoàn kiểm tra nhưng chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Ông Hoàng Hưng – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: Thế Kha)
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ ngày 27/10, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đặt ra liên tiếp các câu hỏi về công tác tổ chức cán bộ ở cơ quan này. Trong đó có việc bổ nhiệm 35 cán bộ trong thời gian 6 tháng trước khi nghỉ hưu của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh có được cơ quan chức năng như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ vào cuộc xác minh, làm rõ hay không? Việc nhiều Vụ, Cục của Thanh tra Chính phủ có tới 4-5 cấp phó là trái so với quy định hiện hành; có nơi người đứng đầu chưa có quyết định nghỉ hưu hay nhận công tác khác nhưng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã ký quyết định giao người khác phụ trách đơn vị…
Giải đáp thắc mắc trên, ông Hoàng Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, việc bổ nhiệm 35 cán bộ đã được Thanh tra Chính phủ thông tin tới báo chí tại cuộc họp trước. Thanh tra Chính phủ cũng đã có báo cáo đầy đủ gửi tới cơ quan chức năng và đến nay chưa nhận được kết luận cuối cùng.
Trước thông tin Thanh tra Chính phủ tuyển dụng 20 cán bộ bên ngoài vào làm việc không tương xứng với số lượng cán bộ về hưu theo hướng dẫn của Chính phủ, ông Hoàng Hưng khẳng định, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm là công việc bình thường để kiện toàn bộ máy còn thiếu, đáp ứng yêu cầu thường xuyên của các đơn vị. “Thanh tra Chính phủ đã thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, nằm trong biên chế của cơ quan Nhà nước giao”- ông Hưng nói.
Đáng chú ý, theo ông Hoàng Hưng, Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ việc tổ chức, bổ nhiệm cán bộ đang gây ra những lùm xùm trong dư luận ở Thanh tra Chính phủ.
“Bộ Nội vụ đã kết thúc kiểm tra và hiện nay chúng tôi chưa thể công bố được, phải chờ cơ quan chức năng công bố kết quả”- ông Hưng cho hay.
Video đang HOT
Vị lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trong quá trình sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ có nhiều cách nhưng những đơn vị thừa thì sẽ không bổ nhiệm thêm. “Trước đây có hơn chục đơn vị thừa nhưng đến nay chỉ có 4-5 đơn vị thừa thôi. Chúng tôi dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành kế hoạch sắp xếp chung ở cơ quan”- ông Hưng quả quyết.
Giải đáp thêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nói: “Công tác cán bộ có những nguyên tắc rất rõ ràng, nhưng không thể máy móc, cứng nhắc. Nó phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, gắn với từng người. Xét tổng số thì nơi này có thể thừa nhưng có người lại chuẩn bị nghỉ hưu rồi, nên phải có lộ trình thôi. Chuyện ông này chưa có quyết định nghỉ hưu nhưng ông kia đã phụ trách thì ở đây không có gì chồng lấn về quyền lực cả. Không thể một ngày không có người phụ trách đơn vị được”.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thế Kha)
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan chức năng kiểm tra cụ thể thông tin phản ánh việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ký quyết định bổ nhiệm 35 cán bộ trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ có đúng quy định hay không.
“Việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được. Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không? Dư luận phản ánh có đúng không?” – bà Nga nói.
Tại cuộc họp báo ngày 22/7, ông Hoàng Thái Dương – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh, việc bổ nhiệm cán bộ, không chỉ ở Thanh tra Chính phủ mà đối với các bộ ngành khác cũng vậy, được thực hiện theo nguyên tắc tập thể, Ban cán sự Đảng quyết định thông qua quy trình của Nhà nước.
“Chính vì thế trong dư luận nói Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm là chưa chính xác, bởi Tổng Thanh tra chỉ ký bổ nhiệm dựa trên nghị quyết của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ”- ông Dương phân tích.
“Thanh tra Chính phủ có 100 đầu mối, đến thời điểm bổ nhiệm hết nhiệm kỳ vừa rồi còn 42 vị trí chưa được xem xét bổ nhiệm. Công tác cán bộ là công tác thường xuyên như cơ thể sống, dựa trên yêu cầu nhiệm vụ, quy định của đảng và nhà nước để tạo điều kiện cho bộ máy hoạt động tốt hơn. Chúng tôi đang phải tiếp tục kiện toàn bộ máy nhà ước, đảm bảo cán bộ liêm chính, hoàn thành các nhiệm vụ được giao”- ông Dương thẳng thắn.
Thế Kha
Theo Dantri
Tại sao cuối nhiệm kỳ một số Bộ, ngành lại bổ nhiệm cán bộ ồ ạt?
Ngày 11/7, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã yêu cầu làm rõ việc tại sao đến cuối nhiệm kỳ dư luận lại phản ánh một số Bộ, ngành bổ nhiệm cán bộ ào ạt.
Như Infonet đã đưa tin, sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Phát biểu ý kiến thảo luận tại cuộc họp trên, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu ra quan điểm của mình về hàng loạt vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Một trong những vấn đề được bà Nga quan tâm đó là dư luận xã hội về việc một số Bộ, ngành bổ nhiệm cán bộ ồ ạt ở cuối nhiệm kỳ.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Theo bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ cần phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ tại sao đến cuối nhiệm kỳ dư luận lại phản ánh một số Bộ ngành bổ nhiệm cán bộ ào ạt như vậy.
"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra như ở Thanh tra Chính phủ dư luận phản ánh nhiều, Bộ Công Thương cũng có ý kiến phản ánh về việc bổ nhiệm. Việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được. Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không, dư luận phản ánh có đúng không?", bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi.
Theo bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ cần phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ, tránh đến giai đoạn cuối nhiệm kỳ thì ở một số cơ quan trước khi chuyển giao nhiệm vụ lại có phản ánh vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình liên quan tới công tác bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng) tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo nội dung văn bản này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) ngày 13/6 đã có văn bản gửi Thủ tướng phản ánh và kiến nghị liên quan đến việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương và việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng Công Thương kiểm tra, xem xét giải quyết kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam. Đồng thời, thông báo kết quả giải quyết cho VAFI, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2016.
Theo Infonet
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ thanh tra Sở có 44 'lãnh đạo' Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH Hải Dương. Sở LĐTB&XH Hải Dương, nơi có 44 lãnh đạo trên tổng số 46 nhân sự Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9031/VPCP-TTĐT do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng ký truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ...