Bỏ miễn học phí sư phạm: Còn ai “dũng cảm” vào sư phạm?
Hàng loạt những thay đổi, dự kiến áp dụng trong tuyển sinh đối với sinh viên sư phạm trong thời gian tới như: Bỏ quy định miễn học phí, giữ điểm sàn sư phạm, siết chặt giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm… khiến nhiều thí sinh, sinh viên và các chuyên gia giáo dục lo lắng sức hút của các trường sư phạm sẽ giảm mạnh. Tình trạng dư thừa giáo viên cũng là một trở ngại nguy cơ học xong ra trường thất nghiệp nhưng vẫn phải tìm cách trả nợ ngân hàng.
Năm 2018, tuyển sinh vào các trường sư phạm có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa: Q.Anh
Mất “trợ giúp” vì bỏ miễn học phí?
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thảo luận, xem xét một cách kỹ lưỡng ở rất nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý nhất là chính sách học phí của sinh viên các trường sư phạm. Theo đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, học phí sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như sinh viên các ngành khác. Lý do bởi, hiện nay số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm… Cần bỏ quy định miễn học phí đối với đào tạo sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
Khá đồng tình trước dự kiến bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, PGS.TS Lê Kim Long, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, chính sách này kéo dài quá lâu, được bắt đầu từ năm 1996 – thời điểm các trường đào tạo giáo viên rất khó tuyển sinh. Thế nhưng, kéo dài một chính sách tới 22 năm không còn phù hợp với đổi mới giáo dục. Đổi mới giáo dục làm cho sinh viên tự chủ, chủ động, tự trọng, tự giác trong học tập. Nhiều sinh viên con nhà nghèo phải lăn lộn trong cuộc sống nhưng biết bố trí thời gian hợp lý vừa đi làm mà học rất tốt. Vì thế, câu chuyện bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần được làm ngay để khuyến khích người học chủ động trong học tập.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Kim Long phân tích thêm: “Chính sách cho sinh viên vay tiền ngân hàng lãi suất thấp để đóng học phí đã được thực hiện từ lâu, nhưng giờ người ta không tha thiết vì không chắc chắn tốt nghiệp có tìm được việc làm để trả nợ. Bên cạnh đó, làm giáo viên lương thấp lại bị ngân hàng trừ tiền học phí đã vay trước đây thì họ càng không muốn. Tôi nghĩ, chính sách cho vay tín dụng được áp dụng giống nhau với mọi đối tượng và không có sự phân biệt giữa sinh viên sư phạm và các ngành khác; chỉ nên quy định mức vay tối thiểu và tối đa. Cần có những chính sách bổ trợ cho sinh viên sư phạm khi ra trường có việc làm, ưu tiên về lương”.
Video đang HOT
Đối với các sinh viên sư phạm, thí sinh đang có ý định thi vào sư phạm năm nay cũng cảm thấy “chùn chân” vì chính sách miễn học phí nhiều khả năng sẽ không còn. “Năm nay em định đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm, nhưng thấy nhiều người khuyên can quá. Ngay cả các anh chị sinh viên đang học sư phạm hiện nay cũng khá lo lắng bởi nếu không được miễn học phí sẽ rất tốn kém, mà nếu vay ngân hàng để trả học phí sau này ra trường lương thấp, khả năng xin việc cũng khó cũng biết bao giờ mới trả hết nợ nần. Em thấy, nếu không có chính sách thu hút sẽ khó mà có nhiều thí sinh giỏi đăng ký vào sư phạm, vì cùng mức điểm nhưng ngành, nghề khác có triển vọng nhiều hơn về việc làm, mức lương”, thí sinh Minh Hằng (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội).
Sức hút sẽ giảm mạnh?
Không chỉ có dự kiến bỏ miễn học phí sư phạm, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 cũng có rất nhiều sự thay đổi trong đào tạo sư phạm với những tiêu chí cao hơn trước. Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, Trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Còn đối với xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chỉ xác định điểm sàn đối với ngành Sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Như vậy, dù xét tuyển theo phương thức nào ở kỳ tuyển sinh năm nay cũng sẽ rất chặt chẽ đối với các trường sư phạm. Để đảm bảo chất lượng, cơ chế xét tuyển theo học lực THPT hoặc điểm sàn sư phạm cũng khiến các trường đào tạo sư phạm nhiều khả năng sẽ có những thí sinh chất lượng hơn so với năm 2017. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, những thay đổi nói trên có “làm khó” các trường hay không khi mà sức hút vào các trường này đang mất dần vị thế trong tuyển sinh, các trường sư phạm đã không còn “hot” và ngày càng ít thí sinh giỏi lựa chọn.
Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên sư phạm dù muốn gắn bó với nghề nhưng ra trường nhiều năm vẫn không tìm được công việc đúng ngành, vì hiện nay tình trạng dư thừa giáo viên ở mức lớn. “Nếu giờ để bỏ khoản tiền lớn nộp học phí mà ra trường bấp bênh xin việc sẽ khó thu hút sinh viên, đặc biệt là những thí sinh giỏi. Ngay cả đội ngũ giáo viên hiện nay cũng rất “bấp bênh”, lương thấp nhiều thầy, cô phải tăng cường dạy thêm để “trụ” với nghề. Giáo viên bây giờ đều có lời khuyên con cái, người thân đừng thi vào sư phạm vì khó xin việc, lương thấp”, một giáo viên phổ thông ở Hà Nội tâm sự.
Kiến nghị một số giải pháp để tăng sức hút đối với sinh viên giỏi vào sư phạm, GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: “Chọn vào các ngành “hot”, công an, quân sự là ưu tiên của nhiều học sinh giỏi hiện nay cũng là điều dễ hiểu vì không phải vất vả xin việc, công việc lương cao… Muốn thu hút thí sinh giỏi không phải đặt yêu cầu cao hơn, mà cần phải công bố các chính sách ưu tiên cho đào tạo sư phạm như: Tăng cường cơ sở vật chất các trường sư phạm; cho sinh viên vay tiền đi học; có việc làm khi ra trường, lương giáo viên phải tương xứng để yên tâm công tác… Chứ lương không tăng, dư thừa và thất nghiệp nhiều thì khó có thể thu hút được thí sinh”.
Trước những băn khoăn về mối lo các trường sư phạm khó tuyển sinh trong năm 2018, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm nay, việc có ngưỡng điểm xét tuyển riêng sư phạm có thể số lượng trúng tuyển hoặc đăng ký xét tuyển sẽ ít đi nhưng chúng tôi không sợ thiếu nhân lực vì trong thời gian vừa qua nhân lực đào tạo đã khá dồi dào. Chúng tôi sẽ cân đối chỉ tiêu trong ngành sư phạm trên cơ sở sử dụng giáo viên ở các địa phương trong những năm tới. Khi chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên đã dựa vào nhu cầu sử dụng lao động thì tỷ lệ việc làm sau đại học sẽ được đảm bảo hơn. Đó là yếu tố thu hút các em học sinh giỏi vào trường sư phạm.
Theo Giadinh.net
Bỏ miễn học phí sư phạm: Sinh viên lo vừa thất nghiệp vừa "cõng" nợ
Trong khi sinh viên lo lắng trước viễn cảnh vừa thất nghiệp, vừa phải tìm cách trả nợ ngân hàng khi ra trường, một số ý kiến chuyên gia lại cho rằng, bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm là cần thiết và phù hợp.
Nhiều sinh viên lo lắng về dự kiến bỏ quy định miễn học phí sư phạm. Ảnh minh họa: Q.A
Một trong những nội dung quan trọng trong Tờ trình số 45 /TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/3 có liên quan đến chính sách học phí của sinh viên các trường sư phạm.
Theo đó, Chính phủ cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như sinh viên các ngành khác.
Hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm. Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
Thông tin sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí khiến nhiều sinh viên đang học sư phạm cảm thấy hụt hẫng, lo lắng vì có thể vay mượn để vừa đóng học phí, trang trải chi phí sinh hoạt... "Học sư phạm có cái lợi là được miễn học phí, nhưng giờ không còn ưu đãi này không biết có mấy ai còn theo đuổi được ngành nghề này không, vì ra trường rất khó xin việc, mà lại có một khoản vay lớn tiền vay cho mấy năm học" - N.V. Hoàng, sinh viên năm thứ hai một trường sư phạm ở Hà Nội .
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều sinh viên sư phạm dù muốn gắn bó với nghề nhưng ra trường nhiều năm vẫn không tìm được công việc đúng ngành, vì hiện nay tình trạng dư thừa giáo viên ở mức lớn. Trong hoàn cảnh đó, nếu giờ để bỏ khoản tiền lớn nộp học phí mà ra trường bấp bênh xin việc sẽ khó thu hút sinh viên, đặc biệt là những thí sinh giỏi.
Trước đề xuất về bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại có quan điểm đồng tình vì chính sách này kéo dài quá lâu, không phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục. Theo ông, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được bắt đầu từ năm 1996 - thời điểm các trường đào tạo giáo viên rất khó tuyển sinh, nhưng đến nay đã không còn phù hợp.
Cũng theo PGS Long, ông hoàn toàn nhất trí bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm bởi vẫn là cơ chế "xin - cho" và chưa đúng với chủ trương đổi mới giáo dục. Đổi mới giáo dục làm cho sinh viên tự chủ, chủ động, tự trọng, tự giác trong học tập. Bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần được làm ngay để khuyến khích người học chủ động trong học tập.
Chính sách cho sinh viên vay tiền ngân hàng lãi suất thấp để đóng học phí, theo PGS Lê Kim Long, chính sách này giờ sinh viên không tha thiết vì không chắc chắn tốt nghiệp có tìm được việc làm để trả nợ. Nên chính sách cho vay tín dụng được áp dụng giống nhau với mọi đối tượng và không có sự phân biệt giữa sinh viên sư phạm và các ngành khác; chỉ nên quy định mức vay tối thiểu và tối đa.
"Để thực hiện chính sách ưu đãi, theo quan điểm của tôi, khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra làm nghề, sẽ được ưu tiên về lương. Cách làm khả thi nhất là rút ngắn thời gian lên lương cho giáo viên dạy bậc thấp (mầm non, tiểu học) 2 năm/thêm một bậc, thay vì quy định 3 năm.
Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu làm nghề, mỗi năm giáo viên sẽ được Nhà nước trừ nợ một năm số tiền tín dụng họ đã vay. Như thế, trong 5 năm, họ sẽ trả được hết số tiền đã vay đóng học phí. Đối với những người không vay tín dụng sẽ được hỗ trợ số tiền tương đương với những người đã vay ngân hàng và cũng được hưởng chính sách này trong 5 năm đầu đi dạy học" - PGS. TS Lê Kim Long đề xuất giải pháp.
Theo Giadinh.net
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. ảnh minh họa Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào...