Bố mẹ nên đóng vai “học trò” của con
Lớp 1 được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Bởi vậy việc tạo động lực và nền nếp học tập đóng vai trò định hướng, giúp trẻ hòa nhập nhanh với môi trường học tập, hoạt động mới tại trường tiểu học.
Tạo niềm vui trong học tập cùng con. Ảnh: INT.
Đừng tạo áp lực cho trẻ
Bước vào lớp 1, trẻ bắt đầu chuyển qua hoạt động học tập là chính thay cho vui chơi ở trường mầm non. Những bỡ ngỡ trong thay đổi môi trường khiến không ít trẻ căng thẳng.
Chị Thu Trà, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con trai đầu bước vào lớp 1 nên tôi khá lo lắng. Được nhiều bạn bè mách nước nên tôi dành nhiều thời gian để học cùng con. Tuy nhiên, tôi khá hoang mang bởi kiến thức lớp 1 không khó, nhưng con tôi không thể thực hiện theo những điều cô giáo dạy trên lớp. Cháu hay ngại, thậm chí chống đối trong bài tập viết.
Ngay cả những con số tính toán đơn giản nhất cháu cũng thiếu tự tin về kết quả, thường chờ đợi sự trợ giúp của bố mẹ. Nhiều khi sợ con ôn bài muộn quá tôi đành gợi ý giúp con làm bài với hy vọng con sẽ khá hơn ở những tuần học sau. Song hết một tháng của năm học, con không tiến bộ chút nào. Nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này, khi tới những bài khó hơn con sẽ không nắm được kiến thức”.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng: Cô giáo phản ánh con tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn, thậm chí không nhớ nổi bài cô vừa dạy xong.
Vậy nên, mỗi tối hai mẹ con phải “đánh vật” với nhau về bài vở, nhìn con mệt mỏi mà thấy thương quá. Hiện tại nhiều cha mẹ chưa biết phải học cùng con như thế nào? Có phụ huynh còn sốt ruột tìm gia sư để mong con học tốt hơn…
Trao đổi về những khúc mắc của các phụ huynh đang có con học lớp 1, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục (nguyên giảng viên khoa Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội) đã bật mí: Thời gian trẻ học lớp 1 là khó khăn nhất, vì vậy cha mẹ phải hiểu được tâm lý để đồng hành cùng con. Trước hết, cha mẹ phải đặt lòng tin ở các con.
Nhiều phụ huynh thiếu lòng tin ở con cái. Khi con vừa vào lớp 1, họ đã nghĩ con không thể theo được. Chính vì không tin con, nên nhiều cha mẹ không yên tâm khi con tự làm và có xu hướng làm giúp con. Điều này khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân mình.
Điều thứ hai, cha mẹ cần phải kiên nhẫn. Đứa trẻ mới chập chững đi học không thể biết và thực hiện tốt ngay được.
“Nếu hôm nay con học về chữ cái “E”, khi về nhà được hỏi về chữ cái đó trẻ có thể không biết cũng là điều bình thường. Trí nhớ dài hạn của trẻ con thường kém, thế nên chắc chắn các cô giáo cũng sẽ ôn luyện liên tục cho các con. Nếu các cô giáo không than phiền, hay thậm chí có than phiền một chút cũng là chuyện bình thường, bố mẹ cũng không nên lo lắng thái quá. Các phụ huynh cần phải kiên nhẫn hướng dẫn con học tập”.
Video đang HOT
Khen ngợi, khuyến khích trẻ
Theo TS Vũ Thu Hương, giáo dục tiểu học đặt mục tiêu không quá cao, trẻ hết lớp 1 biết đọc biết viết là đạt yêu cầu. Bố mẹ chỉ nên lo lắng khi con học hết lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết. Trẻ viết chưa đẹp, đọc chưa thông thạo cũng không phải là điều quá lo ngại.
Nếu người lớn để ý so sánh, quan sát những nét chữ các con viết đều sẽ nhận thấy những tiến bộ mỗi ngày của con. Vì vậy, người lớn cần cho trẻ thời gian để luyện dần nét chữ cũng như việc đánh vần rồi đọc trơn chu chứ không phải ngay từ đầu đặt yêu cầu trẻ phải chuẩn chỉ, giỏi giang.
Muốn trẻ tự tin bố mẹ nên để con tự làm mọi việc. Khi con biết làm và làm thành thục chắc chắn con sẽ tự tin đối với những việc ở nhà, hay ở trường. Cha mẹ cũng nên tạo ra những cơ hội để trẻ được khen.
Lời khen có thể từ sự so sánh với chính bố mẹ ở thời điểm bố, mẹ cũng bắt đầu đi học như con.
Những lời khen ngợi như: “Con giỏi hơn cả bố mẹ lúc bố mẹ bắt đầu đi học lớp 1 như con bây giờ…”. Hoặc “Con giỏi thế, ngày xưa bằng con mẹ học lâu thuộc lắm”… sẽ là động lực khuyến khích con phấn đấu hơn nữa.
“Khó khăn nhất trong việc đồng hành với trẻ trong suốt quá trình học lớp 1 là phải kiên nhẫn, không nóng vội. Không nên giảng bài cho con, hãy để con biết tự lo. Cha mẹ thường có xu hướng khi thấy con làm sai sẽ sốt ruột và có những phản ứng không tích cực. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên khuyến khích, động viên để con tự hoàn thành công việc của mình, con sẽ mau tiến bộ”. Tiến sĩ Vũ Thu Hương
TS Vũ Thu Hương còn chia sẻ một bí quyết khá thú vị đó là: Để con ghi nhớ và học tốt hơn, bố mẹ có thể đóng vai là học trò của con. Khi con vào vai giáo viên con sẽ phải cố gắng ghi nhớ bài trên lớp để có thể “dạy lại” cho bố mẹ.
Lâu lâu, các phụ huynh có thể giả vờ không hiểu, nói sai, tình huống này sẽ tạo cơ hội cho con được giảng giải cho bố mẹ nghe. Con sẽ thấy mình “quan trọng”, có ích hơn, như vậy trẻ sẽ tập trung học tập ở lớp hơn để lĩnh hội kiến thức về “dạy lại” cho bố mẹ. Hình thức học như thế này không những nhẹ nhàng, không gây áp lực cho trẻ mà còn có hiệu quả cao.
“Nhiều phụ huynh khi áp dụng cách học cùng con như thế đã phấn khởi chia sẻ: Với việc áp dụng các bí quyết này giúp con tiến bộ nhanh hơn trong học tập, con mạnh dạn, tự tin trước mọi công việc của bản thân.
Tâm lý con người nói chung, đặc biệt là trẻ nhỏ đều muốn mình có giá trị trong mắt người khác. Thế nên khi người lớn đẩy cao giá trị của trẻ, trẻ sẽ rất mừng và cố gắng thực hiện thật tốt để mong chờ được nhiều lời ngọi khen hơn”, TS Vũ Thu Hương cho biết.
Châu Anh
Theo GDTĐ
Mẹ cậu bé "nói tiếng Anh như gió" thuê trọ ở TP Hà Tĩnh để con học trường hướng chuẩn quốc tế
Để con có môi trường học tập phù hợp, phát huy được tài năng thiên bẩm, chị Lê Thị Liên - mẹ của cậu bé "thần đồng tiếng Anh" Lê Nguyễn Bảo Chung (6 tuổi, trú thôn Đông Văn, Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) theo con lên thành phố ở trọ kiếm sống.
19 tháng tuổi đã biết nói tiếng Anh và càng lớn khả năng tiếng Anh của em càng vượt trội, Lê Nguyễn Bảo Chung đã nhận được học bổng toàn phần của Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh.
Chị Liên phải tự mày mò học tiếng Anh để hai mẹ con có thể giao tiếp và hướng dẫn con học bài
Chị Liên cho biết: "Mấy tuần trước đã vào năm học mới nhưng mẹ con chưa thuê được phòng trọ nên phải đi về trong ngày. Vất vả nhưng tôi vui vì nhận được học bổng và quan trọng nhất là cháu đã có môi trường học tập phù hợp để phát triển năng khiếu tiếng Anh".
Chị Liên đã nhiều lần rong ruổi cùng con lên thành phố thuê trọ và kiếm việc làm thêm để cho con có môi trường học tập phù hợp
Bảo Chung từng được biết đến là cậu bé "thần đồng tiếng Anh" khi chưa biết tiếng mẹ đẻ nhưng đã nói tiếng anh "như gió"" từ khi mới 19 tháng tuổi. Dù chưa được học chữ cái nhưng cậu bé có thể phát âm, đọc viết thành thạo tiếng Anh.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình chị làm thuê kiếm sống nuôi con vất vả, chị Liên không dám nghĩ đến việc cho con theo học một ngôi trường quốc tế để con được phát huy khả năng thiên bẩm.
Dù mới chỉ lên 5 nhưng bé Nguyễn Lê Bảo Trung (còn gọi là Bin, trú thôn Đông Văn, Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã khiến mọi người "ngả mũ" thán phục bởi khả năng nói tiếng Anh...
Chị Liên đã liên hệ rất nhiều nơi để xin học bổng tiếng Anh cho con. Một số cơ sở giáo dục đã cấp học bổng cho Bảo Chung. Mấy năm qua, hai mẹ con khăn gói cùng nhau rong ruổi hết các tỉnh thành như Nghệ An, Hà Nội, một số tỉnh miền Nam để em theo học.
Để có chi phí cho cuộc sống 2 mẹ con, chị Liên đã làm đủ nghề chỉ với mong muốn duy nhất là cùng con theo đuổi ước mơ duy trì, phát triển khả năng thiên bẩm. Nhưng rồi cuộc sống nơi đất khách quê người quá khó khăn, hai mẹ con đành quay về quê.
Bảo Chung giao tiếp thành thạo và tương tác rất tự nhiên với giáo viên nước ngoài
May mắn là đúng thời điểm Bảo Chung vào lớp 1, em đã nhận được học bổng 100% của Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh. Nhưng niềm vui đi cùng nỗi lo bởi điều đó cũng đồng nghĩa với việc thêm một lần nữa chị Liên phải bỏ quê theo con lên thành phố thuê nhà trọ kiếm sống.
Hiện nay, mẹ con chị đã thuê được một căn phòng nhỏ gần trường với những đồ đạc đơn sơ. Chị Liên tâm sự: "Mấy hôm nay tôi đi tìm việc làm nhưng chưa tìm được. Tôi không ngại khó, ngại khổ, miễn sao kiếm được tiền nuôi con ăn học. Dù con tôi có khả năng vượt trội nhưng tôi nghĩ, phải có sự rèn luyện, định hướng học tập đúng đắn thì cháu mới duy trì và phát triển được khả năng đó. Và mẹ con tôi quyết tâm theo đuổi."
Cậu bé "thần đồng" có niềm đam mê với các chủ đề về thiên nhiên, động cơ... và có thể nói lưu loát về các chủ đề đó bằng tiếng Anh mặc dù chưa từng được học qua
Môi trường mới không quá khó khăn với Bảo Chung, bởi như cô giáo Bùi Thị An Hoài - Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh (Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh) cho biết: "Trước khi xét cấp học bổng cho em Chung, chúng tôi đã test khả năng tiếng Anh của em và kết quả kỹ năng nghe nói vượt trội, phát âm chuẩn Anh - Mỹ. Em thích nghi nhanh với môi trường mới, tương tác tự nhiên với giáo viên nước ngoài và hòa đồng với các bạn".
Cô An Hoài cũng cho biết, ở trường Bảo Chung có xu hướng sử dụng tiếng Anh trong hầu hết các giao tiếp. Điều đặc biệt là em có một sự am hiểu về các chủ đề như vũ trụ, động cơ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội... Với một đứa trẻ 6 tuổi bình thường, việc tìm hiểu về những vấn đề này đã khó, nhưng Bảo Chung có thể nói về những chủ đề đó một cách say sưa, lưu loát và mạch lạc... bằng tiếng Anh.
Bằng tình yêu của mẹ và sự định hướng học tập của các thầy cô giáo, hy vọng ở môi trường mới, Bảo Chung (hàng trên cùng bên phải) sẽ duy trì và phát triển được khả năng thiên bẩm
Không chỉ đọc viết, giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh, Bảo Chung cũng đọc trôi chảy tiếng Việt mặc dù chưa được học chữ cái. Với trình độ vượt trội đó, việc lựa chọn cho em một chương trình học phù hợp là điều mà chị Liên và các thầy cô giáo khá "đau đầu".
"Hiện Bảo Chung vẫn được bố trí học các môn cơ bản cùng các bạn lớp 1A6 của trường, còn với môn tiếng Anh, nhà trường phải bố trí chương trình và giáo viên dạy riêng để phù hợp với trình độ của em và tạo môi trường cho em phát huy được khả năng thiên bẩm đó", thầy Nguyễn Hoài Sanh - Hiệu trưởng Trường Hội nhập quốc tế Ischool cho biết.
Hy vọng với tình yêu thương, sự chịu khó của mẹ Liên cùng định hướng học tập đúng đắn của các thầy cô, Bảo Chung sẽ duy trì và phát huy được những khả năng đặc biệt hiếm có của mình.
Theo baohatinh
Giáo dục kỹ năng sống trong trường học: Bớt khô cứng, tăng hiệu quả Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông được Sở GD-ĐT tăng cường triển khai những năm học gần đây đã mang lại tín hiệu tích cực trong xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, giảm bớt tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. TS tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ...