Bỏ học tại ĐBSCL vẫn ở mức báo động
Phóng viên trở lại những địa bàn có nhiều học sinh bỏ học ở ĐBSCL tìm hiểu thực trạng nơi đây.
Trong 100 phiếu khảo sát của Tuổi Trẻ tại các địa phương Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang thì có tới 75 trường hợp bỏ học vì gia đình khó khăn, 13 trường hợp không thích học, 6 trường hợp học không tiếp thu được, còn lại là các lý do bỏ học vì không có hộ khẩu, phải ở nhà giữ em…
Điều đáng nói là số em muốn học lại chưa tới một nửa (chỉ 40 phiếu), trong khi số không muốn học là 46!
Nghèo, không thích học
Tại huyện An Phú (An Giang), chúng tôi gặp khá nhiều trẻ em đi làm thuê, bán vé số dạo hoặc lông nhông ngoài đường, tất cả đều bỏ học sớm. Trong một số quán cà phê sân vườn, quán ăn lớn ở thị trấn có hàng chục thiếu niên làm chân chạy bàn, bưng bê. Các em đều cho biết do gia đình nghèo nên học xong lớp 9 thì nghỉ, đi làm kiếm tiền phụ tiếp cha mẹ.
Nhiều trẻ em vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu hằng ngày phải theo cha mẹ mò nghêu mưu sinh nên không thể đến trường. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Có muốn học tiếp rồi học lên đại học cũng không được bởi cha mẹ nghèo sao mà lo nổi” – em Huỳnh Văn Toàn chia sẻ.
Nhiều em khác kể cha mẹ mình hồi xưa cũng ít học, thậm chí không biết chữ nên chẳng ai quan tâm việc học hành của con cái, cứ để con cái đi học kiểu được chăng hay chớ. Trong khi bạn bè đi học thêm hay nhờ cha mẹ dạy kèm mới hiểu bài, còn các em học không biết nhờ ai kèm cặp, cũng không có tiền đi học thêm nên lâu ngày… bị đuối, không theo kịp chương trình.
“Càng học lâu càng không hiểu, đầu óc rối tung nên chán rồi bỏ học luôn” – cậu bé Nguyễn Văn Thành vô tư kể.
Ông Lê Văn Hậu, trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Phú, cho biết phần lớn học sinh bỏ học đều có gia cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê làm mướn qua ngày, nhiều em bị buộc đi theo phụ giúp gia đình.
“Những hộ bỏ lên TP HCM, miền Đông kiếm sống đều dắt con cái theo phụ chuyện mưu sinh hoặc cho con nghỉ học ở nhà trông nhà cửa, trông em nhỏ, người già. Từ đó một số em sớm đi làm thuê, bán vé số kiếm thêm thu nhập nên không thể đi học trở lại” – ông Hậu nói.
Tại Bạc Liêu, tình hình cũng tương tự. Khảo sát một số xã ven biển như Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) thì đa số trường hợp học sinh bỏ học cũng có nguyên nhân gia đình nghèo, đông con; một số ít em không thích học hoặc đường sá đi lại không thuận tiện khiến các em học “bữa đực bữa cái”.
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, kể có lần ông đến một ấp của xã Vĩnh Hậu – nơi có hơn 30 học sinh tiểu học nhưng giờ chỉ 5 – 6 em đi học, còn lại đều ở nhà. Đường đến trường của những học sinh này rất xa, đi xe ôm cũng mất vài chục nghìn đồng nên việc đi học không đều, đa số các em phải theo cha mẹ mưu sinh.
Video đang HOT
Thầy K., giáo viên dạy văn lớp 12 ở huyện An Minh (Kiên Giang), chia sẻ mấy năm gần đây đời sống kinh tế của người dân địa phương phát triển khá nên chuyện học sinh bỏ học vì hoàn cảnh nghèo rất hiếm. Tuy nhiên, việc học sinh đang học nhưng vì ham chơi, đua đòi, sức học sa sút dẫn tới tâm lý chán học rồi trốn học và sau cùng là bỏ học, vào đời sớm là điều đáng lo ngại tại địa phương này.
Giải pháp có, bỏ học vẫn cao
Ông La Công Tâm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết mấy năm qua các địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, song song đó là tuyên truyền tầm quan trọng của sự học, đẩy mạnh phong trào khuyến học rộng khắp.
Các giáo viên phải thường xuyên theo dõi nắm số học sinh có nguy cơ bỏ học để động viên giúp đỡ kịp thời, cũng như báo cho địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các em an tâm đi học. Dù vậy tỷ lệ học sinh bỏ học tại tỉnh này vẫn còn cao, đặc biệt ở bậc trung học.
Ông Trác Văn Đây, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu, cũng cho biết nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác khuyến học, phụ huynh đã có sự quan tâm hơn đối với việc học hành của con em mình… nên tỷ lệ học sinh bỏ học năm sau thấp hơn năm trước. Tuy nhiên cũng như An Giang, số lượng học sinh bỏ học ở Bạc Liêu vẫn còn khá cao.
Tương tự, ông Ninh Thành Viên – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang – cho biết, tỷ lệ học sinh bỏ học của địa phương này tuy còn cao nhưng giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm học 2013 – 2014 tỉ lệ học sinh bỏ học ở bậc trung học cơ sở là 2,9%, trung học phổ thông 4,1%. Sang năm học 2014 – 2015, tỉ lệ này giảm xuống lần lượt là 2,68% và 3,92%.
“Song nói gì thì nói, quan trọng nhất vẫn là vai trò của nhà trường. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho từng giáo viên chủ nhiệm phải theo sát tâm tư, tình cảm, nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của những học sinh có nguy cơ bỏ học cao. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nhiều lúc chỉ cần một lời động viên ân cần của thầy cô, bạn bè là học sinh bỏ học đã trở lại lớp” – ông Viên nói.
ĐBSCL có gần nửa triệu người mù chữ
Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT), cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tổng kết năm học 2014 – 2015, cả nước vẫn còn hơn 1,3 triệu người mù chữ (độ tuổi 15 – 60), trong khi đó ĐBSCL có gần 490.000 người mù chữ (chiếm khoảng 1/3 cả nước). Số lượng người đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ ở ĐBSCL là gần 63.000 người.
Ông Hinh nêu một số lý do khiến tỷ lệ mù chữ ở ĐBSCL còn cao như: Địa bàn rộng, tập quán người dân sống theo hai bờ kênh rạch, không tập trung thành tuyến dân cư; một số địa bàn vùng sâu đi lại còn nhiều khó khăn nên huy động trẻ đúng độ tuổi đến trường và vận động trẻ bỏ học trở lại lớp rất khó khăn; nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lao động vất vả nên không có điều kiện học; số người học xóa mù chữ huy động được ít, khó mở lớp…
Sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT cùng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh
Sáng 25/11, tôi đã xem bài báo “Xóa mù chữ… trên giấy” đăng trên Tuổi Trẻ. Bài báo nêu khá kỹ chuyện ngành giáo dục báo cáo không trung thực, có hiện tượng chạy theo thành tích trong công tác xóa mù chữ ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Tôi cho rằng tình trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ diễn ra ở Sóc Trăng mà có thể còn nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL cũng có chuyện tương tự.
Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương và ngành giáo dục các tỉnh rà soát báo cáo tình hình phổ cập giáo dục – xóa mù chữ. Đồng thời, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT cùng phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình phổ cập giáo dục – xóa mù chữ ở các địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có báo cáo đề xuất Chính phủ và xin chủ trương chấn chỉnh, giải quyết vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ
Theo Nhóm PV/Tuổi Trẻ
Bộ GD&ĐT: Học sinh nói tục, chửi thề không còn cá biệt
Bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia xay xỉn, đua xe, thói quen vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông... là những biểu hiện đáng lo ngại của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Ngày 9/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội.
Theo ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT, học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô không phải cá biệt trong trường học.
Ngoài ra, một số vấn nạn học đường đáng lo ngại hiện nay như học sinh quan hệ tình dục sớm, kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên, bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia xay xỉn, đua xe, thói quen vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông...
Một số học sinh dễ bị sa ngã vào các tệ nạn như lô đề, cờ bạc, bia rượu, ma túy, mại dâm, sống buông thả...
Hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý diễn ra tại trường Chuyên Hà Nội Amsterdam. Ảnh: Quyên Quyên.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nếu không được tư vấn, định hướng, giải toả kịp thời các vấn đề tâm lý, các em rất dễ chán học, bỏ học, nặng hơn bị trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử...
Sở GD&ĐT TP HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách cho giáo viên tư vấn, cũng như hướng dẫn hoạt động tư vấn cho trường học trong các cấp học: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và đại học.
Khi các vấn đề tâm lý nảy sinh, các bạn trẻ không dễ tự vượt qua, cần có sự quản lý của nhà trường, thầy cô và trợ giúp của chuyên gia.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, phần lớn học sinh có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, biết yêu thương ông bà cha mẹ, có ý chí vươn lên. Tuy nhiên, một bộ phận các em vẫn chưa ý thức rèn luyện bản thân, có hành động bạo lực.
Bà Nghĩa cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng đã có chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Ngành giáo dục cũng có nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng trường học thân thiện, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh.
"Nguyên nhân có nhiều, trong đó có tác động của mặt trái cơ chế thị trường, lứa tuổi học sinh chưa trưởng thành nên bị những tác động xấu từ môi trường xã hội ảnh hưởng đến hành động, nhân cách. Nếu không có những giải pháp, mô hình tư vấn tâm lý phù hợp trong trường học thì rất dễ dẫn đến việc các em hư hỏng, xảy ra bạo lực học đường, thậm chí phạm tội", bà Nghĩa nói.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: Quyên Quyên.
Bộ GD&ĐT cho rằng, công tác tư vấn tâm lý ở nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện, giúp học sinh sống lành mạnh.
Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông thành một trong những nội dung của phong trào thi đau "Xây dựng trường học - Học sinh tích cực" giai đoạn 2008-2013.
Theo báo cáo của ông Ngũ Duy Anh, một trong những hình thức hoạt động trong tư vấn tâm lý là ứng dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để liên lạc, trao đổi với học sinh.
Một số trường khuyến khích các em có Facebook riêng để tiện liên lạc khi có những việc cần thiết phải tư vấn tâm lý, sức khỏe về tình bạn, tình yêu hoặc những khúc mắc thầm kín, riêng tư, khó nói.
Trường Marie Curie TP HCM đã sử dụng cách thức này để tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh việc tư vấn qua email, nhà trường mở trang Marie Curie Confession trên Facebook. Đây là kênh liên lạc thông tin hiệu quả đối với học sinh gặp khó khăn về tâm lý.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng tăng cường điều tra, khảo sát tại một số trường ở địa phương, tổ chức những hội thảo nhằm tìm ra cách làm sáng tạo, hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý, làm cơ sở để nhân rộng trên toàn quốc.
Theo PGS.TS Nguyễn Dục Quang - Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, sự cá biệt về đạo đức học sinh một phần xuất phát từ thái độ, trách nhiệm và cách giáo dục của giáo viên.
Trên thực tế, một số thầy cô chưa quan tâm sát sao, chưa theo dõi từng biến chuyển tâm lý học sinh.
Có người không thực sự yêu thương học sinh, coi các em chỉ đơn thuần là người học. Sự thiếu quan tâm, thậm chí vô cảm với học sinh, làm các em mất niềm tin hoặc có tâm lý tự ti, mặc cảm với nhà trường, dẫn đến việc các em dễ trượt dài trong hư hỏng.
Một số em vốn không cá biệt, chỉ ương ngạnh, nhưng vì giáo viên ác cảm, hay quát nạt hoặc trách phạt, khiến các em phản ứng tiêu cực.
Theo Zing
Bí quyết đạt 8.5 IELTS của 9X từng bỏ đại học Không học thêm ở trung tâm, cũng không nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, Nguyễn Tiến Đạt giành 8.5 điểm IELTS chỉ dựa vào những tài liệu tiếng Anh tự thu thập trên mạng. Giỏi tiếng Anh Cho đến năm học lớp 11, trình độ tiếng Anh của Nguyễn Tiến Đạt (SN 1993) vẫn chỉ ở mức trung bình. Đến cuối cấp,...