Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng
Đã hơn 2 năm nay, một phòng học kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai – Kroa, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk được xây lên rồi để bỏ hoang. Trong khi đó, hàng chục HS tại xã này phải học trong những phòng học tạm bợ.
Phòng học kiên cố hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai – Kroa, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk được xây lên để bỏ hoang hơn 2 năm nay.
Người dân địa phương tại buôn Gia Rai – Kroa cho biết phòng học này được xây dựng năm 2009 theo chương trình 135 của Nhà nước. Đây là một trong 6 điểm trường thuộc Trường Mẫu giáo Buôn Win (xã Ea Kuêh, , huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cách đó 3 km. Sau khi phòng học hoàn tất nhưng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, không điện nên việc học tập tại điểm trường khó khăn.
Điểm trường không điện, thiếu thốn cơ sở vật chất lại xây dựng nơi héo hút nên không thu hút con em địa phương theo học.
Ông Niê Y Kua, trưởng buôn Gia Rai – Kroa, cho hay: “Trường mầm non buôn Gia Rai – Kroa được xây năm 2009 nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ chơi cho con trẻ không có, không điện nên nhiều gia đình có điều kiện đã gửi con em ra điểm trường chính Buôn Win ở trung tâm xã và buôn Hluk để học vì điều kiện ở đây tốt hơn lại được đi đường thảm nhựa, trong khi phòng học này được xây dựng nơi hẻo lánh đi lại khó khăn”. Anh Hoàng Văn Nguyện (40 tuổi, buôn Gia Rai – Kroa) nói thêm: “Bà con chúng tôi mong muốn phòng học có điện, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để con em học hành thuận tiện, chứ phòng học xây lên giờ bỏ hoang lãng phí hàng trăm triệu đồng của Nhà nước”.
Nghịch cảnh ở chỗ, trong khi phòng học kiên cố hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai – Kroa bỏ trống thì cách đó khoảng 10 km tại buôn Xê Đăng cũng thuộc xã Ea Kuêh này hàng chục HS của điểm Trường Tiểu học Lý Tự Trọng “đánh vật” ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng. Điểm học tạm bợ tại buôn Xê-Đăng được xây dựng cách nay khoảng 8 năm bằng gỗ, không có ô cửa, lợp tạm bằng mái tôn. Điểm trường có 3 phòng học với 65 HS là con em người đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Dao có tất cả 6 lớp học chia làm 2 ca sáng, chiều gồm: lớp 1A49 HS 2A­­­­­­4 9 HS 3A4 8 HS 4A­4 6 HS và 5A­4 có 4 HS và một lớp mầm non 20 HS.
Điểm học này vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn bộn bề, việc học hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. “Những ngày nắng nóng mái tôn trần nhà hừng hực phát hỏa thì thầy trò mồ hôi ướt đẫm. Mỗi lần gió lên, bụi đất đỏ bên ngoài cứ thế thổi vào phòng khiến thầy trò đỏ mắt cả buổi vì hứng phải bụi. Mưa đến thì hầu như lớp học không thể dạy được vì nước mưa tạt phăng ướt cả phòng, con em lại nhà xa…” – thầy Phạm Duy Hùng (30 tuổi) GV giảng dạy tại điểm trường buôn Xê Đăng cho biết.
Cô Phạm Thị Thủy, hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Buôn Win, giãi bày: “Trường Mầm non Buôn Win có 6 điểm trường, sau khi xây dựng xong điểm trường tại buôn Gia Rai – Kroa, nhà trường cho GV vào giảng dạy nhưng do thiếu HS nên không thể duy trì lớp học…”.
Đáng nói, Trường mầm non Buôn Win có 6 điểm trường nhưng thiếu đến 2 phòng học ở Buôn Xê-Đăng và Buôn Triết, trong khi ở buôn Gia Rai – Kroa thì phòng học bỏ hoang.
Video đang HOT
Cũng tại xã Ea Kuêh, hàng chục HS của điểm Trường Tiểu học Lý Tự Trọng “đánh vật” ở buôn Xê Đăng ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng.
Phòng học tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Liên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar, cho hay: “Sở dĩ phòng học này bỏ trống do kế hoạch xây dựng từ đầu của UBND xã này không khả thi. Ban đầu người ta dự tính di dời các hộ dân từ buôn Xê-Đăng cách đó 10 km ra buôn Gia Rai – Kroa để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội, dân sinh nên xây dựng tại buôn Gia Rai – Kroa 2 phòng học năm 2009 khoảng 230 triệu đồng, một của Gia Rai – Kroa, một của Xê Đăng nhưng sau đó người dân ở buôn Xê Đăng không di cư ra sinh sống dư dự tính. Thành ra để trống một phòng học cho con em buôn Xê Đăng còn một phòng phục vụ việc học tập cho con em tại buôn Gia Rai – Kroa nhưng HS ở buôn này thích ra điểm trường chính cách đó hơn 2 km mặc dù xa hơn nhưng đường sá đi lại thuận lợi hơn, có đủ cơ sở vật chất”.
Theo ông Liên, để khắc phục tình trạng này cần đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi học tập để mở 1 lớp mẫu giáo 4 – 5 tuổi, 1 lớp nhà trẻ 1 – 3 tuổi.
Được biết, xã Ea Kuêh là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Cư M’gar, thành lập năm 2004, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66%, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 24%.
Viết Hảo
Theo dân trí
Đắk Lắk: Nhọc nhằn gùi chữ trên đèo Đắk Nuê
Lọt thỏm như một ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê hiểm trở, xung quanh núi rừng trập trùng bát ngát, một lớp học tranh tre nứa lá được dựng lên tại buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk) để con em trong bản học cái chữ với biết bao nhọc nhằn, gian khó.
Lớp học "đặc biệt" tại buôn Đắk Sar
Cách trung tâm hành chính xã Đắk Nuê hơn 30km về phía Tây Nam, ngoằn ngoèo vượt đèo Đắk Nuê khoảng 12km gập ghềnh, tiếp tục trượt dài khúc khuỷu từ chân đèo vào đến buôn hơn 10km nữa sẽ thấy một lớp học khá "đặc biệt" tại buôn Đắk Sar. Lớp học này thuộc điểm trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Lắk), được người đồng bào H'Mông góp công, góp sức dựng lên 2 phòng học tranh tre nứa lá tuyềnh toàng nằm lọt thỏm như một ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê cho con em trong bản học cái chữ. Diện tích toàn bộ lớp học rộng chưa đầy 30m2 thiết kế theo kiểu nhà cấp 4, ở giữa có một tấm phiên nứa mục nát ngăn tách thành 2 phòng, trần nhà được dựng đứng bằng những cột đòn tay gỗ dầu cao khoảng 4m, bên ngoài lợp tạm bằng tranh. Trang thiết bị, cơ sở vật chất toàn bộ điểm trường độ khoảng chục cái bàn gỗ khập khiễng, 2 cái bảng thủng lỗ chỗ đến tuổi "về hưu", nền nhà thì lụp xụp.
Lớp học tuềnh toàng không ô cửa khiến thầy cô giáo, học trò "hứng trọn" toàn bộ bụi đất mùn bên ngoài thổi vào.
Cái bảng thủng lỗ chỗ.
Ở lớp học chân đèo Đắk Nuê này có cả thảy 76 học sinh (HS) lớp 1 là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 74 HS là người đồng bào H'Mông, duy chỉ có 2 em là người dân tộc Tày. Điểm học ở buôn Đắk Sar chia làm 2 ca với 3 lớp học gồm: lớp 1 M1 có 25 HS, lớp 1 M2 có 26 HS học buổi sáng lớp 1 M3 là 25 HS học buổi chiều.
Đáng nói, lớp học buôn Đắk Sar xây dựng cách nay chỉ hơn nửa năm (9/2011), nhưng khiến người ta "khiếp vía" bởi đến nay điểm trường này chính thức "tiễn biệt" 6 thầy cô giáo một đi không trở lại. Mùa mưa, quảng đường từ quốc lộ 27 vào đến buôn hơn 10km đường đồi khó có thể đi lại bởi đường sá hoàn toàn ngập trong bùn đất. Mùa nắng, bụi đất mùn phủ đỏ tía một màu dày đặc trên bảng viết, đọng đầy trên mỗi cuốn vở HS bởi lớp học hầu như không ô cửa, lồng lộng gió bụi lùa phăng tạt vào người. Chưa hết, những ngày mưa tầm tã, phòng học tối om như mực vì không điện, trần nhà nước mưa chảy dột khiến thầy trò ướt át chạy trốn như chạy lũ. Mùa mưa bão, cô trò ngồi học nhưng nơm nớp lo sợ rui kèo trần nhà có thể đổ sập hoặc tốc mái bất cứ lúc nào nếu chẳng may gặp cơn gió mạnh. Ngoài ra, để đến buôn Đắk Sar dạy học, các thầy cô giáo chật vật băng rừng, vượt đèo hơn 30km đường đồi ngoằn ngoèo hiểm trở. Điểm trường quá khó khăn bởi không điện, không nước, đường sá lầy lội khiến 6 thầy cô giáo chính thức nói lời "chia tay" điểm trường bỏ lại hơn 70 HS.
Mỗi lần mưa lớn, trần nhà chảy giột khiến thầy trò ướt át chạy trốn như chạy lũ.
"Cần lắm một phòng học kiên cố..."
Ở điểm trường buôn Đắk Sar hiện còn "sót" lại 3 thầy cô giáo ngày đêm miệt mài cắm bản gieo chữ. Đó là cô giáo Triệu Thị Hằng (23 tuổi, quê huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cắm bản lâu nhất hơn 1 năm cô giáo Ngô Thị Thương (23 tuổi, quê huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) công tác tại điểm trường khoảng 4 tháng thầy giáo Hứa Ngọc Khôn (40 tuổi, quê tỉnh Bắc Kạn) tham gia giảng dạy ở bản hơn 3 tháng. Trong đó, cô Hằng và cô Thương có cuộc sống khá khốn khó. Sau những giờ học ở trường, cuộc sống các cô còn bao thứ lo toan bộn bề.
Buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) có khoảng 360 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số H'Mông di cư vào sinh sống khoảng 4 năm trở lại đây ngoài ra còn có một số ít là người Tày, M'Nông, Ê-đê cư trú. Cuộc sống người đồng bào ở đây khá vất vả vì đây là nơi heo hút, đi lại khó khăn. Các em học sinh ở buôn này không có giấy khai sinh nên rất khó khăn trong quản lý. Trong 7 điểm trường của Trường tiểu học Lý Tự Trọng thì điểm trường buôn Đắk Sar khó khăn nhất, cách xa điểm chính 31km đường bộ, tiếp theo là điểm trường Đlei cách điểm trường chính Lý Tự Trọng 21km và điểm trường Pai Pi là 14km. Theo quy định, 2 điểm trường Đlei và Pai Pi được hưởng chế độ vùng 3 của Nhà nước (tương đương 150% lương) nhưng giáo viên vào đây công tác vẫn chưa có chế độ này. Ban giám hiệuH trường Tiểu học Lý Tự Trọng vào 3 điểm trường này kiểm tra cơ sở định kỳ nhưng không có tiền hỗ trợ, trong khi theo quy định kiểm tra cơ sở giáo dục trên 10km được hưởng công tác phí.
Buổi sáng, các cô lật đật dậy từ 5 giờ tất tả đi bộ 1km ra khe suối lấy nước cho kịp giờ trước khi đến lớp bất chấp nước khe suối đục ngầu, phèn lớ. Ngày thường thì không sao, gặp phải trời nắng hạn các cô có thể phải đối mặt với nhiều ngày không có giọt nước để dùng. Ở buôn Đắk Sar, các cô luôn "làm bạn" với mì tôm, chuối rừng, rau lá, lâu lâu mới có con cá, chút thịt tươi sống dưới xuôi đem lên đổi vị. Tối đến không điện, các cô lại lủi thủi soạn bài bên ngọn đèn dầu leo lét trong căn lều tranh tuyềnh toàng gió lộng. Khó khăn là vậy nhưng tình yêu nghề, yêu con trẻ các thầy cô vẫn miệt mài cắm bản đem con chữ đến với HS vùng khó.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Hằng tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hà Nam năm 2010, em xin vào đây công tác. Ban đầu miền đất mới nhiều thứ lạ lẫm, bỡ ngỡ kèm với đó cuộc sống khó khăn bộn bề nhiều khi chỉ muốn bỏ dạy. Cơ sở vật chất dạy học ở đây thiếu thốn trầm trọng, nhiều bài học muốn minh họa trực quan cho học sinh hiểu bài cũng rất khó, chỉ dừng lại ở lý thuyết chung chung HS không hiểu bài, kèm với đó HS là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu tiếng Kinh nên khó khăn trong truyền đạt".
Cô Ngô Thị Thương thì chia sẻ: "Mặc dù dạy học ở đây khá thiếu thốn nhưng bù lại HS lại hiếu học, chăm ngoan, các em tiếp thu khá nhanh kiến thức trên lớp. Có em dù bị gãy chân, nhà xa hơn 5 km nhưng một hai đòi bố đưa đến trường bằng được như trường hợp em Thào A Đềnh khiến thầy cô chúng tôi rất cảm phục. Phụ huynh ở đây cũng quý mến thầy cô giáo, chia sẻ, giúp đỡ thầy cô chúng tôi rất nhiều. Nghĩ lại bỏ các em mà về xuôi thì tội nghiệp, chỉ muốn các em biết đọc, biết viết là mừng". Cô Thương cho biết thêm, hiện điểm trường Đắk Sar chưa có học sinh nào nghĩ học, trời mưa lầy lội nhà xa 4, 5 km nhưng các em vẫn đến trường đầy đủ.
Con đường đất dẫn vào điểm trường Đắk Sar mùa mưa thì sụp lún, mùa nắng thì khói bụi nghi ngút bay lên.
"Những giáo viên vùng khó như chúng tôi khổ đến đâu cũng chịu được, nhưng mùa mưa đến chỉ thương HS ướt lạnh ngồi học tội nghiệp. Cô trò chúng tôi chỉ mong có một phòng học kiên cố ở buôn Đắk Sar này để việc học tập của các em thuận lợi, không còn cảnh mưa dột cô trò ướt át co ro chạy trốn...". cô giáo Hằng mong mỏi. Được biết, cô giáo Triệu Thị Hằng là người tham gia giảng dạy ở buôn Đắk Sar lâu nhất và cũng là người duy nhất dạy hợp đồng, cô Hằng mong muốn các cấp lãnh đạo xem xét cho cô được vào biên chế để cô toàn tâm toàn ý cắm bản gieo chữ.
Vượt qua khó khăn, cô trò vẫn miệt mài bám lớp, bám trường gùi chữ.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy La Trọng Chương - hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: "Điểm học buôn Đắk Sar dưới chân đèo Đắk Nuê được người đồng bào dân tộc thiểu số H'Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp, dựng lên cho con em học chữ. Lý do quảng đường từ buôn Đắk Sar ra đến điểm học Đlei ở quốc lộ 27 xa đến 12km con em họ quá nhỏ không thể đi lại. Ngay sau khi có lớp học tại buôn, Ban giám hiệu nhà trường đã điều thầy cô giáo vào cắm bản dạy chữ cho 76 học sinh với mong muốn con em người đồng bào ở đây không phải thất học. Tuy nhiên, đến nay điểm trường buôn Đắk Sar có 6 thầy cô xin thôi dạy".
Học sinh ở điểm trường Đắk Sar sau giờ tan trường.
Thầy Chương cho biết thêm, để có tiền chi trả cho giáo viên giảng dạy ở buôn Đắk Sar, nhà trường phải "nhường cơm sẻ áo" đóng góp mỗi tháng mỗi thầy cô giáo 10 - 15.000 đồng/người hỗ trợ thầy cô trong bản học sinh ở điểm trường này vô cùng khó khăn, từ cuốn sách, cuốn vở, cái bảng... nhà trường đều dành dụm gửi vào để các cháu có điều kiện học tập chứ nhà quá nghèo. Thầy Chương mong muốn: "Mong sao các cơ quan chức năng quan tâm giúp đỡ có chế độ đãi ngộ với giáo viên ở đây chứ điểm trường quá khó khăn, chúng tôi cần lắm một phòng học kiên cố, kịp thời trước khi mùa mưa lũ năm nay ập đến bởi điểm trường Đắk Sar đã xuống cấp nghiêm trọng...".
Viết Hảo
Theo dân trí
Nhiều trường THPT tư đối mặt với phá sản Ngày càng thêm nhiều trường THPT ngoài công lập không tuyển đủ học sinh, đối mặt phá sản. 21 tỉ đồng xây trường, không tuyển sinh được hai trường THPT Ngô Sĩ Liên và THPT Đặng Tiến Đông cùng chung một chủ đầu tư và đều nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cả hai trường xây được trên 60 phòng...