Bộ Giáo dục tính bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học
Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi và bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng.
Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm năm 2017.
Theo đó, nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh dự thi THPT quốc gia, xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017.
Lần đầu tiên bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh.
Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, được áp dụng từ năm 2004. Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng.
Năm 2016, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học là 15 điểm cho tất cả các khối A, A1, B, C, D; không có mức sàn cho cao đẳng.
Năm 2015, điểm sàn đại học là 15 điểm và cao đẳng 12 điểm.
Nếu dự thảo này được thông qua, một số chuyên gia lo ngại việc bỏ điểm sàn đại học sẽ ảnh hưởng chất lượng đầu vào, nhất là với các trường ngoài công lập.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm 2016, bộ dự kiến bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm 2017 bởi điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định.
Theo ông Ga, điểm sàn không có nhiều ý nghĩa với các trường có điểm chuẩn cao. Mỗi trường có đặc thù riêng nên ngưỡng đầu vào khác nhau. Trước đó, năm 2016, Bộ GD&ĐT đã bỏ áp dụng điểm sàn với hệ cao đẳng.
Để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường đại học, các em phải đáp ứng những điều kiện khác do trường quy định. Đây là quyền tự chủ của các trường.
Video đang HOT
Tùy chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, việc đảm bảo chất lượng, uy tín, điều kiện do các trường quy định khác nhau.
Việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, ngành học không còn phù hợp xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Vì thế, dự thảo chỉ nêu điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định.
Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của mình.
Bộ GD&ĐT áp dụng điểm sàn từ năm 2004. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Thí sinh cũng được tự chủ
Dự thảo quy chế năm 2017 cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn. Học sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 cao nhất).
Trong đợt 1, đối với các trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
Đối với mỗi thí sinh, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách những nguyện vọng đã đăng ký.
Ví dụ, ngành A có điểm chuẩn 20, tất cả thí sinh đã đăng ký vào ngành này đạt điểm từ 20 trở lên được xếp vào danh sách trúng tuyển, dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào.
Nếu trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường X, nguyện vọng 5 vào trường Y, nguyện vọng 6 vào trường Z, thí sinh chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X (có nguyện vọng cao nhất).
Điểm xét tuyển được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tuợng, khu vực.
Một điểm mới nữa là dự thảo quy định cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi và cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định. Như vậy, các em có nhiều thời gian để suy nghĩ việc lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh được cấp khi đăng ký dự thi. Sĩ tử không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay đến nộp tại trường.
Cổng thông tin tuyển sinh lọc ‘ảo’
Vì thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên các trường sẽ đối diện tình trạng “ảo” nhiều hơn những năm trước. Bộ GD&ĐT xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện thống kê nguyện vọng của sĩ tử, lọc ra danh sách những em trúng tuyển chính thức.
Quy trình xét tuyển: Sau khi hết thời hạn được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường, nhóm trường khai thác thông tin trên cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển.
Sau đó, các trường nhập lên cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống loại bỏ nguyện vọng thấp của người dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.
Các trường, nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc “ảo” so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm chuẩn phù hợp (có thể điều chỉnh nhiều lần trong thời gian quy định để có danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức).
Mặt khác, dự thảo quy chế năm 2017 cũng cho phép các trường được tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm, không bắt buộc một hay hai đợt cố định.
Theo Zing
Thi học kỳ: Mô phỏng thi THPT quốc gia
Để học sinh làm quen cách thi mới năm nay, nhiều trường THPT tại TP.HCM tổ chức thi học kỳ giống như thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT công bố mới đây.
Thời điểm này, học sinh của các trường THPT tại TP.HCM đang bước vào giai đoạn thi học kỳ I. Dù kỳ thi này chỉ ở cấp nội bộ do các trường tự ra đề thi cũng như tổ chức thi, song nhiều trường đã rất chủ động, thậm chí có trường còn tổ chức kỳ thi như kỳ thi THPT quốc gia, giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới.
Ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết: "Kỳ thi học kỳ I năm nay trường sẽ tổ chức mô phỏng kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, để các em làm quen với cách thi mới, từ đó có điều chỉnh trong cách giảng dạy và cách học để nâng cao hiệu quả hơn cho các em".
Dù thi học kỳ I, trường THPT Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM bố trí 16 em một phòng để tránh quay cóp. Ảnh: Tiền Phong.
Theo ông Độ, kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ có bài thi Ngữ Văn là tự luận còn tất cả các bài thi khác đều trắc nghiệm giúp giáo viên cũng như học sinh thích nghi với thay đổi mới này.
Sau khi nắm được tinh thần của dự thảo thi mới có nhiều sửa đổi, trường đã yêu cầu các giáo viên bộ môn phải thay lại giáo án, bố trí lại thời lượng giảng dạy, đồng thời yêu cầu mỗi giáo viên phải xây dựng ma trận đề thi cũng như đóng góp câu hỏi vào ngân hàng đề thi của trường. Từ đó, trường cho ra ngân hàng đề thi phong phú để áp dụng cho học kỳ I này.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm, quận 2 cho biết ngoài thi các môn tự luận và trắc nghiệm theo như kỳ thi THPT quốc gia, trường Thủ Thiêm còn tiến hành bố trí 2 dạng phòng thi gồm các em học lực từ khá trở lên sẽ được bố trí 24 em/phòng và các em có học lực trung bình yếu sẽ bố trí 16 em/ phòng thi.
Mỗi phòng thi sẽ có 2 giám thị coi thi, mỗi hành lang sẽ có 1 giám thị giám sát để đảm bảo học sinh không thể nào quay cóp. "Cách bố trí này có phần áp lực song sẽ giúp các em nâng cao tính tự giác, từ đó biết được năng lực các em ở mức nào, để có phương án điều chỉnh trong học tập", ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, một số trường THPT khác lại tổ chức kỳ thi học kỳ I một cách khá nhẹ nhàng cho học sinh. Theo lịch, trường THPT Trưng Vương, quận 1 sẽ tổ chức thi học kỳ I kéo dài từ ngày 19/12 đến 23/12.
Bà Trương Thị Bích Thủy, hiệu trưởng trường này thông tin, các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Để tiện cho học sinh có thời gian ôn thi và nghỉ ngơi, trường THPT Trưng Vương chỉ tổ chức thi 1 buổi có xen kẽ các môn tự nhiên và xã hội.
Theo bà Thủy, kỳ thi học kỳ I cũng chỉ là hình thức kiểm tra nên không vội cho làm bài tổ hợp, vì bài thi vẫn chưa có giá trị gì đối với học sinh hiện nay cũng như không muốn làm căng thẳng, sợ ảnh hưởng tâm lý và điểm số, kết quả học kỳ của học trò.
"Tôi vẫn tổ chức kiểm tra trắc nghiệm - tự luận các môn theo yêu cầu", bà Thuỷ nói và cho biết hiện nay, học sinh tập làm quen với đề trắc nghiệm một số môn mới như Toán - Sử - Địa - GDCD quá nhiều nên nếu cần, sau khi đã vững vàng về kĩ năng, kiến thức, trường sẽ tổ chức các đợt thi thử.
Theo dự thảo nội dung thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ thi 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài thi tự chọn gồm bài thi Khoa học tự nhiên các môn Lý, Hóa, Sinh và bài thi Khoa học Xã hội các môn Sử, Địa và Giáo dục công dân. Ngoại trừ môn Văn tự luận, tất cả các bài thi khác đều trắc nghiệm.
Theo Nguyễn Dũng / Tiền Phong
Nhiều trường thi thử đánh giá học sinh Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, nhiều trường đã rục rịch cho học sinh chuẩn bị thi trắc nghiệm 8 môn và môn tự luận để từ đó có đánh giá chất lượng. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho rằng dự thảo quy chế có...