Bộ Giáo dục: Thí sinh cân nhắc chọn kỹ ngành học nếu không sẽ mất cơ hội
Trong xét tuyển đại học năm 2020, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Thí sinh đã xác nhận nhập học vào trường đại học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Lưu ý với các thí sinh trong xét tuyển đại học năm 2020, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, năm 2020, các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định phương thức tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển.
Qua đề án tuyển sinh đã công khai trên cổng thông tin điện tử của các trường, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT và kết quả học tập THPT để xét tuyển. Công tác tuyển sinh của các trường thuộc khối ngành Công an và Quân đội giữ ổn định như các năm trước.
Bà Thủy chia sẻ, việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong tuyển sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn vào các ngành yêu thích và các trường yêu thích của mình, tuy nhiên việc này cũng làm cho thí sinh bối rối khi đăng ký xét tuyển và khi có nhiều trường cùng có thông báo trúng tuyển.
Quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định: “Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác”.
Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc và quyết định lựa chọn ngành trúng tuyển yêu thích để nộp Giấy chứng nhận kết quả thi và nhập học.
Về việc một số trường gửi giấy mời trúng tuyển với nhiều thí sinh khi chưa tốt nghiệp THPT, bà Thủy đề nghị các trường cần tuân thủ nghiêm các quy định trong Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 09/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Bộ GD&ĐT.
Các trường lưu ý trong việc thông báo trúng tuyển nhập học đối với phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi THPT. Các trường không được thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển,… khi người học chưa tốt nghiệp THPT.
Video đang HOT
“Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và các bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo các quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định” – bà Thủy nhấn mạnh.
Tự chủ đại học phải gắn với trách nhiệm giải trình
Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2020 khiến các trường ĐH lo ngại về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng - một biểu hiện cụ thể của tự chủ ĐH. Trước phản ứng của dư luận, đại diện Bộ GD-ĐT nói gì?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Ảnh: NAM TRẦN
Thực tế cho thấy ngoài các trường đào tạo đặc thù (nghệ thuật, công an, quân đội), chỉ một số ít các trường có mức độ cạnh tranh cao, đòi hỏi điều kiện đầu vào khắt khe hơn so với mặt bằng chung mới có nhu cầu tổ chức thi tuyển sinh riêng. Đa số các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả thi THPT và/hoặc kết hợp với các phương thức xét tuyển khác để tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết: "Luật giáo dục ĐH 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH 2018 đã cho phép các trường tự chủ về chuyên môn, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh.
Tuy nhiên, tự chủ cũng gắn liền với trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch thông tin. Và tự chủ thì không có nghĩa là "muốn làm thế nào thì làm".
Tự chủ ĐH đi kèm với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng và chịu giám sát của toàn xã hội".
* Nhiều trường phản ảnh dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020 đặt ra nhiều điều kiện khiến các trường khó có thể tổ chức tuyển sinh riêng. Vì sao như vậy, thưa bà?
- Việc dự thảo quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, quy trình và chất lượng.
Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm).
Đây là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng và cũng là những quy định cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, đảm bảo công bằng xã hội.
Những cơ sở đào tạo chưa kịp chuẩn bị đủ các điều kiện này có thể phối kết hợp hoặc sử dụng chung kết quả thi với các trường ĐH khác có các điều kiện tương đồng như cùng khối ngành đào tạo, cùng khu vực...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, do tình hình học tập không đồng đều trên toàn quốc nên đề thi sẽ giảm bớt độ khó cũng như thời lượng làm bài thi so với năm 2019.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị các giải pháp để các trường ĐH có thể sử dụng tốt nhất kết quả này phục vụ cho công tác tuyển sinh.
* Vậy trong tình huống các trường không đáp ứng được những điều kiện đó, bộ có điều chỉnh dự thảo không?
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 với nhiều biến động khiến cho quá trình dự thảo quy chế tuyển sinh 2020 cũng phải cần thêm thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện một số nội dung.
Chúng tôi cũng rất chia sẻ với những băn khoăn của các cơ sở giáo dục ĐH khi dự thảo phải có những điều chỉnh vào thời gian này.
Chính vì thế, dự thảo quy chế tuyển sinh sau khi điều chỉnh đã được gửi đi xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, của đại diện các trường ĐH để lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để quy chế tuyển sinh đáp ứng đúng yêu cầu của luật pháp, đảm bảo hài hòa lợi ích của các trường ĐH, của thí sinh, của toàn xã hội, đồng thời các kỳ thi tuyển sinh riêng (nếu có) đảm bảo chất lượng, nghiêm túc, minh bạch.
* Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ dễ hơn mọi năm, nếu các trường bỏ phương án tuyển sinh riêng, dựa vào kỳ thi xét tốt nghiệp THPT liệu chất lượng đầu vào có đảm bảo?
- Như tôi đã nói, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh nào là quyền tự chủ của các trường ĐH. Và các trường cũng phải thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào.
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Cơ sở vi phạm sẽ bị chế tài theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm.
Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT).
Bên cạnh đó, đây sẽ là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội.
Vì thế, tôi cho rằng không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay.
Phải nỗ lực để đảm bảo chất lượng đào tạo
Học sinh đã tốt nghiệp THPT là có thể có cơ hội vào học ĐH, hoặc CĐ, hoặc học nghề, nhưng trong quá trình học nếu không đáp ứng được cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp.
Uy tín, thương hiệu của mỗi trường đã và đang gây dựng sẽ vừa là động lực vừa là thách thức khiến các trường phải luôn nỗ lực để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động (không chỉ trong nước mà cả quốc tế).
Cơ sở giáo dục ĐH chọn phương án tuyển sinh nào, cách thức tổ chức tuyển sinh ra sao cũng sẽ phần nào cho xã hội thấy họ là ai và ở đâu trong hệ thống giáo dục ĐH quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Vì sao phải quy định ngặt nghèo với trường đại học tổ chức kỳ thi riêng? Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, việc đưa ra các quy định với trường tổ chức kỳ thi riêng trong dự thảo quy chế tuyển sinh là để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đảm bảo công bằng xã hội. Đại diện Trường đại học y Hà Nội tư vấn tuyển sinh cho các em học sinh - ẢNH LÊ ANH HOA...