Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30
Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 30.
Hai năm qua, Thông tư 30 đã được triển khai trên cả nước. Được nhận định là mang theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ, giàu tính nhân văn nhưng còn những hạn chế. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22/2016/BGDDT, bổ sung một số điểm trong cách đánh giá học sinh tiểu học.
Đánh giá học sinh theo 3 mức
Một trong những tồn tại của Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh. Trước đây, giáo viên chỉ đánh giá theo hai mức hoàn thành và chưa hoàn thành.
Cách đánh giá này bị cho rằng nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.
Thông tư 22 được kỳ vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho học sinh và giáo viên. Ảnh: Tùng Lekima.
Thông tư 22 sẽ khắc phục bằng cách đưa ra 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Bộ Giáo dục cho rằng xét về tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ hơn kết quả phấn đấu của học sinh. Phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.
Giáo viên đánh giá học sinh vào giữa và cuối mỗi học kỳ nhằm cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích liên quan quá trình học tập của học sinh, phát hiện những chỗ thiếu hụt để giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy học.
Thông tư 22 cũng quy định việc lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây, Thông tư 30 chỉ quy định hai mức Đạt và Chưa đạt).
Việc lượng hóa này cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó, giáo viên, nhà trường có giải pháp kịp thời giúp học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực, ngày một tiến bộ hơn.
Bên cạnh đó, Thông tư 22 quy định thêm về các bài kiểm tra giữa kỳ môn Tiếng Việt và Toán đối với khối 4 và khối 5, nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.
Video đang HOT
Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kỳ cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30.
Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi cũng sẽ làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lí giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học.
Giảm bớt gánh nặng sổ sách
Trong hai năm thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên bức xúc vì sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng thời gian giảng dạy cho học sinh.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Thông tư 22 quy định thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.
Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.
Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.
Quy định khen thưởng học sinh trong Thông tư 22 cũng cụ thể hơn. Căn cứ vào đó, giáo viên và nhà trường dễ dàng tiến hành khen thưởng mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.
Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016 thay thế Thông tư 30. Đây là thời điểm giữa học kỳ I của năm học nên việc đánh giá sẽ bắt nhịp ngay mà không tạo ra xáo trộn cho học sinh và giáo viên.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo triển khai tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi nhằm làm rõ các vấn đề mà giáo viên có thể còn băn khoăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Theo Zing
'Được sửa đổi Thông tư 30 như trúng sổ số'
Kỳ Anh cho hay: "Tôi đang dạy tiểu học, nghe thông tin sửa đổi của Bộ GD&ĐT như trúng sổ số". Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, dự thảo chưa giải quyết được gốc vấn đề.
Thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên khi áp dụng Thông tư 30 (đánh giá học sinh bằng nhận xét thay vì điểm số), mới đây Bộ GD&DDT tiến hành sửa đổi. Hiện tại, Bộ GD&ĐT công khai bản sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của phụ huynh, giáo viên và chuyên gia.
Chia sẻ với Zing.vn, độc giả Kỳ Anh bày tỏ: "Cảm ơn vì đã lắng nghe tâm sự của những người giáo viên". Một số ý kiến khác lại cho rằng, Thông tư 30 vẫn tạo nên sự cứng nhắc và áp lực cho giáo viên, học sinh.
Nhận xét A, B, C khác gì chấm điểm?
Điều tranh cãi nhất trong bản sửa đổi Thông tư 30 là cách xếp loại học sinh theo A, B, C. Cụ thể, sau khi đánh giá thường xuyên bằng lời, giáo viên phải làm thêm động tác tổng hợp đánh giá thường xuyên theo các mức độ A, B, C với các tiêu chí tương ứng.
Học sinh tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Lekima.
Sau đó, kết thúc mỗi kỳ học, học sinh sẽ tiếp tục được đánh giá định kết quả học tập bằng bài kiểm tra thực hiện vào cuối kỳ. Bài kiểm tra sẽ được xác định theo các mức từ 1-4 (biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao).
Giáo viên Lê Lan chia sẻ: "Bản sửa đổi gây khó hiểu, bởi nếu đã chấm điểm thì không cần quy đổi ra xếp loại A, B, C nữa. Hoặc nếu đã xếp loại A, B, C thì không cần chấm điểm. Phụ huynh cũng chỉ cần một mức đánh giá để biết con mình đứng ở đâu thôi, như thế là quá rắc rối".
Chị Trần Linh - một phụ huynh tại Hà Nội - nhận định: Việc nhận xét học sinh theo A, B, C cũng gần giống với việc xếp loại "giỏi, khá, trung bình, yếu" hay "đạt và chưa" đạt trước kia.
Trần Nga đề xuất bỏ kiểu nhận xét A, B, C. Vì cách này vẫn tạo nên sự ganh đua không cần thiết.
TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - chia sẻ: Các quy định chấm A, B, C, D không phải là hình thức biến tấu của điểm số. Các quy định này vẫn là bước trung gian giữa Thông tư 30 và cách chấm điểm cũ. Nó sẽ giúp cho phụ huynh dễ tiếp cận với thông tư để hợp tác tốt hơn với nhà trường trong việc dạy dỗ trẻ
Ông Phạm Ngọc Định - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - giải thích rõ: Thay vì nhận xét nhiều mục, nhiều nội dung, giáo viên chỉ ghi kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh vào bảng tổng hợp, theo các mức đạt A, B, C. Bảng tổng hợp đánh giá này chỉ cập nhật vào cuối học kỳ, cuối năm học.
Ghi chép này không để báo cáo, mà để giáo viên nắm tình hình học sinh, đảm bảo tổng hợp đánh giá khách quan, công bằng vào cuối học kỳ, cuối năm và giải trình với cán bộ quản lý, phụ huynh trong các trường hợp cần thiết.
Vừa mừng vừa lo
Theo Bộ GD&ĐT, qua hai năm thực hiện Thông tư 30, giáo viên kêu nhiều nhất là quy định hàng tháng phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Vì thế, dự thảo sửa đổi cho giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ ghi chép cá nhân cho phù hợp.
Hồ sơ đánh giá cá nhân học sinh nay chỉ gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp này thay thế hoàn toàn sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ.
Nhiều người vui mừng vì bản sửa đổi đã giảm nhẹ sổ sách cho giáo viên. Tuy nhiên, cô Lê Bình - một giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: Giáo viên chủ động nhận xét hoàn toàn trong đánh giá chưa hẳn đã tốt, vì không có mặt sàn chung cho chất lượng của giáo viên. Nếu giáo viên có tâm huyết sẽ rất nhiệt tình, còn thầy cô ít tâm huyết sẽ không nhận xét. Điều này có thể dẫn đến những thắc mắc không cần thiết của phụ huynh.
Còn TS Vũ Thu Hương lại cho rằng, những thay đổi trên đã cởi cho giáo viên những sợi dây trói buộc vô hình mà các cấp quản lý quàng vào họ dưới danh nghĩa Thông tư 30.
Vấn đề sổ sách đáng ra phải nhẹ nhàng vì nó chỉ là phương tiện làm việc của giáo viên. Nhưng do quản lý chồng chéo, nhiều cấp trung gian giữa Bộ GD&ĐT và các giáo viên đã đẩy nó lên thành chính yếu, buộc các giáo viên phải chiến đấu mệt mỏi với sổ sách, thay vì chăm sóc học sinh. Vì thế, những sửa đổi được viết trong dự thảo sẽ giúp cho Thông tư 30 khả thi hơn và phát huy được tính nhân văn.
Để Thông tư 30 phát huy triệt để hơn, TS Hương đề xuất: Nên cho giáo viên được tự do sử dụng con dấu thay vì mọi hình thức mà cô giáo nghĩ ra để tải các đánh giá của mình đến học sinh và phụ huynh. Như vậy giáo viên mới thực sự được cởi trói và phát huy tốt khả năng của mình. Họ cũng có cơ hội thể hiện được cách đánh giá sáng tạo.
Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Sau hai năm triển khai thực hiện quy định này, có rất nhiều phản ứng trái chiều từ phía xã hội, chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh...
Thông tư 30 nhìn từ giấy khen 'danh hiệu từng mặt': Giấy khen "Đạt danh hiệu học sinh từng mặt" đặt ra những câu hỏi về cách thức thực hiện Thông tư 30. Thông tư này đã thay đổi việc đánh giá học sinh tiểu học.
Theo Zing
Hoàn tất việc sửa đổi Thông tư 30 trước năm học mới Theo đó, việc sửa đổi được tập trung vào 4 nội dung cơ bản gồm đánh giá thường xuyên, hồ sơ đánh giá, giúp cha mẹ học sinh đánh giá và khen thưởng. Ngày 27/8, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh tiểu học (ban hành...