Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh quy trình ban hành sách giáo khoa mới
Bộ sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnamplus)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đang nghiên cứu để bổ sung các quy định liên quan đến việc ban hành sách giáo khoa mới.
Sẽ chặt chẽ hơn trong thực nghiệm?
Cụ thể, Bộ sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách khi hội đồng thẩm định đánh giá đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa mới có được thực nghiệm và kết quả thực nghiệm là một phần trong hồ sơ gửi hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc thẩm định do nhóm tác giả tự tổ chức thực hiện.
Theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Bộ sách Cánh diều đã được nhóm tác giả báo cáo về việc dạy thực nghiệm và Hội đồng thẩm định cũng đã kiểm tra rất kỹ các thông tin như thực nghiệm bao lâu, ở trường nào, kết quả ra sao. “Việc thực nghiệm là do các tác giả và nhà xuất bản chứ không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo,” ông Chừ nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bộ sách Cánh diều dù đã được thực nghiệm trong trường học nhưng khi chỉ sau vài ba tuần áp dụng đại trà lại bộc lộ những hạn chế và buộc phải điều chỉnh đã cho thấy việc thực nghiệm chưa hiệu quả.
Sách giáo khoa Cánh diều khiến dư luận “dậy sóng” vì cách chọn và trình bày ngữ liệu chưa hợp lý. (Ảnh: PM/Vietnamplus)
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ Victory, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bộ sách mới có thời gian thực nghiệm quá ngắn, chỉ vài ba tháng nên khó tránh khỏi những “hạt sạn”. “Các sách giáo khoa theo chương trình năm 2000 đều có thời gian thực nghiệm lên đến vài năm,” ông Thành cho hay.
Video đang HOT
Mở rộng kênh phản biện
Bên cạnh vấn đề dạy thực nghiệm, việc công khai bản mẫu sách giáo khoa để dư luận cùng góp ý cũng là một chủ trương được nhiều người quan tâm. Trong việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1, tất cả mọi thông tin về bản thảo sách, biên bản thẩm định… đều được giữ kín. Ngay cả sách đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành, người dân vẫn chưa được biết bản mẫu sách mà phải đợi đến tận khi sách được in bán đại trà trước thềm năm học mới.
Tiến sỹ Giáp Văn Dương cho rằng sau sự cố sách Cánh diều, bài học quan trọng với Bộ Giáo dục và Đào tạo là thẩm định sách giáo khoa cần bài bản, khoa học, minh bạch hơn. Bản thảo của các bộ sách cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của người dân, nhất là các phụ huynh, chuyên gia giáo dục bên cạnh ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định.
Với các phân tích trên, các chuyên gia giáo dục nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh trong quy trình ban hành sách giáo khoa mới sẽ góp phần quan trọng để có sách giáo khoa chất lượng hơn cho học sinh, trước mắt là với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.
Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 33 bản mẫu sách của đầy đủ 9 môn học lớp 2 và 43 bản mẫu sách của đầy đủ 11 môn học lớp 6 đang được thẩm định. Hội đồng thẩm định của các sách này đã hoàn thành vòng một và sẽ hoàn thành thẩm định vòng hai vào cuối tháng 10 với lớp hai và vào trung tuần tháng 11 với lớp 6. Các sách này sau khi đạt thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành sẽ được triển khai đại trà trong các nhà trường trên cả nước bắt đầu từ năm học 2021-2022./.
Cần chặt chẽ hơn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT đã đưa ra một quy trình chặt chẽ về biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa (SGK) rất chặt chẽ. Tuy nhiên, lỗi "sạn" trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều thì cần phải điều chỉnh lại.
Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều đã có nhiều "sạn" khiến dư luận ồn ào, Bộ GD&ĐT đã phải chỉ đạo sửa.
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Thông tư số 33) với các nội dung khá chặt chẽ như sau:
Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK
Về Quy trình biên soạn SGK: Việc tổ chức biên soạn SGK được tổ chức thực hiện như những xuất bản phẩm khác theo Luật Xuất bản.
Ngoài những quy định theo Luật Xuất bản, biên soạn SGK phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33 cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký và nộp bản thảo đề SGK đến nhà xuất bản. Đơn vị đề nghị thẩm định SGK là nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản.
Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK. Bộ GDĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định. Nhà xuất bản có SGK được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK hoàn thiện bản mẫu SGK sau thẩm định. Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.
Có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo
Về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK: Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 7 (bảy) người. Mỗi thành viên Hội đồng là những người "có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định SGK; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định" và tham gia vào các hoạt động liên quan đến đổi mới chương trình, SGK.
Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên xây dựng minh chứng cần đạt
Về Tiêu chuẩn SGK đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới: Nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các bài học trong SGK tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.
Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Cấu trúc SGK có đủ các thành phần cơ bản sau: phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản sau: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng...
Dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên, Bộ GDĐT đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu gồm các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm về chương trình giáo dục phổ thông, trong lĩnh vực biên soạn và thẩm định SGK; các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, các chuyên gia quốc tế để phân tích và xây dựng hệ thống các minh chứng cần đạt trong SGK khi tiến hành thẩm định.
Thẩm định theo 2 vòng
Về Qui trình làm việc của Hội đồng gồm: Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập (15 ngày); Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (05 ngày cho mỗi bản thảo gồm các nội dung:
Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK, thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng để thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại Hội đồng nếu có).
Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt, Đạt nhưng cần sửa chữa, Không đạt.
Tham vấn các cơ quan chuyên môn
Về Phê duyệt và công bố kết quả thẩm định: Khi tiếp nhận kết quả thẩm định của các Hội đồng, Bộ trưởng đã chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn tham mưu thành lập tổ giúp việc gồm các chuyên gia am hiểu về chuyên môn, các nhà quản lí và các giáo viên, tổ chức rà soát lại quy trình việc của Hội đồng, báo cáo, tham vấn các cơ quan chuyên môn như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến tính pháp lí của SGK sử dụng trong các trường phổ thông trước khi ban hành quyết định phê duyệt chính thức.
Mặc dù quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa đưa ra khá tỉ mỉ, chi tiết nhưng vẫn để lọt "sạn" trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp gây phản ứng của dư luận.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát bộ sách Cánh Diều.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần chặt chẽ hơn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa công bằng, minh bạch hơn. Cần có xin ý kiến góp ý rộng rãi hơn từ các nhà giáo, nhà chuyên môn, thậm chí phụ huynh...
Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa
Từ "sạn" trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, tác giả rà soát cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để chỉnh sửa kịp thời những bất hợp lý nếu có.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tài liệu chỉnh sửa SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều sẽ được phát hoàn toàn miễn phí cho các đơn vị sử dụng.
Theo Thứ trưởng Độ, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá "đạt" và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đầy "sạn": Hãy để xã hội kiểm định, lựa chọn sách giáo khoa! Các bộ sách giáo khoa lớp 1 chưa huy động được trí lực, tài lực của toàn xã hội tham gia biên soạn và ấn hành như mục tiêu kỳ vọng của Luật Giáo dục năm 2019 Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) là điểm son của Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020....