Bộ Giáo dục nêu phương án thay thế điểm sàn
Theo Bộ Giáo dục-Đào tạo, sẽ xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn.
Những năm trước đây, điểm sàn đại học là mức điểm tối thiểu được Bộ GD-ĐT tạo đưa ra để các trường căn cứ vào đó xét trúng tuyển ĐH, CĐ, nhận hồ sơ NV2, NV3. Năm nay, Bộ Giáo dục quyết định bỏ điểm sàn, thay vào đó là các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Trong Thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 được đề ra ngày 12/3, Bộ GD&ĐT nêu rõ nhiệm vụ của các trường: “Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh của trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, thống kê điểm, quy định về khung điểm ưu tiên, các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để quyết định phương án điểm trúng tuyển”.
Theo đó, trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành đào tạo tương ứng với các khối thi.
Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường CĐ, ĐH xét tuyển cho từng khối, ngành đào tạo dựa vào căn cứ kết quả thi.
Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc sửa đổi này thay thế điểm sàn, phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Video đang HOT
Thí sinh dự thi đại học 2013. Ảnh Lê Hiếu.
Sau khi công bố phương án điểm trúng tuyển, các trường thông báo danh sách thí sinh đỗ, chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung. Trường học gửi các Sở GD-ĐT giấy triệu tập đối với thí sinh trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi.
Năm nay, Bộ Giáo dục cũng thay đổi khi yêu cầu nhà trường in 3 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng cho thí sinh. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp người dự thi để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Theo VNE
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Sửa quy định ưu tiên, bỏ điểm sàn
Ngày 11.3, Bộ GD-ĐT đã ký Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014. Theo những sửa đổi này, kỳ thi tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi lớn.
Học sinh lớp 12 TP.Đà Lạt tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên. Đây là một trong những địa phương có sự thay đổi về ưu tiên tuyển sinh khu vực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong quy chế năm nay, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố bỏ điểm sàn các khối thi trong kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, ngành đào tạo.
Thu hẹp ưu tiên khu vực
Điểm đổi mới quan trọng trong quy chế lần này là Bộ GD-ĐT đã sửa đổi chính sách ưu tiên khu vực (KV) và đối tượng nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh. Theo đó, KV 1 hiện nay hẹp hơn trước kia khi chỉ quy định là các thôn đặc biệt khó khăn, xã KV I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành. Đồng thời để đảm bảo học sinh thuộc KV này được ưu tiên, Bộ đã cho phép đối tượng này được tính ưu tiên theo hộ khẩu thường trú (thay vì ưu tiên theo nơi tốt nghiệp THPT). Nhưng điều này chỉ áp dụng cho những học sinh học ở trường THPT tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã nói trên.
Đồng thời quy chế cũng bổ sung nhiều đối tượng ưu tiên thuộc diện chính sách như người khuyết tật; con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81%...
Tuyển sinh 2 lần/năm
Điểm mới quan trọng khác trong quy chế tuyển sinh năm nay là Bộ cho phép các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức 1 đến 2 lần tuyển sinh thay vì chỉ có 1 như trước đây.
Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh, các trường được thực hiện thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Đặc biệt, các trường được tổ chức tuyển sinh riêng, thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.
Nhiều đợt xét tuyển
Năm nay, tất cả các thí sinh chưa trúng tuyển đều được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH và 3 giấy chứng nhận kết quả thi CĐ để mang đi xét tuyển theo quy định của từng trường. Như vậy, nếu tham gia cả 2 kỳ thi ĐH và CĐ, thí sinh sẽ được cấp 6 giấy chứng nhận để đem đi xét tuyển (tăng thêm 2 giấy so với năm ngoái). Tuy nhiên, Bộ quy định: giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp một lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp thí sinh để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển và có yêu cầu điều kiện đầu vào phù hợp.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển. Các chi tiết liên quan đến điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Các trường CĐ được kéo dài thời gian xét tuyển. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31.10 hằng năm đối với trường ĐH nhưng trường CĐ kéo dài đến 15.11.
Thêm diện tuyển thẳng
Năm nay đối tượng tuyển thẳng vào ĐH được mở rộng hơn. Cụ thể: thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải; thí sinh đoạt giải khuyến khích trong hội thi này được tuyển thẳng vào CĐ theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải. Bộ GD-ĐT cũng quy định đối tượng nêu trên được ưu tiên xét tuyển vào ĐH.
Theo TNO
Chọn ngành học theo tính cách Sáng 7.3, hơn 1.000 học sinh H.Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã có mặt tại Trung tâm văn hóa huyện để nghe các chuyên gia tư vấn giải đáp nhiều thắc mắc về điểm sàn, điểm chuẩn, cách lựa chọn ngành học phù hợp. Học sinh H.Điện Bàn (Quảng Nam) tham gia chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này...