‘Bộ giáo dục liên tục đổi mới thi cử là vì học sinh’
Trước các lo lắng về phương án thi THPT 2017, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, những thay đổi này đều theo lộ trình khoa học và hoàn toàn vì lợi ích của học sinh.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng trực tiếp trên VTV1 lúc 22h5 phút ngày 9/9, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải những thắc mắc liên quan dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017.
Dự thảo do Bộ GD&ĐT vừa công bố khiến không ít học sinh hoang mang, lo lắng về các điểm đổi mới, đặc biệt liên quan môn thi và hình thức thi.
Phương án thi THPT quốc gia 2017 khiến nhiều học sinh lo lắng. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn.
Cụ thể, thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 vẫn thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh sẽ có điểm thi của toàn bài thi tổ hợp và của từng môn trong tổ hợp.
Về hình thức tổ chức thi, trừ môn Ngữ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan, trong đó, các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân lần đầu tiên được tổ chức thi theo hình thức này.
Thời gian làm bài thi của tất cả các môn đều được rút ngắn. Ngữ Văn thi trong 120 phút, các môn Toán, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội thi trong 90 phút, thời gian làm bài của môn Ngoại ngữ là 60 phút.
Như vậy, với phương án này, học sinh sẽ phải thi tối thiểu 6 môn thay vì 4 môn như năm nay. Đây là thay đổi lớn nhất đồng thời là nguyên nhân chính khiến học sinh lớp 12 lo lắng.
Trước băn khoăn về hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải, chúng ta có thể giải Toán theo nhiều cách nhưng chỉ có một đáp số. Vì thế, những em học giỏi sẽ tìm ra đáp án nhanh hơn, dành thời gian làm những câu khác.
“Thi trắc nghiệm môn Toán mới với nước ta nhưng hình thức này đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới từ lâu. Trên thực tế, Bộ đã tính đến việc thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2006 nhưng xã hội chưa đồng tình vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm”, Thứ trưởng Ga nói.
Video đang HOT
Ông cho biết thêm, trong 10 năm qua, chúng ta đã học tập kinh nghiệm từ các nước khác nên Bộ GD&ĐT giao ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi Đánh giá năng lực bằng trắc nghiệm hoàn toàn.
Trong 3-4 năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thi và ra đề trắc nghiệm này theo hướng đánh giá năng lực và được xã hội đánh giá cao. Kết quả của học sinh đạt được trong kỳ thi này khá trùng khớp kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia, cũng như trong quá trình học môn Toán của các em tại trường phổ thông.
Về việc học sinh lo lắng không đủ thời gian để ôn thi cho dạng bài thi tổ hợp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, các em không cần lo lắng vì đây là bài thi tổ hợp chứ không phải tích hợp như một số em nghĩ.
Bài thi tổ hợp bao gồm 3 môn với 3 phần riêng biệt chứ không phải cần chồng kiến thức hai môn để giải nên thí sinh cứ học và thi bình thường. Các trường đại học có thể dùng kết quả của cả bài thi hoặc kết quả một trong các phần để xét tuyển.
Với câu hỏi tại sao Bộ GD&ĐT luôn thay đổi theo từng năm khiến các em cảm thấy “bị thí nghiệm”, vị thứ trưởng trả lời, cách làm của Bộ hoàn toàn là vì học sinh. Bộ lo ngại nếu thay đổi lập tức trong một năm thì các em không thể thích ứng kịp. Vì thế, Bộ đã tiến hành làm từ ba năm nay, mỗi năm đổi mới một bước, mỗi lần đổi mới vì mục đích giúp các em học ngày càng nhẹ nhàng hơn và quyền lợi các em cao hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ.
“Tất cả những đổi mới mà Bộ đang tiến hành này là theo một lộ trình khoa học. Bộ hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế các bước đi để các em không bị sốc. Vì vậy, các em cứ yên tâm ôn tập bình thường vì nội dung thi vẫn nằm trong chương trình phổ thông, nhất là ở lớp 12 thôi”, ông Ga giải thích.
Theo Zing
'9 tháng không kịp chuẩn bị cho thi trắc nghiệm môn Toán'
Theo tiến sĩ Đỗ Tiến Thành, thi trắc nghiệm môn Toán kiểm tra được hầu hết kiến thức cơ bản của học sinh, tuy nhiên chương trình học hiện nay chưa phù hợp hình thức này.
Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2017 áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán, sẽ có nhiều lợi ích như kiểm tra được kiến thức cơ bản, tránh được tiêu cực trong kỳ thi. Nhưng ngược lại, thi trắc nghiệm cũng dễ khiến học sinh học vẹt, làm ẩu, khó phân loại.
Đặc biệt, thời gian 9 tháng từ giờ tới thời điểm thi THPT quốc gia 2017 không đủ để chuẩn bị thi trắc nghiệm môn Toán. Ngoài ra, chương trình học hiện nay của bậc THPT chưa phù hợp hình thức này.
Thí sinh tại cụm thi ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh: Phước Tuần.
Thi trắc nghiệm Toán giúp kiểm tra kiến thức cơ bản
Với hình thức tự luận, đề thi chỉ có 10 câu, phải trình bày chính xác từng dòng để đạt điểm tối đa (điểm chấm chi tiết đến 0,25 mỗi bước), học sinh học dập khuôn theo mẫu, không sáng tạo, thì với thi trắc nghiệm, thí sinh có thể dùng nhiều cách để tìm ra đáp án. Điều quan trọng là kết quả cuối cùng, không phải lo khâu trình bày bài.
Môn Toán chú trọng tính toán chuẩn trong thời gian nhanh nhất, chứ không yêu cầu khả năng diễn đạt như Ngữ văn, nên hoàn toàn có thể thi bằng trắc nghiệm.
Đề thi tự luận cũng không bao quát được hết kiến thức học suốt 3 năm phổ thông, trong khi thi trắc nghiệm giúp tránh tình trạng học lệch, ôn tủ.
50 câu trắc nghiệm cũng loại bỏ được những tiêu cực trong kỳ thi. Trong 90 phút, thí sinh có muốn quay cóp, mở tài liệu cũng không thể.
Thi trắc nghiệm môn Toán đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu, tiêu biểu như SAT (Scholastic Aptitude Test), kỳ thi chuẩn đánh giá những kỹ năng cần thiết, điều kiện bắt buộc để tuyển sinh vào các trường đại học của Mỹ và một số nước.
Các bài thi SAT không kiểm tra kiến thức mà chú trọng kỹ năng ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, các câu hỏi trong bài thi này không khó, chủ yếu yêu cầu người giải tìm ra cách làm thông minh, đạt được kết quả nhanh nhất.
Trong xu hướng hội nhập như hiện nay, việc xây dựng những chuẩn đề thi tương tự thế giới rất cần thiết.
Học sinh Hà Nội sau giờ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Anh Tuấn.
9 tháng không đủ để giáo viên và học sinh "kịp trở tay"
Tại các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, đề thi THPT không quá khó, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản. Những dạng toán mà học sinh Việt Nam quen thuộc như tích phân, hàm số, hình học không gian, nước bạn chỉ dành cho sinh viên nghiên cứu chuyên sâu về Toán ở bậc đại học.
Suốt 12 năm, học sinh được dạy và học chuẩn bị cho bài thi dạng tự luận, nay chỉ còn 9 tháng để làm quen dạng đề mới sẽ không kịp để thích nghi. Thầy cô giáo cũng không kịp chuẩn bị để hướng dẫn cách thi mới cho học trò. Cha mẹ chưa kịp làm quen với cách thi mới của con.
Vì thế, Bộ GD&ĐT nên có lộ trình 3 năm để thầy và trò cùng làm quen, luyện tập, tránh gây hoang mang.
Bên cạnh đó, về cấu trúc đề, những câu hỏi đại số, yêu cầu tính toán bằng máy tính, tính nhẩm, thời gian làm trung bình 1,8 phút một câu là vừa đủ. Nhưng với những bài hình học, hình học không gian, riêng việc vẽ hình đã mất từ 6-8 phút, chưa kể thời gian tưởng tượng hình. Các bài toán hàm số, vẽ đồ thị cũng phải mất tới 5 phút. Chính vì vậy, đề thi nếu không có sự phân bổ phù hợp, dễ làm khó thí sinh.
Điều cần quan tâm nữa là độ dài của đề thi trắc nghiệm. Để giải quyết được 50 câu trong 90 phút với nhiều dạng bài, học sinh cần có kiến thức rộng, học đều, tư duy nhanh nhạy, khả năng tính nhẩm nhanh, viết nhanh, bấm máy tính cũng cần nhanh.
Một loạt các yêu cầu này dễ khuyến khích học sinh học vẹt, học thuộc, chứ không dành thời gian suy nghĩ độc lập và tư duy phân tích.
Cũng không loại bỏ khả năng đề thi quá dài, thời gian ít dẫn tới việc thí sinh làm ẩu, tích bừa đáp án. Với 1,8 phút một câu, thí sinh không có thời gian kiểm tra lại bài, trong khi đây là bước quan trọng của môn Toán.
Cũng chính từ điều này, đề thi trắc nghiệm khó phân loại học sinh khá giỏi. Nếu đề thi tự luận có câu điểm 9, 10, thì thi trắc nghiệm, học sinh trung bình cũng có thể đánh bừa vào đáp án chính xác.
Ý tưởng thi trắc nghiệm sẽ rất phù hợp nếu có một sự chuẩn bị kỹ từ phía những nhà quản lý, người ra đề, thầy cô, và đặc biệt kiến thức cũng như tâm lý của thí sinh.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Zing
Thi THPT quốc gia 2017: Đừng 'thí nghiệm' thế hệ trẻ Hàng loạt đổi mới giáo dục thời gian gần đây khiến các bậc phụ huynh lo ngại rằng con em họ tiếp tục trở thành những "vật thí nghiệm" trong một môi trường giáo dục thiếu ổn định. Trên một diễn đàn của Báo Lao Động, bài viết "Thưa Bộ trưởng GD&ĐT, chúng tôi không muốn con mình thành 'chuột bạch' đã nhận...