Bộ Giáo dục lên tiếng về đề án 70.000 tỷ đồng
Tâm điểm chú ý trong tuần qua của dư luận xã hội được tập trung vào đề án 70.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông của Bộ GD&ĐT. Nhiều ý kiến xoáy vào tính khả thi của đề án cũng như những hệ luỵ của việc thay đổi chương trình sách giáo khoa đem lại.
Để rộng đường dư luận, Bộ GD&ĐT đã có công văn khẳng định, đề án mới ở giai đoạn nghiên cứu, con số 70.000 tỷ đồng mới là khái toán, còn phải điều chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Và cũng trong ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn cảm ơn sự đóng góp ý kiến chân thành của các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức và cá nhân cho bản dự thảo Đề án này.
Thứ trưởng Vinh Hiển cũng cho hay, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để nâng cao chất lượng dự thảo, hoàn thiện đề án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Liên quan tới các con số cụ thể trong đề án, ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, con số 70.000 tỷ đồng mà Bộ đưa ra mới chỉ là con số kinh phí dự toán. Trong tổng số tiền này, tiền chi cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 962 tỷ, tức là chưa đầy 1/70 tổng dự toán. Số tiền còn lại chi cho các việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 nghìn tỷ, chiếm 1/2 tổng dự toán; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 nghìn tỷ, gần một nửa tổng dự toán; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 390 tỷ đồng và kinh phí dành cho triển khai thí điểm chương trình, SGK là 3.591 tỷ đồng.
Kinh phí thực hiện Đề án trên tạm ước tính là 70 ngàn tỷ đồng, được huy động từ các nguồn sau: kinh phí triển khai các hoạt động hằng năm được Nhà nước phân bổ trong tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo và giao cho Bộ GD&ĐT quản lý; kinh phí phục vụ các hoạt động quản lý, chỉ đạo việc triển khai Đề án của Bộ GD&ĐT được trích từ kinh phí sự nghiệp hằng năm của ngành GD&ĐT.
Ngoài ra, Đề án còn được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí ngân sách của địa phương, của các dự án vốn vay, dự án viện trợ không hoàn lại, từ các nguồn xã hội hóa giáo dục trong việc cung cấp trang thiết bị cho các cấp học, trình độ đào tạo và các nguồn kinh phí khác.
Video đang HOT
Được biết, giai đoạn I của Đề án (2011 – 2013) dự kiến sẽ tiêu tốn tới 622 tỷ đồng, giai đoạn II (2014 – 2016) ngốn hết 32.644 tỷ đồng, giai đoạn III (2017 – 2019) số tiền cần chi là 36.346 tỷ đồng và giai đoạn IV sẽ phải cần tới 370 tỷ đồng.
Điểm khác biệt mà chương trình mới hướng tới là cân đối, hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và từng bước dạy nghề cho học sinh. (Ảnh minh họa).
Lý do Bộ xây dựng Đề án vì “đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ để khắc phục những thiếu sót của chương trình hiện hành, mà phải từng bước khai thác, lựa chọn, vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm đáp ứng “nhu cầu phát triển của xã hội” trong giai đoạn mới”.
Bộ GD&ĐT đã đưa ra những kết luận cơ bản đánh giá về chương trình và SGK hiện hành, trong đó cũng thừa nhận mặc dù hoàn thành việc thí điểm vài năm và mới triển khai đại trà, nhưng chương trình và bộ SGK hiện nay đã bộc lộ hạn chế. Đó là, chương trình giáo dục phổ thông chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, giữa chương trình cấp học với chương trình từng môn học, và không có tổng chủ biên xây dựng chương trình và biên soạn SGK môn học từ lớp 1 đến lớp 12; còn thiếu một số công trình nghiên cứu cần thiết cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông như: so sánh quốc tế, đặc điểm tâm sinh lí học sinh và sự phát triển năng lực nhận thức của học sinh Việt Nam trong giai đoạn mới.
Về SGK, còn nhiều thuật ngữ trừu tượng, chưa nhất quán, đôi chỗ quá cầu toàn về tính hệ thống, ôm đồm, nặng nề. Các tình huống liên quan đến cuộc sống được đưa vào sách còn gượng ép, hiệu quả chưa cao và vẫn có những bài học chưa thể hiện rõ định hướng về phương pháp dạy học, chưa chú ý thỏa đáng đến việc tạo cơ hội cho việc phát triển ý tưởng khoa học…
Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết, trong đề án, chương trình sách giáo khoa mới được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng là phải đạt các năng lực ấy. Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, cuộc sống, coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
Điểm khác biệt mà chương trình mới hướng tới là cân đối, hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và từng bước dạy nghề cho học sinh. Ngoài chương trình chung cho toàn quốc, sách giáo khoa cũng sẽ có phần dành riêng cho các địa phương chủ động xác định. Học sinh sẽ được tăng cường thực hành, giải quyết các tình huống thực tiễn từ đó tích hợp, tránh sự trùng lặp gây quá tải cho chương trình.
Theo BĐVN
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ 4 "nhà leo núi Olympia" 2011
Chiều nay 16/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã dành thời gian gặp gỡ thân mật với 4 thí sinh lọt vào vòng chung kết năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2011. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà leo núi Olympia được "diện kiến" người đứng đầu ngành giáo dục.
Trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm 2011 sẽ có sự góp mặt của 4 thí sinh trong đó có 3 thí sinh là nam. Nữ thí sinh có mặt duy nhất trong trận chung kết năm nay là Phạm Ngọc Oanh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng. Oanh có thành tích học tập rất đáng nể: 12 năm liền đạt học sinh giỏi, học sinh giỏi môn Hoá cấp huyện. Oanh cũng là thí sinh 2 lần về nhì cao nhất và dành được vòng nguyệt quế trong cuộc thi quý 1 vừa qua.
Trong số 3 thí sinh nam có em Lê Bảo Lộc, học sinh lớp 12 Tin Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận. 12 năm liên tục, Lộc đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bên cạnh đó Lộc còn sở hữu giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tin học, giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn tin học, huy chương bạc Olympic 30/4 môn Tin học. Đây cũng là thí sinh đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Nam thí sinh thứ hai là em Vũ Bạch Nhật, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Đông Thành, Quảng Ninh. Nhật là thí sinh đầu tiên mang điểm cầu truyền hình trực tiếp vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia về cho tỉnh Quảng Ninh sau khi giành vòng nguyệt quế quý IV.
Nam thí sinh cuối cùng là em Thái Ngọc Huy, lớp 12 Tin, Trường Quốc học Huế. Đây là năm thứ tư ngôi trường nhiều thành tích của Huế này có học sinh lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Tại buổi gặp mặt, các "nhà leo núi Olympia" đã tâm sự với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xung quanh các vấn đề học tập. Các thành viên trong đoàn leo núi đều cho rằng "thử thách lớn nhất" trong thời gian tới chính là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đang đến gần.
Sau khi nghe ý kiến của 4 "nhà leo núi Olympia", người đứng đầu ngành giáo dục bày tỏ sự khâm phục đối với thế hệ trẻ. "Tôi khâm phục sự hiểu biết của các thí sinh tham gia cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Vì có những câu hỏi không nằm trong chương trình học và nhiều khi người lớn ngồi dưới cũng không trả lời được"- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ
Trước khi chia tay 4 "nhà leo núi Olympia", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chúc các thí sinh bước vào vòng chung kết với một tinh thần bình tĩnh, tự tin và chiến thắng. Đồng thời, các em cũng sẽ làm tốt bài thi trong kỳ thi ĐH sắp tới.
"Những bài thi càng về sau, càng khó. Tôi ngày xưa cũng đi thi nhiều lắm. Năm tôi đi thi học sinh giỏi khu vực miền Bắc trước hôm thi được ông trưởng ty giáo dục gọi lên động viên. Tôi thấy những lời ấy thật xa vời. Nhưng đến bây giờ mới thấy đúng. Tôi hy vọng trong các em ngồi đây, sau này đất nước sẽ có những nhà khoa học, kiến trúc sư hay một Bộ trưởng Bộ GD-ĐT" - người đứng đầu ngành giáo dục nhắn nhủ.
Theo Dân Trí
Thêm nhiều địa phương công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2011 Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 đối với hệ THPT của học sinh trên địa bàn tỉnh là 92,76%, còn đối với hệ GDTX là 56,73%. Hôm nay Đăk Nông, Bắc Ninh, Bắc Kạn cũng đã công bố kết quả kỳ thi này. Như vậy so với năm trước tỉ lệ đỗ...