Bộ Giáo dục hồi đáp kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD – ĐT Trần Thị Thắm cho rằng rèn chữ dạy cho trẻ tính cận thận, chu đáo. Tuy nhiên nhà trường, phụ huynh không nên quá đề cao việc này.
Đừng gây thêm áp lực cho trẻ
- TS Vũ Hương và một số chuyên gia cho rằng hiện nay trẻ phải dành nhiều thời gian rèn chữ đẹp. Như vậy là không cần thiết. Xin bà cho biết ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề này?
- Bộ GD-ĐT không khuyến khích việc cho trẻ rèn chữ bên ngoài nhà trường, nhất là ở các lò luyện viết chữ đẹp. Việc làm như vậy mất quá nhiều thời gian, gây áp lực cho con trẻ và cả phụ huynh. Rèn chữ là một phần nhỏ có trong môn tập viết và có thời lượng nhất định. Chỉ cần giáo viên dạy theo chương trình Bộ ban hành là đạt rồi.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Trần Thị Thắm.
- TS Hương cho rằng chỉ cần dạy luyện chữ tốt cho trẻ ở lớp 1, lên các lớp sau hãy để trẻ phát triển tự do thay vì ngày ngày các cháu phải rèn chữ. Ý kiến của bà như thế nào?
- Bộ môn tập viết không thể chỉ trong một năm mà kéo dài lên những lớp trên. Thầy cô dạy nghiêm túc trên lớp sẽ dần dần hình thành tính cẩn thận, kiên trì cho học sinh.
- Nhưng thưa bà, tính cẩn thận, chu đáo có thể dạy thông qua nhiều hoạt động thú vị khác thay vì việc trẻ phải cặm cụi với công việc dễ khiến các em mệt mỏi, chán nản?
- Như đã nói, Bộ không yêu cầu và khuyến khích nhà trường và các giáo viên đặt nặng việc này. Thầy cô chỉ cần dạy đúng yêu cầu trong chương trình đã đủ để rèn cho trẻ tính chu đáo, cẩn thận rồi. Và việc rèn chữ cho trò chỉ trong các tiết học đó thôi.
Giáo viên hướng dẫn học sinh rèn chữ (Ảnh minh họa).
Video đang HOT
Cũng cần nói thêm là rèn cho trẻ viết đúng chính tả, rõ ràng không chỉ riêng môn tiếng Việt mà các bộ môn khác giáo viên luôn phải chú ý chỉnh sửa, uốn nắn cho trò mới mong tốt được.
Rèn chữ: vẫn cần duy trì
- Theo bà nét chữ có liên quan đến nết người không?
- Có liên quan. Nét chữ nết người muốn nói khi các em được tập viết, được rèn tính cẩn thận. Nhưng tính cẩn thận không có nghĩa anh phải hì hục để rèn chữ quá nhiều. Trong giờ tập viết các em được thầy cô uốn nắn từng chút một, viết cho đúng chuẩn. Khi đã đúng chuẩn là các em viết đẹp rồi. Nhiều trường học sinh không bao giờ đi rèn chữ bên ngoài, các em chỉ học trong giờ tập viết với số tiết nhất định nhưng viết rất đẹp.
- Như vậy việc rèn cho học sinh viết đúng viết đẹp vẫn cần, thưa bà?
- Việc đó vẫn cần nhưng không nên đề cao, đặt nặng quá.
- Tiểu học rèn chữ là vậy nhưng khi lên THCS khối lượng kiến thức lớn hơn, học sinh phải viết nhanh dẫn tới viết xấu, nhất là các cháu viết đẹp thậm chí bị phá chữ như TS Hương cho biết. Vậy thì rèn chữ vẫn phải có ở bậc tiểu học, thưa bà?
- Ở tiểu học, ta dạy và hình thành những kỹ năng ban đầu cho học sinh. Viết đúng chính tả, viết rõ ràng thậm chí đẹp là một trong kỹ năng cần có.
Lên THCS học sinh phải học nhanh hơn, việc nắn nót từng chữ một là không thể. Nhưng những em đã viết đẹp ở tiểu học nói chung vẫn giữ được như vậy. Có em không giữ được hẳn như vậy thì xấu đi ở chỗ không thể nắn nót nhưng chữ vẫn rõ ràng, viết đúng. Như vậy yêu cầu bậc tiểu học các em đã đạt được.
Chữ đẹp thời nào vẫn có chỗ đứng. Không có nghĩa khi đã có máy tính, thiết bị công nghệ thông tin là từ bỏ chữ viết, nhất là chữ đẹp. Nhiều văn bản quan trọng hay những bức thư đôi khi vẫn cần viết bằng tay hơn soạn trên máy tính. Tất nhiên, chữ đẹp phải đi cùng viết đúng chính tả mới đọc được.
Cắt xén chương trình để rèn chữ chỉ là cá biệt
- Có thực tế không ít giáo viên vì sức ép vở sạch chữ đẹp nên phải cắt xén chương trình, tập trung rèn cho học sinh. Bộ có biết việc này không, thưa bà?
- Nội dung, khung chương trình đã có thời khóa biểu cụ thể. Giáo viên làm sao chỉ dành nhiều thời gian cho tập viết được? Nếu có đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Về chuyên môn, nhà trường, các phòng giáo dục phải nắm sát tình hình để giúp các trường điều chỉnh hoạt động dạy và học cho thật tốt.
- Thật khó cho giáo viên khi đánh giá hiện nay chủ yếu thông qua môn Toán, Tiếng Việt, thưa bà?
- Nói như vậy là không hiểu về giáo dục rồi. Các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội chấm điểm. Các môn còn lại cũng quan trọng. Nhưng để giảm áp lực về điểm số nên không thực hiện cho điểm mà thay bằng nhận xét.
- Như vậy là từng bộ môn đều có vị trí quan trọng nhất định?
- Tập viết là 1 trong 5 phân môn của môn Tiếng Việt tiểu học nhằm dạy cho trẻ các kĩ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết và có vị trí quan trọng nhất định.
- Rồi còn cả phong trào hay cuộc thi vở sạch chữ đẹp nữa, thưa bà?
- Bộ không duy trì cuộc thi này. Phong trào vở sạch chữ đẹp Bộ cũng không chỉ đạo gì chuyện này.
Theo Vietnamnet
Đề xuất bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh
Theo môt tiên si ĐH Sư pham Ha Nôi, luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh rất tốn thời gian, vì vậy cần bỏ nội dung này trong chương trình học.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về giáo dục tiểu học. Chị cho rằng, luyện viết chữ đẹp và tính nhẩm nhanh đang là gánh nặng cho học sinh, cần phải bỏ vì nó tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích.
Thực tế, chị Hương nhận thấy người Việt Nam viết chữ đẹp và tính nhẩm rất nhanh. Nữ tiến sĩ tin rằng, dù viết ẩu đến mấy nhưng so với các bạn bè ở châu Âu chữ của chị vẫn "đẹp như chữ in", và tính nhẩm thì khiến họ phải thán phục. Dù vậy, tất cả các bạn đều bảo chị: "Chúng tôi sẽ không học như bạn, chỉ cần viết đúng chính tả và thuộc nguyên tắc làm tính là được rồi. Nếu cần chính xác và nhanh, chúng tôi dùng máy tính để tính và đánh văn bản".
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Qua khảo sát các chương trình giáo dục của Anh, Đức, Hungaria, Pháp... chị Hương thấy, họ không quá coi trọng hai môn Toán và tiếng mẹ đẻ. Trẻ lớp 1 được dạy cộng trừ trong phạm vi 10 bằng các thiết bị chứ ít khi ghi con số. Toán từ tiểu học lên trung học đều làm rất ít bài tập, lý thuyết là nhiều. Vì thế, việc học Toán không quá nặng, tập viết cũng không được coi trọng lắm.
Các nhà nghiên cứu giáo dục châu Âu nói rằng: Viết chữ đẹp hay làm toán nhanh chỉ là hoàn chỉnh một kĩ năng. "Có thể thấy, các môn khoa học như Địa lý, Sinh vật, Vật lý, Hóa học ở các nước được giảng dạy rất nhiều. Trẻ được học về văn hóa các dân tộc, văn hóa sống, kỹ năng sống....Điều này thật sự cần thiết vì đã tạo ra những con người hiểu biết", chị Hương nói.
Trong khi ở Việt Nam, học sinh cấp 1 kém hiểu biết về thế giới xung quanh. Cách giáo dục trẻ áp đặt và bệnh thành tích là hai vấn đề đã in rất sâu vào trong từng gia đình, từ những người vừa là bố mẹ vừa là cán bộ ngành giáo dục cho tới các phụ huynh khác. Hỏi điểm sau khi đi học về được coi là việc làm đương nhiên để thể hiện sự quan tâm đến con.
Các lớp luyện chữ đẹp hiện nay mọc lên rất nhiều và thu hút được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Ảnh: T.L
Ngay trong đánh giá xếp loại ở tiểu học, vở sạch chữ đẹp cũng là một tiêu chí. Luyện chữ đẹp, luyện tính nhẩm nhanh được dành thời lượng quá nhiều. Giáo viên cũng đặt nhiều kì vọng vào học sinh khi có kì thi viết chữ đẹp khiến các em phải chịu áp lực rất lớn. Những em viết xấu thì cảm thấy xấu hổ.
Theo tiến sĩ Hương, vấn đề khá trầm trọng của giáo dục Việt Nam là học lệch, học nhiều lý thuyết, ít bài tập, đề cao Văn, Toán, coi thường các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống (Sinh vật, Lịch sử, Địa lý....). Điều này thể hiện ở khắp các cấp nhưng rõ nhất là ở bậc tiểu học. Học sinh học quá nhiều tiết Toán (5 tiết/tuần), Tiếng Việt (8 tiết/tuần), còn những bộ môn được coi là phụ kia thì chỉ có từ 1 - 2 tiết.
Ngoài ra, việc đánh giá cũng rất thiên lệch. Cuối học kỳ chỉ xét điểm thi môn Toán và Tiếng Việt để tính điểm giỏi hay tiên tiến. Các môn như Tự nhiên - Xã hội, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thể dục.... đều chỉ làm cho có. Từ đó, việc dạy dỗ môn này bị coi là thừa, dẫn tới một hiện trạng là các cô thường cắt giảm các tiết học các môn này để luyện Toán và tiếng Việt cho các con.
"So sánh với các nước, tôi thấy nội dung quá tải chính là luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh. Đây là 2 kĩ năng tương đối khó nên mất nhiều thời gian dạy", nhà giáo có 20 năm đào tạo giáo viên tiểu học nhận định và đề xuất, nếu bỏ bớt 2 nội dung này, sức ép của việc học Toán và Tiếng Việt sẽ giảm đi. Như vậy, giáo viên sẽ tôn trọng thời lượng học tập của các môn phụ hơn và chắc chắn chất lượng học tập của các bộ môn được đánh giá là phụ đó sẽ đảm bảo hơn rất nhiều.
"Nét chữ nết người" không có nghĩa là những người "chữ xấu" đi liền với "nết xấu". Không thể phủ nhận khía cạnh tích cực của chữ đẹp nhưng nó chỉ là 2 kỹ năng của một con người mà kém một tí cũng "chẳng chết ai". Vì vậy, giáo viên chỉ cần yêu cầu viết đúng chính tả, sạch sẽ, không bị nhầm sang chữ khác là được.
Theo VnExpress
GĐ sở đồng loạt kiến nghị thi tốt nghiệp 4 môn Thi tốt nghiệp THPT 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) nhận được đa số ý kiến đồng ý của lãnh đạo các Sở GD - ĐT tỉnh thành. Trong số 45 sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 sở GD-ĐT đồng ý tổ chức thi 4 môn, có 2 sở GD-ĐT cho rằng vẫn nên thi 6...