Bộ Giáo dục đề xuất lùi thời gian triển khai chương trình phổ thông mới
Năm học 2019-2020 mới bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và chỉ áp dụng với lớp 1, những năm sau tăng dần số lớp.
Học sinh lớp 10 bắt đầu được định hướng nghề nghiệp
Ngày 3/10, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất lùi thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa mới một năm. Đến năm học 2019-2020, toàn quốc mới bắt đầu áp dụng.
Đề xuất này được đưa ra sau đợt lấy ý kiến người dân (tháng 4/2017). Tại cuộc họp tổng kết năm học (tháng 7), nhiều địa phương kiến nghị lùi để có thêm thời gian tập huấn giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn chương trình.
Chương trình phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ lùi thời gian triển khai một năm. Ảnh minh hoạ: Thanh Nguyên
Lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho các cấp học cũng được Bộ kiến nghị điều chỉnh. Thay vì triển khai cho cả 3 cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3,7, 10; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12.
“Lộ trình này sẽ hợp lý hơn vì cơ sở vật chất ở nước ta không thể cùng lúc cải thiện hết được mà phải làm dần dần. Cấp học THCS, THPT cần nhiều thí nghiệm, thực hành… không thể đòi hỏi trong một năm có cơ sở tốt luôn được”, GS Thuyết nói.
Video đang HOT
Về chương trình môn học, Tổng chủ biên cho hay, đã hoàn thành dự thảo lần hai và chuẩn bị lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên. Bản dự thảo được sửa đổi và ban chỉ đạo thông qua sau đó sẽ công bố để lấy ý kiến trong 60 ngày. Khi chốt chương trình môn học, chương trình sách giáo khoa sẽ bắt đầu làm.
Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể làm căn cứ để xây dựng dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Bản thảo này có sự tiếp thu ý kiến của chuyên gia, giáo viên, dư luận.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), không còn lớp dự hướng nghề nghiệp. Hệ thống môn học cũng chỉ còn bắt buộc và tự chọn. Các môn học được kế thừa và thống nhất giữa các cấp giúp học sinh không bỡ ngỡ khi gặp một môn với tên lạ lẫm.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định, thời gian thực học trong năm là 35 tuần, giảm 2 tuần so với bản dự thảo công bố ngày 12/4. Tổng số tiết học trong năm, số tiết trung bình trong tuần và thời lượng của một số môn học cũng được giảm đi so với trước.
Theo VNN
Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ môn học STEM
Ngày 25/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội thảo Giáo dục STEM trong chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tại đây, PGS.TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển CT GDPT tổng thể cho biết: CT GDPT mới có đầy đủ 4 môn học STEM.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định trong 1 tiết học theo CT giáo dục STEM. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Nhận thức của giáo viên về giáo dục STEM còn hạn chế
Giáo dục STEM trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn thay vì dạy 4 môn học rời rạc.
Trên thế giới, giáo dục STEM đã được quan tâm và triển khai ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2016 - 2017, giáo dục STEM mới được triển khai thí điểm ở 14 trường trung học tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định.
"Các dự án STEM bước đầu đã bước đầu khẳng định tính khả thi, hiệu quả, phát triển được các câu lạc bộ STEM trong trường, huy động được sự tham gia cha mẹ học sinh và cộng đồng..." - ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận: Nhận thức của cán bộ quản lý, cũng như giáo viên về giáo dục STEM còn nhiều hạn chế; các chủ đề STEM chưa thay thế được tiết học truyền thống; tổ chức thực hiện các chủ đề STEM chưa chú trọng khâu "thiết kế", tập trung nhiều vào "thi công"; nhiều dự án làm theo mẫu, theo quy trình có sẵn; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong trường cũng như khả năng khai thác thiết bị sẵn có vào dạy học còn hạn chế.
Ông Thành cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục STEM, đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT cũng sẽ hướng dẫn, chỉ đạo, tập huấn giáo viên về STEM.
STEM được ứng dụng như thế nào trong CT GDPT mới?
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HH
PGS.TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển CT GDPT tổng thể cho biết, trong CT GDPT mới giáo dục STEM sẽ được chú trọng. Cụ thể, CT có đầy đủ các môn học STEM là Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; các chủ đề STEM trong CT môn học cũng được tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở THCS).
Các chuyên đề dạy học về giáo dục STEM cũng sẽ có ở lớp 11, 12; các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu STEM.
Tính mở của CT cũng cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua CT địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường; qua những CT, hoạt động STEM được triển khai, tổ chức thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục.
Không dễ áp dụng
Khẳng định áp dụng những điểm mạnh của giáo dục STEM là hết sức có lợi và cần thiết với GDPT, nhưng với trình độ và năng lực của giáo viên, cơ sở vật chất của các trường, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương như hiện nay, GS.TSKH Đỗ Đức Thái - thành viên Ban Phát triển CT GDPT tổng thể, Chủ biên CT môn Toán cho rằng đây là trở ngại khi đưa giáo dục STEM vào thực tiễn.
GS. TSKH Đỗ Đức Thái cảnh báo: Cần xem xét lại các văn bản cần thiết chỉ đạo triển khai giáo dục STEM? cán bộ quản lí các nhà trường phổ thông có thực sự quan tâm đến giáo dục STEM hay không? Bởi nếu không thì có thể viện dẫn rất nhiều lí do để không áp dụng.
"Vấn đề tích hợp và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn là những vấn đề khó đối với giáo viên hiện nay. Tuy được nhấn mạnh nhiều trong những năm qua, nhưng thực tế diễn ra ở nhà trường thì chưa được như mong muốn. Có thể nói giáo dục STEM mới chỉ thực hiện được tại một số nhà trường phổ thông dưới hình thức thu hút một số học sinh tham gia dự thi đề tài (hay một sản phẩm nào đó), điển hình là kì thi Intel ISEP được tổ chức hàng năm" - GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cũng cho rằng, nếp nghĩ "thi gì học nấy" cũng là một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông...
Theo thanhtra.com.vn
Bộ GD&ĐT thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Theo GS Nguyễn Minh thuyết, dự kiến tháng 10 tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố chương trình các môn học và hoạt động giáo dục. GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho biết Bộ GD&ĐT đã thông qua chương trình. Tiếp đến là công đoạn biên soạn chương trình các môn học...