Bộ GDvàĐT lại cho phép thi vào lớp 6 sau 3 năm ‘cấm cửa’
Dưới hình thức bài thi đánh giá năng lực, Bộ GD&ĐT chính thức cho phép những trường THCS đặc thù được tổ chức thi tuyển, sau 3 năm “cấm cửa”.
Học sinh vào lớp 6 các trường đặc thù sẽ được tham gia bài thi đánh giá năng lực. Ảnh minh họa
Đây được xem là điều chỉnh đáng chú ý tại Hà Nội khi năm nào, việc tuyển sinh vào lớp 6 cũng là vấn đề nóng với những trường tốp đầu.
Một số trường lâu nay nổi lên có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh là Hà Nội- Amsterdam; THCS Cầu Giấy; Lê Lợi; Marie Curie… Tại TP.HCM, có trường Chuyên Trần Đại Nghĩa…
Về sự thay đổi này, nhiều trường cho biết, đã giảm hẳn áp lực tuyển sinh trong 3 năm qua khi Bộ GD&ĐT “cấm cửa” không cho thi tuyển dưới mọi hình thức mà chỉ được xét tuyển.
Video đang HOT
Ông Phạm Trung Dũng – Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều – Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình trước quy định sửa đổi này bởi đây là ngôi trường luôn nhận vào hàng nghìn hồ sơ xét tuyển mỗi năm, vượt gấp nhiều lần chỉ tiêu trường đề ra. Sự đồng tình này đã được thể hiện ngay thời điểm Bộ GD&ĐT đề ra dự thảo để lấy ý kiến dư luận vào năm 2017.
“Thực ra đây là nguyện vọng từ lâu của trường chúng tôi bởi năm nào số học sinh đăng ký vào lớp 6 cũng rất đông, vượt nhiều lần so với chỉ tiêu. Mấy năm vừa qua tuyển theo hình thức xét học bạ khiến trường rất khó khăn để tuyển lựa được số học sinh như mong muốn” – ông Dũng cho hay.
Theo ông Phạm Trung Dũng, hình thức tuyển sinh bằng bài thi năng lực là công cụ hữu hiệu để trường tuyển được học sinh có chất lượng một cách công bằng, khách quan. Học sinh cũng sẽ gói gọn thời gian thi tuyển hơn là dàn trải bằng những thủ tục giấy tờ hoặc các kỳ thi khác để lấy tiêu chí phụ.
Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra khách quan, ông Dũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cẩn trọng khi đưa ra những tiêu chí cụ thể cho bài thi đánh giá năng lực cũng như cách thức ra đề thi, tránh tình trạng luyện thi tràn lan gây mệt mỏi cho cả phụ huynh và học sinh. “Phương án của trường là xét tuyển dựa vào kết quả học tập 5 năm tiểu học kết hợp khảo sát qua kiểm tra viết, trắc nghiệm các câu hỏi về năng lực”.
Việc sửa đổi quy chế tuyển sinh cũng nhận được sự ủng hộ của bà Lê Kim Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy. Theo bà, bài thi đánh giá năng lực sẽ giúp trường giảm được đáng kể áp lực tuyển sinh sau 3 năm thực hiện quy định “cấm mọi hình thức thi cử” của Bộ GD&ĐT (từ năm 2014). Dự kiến, năm học 2018 -2019 trường THCS Cầu Giấy sẽ tuyển 280 chỉ tiêu.
Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ GD&ĐT vừa công bố, việc tuyển sinh vào lớp 6 có điều chỉnh đáng chú ý: Các trường THCS mang tính đặc thù (có đầu vào vượt quá chỉ tiêu cho phép) sẽ được chính thức thi tuyển với hình thức bài đánh giá năng lực.
Cụ thể, nếu thông tư 11 quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”, thì dự thảo mới bổ sung: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục – đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Theo PNVN
Cho phép 1 số trường THCS kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 05 /2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
ảnh minh họa
Theo quy định mới, tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Việc tuyển sinh vào THCS và THPT được tổ chức một lần trong năm; bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn.
Thông tư mới cũng sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc việc tuyển thẳng và chế độ ưu tiên. Theo đó, chỉ tuyển thẳng với học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.
Bãi bỏ khoản 3 Điều 7; cụm từ "khuyến khích" tại khoản 4 Điều 6, tên Điều 7 và khoản 1 Điều 10.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2018. Các Sở GD&ĐT có quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh thi nghề phổ thông thì tiếp tục áp dụng tuyển sinh năm học 2018-2019.
Theo Giaoducthoidai.vn
Bộ GDvàĐT đề nghị bảo vệ quyền lợi 500 giáo viên ở Đắk Lắk Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Cục sẽ có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý vụ 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở Đắk Lắk theo đúng quy định và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo. Hàng...