Bộ GD&ĐT: Tăng điểm liệt từ một lên 3 chỉ là tin đồn
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT – cho biết thông tin tăng điểm liệt hay trừ điểm nếu tô sai đáp án ở bài thi trắc nghiệm là không chính xác.
Một số diễn đàn mạng xã hội có thông tin về việc tăng điểm liệt từ một thành 3 và tăng độ khó của đề thi, thí sinh khoanh đáp án sai trong bài thi trắc nghiệm có thể bị trừ điểm. Những thông tin này khiến học sinh hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, theo thông tin này, năm 2017, số điểm liệt bị giảm đáng kể so với năm trước do phần lớn môn thi đều xây dựng theo hình thức trắc nghiệm, tạo điều kiện cho thí sinh khó bị điểm liệt.
Thậm chí, nhiều thí sinh chỉ cần khoanh bừa cũng có thể đạt điểm bài thi trên một. Do đó, một số chuyên gia kiến nghị tăng điểm liệt lên 3 điểm ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Tiến Tuấn.
Ngoài ra, thông tin này cũng nêu Bộ GD&ĐT sẽ tăng độ phân hóa, độ khó của đề thi.
Để hạn chế việc học tủ, học vẹt và tăng tính đánh giá, phân loại thí sinh, các chuyên gia đề xuất Bộ GD&ĐT nên có phương án trừ điểm nếu chọn đáp án sai. Mức trừ đang được đề xuất là 1/3 điểm của mỗi câu hỏi.
Ngày 23/8, ông Mai Văn Trinh cho hay vấn đề tăng điểm liệt hay trừ điểm nếu tô sai đáp án, đến giờ phút này, Bộ GD&ĐT chưa chốt phương án. Đó đều là những thông tin không có căn cứ.
Video đang HOT
Sau này, khi làm quy chế, nếu chốt các phương án, Bộ GD&ĐT sẽ thông báo chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh không nên hoang mang bởi những thông tin không chính thống.
Cũng theo ông Trinh, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 diễn ra ngày 21/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đưa ra một số chỉ đạo về công tác thi THPT quốc gia.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu giữ nguyên phương án thi nhưng cần có một số cải tiến về mặt kỹ thuật để đảm bảo tính khách quan, an toàn của kỳ thi vào năm 2018.
Theo Zing
Nếu thi chung sẽ không đánh giá được năng lực học sinh
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông - cho rằng nếu vẫn thi chung sẽ không đánh giá được năng lực học sinh.
Cuối tháng 7, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông qua Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Những vấn đề mà xã hội quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT có được tổ chức nữa hay không, sắp xếp giáo viên ra sao, lộ trình triển khai... được quy định như thế nào trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?
PV đã phỏng vấn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, tổng thể về các nội dung này.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần đổi mới thi cử và chất lượng đào tạo giáo viên.
- Thưa ông, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua ngày 27/7. Theo ông, các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên hiện nay sẽ phải thay đổi như thế nào để triển khai chương trình mới?
- Trước hết về điều kiện cán bộ quản lý và giáo viên phải đạt chuẩn. Trước khi triển khai thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn kỹ hơn, làm sao để tất cả giáo viên có thể trực tiếp nghe người soạn thảo chương trình, người biên soạn sách giáo khoa trình bày ý tưởng, trình bày về phương pháp dạy học và nếu giao lưu qua mạng trực tuyến thì giáo viên cũng có thể tương tác với báo cáo viên.
Về các điều kiện cơ sở vật chất, điều mà chúng tôi nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ của các trường, diện tích lớp học, ánh sáng, trang thiết bị, thư viện và sĩ số học sinh trong lớp. Nếu bây giờ một sĩ số học sinh trong lớp quá đông thì rất khó thực hiện đổi mới phương pháp.
Một vấn đề nữa cũng phải đổi mới là cách thi cử, bởi vì nếu chúng ta vẫn thi chung như hiện nay thì rất khó đánh giá được năng lực thực tiễn của học sinh. Tôi nghĩ đây là một số điều kiện phải quan tâm, nhưng điều kiện số 1 là giáo viên.
- Như ông vừa nói là điều kiện số 1 để thực hiện chương trình mới là giáo viên. Vậy ông có lo ngại sẽ xảy ra tình trạng dôi dư giáo viên ở các môn học giảm bớt thời lượng so với hiện nay và thiếu giáo viên ở các môn học mới như nghệ thuật, âm nhạc hay không?
- Về việc thiếu giáo viên nghệ thuật thì chắc chắn điều đó xảy ra. Bởi vì hiện nay ở các trường THPT thì hầu hết không có giáo viên nghệ thuật.
Tôi nghĩ là bây giờ mà mình đòi hỏi có ngay 100% các giáo viên các môn học thì rất là khó. Nhưng nếu các trường mà chưa có giáo viên nghệ thuật thì học sinh được quyền sang học ở trường bên cạnh, hoặc là đến học một số học phần ở các trường nghệ thuật ở địa phương.
Trong chương trình thì cũng quy định rõ là nhà trường được quyền bố trí các tổ hợp môn học làm sao cho phù hợp với nguyện vọng học sinh, đồng thời phù hợp với điều kiện đáp ứng ở trường mình.
Về việc liệu có dư thừa giáo viên không thì với cách xác định các môn học ở trung học phổ thông hiện nay thì tôi nghĩ là khả năng dư giáo viên là khó. Vì các trường được quyền bố trí tổ hợp môn học phù hợp với nguyện vọng học sinh, nhưng đồng thời phù hợp với điều kiện trường mình.
Thứ 2 là học sinh được lựa chọn tới 5 môn học và mỗi nhóm môn phải chọn ít nhất 1 môn, cộng với 5 môn học bắt buộc, cộng với hoạt động trải nghiệm, với nội dung giáo dục địa phương thì tôi nghĩ là cũng không ảnh hưởng đến công ăn việc làm của giáo viên.
- Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể công bố vào tháng 4 năm nay là sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng trong dự thảo mới được phê duyệt lại không nói rõ về vấn đề này. Lý do vì sao lại có sự thay đổi này thưa ông?
- Dự thảo cũ có quy định là học sinh tích lũy đủ kết quả các môn học được nhà trường đánh giá thì được xét công nhận tốt nghiệp. Chúng tôi cũng thấy đấy là điều kiện để thực hiện chương trình bởi vì đây là một chương trình đòi hỏi thực hành rất là nhiều.
Nếu chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi chung, kể cả kỳ thi ở cấp tỉnh thôi thì cũng rất khó đánh giá được năng lực thực hành của học sinh. Những cuộc thi ấy, kể cả tuyển sinh đại học mà chỉ dựa trên một vài môn học thôi thì nó sẽ tác động ngược trở lại với quá trình học, làm cho học sinh, giáo viên duy trì nếp là thi gì học nấy, thi cách gì học cách nấy.
Bây giờ phải có quy định mới để thực hiện một nếp mới là học gì thi nấy, học theo cách gì, thi theo cách nấy. Tức là thi sẽ tác động rất lớn đến quá trình dạy học và đổi mới thi cử là một trong những biện pháp, điều kiện để hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình này.
Thế nhưng khi đưa ra Hội đồng thẩm định thì Hội đồng thẩm định đề nghị chúng tôi là không nên quy định như vậy vội bởi vì hiện nay Luật Giáo dục vẫn quy định thi tốt nghiệp THPT và Nghị quyết 88 của Quốc hội vẫn là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp.
Theo Minh Hường / VOV
'Giáo dục xuống cấp như thế sao lại kêu gọi bình tĩnh?' PGS Văn Như Cương nhận định điểm chuẩn ngành sư phạm báo hiệu cuộc cải cách giáo dục toàn diện sẽ thất bại. Bộ GD&ĐT cần có biện pháp khắc phục kịp thời thay vì kêu gọi bình tĩnh. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học diễn ra sáng 11/8, Bộ trưởng GD&ĐT...